Kỳ thi tuyển vào các ngân hàng hàng năm thu hút rất nhiều ứng viên tại các vị trí, chứng tỏ sức hút của công việc tại ngân hàng luôn rất lớn. Vậy làm ngân hàng có vất vả hay không, cụ thể làm ngân hàng là làm những công việc gì và mức lương là bao nhiêu? Hãy cùng Blog TopCV tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Làm ngân hàng có vất vả không? Công việc là gì?
Trong một ngân hàng có rất nhiều khối bộ phận như: Khối ngân hàng bán buôn, Khối ngân hàng bán lẻ, Khối kinh doanh & quản lý vốn, Khối quản lý rủi ro, Khối tài chính – kế toán, Khối tác nghiệp, Khối vận hành, Khối pháp chế, Khối phê duyệt tín dụng,… Các khối thường được chia làm 3 bộ phận chính: front office, middle office và back office. Mỗi khối sẽ có nhiệm vụ cũng như tính chất công việc khác nhau.
Công việc tại ngân hàng thường có khối lượng lớn, tính chất công việc nhiều áp lực, dù là khối front office làm việc trực tiếp với khách hàng giao dịch hay khối back office thực hiện những công việc liên quan tới số liệu, báo cáo,… Do đó, các vị trí tại ngân ahnfg thường đòi hỏi nhân viên có khả năng chịu áp lực tốt, có khả năng tăng ca thường xuyên, đặc biệt trong những ngày quyết toán cuối tháng, cuối quý hay cuối năm
>>> Tham khảo: Tất tần tật những điều bạn cần biết về hệ thống tuyển dụng Ngân hàng Việt Nam
Những vị trí công việc phổ biến trong ngành ngân hàng
Trong một ngân hàng có rất nhiều vị trí công việc khác nhau, tùy theo định hướng của bản thân mà bạn có thể chọn cho mình những công việc thuộc khối chuyên môn phù hợp.
Chuyên viên quản lý rủi ro
Khối quản lý rủi ro thuộc khối nghiệp vụ và là một trong những nghiệp vụ quan trọng nhất tại bất cứ ngân hàng nào dù là ngân hàng thương mại hay ngân hàng đầu tư. Công việc của chuyên viên quản lý rủi ro bao gồm: theo dõi, quản lý, phân tích và đo lường rủi ro trong các mảng nghiệp vụ tài chính, tín dụng, đầu tư,… của ngân hàng, xây dựng các chính sách, bộ tiêu chuẩn và thiết lập các công cụ đo lường để quản lý rủi ro phát sinh, phối hợp với các bộ phận khác như tín dụng, thẩm định, quản lý vốn,… nhằm kiểm soát và giảm thiểu rủi ro
>>> Tham khảo: Vị trí nhân viên quản lý rủi ro và những điều cần biết
Chuyên viên thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại
Thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại là một trong những nghiệp vụ quan trọng nhất tại các ngân hàng. Chuyên viên thanh toán quốc tế có nhiệm vụ thực hiện các giao dịch thanh toán với phương thức L/C, L/C nội địa, D/P, D/A, T/T, L/C UPAS,… và tiến hành tài trợ vốn đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Đối với xuất khẩu: Tài trợ trước giao hàng, khi có hợp đồng hoặc L/C; chiết khấu hối phiếu và bộ chứng từ L/C nội địa, bộ chứng từ xuất khẩu (L/C, DP), ứng trước khoản phải thu trả chậm,…Đối với nhập khẩu: tài trợ nhập khẩu, bảo đảm thanh toán cho doanh nghiệp, phát hành L/C trả chậm,…
Giao dịch viên
Giao dịch viên thuộc khối front office của ngân hàng, là người trực tiếp thực hiện và xử lý những giao dịch của khách hàng tại ngân hàng, bao gồm các nghiệp vụ liên quan tới tài khoản, giao dịch tiền gửi, hạch toán giao dịch, hoàn thiện thủ tục giấy tờ, mở và quản lý các tài khoản tiền gửi, phát hành các loại thẻ (ATM/debit, credit, thẻ thanh toán quốc tế,…), cung cấp lại mật khẩu thẻ, mật khẩu tài khoản internet banking, quản lý tiền gửi, lệnh chuyển tiền, lệnh thanh toán, thu chi tiền mặt, thu đổi các ngoại tệ theo tỷ giá, chi trả kiều hối,… quản lý tồn quỹ tiền mặt được giao, duy trì hạn mức thu chi trong ngày, thực hiện báo cáo trong ngày và khớp quỹ tiền mặt của phòng giao dịch/chi nhánh
Ngoài ra, giao dịch viên còn là người giải đáp thắc mắc, giải quyết khiếu nại của khách hàng về những thủ tục và nghiệp vụ tại ngân hàng, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ mới. Không chỉ vững vàng kiến thức chuyên môn mà họ còn phải trau dồi những kỹ năng chăm sóc khách hàng chu đáo, tạo dựng hình ảnh giao dịch viên chuyên nghiệp, thân thiện với khách hàng
>>> Tham khảo: Mô tả chi tiết công việc của giao dịch viên ngân hàng
Chuyên viên quan hệ khách hàng
Chuyên viên quan hệ khách hàng trong ngân hàng là người giới thiệu, tư vấn, thuyết phục, chăm sóc các nhóm khách hàng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính của ngân hàng như: quản lý tiền gửi, cho vay, tín dụng, bảo hiểm liên kết ngân hàng (banca),… Trong đó, chuyên viên quan hệ khách hàng doanh nghiệp tập trung vào nhóm đối tượng khách hàng doanh nghiệp với các sản phẩm đặc trưng như: vay vốn kinh doanh, tài trợ thương mại, thanh toán quốc tế, tín dụng, tài khoản trả lương,.. Còn chuyên viên quan hệ khách hàng cá nhân thường mở rộng các gói sản phẩm cá nhân như mở thẻ tín dụng, cho vay cá nhân,…
>>> Tham khảo: Trọn bí kíp bộ phỏng vấn chuyên viên quan hệ khách hàng cá nhân
Chuyên viên quản lý tín dụng
Công việc của chuyên viên quản lý tín dụng bao gồm kiểm soát, thẩm tra, rà soát các bộ hồ sơ tín dụng (hồ sơ vay vốn tại ngân hàng), tạo điều kiện giải ngân cho khách hàng. Sau khi được giải ngân, họ sẽ là người trực tiếp quản lý hồ sơ và theo dõi quá trình sử dụng vốn của khách hàng trong thời gian vay nợ, trả nợ.
