Xếp loại sức khỏe làm việc là vấn đề người lao động cần phải quan tâm khi đi xin việc. Nhà nước đã đặt ra các tiêu chuẩn xếp loại sức khỏe để đánh giá công dân có đủ điều kiện để tham gia lao động cũng như bảo vệ quyền lợi của người lao động. Vậy tiêu chuẩn sức khỏe làm việc được đánh giá như thế nào? Hãy cùng Blog TopCV giải đáp vấn đề này trong bài viết dưới đây.
Xếp loại sức khỏe làm việc là gì?
Xếp loại sức khỏe làm việc là quá trình đánh giá, phân loại tình trạng sức khỏe của người lao động dựa trên các chỉ tiêu đã được định sẵn. Mục đích của việc xếp loại sức khỏe nhằm đánh giá khả năng thực hiện công việc và bảo vệ sức khỏe của người lao động.
Cụ thể, thông qua việc phân loại sức khỏe, người sử dụng lao động có thể đưa ra kết luận người lao động có phù hợp với vị trí ứng tuyển hay không. Trong khi đó, người lao độngdựa vào xếp loại sức khỏe để đánh giá chính xác tình trạng sức khỏe của bản thân, từ đó tìm công việc phù hợp.
Người lao động có nhất thiết phải khám sức khỏe trước và khi đã đi làm
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp không yêu cầu người lao động phải nộp giấy khám sức khỏe khi đi phỏng vấn. Vậy người lao động có nhất thiết phải khám sức khỏe trước và khi đã đi làm hay không?
Khám sức khỏe trước khi đi làm
Do tính chất đặc thù của công việc, nhiều doanh nghiệp yêu cầu người lao động bắt buộc phải khám sức khỏe trước khi đi làm. Đặc biệt là khi bạn làm việc trong các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực thực phẩm, ngành hàng không, công an, giáo dục, v.vv.. Đây đều là những công việc yêu cầu người lao động phải có sức khỏe tốt, không mắc bệnh truyền nhiễm. Do đó, nếu bạn làm việc trong những lĩnh vực này, thì sức khỏe chính là điều kiện cần để bạn tham gia ứng tuyển, bắt buộc bạn phải khám sức khỏe trước khi đi làm.
Tuy nhiên, không phải bất kỳ lĩnh vực, ngành nghề nào cũng yêu cầu sức khỏe của người lao động. Chẳng hạn, nếu bạn là nhân viên văn phòng hoặc làm việc trong những ngành nghề không yêu cầu cao về sức khỏe như marketing, kinh doanh, làm đẹp, v.vv.. thì không nhất thiết bạn phải khám sức khỏe trước khi đi làm.
Như vậy, bạn có bắt buộc phải khám sức khỏe trước khi đi làm hay không sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào tính chất công việc, ngành nghề bạn lựa chọn. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp khi đăng tin tuyển dụng hoàn toàn không đề cập đến vấn đề sức khỏe của ứng viên.
>>>Xem thêm: Hồ sơ xin việc gồm những gì? Những lưu ý khi chuẩn bị hồ sơ xin việc
Khám sức khỏe khi đã đi làm
Khám sức khỏe khi đã đi làm là hình thức doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên. Đây là trách nhiệm của doanh nghiệp và đã được quy định tại Bộ Luật Lao động năm 2019 và Luật vệ sinh an toàn lao động năm 2015. Cụ thể:
- Hàng năm doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần cho người lao động.
- Riêng những trường hợp đặc biệt như người lao động phải làm các công việc nặng nhọc, môi trường làm việc độc hại, nguy hiểm hoặc người lao động khuyết tật, người cao tuổi phải khám sức khỏe ít nhất 6 tháng một lần.
- Đối với lao động nữ được bổ sung thêm danh mục khám phụ khoa.
- Người lao động làm việc trong môi trường độc hại, có nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp phải được kiểm tra sức khỏe định kỳ theo quy định của Bộ Y tế.
Do đó, người lao động nên tham gia khám sức khỏe khi đã đi làm. Vì đây là quyền lợi dành cho người lao động, nhằm đảm bảo sức khỏe của người lao động từ khi vào làm việc đến suốt quá trình làm việc tại công ty, doanh nghiệp.
