Thiên vị là gì? Cách ứng xử khôn khéo khi sếp thiên vị

Thiên vị là gì Cách ứng xử khôn khéo khi sếp thiên vị
Thiên vị là gì? Cách ứng xử khôn khéo khi sếp thiên vị

Đã bao giờ bạn rơi vào trường hợp sếp ưu ái người thân hay những nhân viên chỉ biết nịnh nọt? Họ sẵn sàng tăng lương, thăng chức hoặc thậm chí bỏ qua lỗi sai cho những kiểu nhân viên này. Ngược lại, bạn phải chịu cảnh bị sếp soi mói hoặc không được công nhận năng lực. Trường hợp này được gọi là thiên vị. Vậy thiên vị là gì? Bạn cần phải làm gì khi gặp sếp thiên vị. Hãy để Blog TopCV giúp bạn giải đáp những thắc mắc này trong bài viết dưới đây. 

Thiên vị là gì?

Hiểu đơn giản, thiên vị là cách đối xử không công bằng, chỉ ưu ái, coi trọng một bên. Trong khi đó, bên còn lại phải chịu thái độ thờ ơ, lạnh nhạt. Thiên vị có thể xảy ra ở bất cứ đâu, từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội và ngay cả bản thân mỗi người cũng luôn tồn tại sự thiên vị. Tuy nhiên, vấn đề này được thể hiện rõ nét nhất ở môi trường công sở. 

Dẫu biết rằng, môi trường làm việc nào cũng có sự cạnh tranh, ai cũng muốn thể hiện năng lực bản thân và được cấp trên công nhận. Tuy nhiên, khi sự cạnh tranh không còn lành mạnh, năng lực được đánh giá bằng mối quan hệ gia đình hoặc những lời nịnh nọt thì sẽ đẩy nhân viên rơi vào cảm giác chán nản, bất bình. 

Thiên vị trong môi trường công sở có thể xảy ra ở bất kỳ khía cạnh nào trong công việc, từ cách phân chia công việc, trao quyền cho đến khen thưởng, tăng lương, v.vv.. Khi những vấn đề này kéo dài quá lâu sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy, đặc biệt là những phản ứng tiêu cực, mâu thuẫn không đáng có. 

Thiên vị là cách đối xử không công bằng, chỉ ưu ái coi trọng một bên
Thiên vị là cách đối xử không công bằng, chỉ ưu ái, coi trọng một bên

>>>Xem thêm: Trở thành cái gai trong mắt của sếp nếu cứ tiếp tục 4 tật xấu này

Những dấu hiệu cho thấy sếp của bạn đang thiên vị

Dấu hiệu sếp thiên vị là gì? Liệu bạn có là nạn nhân của sự thiên vị? Dưới đây là một số dấu hiệu sếp thiên vị bạn cần lưu ý.

Phân công công việc không đồng đều

Thông thường, người quản lý sẽ dựa vào năng lực của từng cá nhân để giao việc. Tuy nhiên, nếu người quản lý chỉ giao nhiệm vụ quan trọng cho những nhân viên thân tín mà không hề cân nhắc đến năng lực của những nhân viên khác thì có thể họ đang thiên vị. 

Hiểu đơn giản, họ chỉ cố gắng tạo cơ hội cho những “cận thần” được thăng quan tiến chức. Ngược lại, những nhân viên khác chỉ được giao những nhiệm vụ nhỏ nhặt, thậm chí không đúng chuyên môn dù cho năng lực có giỏi đến đâu.

Sếp thiên vị chỉ giao nhiệm vụ quan trọng cho nhân viên thân tín
Sếp thiên vị chỉ giao nhiệm vụ quan trọng cho nhân viên thân tín

Đánh giá năng lực nhân viên không công bằng

Đánh giá năng lực của nhân viên là trách nhiệm của người làm sếp. Họ cần phải dựa vào hiệu suất và kết quả công việc để đánh giá một cách khách quan, minh bạch.

Tuy nhiên, một số người lại dựa vào định kiến cá nhân, luôn đánh giá cao người nhà hoặc những nhân viên thân tín. Trong khi đó, những nhân viên hoàn thành tốt công việc được giao, thậm chí tốt hơn những nhân viên khác nhưng lại không được đánh giá cao.

