Khi đi làm, ai cũng mong muốn được làm việc trong những môi trường lí tưởng, tức là “ở nơi đó” có sếp tâm lý, đồng nghiệp thân thiện, vừa làm vừa học vừa có thể chơi, lương lại cao. Theo kết quả Tổng điều tra Kinh tế, tính đến năm 2021, cả nước có 683,6 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong số 683,6 nghìn doanh nghiệp này, liệu có phải môi trường nào cũng hoàn hảo, công việc nào cũng “trong mơ”?

Với từ gốc là “Toxic Workplace”, nơi làm việc độc hại hay “công sở độc hại” là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả một nơi làm việc, thường là một môi trường văn phòng mà nhân viên khó làm việc hoặc không tiến bộ trong sự nghiệp do bầu không khí tiêu cực do đồng nghiệp, quản lý / sếp hoặc chính văn hóa công ty tạo ra.

Những cuộc đấu đá nội bộ như vậy thường có thể gây hại cho năng suất. Nơi làm việc độc hại thường được coi là kết quả của những người sử dụng lao động độc hại và / hoặc những nhân viên độc hại bị thúc đẩy bởi lợi ích cá nhân (quyền lực, tiền bạc, danh vọng hoặc địa vị đặc biệt), sử dụng các phương tiện phi đạo đức để thao túng tâm lý và làm phiền những người xung quanh họ; và động cơ của họ là duy trì hoặc gia tăng quyền lực, tiền bạc hoặc địa vị đặc biệt hoặc chuyển hướng sự chú ý khỏi những thiếu sót và sai lầm trong hiệu suất của mình.

Bạn có đang làm việc trong môi trường toxic? Nếu gặp ít nhất 2 trong số những dấu hiệu dưới đây, bạn đã làm việc tại một môi trường toxic:

Tỷ lệ nghỉ việc cao và không có dấu hiệu dừng lại

Nếu bạn vào một doanh nghiệp mà tại đó 80% nhân sự quản lý cấp trung trở lên đều là người có thâm niên dưới 1 năm, đồng thời, lượng người mới ra vào liên tục, đến mức bạn không kịp nhớ chức vụ/tên của họ, thì đây là dấu hiệu cho thấy môi trường làm việc này không an toàn.

Một người nghỉ việc, có thể là vấn đề cá nhân, nhưng nếu nhiều người nghỉ việc và liên tục, đó chắc chắn là vấn đề của bộ máy tổ chức.

Một / nhiều nhà quản lý “độc hại”

Những nhà lãnh đạo có xu hướng thao túng và bóp méo sự thật nhằm thu lại lợi ích cả nhân có thể tạo ra những môi trường làm việc thiếu sự minh bạch, ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của người lao động.

Sếp của bạn có phải là người quá tiểu tiết đến mức soi mói? Làm việc trong một môi trường bị kiểm soát cao chỉ làm sự thiếu tự tin về bản thân tăng dần theo thời gian. Bị quản lý kể cả những tiểu tiết không bao giờ là điều tốt nếu bạn mong muốn có được sự chuyên nghiệp và phát triển bản thân.

Ngoài ra có những người sếp còn cố gắng bóc lột, khai thác nhân viên cho mục đích riêng bất chấp đến cảm xúc của họ. Bên ngoài những người lãnh đạo này luôn tỏ ra hết mình với công việc, mọi việc họ làm đều là vì sự phát triển của doanh nghiệp tuy nhiên mục tiêu thực sự của họ lại chính là cải thiện thu nhập và đời sống của bản thân.

Những quy tắc, luật lệ ngầm bất hợp lý

Chắc chắn rằng để hành trình làm việc mỗi ngày trở nên suôn sẻ, chúng ta thường áp dụng một chút “nghệ thuật” khéo léo trong việc ứng xử. Dù vậy, đừng hiểu nhầm việc này với việc bạn phải luồn cúi hay phải tuân theo một phép những quy định vô lý của công ty như: người cũ (người làm việc lâu năm) cư xử như sếp của bạn, đến dịp phải “tặng quà” cho sếp, chia bè phái và bạn chỉ được cho một “phe”, phải bài xích “phe” còn lại…

Những luật lệ ngầm này không chỉ làm bạn đi ngược lại với lẽ sống tích cực của mình, trái ngược với quan điểm sống của bạn mà đôi khi còn trái với tiêu chuẩn đạo đức.

Mọi người truyền tai nhau về drama nhiều hơn là bàn về công việc

Drama thì nơi nào cũng có, tuy nhiên, nếu trong một doanh nghiệp, bạn thấy các nhân viên hít thở drama nhiều hơn các cuộc họp giải quyết sự cố, nhiều hơn việc thảo luận những idea mới, nhiều hơn việc cải tiến sản phẩm và quy trình, chắc chắn đó là môi trường độc hại.

Khi người ta đứng trước nguy cơ trở thành nhân vật chính của drama bất cứ lúc nào, thì người ta có khuynh hướng kết bè kết phái, họ trở nên thân thiết với nhau để chống lại 1 người hoặc 1 nhóm người khác họ, chứ không nhằm mục đích khiến cho công việc hiệu quả hơn. Và các cuộc đấu tranh phe phái, chưa bao giờ là điều tốt đẹp cho doanh nghiệp.