Các chỉ tiêu xếp loại sức khỏe làm việc
Việc đánh giá, phân loại sức khỏe của người lao động sẽ dựa trên các chỉ tiêu về thể lực, nội khoa, ngoại khoa, mắt, v.vv.. Cụ thể như sau:
Chỉ tiêu về thể lực
Tiêu chí về thể lực được đánh giá dựa trên các số đo về chiều cao, cân nặng của cơ thể. Cụ thể:
- Đối với nam: Chiều cao > 163cm, cân nặng >51kg và vòng ngực > 81cm.
- Đối với nữ: Chiều cao > 154cm, cân nặng > 48kg.
Chỉ tiêu về mắt
Người lao động đạt chỉ tiêu về mắt phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Khi đo thị lực không đeo kính;
- Thị lực mắt bên phải đạt 10/10, tổng thị lực 2 mắt đạt 19/10.
Chỉ tiêu về răng
- Phải còn đủ 28 răng (không tính răng khôn), không bị sâu răng;
- Không mắc các bệnh về lợi như viêm lợi, viêm tủy, viêm quanh răng;
- Không bị viêm loét niêm mạc miệng, viêm tuyến nước bọt;
- Không bị khe hở môi, khe hở vòm miệng hoặc các bệnh lý ở vùng mặt.
Chỉ tiêu về tai, mũi, họng
- Có sức nghe tốt (đo bằng tiếng nói thường), khoảng cách từ nguồn phát đến tai 5m;
- Không mắc các bệnh về tai như tai dị dạng, hẹp, rách vành tai;
- Không bị viêm tai ngoài, viêm tai giữa mãn tính, thủng màng nhĩ;
- Không bị rối loạn hô hấp, hen suyễn;
- Không gặp vấn đề khi phát âm;
- Không bị viêm họng cấp tính.
>>>Xem thêm: Mức hưởng chế độ ốm đau mới nhất và những quy định liên quan
Chỉ tiêu về thần kinh, tâm thần
- Không mắc các bệnh về thần kinh như suy nhược thần kinh, động kinh, liệt thần kinh ngoại vi;
- Không bị các di chứng do chấn thương sọ não, tủy sống;
- Không mắc các bệnh về tâm thần như thiểu năng, loạn tâm thần phản ứng, tâm thần phân liệt, rối loạn nhân cách;
- Không bị loạn thần do các chất kích thích như rượu, thuốc lá, ma túy; loạn thần do chấn thương sọ não.
Chỉ tiêu về nội khoa
Người lao động không mắc các bệnh sau đây:
- Các bệnh về thực quản: Viêm thực quản, trào ngược thực quản, co thắt thực quản.
- Các bệnh về dạ dày, tá tràng: Viêm dạ dày cấp, viêm loét dạ dày, ung thư dạ dày, tá tràng mãn tính.
- Các bệnh về đường ruột: Viêm ruột non, thủng ruột non do mổ, viêm ruột thừa, tắc ruột, u ruột non, v.vv..
- Các bệnh về gan: Xơ gan, viêm gan cấp, viêm gan mãn tính, sỏi trong gan.
- Các bệnh về tim mạch: Tăng huyết áp, rối loạn dẫn truyền và nhịp tim, suy tim, hở van tim, v.vv..
- Các bệnh về phổi: Viêm phổi, viêm phế quản, viêm màng phổi, thuyên tắc phổi, ung thư phổi, hội chứng suy hô hấp, v.vv..
Chỉ tiêu về da liễu
- Không mắc các bệnh liên quan đến da như nấm da, nấm bẹn, lang ben, viêm da dị ứng, rối loạn sắc tố da.
- Không bị tật bẩm sinh trên da, bớt sắc tố phải có diện tích dưới 3cm2 và không nằm ở vùng mặt hoặc cổ.
Chỉ tiêu ngoại khoa
- Không bị bệnh trĩ, bệnh về khớp, không mất ngón tay – ngón chân, gãy xương, cột sống cong gù, dị dạng, v.vv…
Phân loại tiêu chuẩn sức khỏe làm việc hiện nay
Căn cứ vào các chỉ tiêu xếp loại sức khỏe làm việc và Quyết định số 1631/BYT-QĐ thì tiêu chuẩn sức khỏe của người lao động được phân thành 5 loại sau đây:
- Sức khỏe loại I: Xếp loại rất khỏe – Người lao động có thể lực, sức khỏe bình thường, không mắc các bệnh mãn tính ảnh hưởng đến sinh hoạt, lao động và sức khỏe cá nhân.
- Sức khỏe loại II: Xếp loại khỏe – Người lao động mắc bệnh mãn tính cần phải theo dõi, bệnh có khả năng tiến triển thành những đợt cấp tính nhẹ nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe, thể lực và khả năng lao động.