Những người sếp thiên vị thường đánh giá nhân viên dựa trên định kiến cá nhân thay vì kết quả công việc
Những người sếp thiên vị thường đánh giá nhân viên dựa trên định kiến cá nhân thay vì kết quả công việc

Bỏ qua lỗi sai của những nhân viên thân tín

Mắc lỗi sai trong công việc là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu một nhân viên mắc lỗi nhiều lần, làm ảnh hưởng đến cả tập thể nhưng sếp lại không khiển trách, áp dụng hình phạt, thậm chí còn bao che thì đó có thể là biểu hiện của sự thiên vị. 

Trao những vị trí quan trọng cho người nhà

Tình trạng này khá phổ biến ở những công ty gia đình, nơi mà những thành viên trong gia đình được nắm giữ những vị trí quan trọng. Trong khi đó, dù cho năng lực của bạn có giỏi đến đâu hoặc nỗ lực như thế nào, thì bạn cũng chỉ là nhân viên.

Sếp thiên vị chỉ muốn trao những vị trí quan trọng cho người nhà
Sếp thiên vị chỉ muốn trao những vị trí quan trọng cho người nhà

Không công nhận nỗ lực của bạn

Có bao giờ bạn thắc mắc, tại sao những nỗ lực, đóng góp hoặc kết quả bạn mang lại cho công ty đều không được sếp công nhận. Trong khi đó, một vài nhân viên chỉ hoàn thành những việc nhỏ nhặt lại được sếp tán dương, khen thưởng.

Nếu chỉ có một mình bạn gặp phải trường hợp này thì có thể bạn đang bị sếp ghét. Nhưng nếu đồng nghiệp của bạn cũng gặp phải tình trạng tương tự thì đây chính là biểu hiện sếp đang cố gắng thiên vị cho những “gà cưng”.

Hãy cẩn trọng với những cấp trên luôn phủ nhận nỗ lực và kết quả của nhân viên
Hãy cẩn trọng với những cấp trên luôn phủ nhận nỗ lực và kết quả của nhân viên

>>>Xem thêm: Công sở độc hại là gì và làm gì nếu lỡ “sa chân”?

Cuộc vui chỉ có sếp và những nhân viên thân tín

Những cuộc vui sau giờ làm hoặc cuối tuần là cách để các nhân viên trong công ty gắn kết và hiểu nhau hơn. Nhưng nếu cuộc vui chỉ có sếp và một vài nhân viên thân tín thì đây có thể là dấu hiệu của sự thiên vị. 

Đồng ý rằng chúng ta chỉ thích chơi với những người hợp tính, cùng tư tưởng. Nhưng với cương vị người làm sếp, lãnh đạo cả một tập thể thì họ phải có trách nhiệm gắn kết các thành viên, không thể chọn ai, bỏ ai. 

Nếu bạn bị loại bỏ khỏi cuộc vui của sếp với những đồng nghiệp khác thì có thể chính là nạn nhân của sự thiên vị
Nếu bạn bị loại bỏ khỏi cuộc vui của sếp với những đồng nghiệp khác thì có thể chính là nạn nhân của sự thiên vị

Giao việc ngoài giờ làm

Bất kỳ ai khi đi làm cũng đều không mong muốn nhận tin nhắn hoặc cuộc gọi giao việc của sếp vào tối muộn hoặc ngày nghỉ. Có thể do bạn có năng lực nên mới được sếp giao việc ngoài giờ làm. Nhưng nếu tình trạng này chỉ xảy ra thường xuyên với một vài nhân viên thì đây là dấu hiệu đáng cảnh báo. 

Cụ thể, sếp thiên vị thường có xu hướng giao việc ngoài giờ cho những nhân viên họ không ưa, có thể gọi là “nhóm người ngoài”. Trong khi đó, “nhóm thân cận” với sếp lại không phải chịu cảnh giống như bạn, thậm chí họ lại rất thảnh thơi trong giờ làm. 

Những người sếp thiên vị thường có xu hướng giao việc cho nhân viên sau giờ làm
Những người sếp thiên vị thường có xu hướng giao việc cho nhân viên sau giờ làm

Bạn phải làm gì để đối phó với sự thiên vị của sếp?