>>> Tham khảo: Quản lý tín dụng là gì? Chuyên viên quản lý tín dụng giỏi cần những kỹ năng gì?
Chuyên viên kiểm toán nội bộ
Kiểm toán nội bộ có nhiệm vụ kiểm tra, rà soát và kiểm định các hồ sơ, báo cáo tài chính về các hoạt động của ngân hàng, tìm ra những lỗi phát sinh trong hoạt động tài chính của các bộ phận trong ngân hàng, từ đó đảm bảo các hoạt động tài chính được thực hiện đúng pháp luật.
>>> Xem thêm: Ngành kiểm toán là gì? 5 kỹ năng cần có của kiểm toán viên thành công
Một số bộ phận khác
Bên cạnh những khối nghiệp vụ thuộc chuyên môn tài chính, hệ thống ngân hàng là một cỗ máy khổng lồ và phức tạp, do đó không thể thiếu những vị trí như: công nghệ thông tin, nhân viên vận hành, quản lý hệ thống thẻ và cây ATM, bộ phận kế toán nội bộ, bộ phận pháp chế,… Đây đều là những bộ phận quan trọng liên quan tới sự hoạt động ổn định và trơn tru của ngân hàng.
Những lầm tưởng khi nghĩ về ngành ngân hàng
Lương các vị trí trong ngân hàng
Mức lương các vị trí trong ngân hàng thường khá cao, lương tháng dao động từ 9.000.000 đồng cho tới 15.000.000 đồng/tháng, chưa kể các khoản thưởng KPI theo tháng, thưởng quý, thưởng Lễ tết hàng năm có thể lên tới 5-7 tháng lương. Do đó, nhiều người nghĩ rằng công việc tại ngân hàng rất nhẹ nhàng, trong khi đó, trên thực tế, khối lượng công việc tại mỗi bộ phận đều rất lớn, thường xuyên tăng ca và làm việc liên tục từ 10-12 tiếng/ngày, chưa kể những đợt quyết toán cuối quý, cuối năm.
Thường xuyên được đi lại, gặp gỡ khách hàng
Những vị trí thuộc khối khách hàng như chuyên viên quan hệ khách hàng, chuyên viên thẩm định tín dụng,… có thể đi lại, gặp gỡ khách hàng bên ngoài mà không cần thường trực tại văn phòng. Tuy nhiên, công việc quan hệ khách hàng hay thẩm định tín dụng cũng có những vất vả riêng, đặc biệt là áp lực KPI và tính chính xác khi thẩm tra tín dụng.
Không có áp lực
Trên thực tế, không có công việc nào không có áp lực, đặc biệt với khối ngành tài chính – ngân hàng, nhân viên thường xuyên phải làm việc với cường độ cao và áp lực lớn: áp lực doanh số, áp lực từ phía khách hàng, khối lượng công việc lớn,…
Có nên làm việc trong ngành ngân hàng hay không?
Ngân hàng là định chế tài chính quan trọng không thể thay thế trong bất cứ nền kinh tế nào, do đó, nếu bạn thực sự yêu thích lĩnh vực tài chính thì công việc trong ngành ngân hàng là một cơ hội không nên bỏ qua. Bạn có thể tham khảo trọn bộ những câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn ngân hàng hoặc tìm hiểu thêm về kinh nghiệm thi tuyển và làm việc tại Vietcombank, kinh nghiệm thi tuyển và làm việc tại Techcombank, Vietinbank để nắm được cách thi tuyển vào ngân hàng thành công nhé!
Hy vọng rằng, thông qua việc tìm hiểu làm ngân hàng có vất vả không, bạn đã có thêm kiến thức về công việc trong ngành Ngân hàng. Nếu bạn muốn tìm kiếm việc làm HOT thì hãy lựa chọn TopCV để tìm việc. Truy cập TopCV ngay hôm nay để không bỏ lỡ những vị trí việc làm ngân hàng hấp dẫn nhất nhé!
Nguồn ảnh: Sưu tầm