Đôi khi cảm thấy chán công việc là điều rất bình thường. Nhưng nếu biết tận dụng những khoảnh khắc đó để làm điều có ích lại có thể thúc đẩy sự nghiệp của bạn. Vậy, tại sao bạn cảm thấy chán công việc và làm sao để đảo ngược tình thế?
Tại sao bạn cảm thấy chán công việc? Top 7 lý do phổ biến nhất
Tìm ra nguyên nhân khiến bạn cảm thấy chán công việc có thể giúp bạn có được chiến lược vượt qua cảm xúc đó. Sau đây, Blog TopCV sẽ chia sẻ những lý do phổ biến nhất khiến cho bạn cảm thấy buồn chán tại nơi làm việc:
Công việc của bạn cứ lặp đi lặp lại
Một công việc lặp đi lặp lại là rào cản rất lớn với sự nghiệp của bạn. Chúng không chỉ khiến bạn cảm thấy nhàm chán mà còn bị ì trệ theo thời gian. Nếu đây thực sự là thực trạng của bạn, hãy tìm cách tối ưu hóa công việc của mình.
Bạn có thể trao đổi với cấp trên để nhận những nhiệm vụ mới, hoặc chủ động đưa ra một số gợi ý thay thế để cải thiện tình hình. Như vậy, bạn không hề là người than vãn mà là người đưa ra giải pháp cho doanh nghiệp và chắc hẳn sẽ được đánh giá cao.
Suốt ngày họp hành mà không ra vấn đề
Nếu bạn là người đi làm thì đã quá quen với các cuộc họp. Vốn dĩ, cuộc họp được tổ chức phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau: báo cáo công việc, cập nhật tiến độ, trình bày vướng mắc, v.vv.. nhằm giải quyết vấn đề, đẩy nhanh năng suất làm việc. Tuy nhiên, có rất nhiều công ty tiêu tốn thời gian làm việc của nhân viên khi tổ chức quá nhiều cuộc họp hàng ngày, tuần, tháng mà chẳng đưa ra được giải pháp nào cả. Nếu đây là nguyên nhân khiến cho bạn cảm thấy chán nản, hãy trao đổi với cấp trên để điều chỉnh lại các cuộc họp.
Công việc của bạn không có thách thức nào cả
Đây là vấn đề lớn nhất lý giải tại sao bạn cảm thấy chán công việc đó! Nhiều người lao động cảm thấy những kỹ năng mà họ có chẳng được sử dụng một cách chính xác nên không giúp ích được gì cho công việc cả. Một công việc không cam kết về mặt trí tuệ sẽ không tạo động lực được cho nhân viên!
Nhưng nếu bạn nói ra với lãnh đạo rằng công việc của bạn dễ dàng quá thì khả năng cao là chỉ có khối lượng công việc của bạn tăng lên thôi. Tốt nhất là bạn nên đề nghị với sếp giao một số công việc thú vị hơn để xem bạn có thể làm được nhiều hơn hiện tại hay không.
Công việc này không đúng với mục tiêu nghề nghiệp của bạn
Công việc mà bạn đang làm chẳng liên quan gì đến sở thích của bạn. Bạn đi làm chỉ vì “mưu sinh”. Công việc ấy cũng chẳng mang lại cơ hội phát triển nào cho bạn. Và trên hết, bạn chẳng vận dụng được chút kỹ năng nào của mình vào công việc cả.
Rõ ràng việc bắt ép bản thân phải gắn bó với công việc mình không thích là bất khả thi. Sớm muộn gì bạn cũng bị nhấn chìm bởi cảm xúc buồn chán mà thôi!
Hãy suy nghĩ kỹ xem mục tiêu công việc là gì? Nếu bạn theo đuổi đam mê lúc này thì có đủ tài chính để duy trì cuộc sống không? Nếu chưa đủ thì bạn cần bao lâu nữa để có đủ ngân sách theo đuổi đam mê? Hãy đặt ra những mục tiêu nhỏ để có thêm động lực phấn đấu nhé!
Bạn cảm thấy mình không được tôn trọng
Không được lắng nghe, không được công nhận, không được tôn trọng, v.vv.. Tất cả những điều này dẫn đến sự buồn chán. Trong trường hợp này, bạn xem xét xem chỉ có bạn là người không được tôn trọng hay tất cả các đồng nghiệp của bạn đều chung tình trạng.
Nếu tất cả nhân viên trong doanh nghiệp đều cảm thấy không được tôn trọng, tức là vấn đề nằm ở nhà lãnh đạo. Còn nếu chỉ có mình bạn không được tôn trọng, hãy xem xét lại bản thân mình trước. Sau đó, bạn mới quyết định có trao đổi vấn đề này với cấp trên hay không.
Bạn cảm thấy lạc lõng tại nơi làm việc
Không khó để biết tại sao bạn cảm thấy chán công việc. Sức khỏe tinh thần đôi khi còn quan trọng hơn cả kỹ năng làm việc. Một doanh nghiệp không có sự gắn kết về mặt con người, ai biết việc người nấy, không có giao tiếp, không có sẻ chia thì chắc chắn là chán rồi.
Chưa kể một số doanh nghiệp còn có văn hóa làm việc khá toxic (độc hại), gây ra những cảm xúc rất tiêu cực cho người lao động. Nếu không thể tạo ra được một “liên minh” ở chốn công sở thì thật khó để bạn vượt qua được cảm xúc chán nản mỗi ngày.
