Trong những năm gần đây, Marketing dần trở thành một lĩnh vực thu hút các bạn trẻ, điểm chuẩn và tỉ lệ chọi tại khoa Marketing trong các trường Đại học – Cao đẳng luôn rất cao. Tuy nhiên, chưa nhiều bạn thực sự hiểu về ngành marketing và quản trị marketing là gì, làm những công việc thế nào và có lộ trình phát triển ra sao. Bài viết dưới đây của Blog TopCV sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về ngành marketing nhé!
Ngành quản trị Marketing là gì?
Ngành Quản trị Marketing (Marketing Management) đào tạo về chiến lược marketing tổng thể, bao gồm lập kế hoạch, thực hiện kế hoạch marketing với các hoạt động: định giá, khuyến mãi và phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhằm thỏa mãn những khách hàng mục tiêu và đạt được mục tiêu phát triển của doanh nghiệp. Chương trình học ngành quản trị marketing sẽ cung cấp cho sinh viên những kiến thức như sau:
(1) Nghiên cứu, phân tích môi trường kinh doanh, thị trường, ngành hàng, khách hàng, đối thủ và cơ hội/tiềm năng marketing
(2) Phân đoạn thị trường (Market Segmentation) và lựa chọn thị trường mục tiêu, khách hàng mục tiêu
(3) Xây dựng chiến lược marketing tổng thể
(4) Lập kế hoạch cho các chiến dịch marketing theo từng giai đoạn
(5) Tổ chức, điều phối và thực hiện các chiến dịch marketing
(6) Đánh giá, kiểm soát việc thực hiện chiến dịch marketing, chiến lược marketing
>>> Tham khảo: Ngành Marketing học trường nào? Phẩm chất của người Marketing giỏi
Học quản trị Marketing ra làm gì? Mô tả chi tiết công việc quản trị marketing
Vai trò của nhân sự quản trị marketing trong doanh nghiệp là rất quan trọng. Trong doanh nghiệp, họ là người xây dựng chiến lược và thực thi các kế hoạch marketing, từ đó thúc đẩy doanh số của công ty và xây dựng thương hiệu vững mạnh trên thị trường. Nhiệm vụ chính của một người làm quản trị marketing bao gồm những công việc: hoạch định chiến lược marketing và thực thi chiến dịch marketing.
Hoạch định chiến lược marketing
Đây là công việc quan trọng nhất của nhà quản trị marketing. Để lập chiến lược marketing, họ cần tổ chức nghiên cứu thị trường, phân tích tâm lý khách hàng mục tiêu, phân tích đối thủ cạnh tranh, phối hợp với các CEO và bộ phận khác như kinh doanh, R&D,… để nghiên cứu điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp, phát triển định hướng sản phẩm, kênh phân phối, chiến lược giá theo mô hình 4P marketing – marketing mix. Từ chiến lược marketing tổng thể, nhà quản trị marketing sẽ xây dựng nên các chiến dịch marketing theo từng giai đoạn.
Thực thi chiến dịch marketing
Người làm quản trị chiến lược có thể trực tiếp hoặc tham gia điều phối, sắp xếp kế hoạch, nhân sự,… cho các hoạt động trong chiến dịch marketing như: tìm kiếm, xây dựng kênh phân phối sản phẩm, lên kế hoạch truyền thông tích hợp (IMC), xây dựng kế hoạch content marketing cho các kênh truyền thông owned media, paid media, earned media, quản lý các hoạt động quảng cáo, tổ chức event, booking PR,…
Nhiệm vụ quan trọng của nhà quản trị chiến lược marketing trong giai đoạn thực thi đó chính là theo dõi và đánh giá performance của chiến dịch một cách nhanh chóng và chính xác. Từ đó kịp thời điều chỉnh các hoạt động trong chiến dịch, đảm bảo campaign marketing được thực hiện đúng hướng, đúng mục tiêu, không lệch khỏi định vị thương hiệu hay có những tác động tiêu cực tới doanh nghiệp. Hoặc nếu chiến dịch thành công, người quản trị marketing cũng cần nhanh chóng nắm bắt “thời điểm vàng” để đẩy mạnh truyền thông, nhằm đạt hiệu quả tối ưu cho hoạt động marketing.