Sự “độc hại” trong các mối quan hệ đồng nghiệp

Những người đồng nghiệp mang thiên hướng “độc hại” sẽ luôn phàn nàn về công việc, môi trường làm việc khiến bạn cảm thấy khó có thể tin tưởng. Hơn thế nữa, thái độ cư xử tiêu cực này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất làm việc khi họ liên tục đổ lỗi cho những thất bại trong công việc chung, bao biện và không bao giờ nhận trách nhiệm.

Sự cộng hưởng giữa tính cách của những người đồng nghiệp này với một môi trường làm việc đã có sẵn sự “độc hại” sẽ càng khiến cho các mối quan hệ trở nên phức tạp và căng thẳng hơn.

Thậm chí có nhiều môi trường còn có tình trạng bắt nạt công sở. Những đối tượng bị bắt nạt thường là những người có năng lực, xinh đẹp, được yêu qúy hoặc yếu thế, dễ bị tổn thương. Sự bắt nạt này có thể thể hiện qua lời nói như nói đểu, hạ thấp, giễu cợt quá trớn, đồn thổi vô căn cứ; qua những hành động đáng lên án như cô lập, soi moi, xâm phạm quyền riêng tư, phá hoại,…

Một hệ thống vận hành “độc hại”

Ngay cả khi có được một người lãnh đạo tốt và các mối quan hệ đồng nghiệp thân thiện thì cách vận hành trong hệ thống doanh nghiệp có thể tạo ra một môi trường làm việc độc hại theo cách riêng của nó.

Một ví dụ có thể kể đến là khi nhân viên không được cung cấp bất kỳ phương thức nào để nâng cao nghiệp vụ và khả năng của mình. Mỗi nhân viên đều có thể cảm thấy đơn độc khi phải hoàn thành mọi việc mà không được trang bị các kiến thức cần thiết, những khóa đào tạo để đem lại giá trị cho công ty.

Sự thiếu giao tiếp trong công việc là có thể tạo điều kiện cho việc tạo nên môi trường làm việc độc hại khi ban lãnh đạo không đưa ra một cách rõ ràng các tiêu chí của công việc, trong khi nhân viên lại không thể hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Mọi người như đang không hướng về cùng một mục tiêu chung và cuối cùng sẽ nảy sinh mâu thuẫn.

Và tệ nhất, có những công ty chỉ tập trung vào lợi nhuận, ít quan tâm đến mức độ hạnh phúc của nhân viên. Khi muốn cắt giảm chi phí, một vài doanh nghiệp thậm chí còn lập tức sa thải hoặc giảm lương của nhân viên, bất chấp nhiều người trong số đó đã làm việc vô cùng chăm chỉ, đến mức không còn thời gian dành cho bản thân và những khía cạnh khác trong cuộc sống. 

Một nơi làm việc độc hại có thể trở thành “con quỷ dữ” hút hết mọi nguồn sống của bạn. Nghiên cứu của Trường Kinh doanh, Đại học Manchester (Anh) cho thấy rằng nhân viên làm việc dưới quyền của một ông chủ độc hại có nhiều khả năng bị trầm cảm.

Căng thẳng trong công việc là điều không thể tránh khỏi. Một chút căng thẳng giúp bạn thể hiện bản thân, tuy nhiên quá nhiều sự căng thẳng có thể khiến bạn vượt quá giới hạn chịu đựng. Nếu rơi vào một môi trường làm việc độc hại với liên tiếp những chuyện thị phi, sếp khó chịu, đồng nghiệp xấu tính… bạn có thể không tìm thấy cảm xúc hạnh phúc, bị đánh giá thấp và không có động lực với công việc của mình. 

Những áp lực trong môi trường làm việc độc hại sẽ dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực tới năng suất làm việc và cuộc sống của người lao động. Họ dễ trở nên cáu gắt hay chán nản hơn khi đối mặt với những khó khăn, luôn có cảm giác phải cạnh tranh và chạy đua liên tục trước khi bị đào thải. Căng thẳng mãn tính có thể làm tổn hại đến lòng tự trọng, sức khỏe của bạn và thậm chí có thể khiến bạn trầm cảm.

Hơn thế nữa, những người không có khả năng tách biệt cuộc sống tại nơi làm việc với đời sống thực có thể vô tình mang tới những trải nghiệm tiêu cực cho gia đình, người thân và bạn bè. Điều này càng khiến cho những nguồn động viên tinh thần từ các mối quan hệ gia đình trở nên hạn chế tạo nên một vòng xoáy áp lực từ công việc, gia đình, xã hội không thể giải quyết được.

Việc mang những sự ức chế và “độc hại” từ nơi làm việc về nhà cũng có thể gây ra hậu quả về sức khỏe mà bạn không thể ngờ tới. Các triệu chứng như đau đầu, mất ngủ, đau lưng, chán ăn và các tình trạng suy giảm thể chất khác rất thường gặp ở người lao động làm việc trong môi trường “độc hại”.

