Giao dịch viên và quan hệ khách hàng là hai vị trí tuyển dụng liên tuc ở các ngân hàng hiện nay. Lương thưởng hấp dẫn lại không yêu cầu quá cao, rất nhiều ứng viên trẻ đã nhăm nhe tới những vị trí này. Bài viết sau đây cho bạn cái nhìn rõ nhất về hai công việc kể trên. Đặc biệt là từ góc nhìn của người trong cuộc.
Mình học tín dụng nhưng đã theo giao dịch viên ngân hàng được 3 năm…
Mình đi học ngân hàng với không một mục tiêu rõ rệt. Chỉ là hồi đi học, nghe nhiều bạn bè, anh chị rỉ tai nhau rằng làm ngân hàng vừa lương lại cao nên cũng bấm bụng. Vậy là đặt vào học. Thậm chí gần đến năm cuối, phải chọn chuyên ngành, thì bản thân mình cũng chả biết chọn làm bên kế toán hay Tín dụng. Đành tung xúc xắc chọn ngay tín dụng học thôi.
Đầu năm 4 đi thực tập. Các anh chị cho vào phòng khách hàng để tìm hiểu công việc và phụ các bạn tín dụng vài thứ lặt vặt. Nói là lặt vặt nhưng công việc cũng khá “khoai” (so với mình). Sau khi ra trường mình ứng vào vị trí Giao dịch viên vì nghĩ chắc đỡ cực hơn (lười nên thế).
Mẫu CV Giao dịch viên ngân hàng của TopCV
Và sau 3 năm, mình thấy quyết định chọn làm GDV của mình vẫn là sáng suốt (đối với bản thân mình nhé)
Tùy thuộc vào tính cách, mục đích sống của từng người. Mình sẽ không nói là Giao dịch viên sướng hay chuyên viên khách hàng sướng. Mình sẽ viết về từng mặt của hai vị trí đó để mọi người thấy phù hợp với công việc nào hơn thì ứng tuyển.
Về vị trí chuyên viên khách hàng:
Những điểm cộng
Nếu bạn hoàn thành KPIs, chắc chắn lương sẽ cao hơn vị trí giao dịch viên. Cuối năm lương thưởng cũng cao hơn. Đi làm mà, kiếm tiền là mục đích chính để trang trải cơm áo gạo tiền và những cuộc nhậu nhẹt ăn chơi. Một công việc có thu nhập ổn nhất định sẽ đem lại cho bạn nhiều động lực hơn.
Hay ra ngoài gặp gỡ khách hàng. Thời gian làm việc linh động và thoải mái hơn.
Mối quan hệ được mở rộng, quen được nhiều người. Thực ra giao dịch viên hay quan hệ khách hàng cũng sẽ có được mối quan hệ phụ thuộc vào năng lực của mỗi người. Tuy nhiên quan hệ khách hàng sẽ là vị trí nhận được nhiều lợi ích nhất từ việc mở rộng mối quan hệ.
Cơ hội thăng tiến nhanh và cao hơn giao dịch viên. Ở chỗ mình làm có một anh đang là chuyên viên quan hệ khách hàng. Nhờ kinh nghiệm làm việc và cách làm việc khoa học. Sau 3 năm đã được làm Giám đốc của một Phòng Giao Dịch.
Tuy nhiên …
Suốt ngày ra ngoài gặp gỡ khách hàng, đi công chứng, đi thẩm định. Công việc việc này buộc bạn phải không quản nắng mưa. Khi nào khách ới là có mặt ngay. Nhiều lúc giữa cái nắng 40 độ mà nhìn các anh chị ra ngoài về, mồ hôi lấm tấm trên mặt cũng thấy thương.
Quan trọng hơn là cái công cuộc nhắc nợ nó mới ám ảnh. Lúc trước khi vay thì ăn nói nhẹ nhàng. Khi vay được rồi thì ngân hàng lại trở thành con nợ của khách hàng. Suốt ngày: “Chị ơi, nay trễ hạn một ngày rồi, chị ra nộp giúp em nhé”. Hay “anh ơi, món vay của anh đến ngày thứ 9 rồi, mai anh không nộp là món vay của anh bị nhảy nhóm nợ đấy”
Thậm chí là để khách hàng không bị nhảy nhóm nợ. Chuyên viên tín dụng còn tự bỏ tiền túi ra nộp cho khách. Rồi mòn mỏi khách mới trả lại cho. Công cuộc đi tìm kiếm khách hàng đã vất vả. Công cuộc đòi nợ còn vất vả hơn. Nhiều khi tranh thủ buổi trưa đến nhà khách hàng uống nước chè trong khi bụng đói meo. Hay mắc màn ngủ ngoài cổng chờ khách về đòi cho bằng được nợ.