- Sức khỏe loại III: Xếp loại trung bình – Người lao động mắc bệnh đang trong thời gian theo dõi vì có thể xảy ra những biến chứng nặng. Bệnh đã có ảnh hưởng đến sức khỏe, thể lực và khả năng lao động.
- Sức khỏe loại IV: Xếp loại yếu – Bệnh gây ra những biến chứng nặng, để lại ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và khả năng lao động. Sức lao động giảm dưới 50%, người lao động phải nghỉ việc dài hạn để điều trị bệnh.
- Sức khỏe loại V: Xếp loại rất yếu – Người lao động có sức khỏe giảm sút không thể tự phục hồi hoặc bệnh nặng ở giai đoạn cuối.
Đa số các doanh nghiệp thường ưu tiên cho những lao động thuộc sức khỏe loại I và II. Vì họ có đủ sức khỏe để đáp ứng các yêu cầu của công việc, không gây ảnh hưởng hiệu suất công việc.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa người lao động thuộc sức khỏe loại III, IV và V không được đi làm. Họ có thể làm những công việc, ngành nghề có tính chất nhẹ nhàng, không đòi hỏi cao về sức khỏe.
Quy trình khám sức khỏe tại trung tâm y tế
Về cơ bản, quy trình khám sức khỏe tại trung tâm y tế khá đơn giản, từng khâu đều có người hướng dẫn nên bạn cũng không cần phải lo lắng. Khi đi khám sức khỏe xin việc, bạn sẽ phải trải qua các bước như sau:
Bước 1: Xuất trình giấy tờ tùy thân (CCCD/CMND, thẻ bảo hiểm) tại quầy thu ngân và nói rõ lý do khám sức khỏe xin việc.
Bước 2: Kê khai thông tin trên mẫu giấy khám sức khỏe xin việc và thanh toán chi phí.
Bước 3: Lấy số thứ tự và di chuyển đến khoa/phòng khám đã được chỉ định. Danh mục khám bao gồm các nội dung sau:
- Kiểm tra thể lực: Đo chiều cao, cân nặng, vòng ngực.
- Khám lâm sàng: Đo thị lực, khám tai – mũi – họng, răng hàm mặt, khám da liễu, đo huyết áp, khám phụ khoa (đối với nữ giới), v.vv..
- Xét nghiệm: Xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, test chất gây nghiện, v.vv.. Tuy nhiên, xét nghiệm không mang tính chất bắt buộc, chỉ khi doanh nghiệp yêu cầu thì người lao động mới đăng ký xét nghiệm.
- Chẩn đoán hình ảnh: Chụp X-quang xương, phổi, tim, v.vv.. với một số ngành đặc thù.
Bước 4: Nhận giấy xác nhận sức khỏe có dấu mộc của trung tâm y tế tại quầy thu ngân.
Những điều bạn cần lưu ý khi khám sức khỏe xin việc
Dưới đây là một số lưu ý quan trọng bạn cần nắm rõ khi đi khám sức khỏe xin việc.
- Theo quy định tại Điều 8, Thông tư 14/2013/TT-BYT, giấy khám sức khỏe chỉ có giá trị tối đa 12 tháng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp yêu cầu ứng viên phải nộp giấy khám sức khỏe không quá 6 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ. Do đó, bạn phải tìm hiểu kỹ quy định của doanh nghiệp để chuẩn bị đúng theo yêu cầu.
- Giấy khám sức khỏe xin việc chỉ có giá trị theo mẫu quy định, phải viết bằng mực xanh, không tẩy xóa, không viết tắt.
- Chuẩn bị ảnh chân dung có kích thước 4x6cm. Vì giấy khám sức khỏe yêu cầu phải có ảnh cá nhân của ứng viên và có dấu giáp lai trên ảnh.
- Tìm hiểu gia đình có tiền sử bệnh lý hay không. Điều này giúp bác sĩ đưa ra kết luận chính xác hơn về tình trạng sức khỏe của bạn.
- Trong trường hợp phải thực hiện xét nghiệm hoặc nội soi, bạn cần nhịn ăn ít nhất từ 4-6 tiếng nhằm đảm bảo kết quả chuẩn xác nhất.
- Cần kiểm tra xác nhận và chữ ký của bác sĩ trong từng danh mục trước khi ra về. Nếu thiếu bất kỳ mục nào thì giấy khám sức khỏe sẽ không có giá trị.
