Trong bất cứ một lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh nào, đối thủ cạnh tranh luôn tồn tại song song với doanh nghiệp, vừa là rào cản vừa là động lực để doanh nghiệp phát triển. Chiến lược với đối thủ cạnh tranh luôn là mối quan tâm lớn nhất của các CEO, Marketing Manager,… Vậy cụ thể đối thủ cạnh tranh là gì? Tại sao cần phân tích đối thủ cạnh tranh? Cùng Blog TopCV tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.
Đối thủ cạnh tranh là gì?
Khái niệm đối thủ cạnh tranh được dùng để chỉ những doanh nghiệp, tổ chức, hay cá nhân chung lĩnh vực kinh doanh, cung cấp những sản phẩm hàng hóa dịch vụ cho cùng nhóm khách hàng với doanh nghiệp
Ví dụ: Vinamilk, TH true milk, Sữa Mộc Châu, Dalatmilk, Sữa Ba Vì,… là những đối thủ cạnh tranh của nhau trong ngành hàng sữa nước; P&G và Unilever là đối thủ trong ngành hàng tiêu dùng nhanh; McDonald’s, KFC, Lotteria, Popeyes, Texas Chicken,.. là đối thủ cạnh tranh trong ngành thức ăn nhanh,….
Tại sao phải phân tích đối thủ cạnh tranh?
Đối thủ cạnh tranh là một trong những yếu tố quan trọng khi xây dựng chiến lược kinh doanh của bất cứ doanh nghiệp nào. Hãy cùng tìm hiểu 3 lý do quan trọng nhất giải thích tại sao doanh nghiệp phải đầu tư xứng đáng cho khâu nghiên cứu đối thủ cạnh tranh trước khi lập kế hoạch kinh doanh.
Hiểu rõ về đối thủ
“Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” luôn là chân lý trong kinh doanh. Khi phân tích đối thủ cạnh tranh, doanh nghiệp sẽ biết được mục tiêu, chiến lược, điểm mạnh, điểm yếu của đối thủ, từ đó so sánh nguồn lực của đối thủ với chính mình để có định hướng phát triển và điều chỉnh sao cho hợp lý. Bên cạnh đó, từ chính những thành công và thất bại trong case study thực tế của đối thủ, doanh nghiệp sẽ học được những bài học kinh nghiệm quý báu
Hiểu rõ về thị trường mục tiêu
Khi nghiên cứu về đối thủ cạnh tranh, doanh nghiệp sẽ hình dung được một cách toàn cảnh bức tranh thị trường mục tiêu trong ngành nghề, lĩnh vực mà mình đang kinh doanh, nắm rõ chân dung khách hàng mục tiêu của từng phân khúc, từ đó điều chỉnh lại định vị của thương hiệu và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp trên thị trường một cách phù hợp nhất.
>>> Tham khảo: Chiến lược là gì? 4 bước lập chiến lược kinh doanh thành công
Chiếm lĩnh “khoảng trống” trên thị trường
Khi tìm hiểu kỹ càng về tất cả các đối thủ cạnh tranh, doanh nghiệp sẽ tìm được những thị trường ngách (niche market), những “đại dương xanh” tiềm năng (blue ocean), khai thác những nhu cầu mới, đặc biệt là những nhu cầu tiềm ẩn chưa đối thủ nào khai thác của khách hàng. Từ đó phát triển và chiếm lĩnh phân khúc khách hàng mới, giúp doanh nghiệp vượt trội hơn so với đối thủ
5 bước phân tích đối thủ cạnh tranh hiệu quả
Dưới đây là cách phân tích đối thủ cạnh tranh chi tiết dành cho doanh nghiệp. Tùy từng lĩnh vực mà doanh nghiệp điều chỉnh các bước nghiên cứu sao cho phù hợp nhất.
