Nghỉ việc không báo trước, tự ý nghỉ việc không xin phép, không bàn giao đầy đủ công việc là tình huống không hiếm gặp trong công tác quản lý nhân sự tại các doanh nghiệp. Vậy lao động nghỉ việc không báo trước bị phạt theo chế tài nào, xử lý ra sao? Luật quy định nghỉ việc báo trước bao nhiêu ngày thì được? Bài viết dưới đây của Blog TopCV sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc xung quanh những quy định liên quan đến chấm dứt hợp đồng lao động một cách rõ ràng nhất!
Khi nào nên nghỉ việc?
Khi đi tới quyết định nghỉ việc, chắc chắn đã có những dấu hiệu bất ổn từ trước đó như: không phù hợp với định hướng công việc mới, mâu thuẫn nghiêm trọng với sếp/ quản lý, chán nản, mệt mỏi kéo dài với công việc. Nếu cảm thấy tình trạng bất ổn kéo dài trên 3 tháng và ngày càng có xu hướng xấu đi, đã đến lúc bạn chấm dứt công việc và đi tìm một vị trí mới tốt hơn. Nếu bạn còn phân vân có nên nghỉ việc khi chưa có việc mới thì lời khuyên là nên bình tĩnh xem xét.
>>> Tham khảo: 3 dấu hiệu xác định thời điểm nên nghỉ việc
Nghỉ việc phải báo trước bao nhiêu ngày?
Theo Luật Lao động 2019, tại khoản 1 điều 35 có quy định, khi muốn nghỉ việc, người lao động cần báo trước cho người sử dụng lao động tối thiểu:
- 45 ngày trong tuần (tính cả thứ Bảy – Chủ Nhật), nếu là hợp đồng lao động từ 36 tháng trở lên hoặc hợp đồng lao động vô thời hạn
- 30 ngày trong tuần, nếu là hợp đồng lao động có thời hạn từ 12 tới 36 tháng
- 3 ngày làm việc (không tính thứ Bảy – Chủ Nhật), nếu là hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng, hợp đồng lao động tự do,… thời gian xin nghỉ việc trong thời gian thử việc lại có quy định khác.
Nếu trong hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động có thỏa thuận riêng, thì số ngày báo trước dựa vào thỏa thuận trong hợp đồng.
Với những công việc thuộc ngành nghề có tính chất đặc thù (ví dụ có sự bảo mật hoặc liên quan đến an ninh) thì dựa vào quy định của Chính phủ.
>>> Tham khảo: 1001 lý do nghỉ việc khéo léo khiến Sếp không thể chối từ
Nghỉ việc không báo trước bị phạt bao nhiêu tiền?
Trường hợp người lao động nghỉ việc không báo trước được coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật, và do đó theo điều 40 Luật Lao động 2019, người lao động phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
Ngoài ra, nếu có chi phí đào tạo thì người lao động phải hoàn trả lại cho người sử dụng lao động. Cuối cùng, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật, người lao động sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp
Thời hạn để hoàn tất các khoản tiền phạt là 14 ngày làm việc, theo khoản 1 điều 48 Luật Lao động 2019 (trừ một số trường hợp đặc biệt nhưng không quá 30 ngày)
Nếu trong hợp đồng lao động có quy định rõ mức phạt hoặc số tiền bồi thường khi người lao động tự ý nghỉ việc không báo trước thì doanh nghiệp sẽ xử lý dựa vào điều khoản trong hợp đồng.
Nếu hợp đồng không quy định và trong trường hợp người lao động gây nên thiệt hại lớn cho doanh nghiệp hoặc không làm thủ tục bàn giao tài sản có giá trị, doanh nghiệp có quyền kiện và yêu cầu bồi thường.
Trên thực tế, người lao động nghỉ việc không báo trước thường sẽ bị giữ lại không thanh toán 01 tháng lương, thưởng, phụ cấp gần nhất coi như tiền phạt. Do đó nếu có ý định nghỉ việc người lao động cần chú ý để đảm bảo quyền lợi cá nhân và tránh những rắc rối về mặt pháp lý.
Nghỉ việc không báo trước có được chốt sổ BHXH không?
Bên cạnh lương, thưởng thì một quyền lợi khác mà người lao động cần chú ý khi xin nghỉ việc đó chính là sổ bảo hiểm xã hội. Bởi khi nghỉ việc không báo trước người lao động sẽ không thể tự chốt sổ bảo hiểm xã hội được (chỉ có doanh nghiệp và cơ quan BHXH có thể chốt sổ BHXH) và cũng không thể nhận quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, do đó không thể nhận trợ cấp thất nghiệp theo quy định.
Nếu đã nghỉ việc không báo trước, người lao động buộc phải quay lại công ty, hoàn thành nghĩa vụ (nộp phạt, bàn giao lại tài sản,…). Lúc này doanh nghiệp có nghĩa vụ chốt số BHXH cho người lao động. Thời hạn trả sổ bảo hiểm là 30 ngày.
>>> Tham khảo: 3 mẫu biên bản bàn giao công việc khi nghỉ việc mới nhất 2021
Không được công ty chốt số BHXH cần khiếu nại thế nào?
Nếu đã hoàn thành việc nộp phạt, bàn giao,… nhưng doanh nghiệp từ chối chốt sổ BHXH, người lao động có thể làm đơn khiếu nại theo Nghị định 24/2018/NĐ-CP với 2 lần khiếu nại: khiếu nại lần đầu tới người sử dụng lao động và khiếu nại lần 2 tới Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh thành phố đang sinh sống; hoặc theo điểm d khoản 1 điều 188 Luật Lao động 2019, người lao động có thể khởi kiện trực tiếp tại Tòa án (không thông qua hòa giải).
Doanh nghiệp cố tình không chốt sổ BHXH cho người lao động sẽ bị phạt hành chính với mức phạt theo theo khoản 1 Điều 11 Nghị định 28/2020/NĐ-CP lên tới 20 triệu đồng
>>> Tham khảo: Nhảy việc không thành công có nên quay lại công ty cũ làm việc không?
Hy vọng rằng, thông qua việc tìm hiểu Lao động nghỉ việc không báo trước bị phạt hay không? bạn đã nắm được những quy định pháp luật liên quan đến nghỉ việc, mức tiền phạt khi tự ý nghỉ việc không xin phép. Nếu bạn muốn tìm kiếm việc làm thì hãy lựa chọn TopCV để tìm việc. Truy cập TopCV ngay hôm nay để không bỏ lỡ những vị trí HOT nhất nhé!
Nguồn ảnh: Sưu tầm