>>>Xem thêm: Giấy khám sức khỏe xin việc làm ở đâu? Bao nhiêu tiền?
Một số câu hỏi thường gặp về xếp loại sức khỏe làm việc
Sức khỏe loại 3 có đủ điều kiện làm việc không?
Mặc dù sức khỏe loại III chỉ được xếp loại sức khỏe trung bình nhưng không phải không còn cơ hội. Chẳng qua là chưa được ưu tiên so với sức khỏe loại I và loại II. Thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn tuyển dụng người lao động có sức khỏe loại III nếu họ chứng minh được năng lực của bản thân và đảm bảo sức khỏe không ảnh hưởng đến hiệu suất công việc.
Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều có xu hướng tuyển dụng người lao động có sức khỏe tốt, đặc biệt là những ngành nghề đòi hỏi cao về sức khỏe. Tuy nhiên, với trường hợp người lao động có sức khỏe kém, xếp loại III, loại IV thì người lao động vẫn có thể lựa chọn những công việc nhẹ nhàng, không yêu cầu sức khỏe.
Phân loại sức khỏe để làm gì?
Từ những nội dung được đề cập ở trên, chúng ta có thể thấy rằng việc phân loại sức khỏe đóng vai trò quan trọng đối với người lao động và người sử dụng lao động. Nếu như người sử dụng lao động dựa vào phân loại sức khỏe để đánh giá ứng viên có phù hợp với công việc, thì người lao động sử dụng phân loại sức khỏe để tìm kiếm công việc phù hợp với bản thân.
Bên cạnh đó, việc phân loại sức khỏe còn đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyển chọn nghĩa vụ quân sự. Cụ thể, phân loại sức khỏe nhằm xác nhận công dân có đủ tình trạng sức khỏe để nhập ngũ hay không và là cơ sở để phân bổ nhiệm vụ cho các chiến sĩ tham gia nhập ngũ.
Xếp loại sức khỏe làm việc và nghĩa vụ quân sự khác nhau như thế nào?
Như đã đề cập ở trên, tiêu chuẩn sức khỏe làm việc được phân thành 5 loại từ I-V, bao gồm rất khỏe, khỏe, trung bình, yếu và rất yếu. Trong khi đó, tiêu chuẩn sức khỏe nghĩa vụ quân sự được chia thành 6 loại và được đánh giá dựa trên thang điểm từ 1-6. Cụ thể:
- Điểm 1: Chỉ tình trạng sức khỏe rất tốt.
- Điểm 2: Chỉ tình trạng sức khỏe tốt.
- Điểm 3: Chỉ tình trạng sức khỏe khá.
- Điểm 4: Chỉ tình trạng sức khỏe trung bình.
- Điểm 5: Chỉ tình trạng sức khỏe yếu.
- Điểm 6: Chỉ tình trạng sức khỏe rất yếu.
Căn cứ vào số điểm chấm cho 8 chỉ tiêu khám sức khỏe, xếp loại sức khỏe nghĩa vụ quân sự được phân loại như sau:
- Sức khỏe loại 1: Tất cả 8 chỉ tiêu đều đạt điểm 1.
- Sức khỏe loại 2: Có ít nhất 1 chỉ tiêu đạt điểm 2.
- Sức khỏe loại 3: Có ít nhất 1 chỉ tiêu đạt điểm 3.
- Sức khỏe loại 4: Có ít nhất 1 chỉ tiêu đạt điểm 4.
- Sức khỏe loại 5: Có ít nhất 1 chỉ tiêu đạt điểm 5.
- Sức khỏe loại 6: Có ít nhất 1 chỉ tiêu đạt điểm 6.
Như vậy là Blog TopCV đã giúp bạn giải đáp toàn bộ những thắc mắc về xếp loại sức khỏe làm việc. Có thể thấy rằng, việc đánh giá và phân loại sức khỏe làm việc là vấn đề quan trọng đối với người lao động và người sử dụng lao động. Hoạt động này cho phép người sử dụng lao động đánh giá mức độ phù hợp của ứng viên, đặc biệt là những công việc đòi hỏi sức khỏe. Ngược lại, người lao động có thể dựa vào xếp loại sức khỏe để tìm kiếm công việc phù hợp.
Ngoài ra, nếu bạn đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm phù hợp với bản thân thì hãy truy cập ngay TopCV. Hàng ngàn việc làm hấp dẫn đến từ nhiều vị trí, ngành nghề khác nhau, đảm bảo bạn sẽ tìm được công việc phù hợp.