Còn về vị trí Giao dịch viên (GDV)
Điểm ghi nhận
Điểm mọi người dễ dàng nhìn thấy nhất là mặt hoa da phấn, quần áo nuột nà, xinh tươi ngồi trong điều hòa 18 độ. Giao dịch viên nhìn chung chỉ ngồi trước màn hình máy tính gõ gõ bấm bấm. Về phần nhìn thì công nhận rất nhàn nhã
Giao dịch viên không cần phải ra ngoài như các bạn quan hệ khách hàng. Nắng không đến mặt, mưa không đến đầu. Về mặt lý thuyết thì chỉ làm việc 8 giờ hành chính.
Cơ hội thăng tiến của một GDV thường thường là: GDV – Kiểm soát viên – Trưởng phòng Kế toán ngân quỹ – Giám đốc.
Cũng có thể mở rộng được mối quan hệ. Tuy nhiên là mối quan hệ xã hội. Ví dụ như được tiếp xúc những đại gia về gửi tiền tiết kiệm. Khéo ăn khéo nói sẽ học được rất nhiều điều bổ ích. Không phải người ta giàu vì ngẫu nhiên. Người có tiền đa số đều có trình độ. Tiếp xúc nhiều tất nhiên mình cũng được “thơm” lây.
Tuy nhiên…
Giao dịch viên ngân hàng, thưc ra chỉ khác cái tên chứ công việc không khác kế toán là mấy. Làm sổ sách mà, độ chính xác phải tuyệt đối đến từng đồng. Sai một ly, đi một dặm.
Phải cẩn thận, lơ đãng là đền tiền như chơi. Có khi do khách hàng đưa nhầm tiền giả mà không để ý. Một ngày mấy chục lượt khách ra vào, biết của ai mà đi xin lại. Đành ngậm ngùi bỏ tiền túi ra thôi. Hay có khi chi tiền cho khách hàng, 2 tờ tiền dính vào nhau. 2 mà thành 1, rồi cuối giờ cũng lại bỏ tiền túi ra bù.
Lúc nào cũng phải tươi cười, niềm nở với khách hàng. Kể cả khi mệt mỏi, kể cả khi bị khách hàng chửi cũng vẫn phải cười. Nghề dịch vụ trong thị trường cạnh tranh. Mình không làm khách hàng hài lòng thì khách hàng chuyển qua ngân hàng khác là chuyện bình thường.
Ngồi cả ngày một chỗ, nhiều khi muốn đi uống nước hay vệ sinh cá nhân cũng khó nếu khách đông. Không vận động ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Hầu hết giao dịch viên đều thường xuyên bị đau nhức. Rồi làm việc máy tính nhiều, thị lực yếu hơn. Chưa kể ngồi văn phòng điều hoà nhiều cũng không tốt cho sức khoẻ là mấy.
Vị trí nào cũng có điểm lợi – điểm khó
Ai làm ngân hàng cũng phải quen với việc tiếp khách. Giao dịch viên hay quan hệ khách hàng đều như vậy.
Làm việc trong môi trường này thì phải quen với áp lực. Mỗi vị trí đều có những đòi hỏi riêng. Không đo được giao dịch viên hay quan hệ khách hàng là công việc căng thẳng hơn.
Nhiều người cho rằng vị trí giao dịch viên chỉ hợp với nữ. Hay quan hệ khách hàng là công việc dành cho nam. Với những tính chất công việc mình nhắc tới ở trên thì quan điểm này cũng khá hợp lý. Tuy nhiên công bằng mà nói thì cơ hội luôn có cho cả hai giới ở những công việc này. Không nhiều người lựa chọn không có nghĩa là bạn sẽ không làm được.
Thực ra kể cả khi bạn đã chuyển từ giao dịch viên sang quan hệ khách hàng hay ngược lại thì vẫn có người không thích cả 2 vị trí. Và sẽ tìm vị trí khác, công việc khác ở một nơi khác không phải là ngân hàng.
Các bạn cứ làm đi, không hợp hay không thích thì đi tìm bằng được cái mà mình thích. Chả sao cả, cuộc sống mà. 50% thời gian, thậm chí là 60% đến 70% thời gian mình ở chỗ làm nên mình phải yêu thích, cảm thấy thoải mái thì mới gắn bó lâu dài được. Thế nhé. Chúc các bạn tìm được công việc phù hợp với bản thân.