Kế toán là bộ phận quan trọng không thể thiếu của bất cứ một doanh nghiệp nào dù có quy mô nhỏ hay lớn. Kế toán nắm giữ dòng chảy tài chính – “huyết mạch” của doanh nghiệp, đảm bảo dòng tiền trong doanh nghiệp ổn định, tạo tiền đề cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tái đầu tư giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Vậy cụ thể kế toán nội bộ làm gì, công việc của kế toán nội bộ có vất vả không?
Thế nào là kế toán nội bộ? Kế toán nội bộ làm gì?
Kế toán nội bộ bao gồm tất cả những hoạt động kế toán liên quan đến hoạt động thu – chi dòng tiền của một doanh nghiệp trong kỳ kế toán (tháng, quý, năm). Thông thường kế toán nội bộ sẽ gồm hầu hết các nghiệp vụ của kế toán tổng hợp, ngoài ra còn có một số nhiệm vụ khác. Cụ thể công việc của kế toán nội bộ bao gồm:
- Phát hành và kiểm soát tính hợp lệ của các loại chứng từ kế toán
- Hạch toán các chứng từ kế toán
- Luân chuyển và lưu giữ các chứng từ kế toán theo đúng quy trình
- Thực hiện sổ sách kế toán, lập các báo cáo kế toán định kỳ (theo từng tuần, tháng, quý)
- Thống kê, tổng hợp dữ liệu và lập bản phân tích về tình hình sản xuất, kinh doanh thực tế của doanh nghiệp
- Tư vấn cho Ban lãnh đạo (Giám đốc tài chính, Giám đốc điều hành,…) về tình hình tài chính kế toán, giúp lãnh đạo đưa ra những quyết sách đúng đắn và kịp thời
Kế toán nội bộ làm những gì? Phân loại kế toán nội bộ
Tùy theo quy mô cũng như lĩnh vực ngành nghề của mỗi doanh nghiệp mà số lượng nghiệp vụ của kế toán nội bộ sẽ có sự khác nhau. Dưới đây là mô tả công việc kế toán nội bộ được phân loại thành các nghiệp vụ chính, bao gồm: kế toán thu chi, kế toán bán hàng,
Kế toán thu – chi
- Quản lý chứng từ thu chi (phiếu thu, phiếu chi, hóa đơn, chứng từ, hóa đơn, các loại giấy tờ khác) phát sinh trong kỳ kế toán.
- Kiểm tra, đối chiếu khớp số tiền, nội dung thu chi, chữ ký, con dấu, tính xác thực của những loại giấy tờ nêu trên
- Phối hợp với thủ quỹ (hoặc kiêm nhiệm công việc thủ quỹ), tổng hợp và đối chiếu khớp các phiếu thu, phiếu chi để kết toán vào sổ quỹ tiền mặt của doanh nghiệp
Kế toán kho
Nhiệm vụ của kế toán kho trong doanh nghiệp bao gồm:
- Lập chứng từ nhập hàng, xuất hàng và những chứng từ có liên quan đến hoạt động xuất nhập kho nguyên vật liệu, kho sản phẩm
- Ghi và lưu trữ các loại phiếu xuất kho, nhập kho, đối chiếu khớp kho định kỳ
- Kế toán kho cũng cần phối hợp với các bộ phận khác bao gồm thủ kho, mua hàng và sales trong quá trình nhập xuất kho
>>> Tham khảo: Tìm hiểu sự khác biệt của kế toán kho và thủ kho
Kế toán tiền lương
Đảm nhiệm những công việc liên quan đến quỹ lương thưởng phúc lợi của nhân sự trong doanh nghiệp, bao gồm: Thiết lập dự toán tiền lương thưởng, phúc lợi, tính toán bảng lương hàng tháng, phối hợp hoặc kiêm nhiệm bộ phận hành chính, nhân sự, C&B để thực hiện các công việc khác như hợp đồng lao động, hợp đồng dịch vụ thuê ngoài, quy chế lương,…
>>> Tham khảo: Mô tả công việc kế toán công nợ chi tiết nhất
Kế toán thuế
Công việc của kế toán thuế bao gồm những nghiệp vụ sau:
- Lập tờ khai thuế môn bài và nộp thuế môn bài cho cơ quan thuế.
- Tổng hợp hóa đơn, chứng từ phát sinh trong kỳ kế toán; theo dõi và hạch toán sổ thu chi
- Lập báo cáo thuế GTGT, thuế TNCN định kỳ (tháng, quý, năm)
- Vào cuối năm, kế toán thuế có nhiệm vụ lập báo cáo tài chính, báo cáo thuế, báo cáo quyết toán thuế và nộp tiền thuế cho cơ quan thuế
>>> Tham khảo: Mô tả công việc của kế toán thuế cập nhật mới 2021
Kế toán bán hàng
Đảm nhiệm các nghiệp vụ kế toán phát sinh tại doanh nghiệp trong quá trình bán hàng, bao gồm
- Ghi nhận hóa đơn, xuất hóa đơn cho khách hàng và lập bảng kê hóa đơn bán hàng
- Tinh toán và tổng hợp số liệu về doanh thu, doanh số, thuế GTGT,…
- Phối hợp với thủ kho thực hiện đối chiếu số lượng hàng hóa nhập – xuất – tồn và lập danh mục báo cáo hàng hóa định kỳ
>>> Tham khảo: Mô tả chi tiết công việc kế toán bán hàng
Kế toán công nợ
- Xác nhận công nợ dự trên các loại chứng từ, hóa đơn như: hợp đồng, hóa đơn bán hàng, chứng từ thanh toán
- Theo dõi tình hình thanh toán, kiểm tra đối chiếu công nợ và lập bút toán kết chuyển công nợ
- Lập báo cáo công nợ, bao gồm cáo cáo tổng hợp công nợ phải thu (TK 131); Báo cáo tổng hợp công nợ phải trả (TK 331); Sổ chi tiết công nợ khách hàng; Sổ chi tiết công nợ nhà cung cấp; Các báo cáo phân tích công nợ;
>>> Tham khảo: Chia sẻ bảng mô tả công việc kế toán công nợ chi tiết nhất
Kế toán ngân hàng
Phụ trách các hoạt động liên quan đến tài khoản của doanh nghiệp tại ngân hàng, bao gồm: Mở tài khoản tại ngân hàng, lập uỷ nhiệm chi, séc rút tiền, nộp tiền vào tài khoản, theo dõi luồng tiền qua ngân hàng và đối chiếu với sổ phụ ngân hàng, quản lý quỹ tiền tại ngân hàng,…
Công việc của kế toán nội bộ có vất vả không?
Tùy theo quy mô của doanh nghiệp, lĩnh vực mà doanh nghiệp kinh doanh, các nghiệp vụ mà khối lượng và tính chất của kế toán nội bộ sẽ không giống nhau. Nhìn chung, khối lượng công việc của kế toán nội bộ khá nặng nề, đặc biệt khi cuối tháng, cuối quý, cuối năm tài chính hay chuẩn bị kiểm toán nội bộ,…
>>> Tổng hợp: Bộ công cụ hỗ trợ nghiệp vụ kế toán nội bộ
Bài viết trên đây của Blog TopCV đã chia sẻ với bạn về vị trí kế toán nội bộ làm gì và công việc của kế toán nội bộ có vất vả không. Hy vọng rằng bài viết trên đã giúp bạn có thêm định hướng nghề nghiệp. Đừng quên truy cập vào website TopCV để không bỏ lỡ những thông tin tuyển dụng HOT nhất ngay hôm nay nhé!