Khi gặp sếp thiên vị, bạn cần phải làm gì? Cố gắng làm sáng tỏ vấn đề hay im lặng cho qua mọi chuyện? Dưới đây là một số mẹo đối phó với sếp thiên vị bạn có thể tham khảo.

Tìm hiểu ngọn ngành của vấn đề

Đừng cố gắng làm quá vấn đề khi bạn chưa tìm hiểu nguyên nhân đằng sau sự ưu ái của sếp. Bạn hãy tìm hiểu xem mối quan hệ giữa sếp và người kia như thế nào. Liệu họ có phải là bạn bè hay bà con họ hàng không? Hay người nhân viên kia có năng lực thật sự và mang lại hiệu quả trong công việc nên được sếp tin tưởng. 

Chỉ khi biết được nguyên nhân bạn mới có cái nhìn khách quan về sự ưu ái của sếp, đánh giá sự thiên vị có thiếu công bằng hay không. Từ đó, bạn mới có thể xác định liệu bạn có đang là nạn nhân trong sự thiên vị của sếp hay không. 

>>>Xem thêm: Đừng vội bỏ việc vì sếp “tồi”, biết đâu đây có thể là cơ hội của bạn

Khẳng định giá trị của bản thân

Thay vì bực tức với sự thiên vị của cấp trên, bạn hãy cố gắng làm việc chăm chỉ và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đây là cách để bạn chứng minh năng lực của bản thân với công ty và đồng nghiệp. Một khi những cống hiến của bạn được công nhận thì chắc chắn cấp trên sẽ chú ý và trọng dụng bạn. 

Đồng thời, bạn tuyệt đối không để sự thiên vị của cấp trên ảnh hưởng đến công việc. Vì bạn đang làm việc cho công ty. Nếu mối quan hệ của bạn và cấp trên có vấn đề thì vẫn còn những bộ phận khác đứng ra giải quyết. Nhưng nếu bạn không hoàn thành công việc thì đồng nghĩa bạn đang cố gắng chống đối công ty và người chịu thiệt thòi chính là bạn. 

Hãy cố gắng làm việc chăm chỉ chứng minh bạn là một phần không thể thiếu trong tập thể
Hãy cố gắng làm việc chăm chỉ, chứng minh bạn là một phần không thể thiếu trong tập thể

>>>Xem thêm: Bí quyết tự tạo động lực làm việc hiệu quả

Không tỏ thái độ với người được ưu ái

Dù trong bất kỳ trường hợp nào, bạn cũng không được tỏ thái độ với nhân viên được sếp ưu ái. Vì bạn vẫn chưa biết được nguyên nhân có phải xuất phát từ họ hay không. Thậm chí họ còn không biết bản thân được sếp ưu ái hơn những nhân viên khác. 

Nếu bạn tỏ thái độ gay gắt với người đồng nghiệp này thì chỉ khiến mối quan hệ trở nên bế tắc, gây mất hòa khí trong môi trường làm việc và ảnh hưởng đến những đồng nghiệp xung quanh. 

Thay vào đó, bạn cần giữ mối quan hệ hòa nhã với người đồng nghiệp này. Thậm chí, bạn có thể giúp đỡ họ trong công việc. Điều này giống như bạn đang giúp đỡ sếp của mình, giúp bạn ghi điểm trong mắt các nhà lãnh đạo và chứng minh năng lực bản thân. 

Tuy nhiên, bạn cũng đừng dại dột mà thân quá mức, hãy giữ khoảng cách nhất định. Bởi vì không chỉ riêng mình bạn, có thể còn nhiều đồng nghiệp khác cũng không ưa nhân viên được sếp ưu ái. Việc bạn thân quá mức vô tình khiến bạn trở thành kẻ thù của những đồng nghiệp khác. 

Tuyệt đối không tỏ thái độ gay gắt với nhân viên được sếp ưu ái
Tuyệt đối không tỏ thái độ gay gắt với nhân viên được sếp ưu ái

Tuyệt đối không đối đầu trực diện với sếp

Dù sếp của bạn có biểu hiện thiên vị thì bạn cũng không nên tỏ thái độ gay gắt, chất vấn hay buộc tội sếp. Đây là hành động kém khôn ngoan. Dù sao họ cũng là cấp trên của bạn. Việc đối đầu với họ chẳng mang đến lợi lộc gì cho bạn. Thậm chí, bạn còn bị liệt vào “danh sách đen” của sếp. 