Tìm hiểu thêm: Công sở độc hại là gì và làm gì nếu lỡ “sa chân”?
Công việc đang choán hết thời gian nghỉ ngơi của bạn
Chán nản là cảm xúc cuối cùng sau quãng thời gian dài bạn bị burn-out (kiệt sức) vì căng thẳng công việc. Dường như bạn đã rất muốn buông bỏ công việc này vì bạn không còn thời gian để nghỉ ngơi nữa.
Đây chính là lý do lớn nhất trả lời cho câu hỏi tại sao bạn cảm thấy chán công việc. Có hai giải pháp dành cho bạn trong trường hợp này. Một là trao đổi với cấp trên để được điều chỉnh khối lượng công việc, tuyển thêm nhân sự hỗ trợ. Hai là tìm kiếm một công việc mới.
Tìm hiểu thêm: Nghỉ việc văn minh: Chuyên nghiệp đến phút cuối cùng
Làm sao để thoát khỏi cảm giác buồn chán trong công việc?
Dưới đây là 12 điều hữu ích bạn có thể làm khi cảm thấy buồn chán trong công việc, giúp tái tạo năng lượng và tăng động lực làm việc:
- Dành thời gian cho những công việc yêu thích: Ưu tiên làm những công việc yêu thích trước tiên, miễn sao bạn không bỏ lỡ các deadline cho công việc chính của mình là được.
- Thực hiện sở thích cá nhân: Giả sử, bạn thích lên kế hoạch, vậy thì hãy lên kế hoạch cho các sự kiện bên ngoài văn phòng (như lên lịch đi picnic với đồng nghiệp dịp cuối tuần chẳng hạn).
- Chịu trách nhiệm nhiều hơn: Làm nhiều hơn những gì bạn được yêu cầu và đảm nhận những nhiệm vụ ngoài phạm vi cá nhân. Như vậy, cấp trên có thể đánh giá cao tính chủ động của bạn.
- Viết nhật ký hàng ngày: Bắt đầu mỗi ngày với 15 phút viết lách để thúc đẩy tư duy sáng tạo và tiếp thêm năng lượng cho ngày mới của bạn.
- Nghe podcast và sách nói: Cho dù bạn đang ở nơi làm việc hay chỉ đang thư giãn, nghe podcast hoặc sách nói liên quan đến công việc hoặc chuyên ngành của bạn có thể vừa giải trí, vừa giúp ích cho công việc.
- Rèn giũa kỹ năng của bạn: Học một kỹ năng mới nói chung có thể giúp thúc đẩy sự nghiệp của bạn, bất kể bạn đang nắm giữ vị trí nào. Ngay cả việc cải thiện kỹ năng máy tính của bạn cũng có thể giúp bạn làm việc hiệu quả hơn.
- Xung phong nghiên cứu và thuyết trình trong các buổi họp: Với cách này, bạn trở nên bận rộn hơn, toàn bộ bộ phận của bạn sẽ được hưởng lợi và cấp trên cũng sẽ đánh giá cao sáng kiến của bạn.
- Hướng dẫn nhân viên cấp dưới: Tìm hiểu xem công ty bạn có chương trình cố vấn nào không. Dành thời gian và chia sẻ kiến thức chuyên môn của bạn cho nhân viên cấp dưới cũng là cách để thoát khỏi cảm giác chán nản trong công việc.
- Tạo nhóm chat để gắn kết cùng đồng nghiệp: Bạn có thể tạo ra “đồng minh” bằng các nhóm chat, cùng họ trò chuyện về đủ thứ trên trời dưới biển, lên kế hoạch hẹn hò cuối tuần để trở nên thân thiết hơn chẳng hạn.
- Thử một cái gì đó mới: Tham gia vào một công việc nhiều thách thức hơn ngoài giờ làm và phát triển các kỹ năng mới. Ví dụ, bạn có thể kinh doanh online để kiếm thêm tiền và thỏa mãn đam mê của mình.
- Dọn dẹp không gian làm việc của bạn: Dọn dẹp bàn làm việc và khu vực làm việc của bạn có thể là một cách tuyệt vời để bạn luôn bận rộn khi buồn chán.
- Trò chuyện với đồng nghiệp: Nghỉ ngơi một chút để nói chuyện với đồng nghiệp là một cách tốt để tái tạo năng lượng cho ngày mới của bạn.
Tìm hiểu thêm: Chán nản công việc? Nên làm gì để đi làm không còn là “ác mộng”
Không khó để hiểu tại sao bạn cảm thấy chán công việc. Quan trọng nhất là bạn có biết biến những khó khăn đó thành động lực để tiếp tục công việc của mình một cách hiệu quả hay không. Đương nhiên, bạn không cần ép bản thân phải gắn bó với một công việc đã quá sức chịu đựng với bạn. Bạn hoàn toàn có thể tìm đến những cơ hội việc làm mới hấp dẫn hơn để mở ra cho mình một chặng đường sự nghiệp mới nhiều thử thách hơn. Để khởi động tinh thần, chuẩn bị bước vào hành trình mới, bạn đừng quên tận dụng website việc làm uy tín TopCV để kiếm cho mình một công việc phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp và đam mê cá nhân nhé!