Xác định đối thủ cạnh tranh
Bước đầu tiên, cũng là bước quan trọng nhất để xây dựng một bản phân tích đối thủ cạnh tranh hiệu quả đó chính là xác định đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Trong cùng lĩnh vực, không chỉ những đối thủ chung phân khúc khách hàng mà những đối thủ ở phân khúc trên/dưới cũng là những đối thủ nên quan tâm. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tham khảo những công ty kinh doanh ở lĩnh vực tương đương; hoặc có chung tệp khách hàng. Đây cũng có thể là những đối thủ tiềm năng của doanh nghiệp ở tương lai
Tổng hợp thông tin về đối thủ cạnh tranh
Khi xác định được đối thủ cạnh tranh, doanh nghiệp cần tổng hợp tất cả các thông tin liên quan đến sản phẩm, dịch vụ, giá cả, nghiên cứu kỹ định vị thương hiệu, các chỉ số liên quan đến đối thủ. Càng đầy đủ thông tin về đối thủ cạnh tranh sẽ càng dễ dàng phân tích kỹ càng, thấu đáo nhất.
>>> Tham khảo: Tháp nhu cầu Maslow là gì và ứng dụng trong Marketing
Tìm mọi cách để hiểu rõ đối thủ cạnh tranh
Để thực sự hiểu được đối thủ cạnh tranh, không thể chỉ dựa vào những nguồn thông tin thứ cấp qua website, qua báo cáo ngành,… mà đôi khi, người làm nghiên cứu thị trường phải trực tiếp trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ của đối thủ cạnh tranh, trực tiếp điều tra, khảo sát thị trường để có được số liệu mới nhất, chính xác nhất liên quan đến đối thủ. Các công ty lớn thường thuê agency nghiên cứu thị trường chuyên nghiệp như Nielsen, CI Research, Vietnam Report, Savills (chuyên về bất động sản),… để có được báo cáo chi tiết nhất về đối thủ cạnh tranh trong ngành
Phân tích điểm mạnh, điểm yếu của đối thủ cạnh tranh
Từ những thông tin thu thập được, doanh nghiệp có thể sử dụng một số công cụ để phân tích điểm mạnh, điểm yếu của các đối thủ cạnh tranh trên thị trường, nhằm xây dựng một bức tranh thị trường hoàn chỉnh, ví dụ như công cụ phân tích SWOT (Strength – Weakness – Opportunities – Threats) nhằm phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức,… của đối thủ cạnh tranh.
Xây dựng lợi thế cạnh tranh khác biệt của doanh nghiệp
Sau khi nghiên cứu đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là nghiên cứu điểm mạnh, điểm yếu của đối thủ cạnh tranh trên toàn thị trường, doanh nghiệp cần xây dựng lợi thế cạnh tranh khác biệt của doanh nghiệp cũng như định vị thương hiệu riêng
Khi xây dựng được cho mình những lợi thế khác biệt (ví dụ tuy giá cả cao nhưng dịch vụ chu đáo, chỉn chu, hướng tới đối tượng có thu nhập khá,…), doanh nghiệp sẽ không lao vào những cuộc cạnh tranh bị động hay đau đầu tự hỏi mình cần làm gì khi đối thủ cạnh tranh giảm giá, có nên giảm giá theo không hay có chiến lược khác nhằm giành lại thị phần của mình
>>> Tham khảo: Lợi thế cạnh tranh – Yếu tố tạo sức mạnh bền vững cho doanh nghiệp
Hy vọng rằng, thông qua việc tìm hiểu đối thủ cạnh tranh là gì, bạn đã có thêm kiến thức về lĩnh vực Marketing và cách phân tích đối thủ cạnh tranh hiệu quả. Nếu bạn muốn tìm kiếm việc làm thì hãy lựa chọn TopCV để tìm việc. Truy cập TopCV ngay hôm nay để không bỏ lỡ những vị trí hấp dẫn nhất nhé!
Nguồn ảnh: Sưu tầm