Đối với những bạn đã đi làm vài năm, phần lớn đều đã trải qua một nơi làm việc như vậy trong đời, và không ít thì nhiều, môi trường này đã ảnh hưởng xấu đến cả tâm lý và sức khỏe tinh thần bạn trong thời gian nhất định. Cố gắng “giải thoát” bản thân bằng cách:

Thêm góc nhìn từ bạn bè và người quen trong ngành

Trước khi tiến tới những bước tiếp theo, bạn có thể chia sẻ về tình trạng mà bạn đang gặp phải với người quen của mình. Đánh giá khách quan từ những người bạn, đồng nghiệp ở bộ phận khác, hay những người quen trong network có thể giúp bạn có cái nhìn đúng đắn về môi trường làm việc hay những khúc mắc mà bạn đang gặp phải. Với kinh nghiệm cùng góc nhìn đa chiều từ họ, bạn có thể rút ra kết luận thực tế nhất về nơi bạn đang làm việc và có những giải pháp đối diện tốt hơn.

Hãy lên tiếng từ sớm

Thay vì im lặng trước những điều bất bình trong môi trường độc hại, hãy mạnh dạn nói ra những suy nghĩ của bạn. Tùy vào từng trường hợp mà bạn sẽ có những cách “nói” khác nhau, tuy nhiên có thể tóm gọn trong các hình thức khác nhau: trao đổi trực tiếp với người tác động xấu đến bạn, trao đổi với quản lý trực tiếp, trao đổi với sếp lớn hơn, nói chuyện hoặc gửi mail tới Công Đoàn, Phòng Nhân sự,…

Thậm chí nếu mức độ nghiêm trọng và ảnh hưởng tới những quyền lợi cơ bản, bạn đừng ngại ngần hãy liên hệ tới đường dây nóng của Sở / Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Tập trung vào những điều mà bạn có thể kiểm soát được

Nếu không nằm trong các cấp lãnh đạo, sẽ rất khó để bạn đứng ra thay đổi một (hay nhiều) điều độc hại trong công ty. 

Thay vào đó, hãy cố gắng tập trung vào những điều mà bản thân có thể kiểm soát. Bỏ qua những vấn đề bên lề, cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao và giúp bản thân tốt hơn từng ngày.

Nói chuyện bằng số liệu và bằng chứng

Trong một môi trường độc hại, “trắng – đen” lẫn lộn thì trước tiên hãy bảo vệ bản thân mình bằng những con số, những bằng chứng nói lên sự thật. Nếu ai đó nghi ngờ về năng lực của bạn, hãy thể hiện bằng những con số mà bạn đã đạt được: công việc đã hoàn thành, số lượng, chất lượng, kết quả công việc của bạn (tùy thuộc vào loại hình công việc). Nếu ai đó bắt nạt bạn, hãy lưu lại tất cả bằng chứng của những sự việc đó.

Khi nói những nội dung quan trọng với riêng ai đó, bạn hãy cân nhắc đến việc chụp màn hình đoạn hội thoại. Hãy nghĩ rằng đây chỉ là một bước “back-up” của bạn, và bạn sẽ chỉ sử dụng với mục đích bảo vệ bản thân trong trường hợp xấu nhất.

Hạn chế tiếp xúc với những người độc hại

Nếu có thể nên hạn chế những cuộc trao đổi hay họp riêng với những người mà bạn cho là có tính cách “độc hại” đối với công việc của bạn. Việc có những người khác ở bên cạnh có thể giúp bạn tránh khỏi việc bị tấn công và ảnh hưởng bởi năng lượng tiêu cực

Tạo ra một liên minh

Nếu có những đồng nghiệp đáng tin cậy, bạn có thể tự tin hơn trong việc cải thiện môi trường làm việc lành mạnh và thỏa đáng cho tất cả mọi người. Hãy nhìn vào những tiến bộ mà các nhóm công đoàn ở nhiều công ty khác đã vận hành. Một trong những phương pháp mà các công đoàn thường thực hiện là tập trung một nhóm đồng nghiệp có cùng chí hướng với nhau. Họ cùng đồng lòng giải quyết vấn đề một cách lành mạnh, trao đổi rõ ràng với lãnh đạo để cả nhân viên lẫn quản lý đều có thể trải nghiệm môi trường làm việc tốt nhất.

Tìm kiếm công việc mới

Và bạn biết không, bạn luôn có sự lựa chọn dù ở trong bất kỳ trường hợp nào. Nếu môi trường đó quá độc hại và bạn đã làm hết sức có thể thì việc cân nhắc chuyển việc là điều hoàn toàn hiển nhiên. Trong bất kỳ cuộc chơi nào, sự công bằng và tử tế giữa 2 phía mới là nền tảng để mối quan hệ phát triển lâu dài. Là nền tảng công nghệ tuyển dụng có website dẫn đầu thị trường về lượt truy cập, TopCV đã giúp hơn 5 triệu ứng viên tìm thấy việc làm phù hợp.

Truy cập ngay https://www.topcv.vn/viec-lam để tìm thấy việc làm dành riêng cho bạn!

Bài viết: Phượng Lê | Thiết kế: Huy Minh