>>> Tham khảo: Mô tả công việc trưởng phòng marketing và cơ hội thăng tiến ở vị trí này
Nhu cầu tuyển dụng ngành Quản trị Marketing trong tương lai
Các doanh nghiệp ngày nay đều đã và đang dành nhiều sự quan tâm tới quản trị chiến lược marketing. Bởi lẽ một chiến lược marketing đúng đắn có thể tạo nên cú hích lớn giúp doanh nghiệp chuyển mình, tạo ấn tượng với khách hàng mục tiêu và từ đó giành được thị phần. Nếu như trước đây chỉ những tập đoàn, công ty lớn mới quan tâm và dành ngân sách cho marketing thì hiện nay, ngay cả những doanh nghiệp nhỏ cũng ý thức được tầm quan trọng của marketing trong kinh doanh
Do đó, cơ hội việc làm trong ngành Marketing hiện nay là rất lớn, từ các doanh nghiệp (client) cho tới các agency marketing đều rất “khát” nhân sự. Bạn có thể đi lên từ vị trí thực tập sinh marketing cho tới nhân viên marketing tại các client/agency, hoặc trợ lý marketing cho các marketing manager để tích lũy kiến thức nền tảng và kinh nghiệm làm việc. Khi đã có kinh nghiệm thực thi và quản lý các chiến dịch marketing, bạn sẽ dễ dàng apply vào vị trí marketing manager.
>>> Tham khảo: Học Marketing ra trường làm gì? 7 lựa chọn nghề nghiệp tối ưu nhất
Mức lương ngành quản trị Marketing có cao không?
Có thể nói quản trị marketing là “bộ não” của một phòng ban marketing, bởi đây sẽ là vị trí xây dựng chiến lược, lập kế hoạch, làm việc với các “big idea”. Do đó đãi ngộ cho nhân sự marketing manager khá cao, thông thường một marketing manager/leader 2-3 năm kinh nghiệm sẽ có mức lương dao động từ 17.000.000 đồng cho tới 20.000.000 đồng và tăng dần theo số năm kinh nghiệm quản lý dự án, quy mô chiến lược, lĩnh vực kinh doanh, ngành hàng,… Những marketing manager tại các tập đoàn lớn, các MNCs có thể nhận được mức lương lên tới hàng trăm triệu đồng/tháng cùng nhiều phúc lợi hấp dẫn.
Một số câu hỏi phỏng vấn ngành Marketing thường gặp
Câu 1: Những trang bạn hay sử dụng để cập nhật kiến thức chuyên ngành?
Với câu hỏi này, bạn nên liệt kê đa dạng nguồn thông tin bao gồm: kiến thức chuyên nghiệp từ sách, các blog của chuyên gia trong ngành, hội thảo/talkshow,… ; các trend marketing hot từ những kênh làm truyền thông mà bạn thấy ấn tượng (ví dụ Durex). Ngoài những kênh liên quan đến doanh nghiệp, nên chia sẻ về những trang cộng đồng, KOLs, xu hướng sử dụng video ngắn trên các platform mới (Reels, Tiktok,..)
Câu 2: Giữa các kênh truyền thông truyền thống và hiện đại, bạn có đánh giá gì về hiệu quả của chúng trong chiến dịch marketing cho sản phẩm của công ty?
Đây là câu hỏi đánh giá mức độ hiểu biết cũng như kinh nghiệm của ứng viên về từng kênh truyền thông trong tổng thể một chiến dịch marketing. Tùy vào ngành hàng, chân dung khách hàng, sản phẩm,… mà bạn chọn 1-2 kênh trọng tâm và 2-3 kênh vệ tinh hỗ trợ cho chiến dịch, phân tích sơ lược điểm mạnh của từng kênh và tập trung giải thích tại sao kênh đó lại phù hợp với ngành hàng.
Hy vọng rằng, thông qua việc tìm hiểu quản trị marketing là gì, có lộ trình thăng tiến và cơ hội phát triển ra sao, bạn đã có thêm kiến thức về ngành marketing. Nếu bạn muốn tìm kiếm việc làm thì hãy lựa chọn TopCV để tìm việc. Truy cập TopCV ngay hôm nay để không bỏ lỡ những vị trí việc làm marketing hấp dẫn nhất nhé!
Nguồn ảnh: Sưu tầm