Thay vào đó, hãy xem như bạn không biết gì, luôn giữ thái độ hòa nhã, thân thiện với sếp để tránh những rắc rối không đáng có. 

Đối đầu trực diện với sếp chỉ làm bạn bị liệt vào danh sách đen
Đối đầu trực diện với sếp chỉ làm bạn bị liệt vào danh sách đen

Trao đổi khéo léo với cấp trên

Đồng ý là bạn không nên đối đầu trực diện với sếp. Tuy nhiên, nếu sự thiên vị của sếp đã quá rõ ràng, ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của bạn, đồng thời những cố gắng của bạn vẫn không hiệu quả thì đã đến lúc bạn cần phải lên tiếng.

Đầu tiên, bạn cần tế nhị và khéo léo trong từng lời nói của mình. Đừng đề cập đến vấn đề sếp đang dành sự ưu ái quá mức cho một nhân viên nào đó trong công ty. Điều này chỉ khiến bạn trở nên nhỏ nhen, ích kỷ trong mắt sếp. 

Thay vào đó, bạn hãy trao đổi với sếp về công việc của bạn, đề nghị sếp đánh giá và giúp đỡ nếu cần thiết. Trong suốt quá trình trao đổi, phải luôn giữ thái độ hòa nhã, đặt những câu hỏi cụ thể. Qua đó, sếp sẽ cảm thấy bạn biết tôn trọng họ và sẽ không phớt lờ những thành quả mà bạn đạt được.

Hãy khéo léo trao đổi với sếp về công việc cho họ thấy bạn đang thể hiện sự tôn trọng
Hãy khéo léo trao đổi với sếp về công việc, cho họ thấy bạn đang thể hiện sự tôn trọng

Luôn lạc quan và tích cực

Nhiều người thường có xu hướng tiêu cực khi gặp một vấn đề nào đó trong công việc. Tuy nhiên, tiêu cực chẳng thể giúp bạn giải quyết được điều gì trong trường hợp này. Thậm chí, nó còn ảnh hưởng đến chất lượng công việc và tinh thần của bạn, khiến bạn dễ nảy sinh tâm lý chán ghét, thái độ bất mãn, chống đối với cấp trên. 

Đồng thời, bạn cũng không nên kể lể vấn đề sếp thiên vị cho “gà cưng” với bất kỳ một đồng nghiệp nào khác trong công ty. Bởi vì bạn cũng không biết được, người đồng nghiệp được bạn tâm sự có cùng chiến tuyến với sếp hay người nhân viên được ưu ái không. Chẳng may họ cùng hội cùng thuyền thì bạn lại trở thành kẻ nhỏ nhen, ích kỷ, thích bịa chuyện. 

Hơn hết, khi bạn than phiền, kể lể cũng chẳng giúp tâm trạng của bạn khá khẩm hơn. Thay vào đó, bạn phải luôn lạc quan và tích cực, cố gắng phấn đấu để chứng tỏ năng lực bản thân. 

Sự lạc quan và tích cực sẽ giúp bạn tránh được những rắc rối không đáng có
Sự lạc quan và tích cực sẽ giúp bạn tránh được những rắc rối không đáng có

Kiên nhẫn chờ đợi

Đến một lúc nào đó, người được sếp bao che, ưu ái sẽ không còn xứng đáng nhận được những đặc ân này. Vì kiểu người này thường chỉ cố gắng trong thời gian đầu. Khi đã đạt được âm mưu, họ có xu hướng ỷ lại vào cấp trên, thậm chí đâm sau lưng cấp trên để đạt được những toan tính cao hơn. 

Sau một thời gian, sếp sẽ nhận ra mình đã đánh giá sai người và chuyện đào thải là lẽ tất yếu. Lúc này, lỗ hổng do người đó tạo ra chính là cơ hội để bạn lấp đầy bằng năng lực thật sự của bạn. Hãy cho sếp thời gian để nhìn thấy những cố gắng, nỗ lực của bạn.

Hãy cho sếp thời gian để nhìn thấy những cố gắng nỗ lực của bạn
Hãy cho sếp thời gian để nhìn thấy những cố gắng, nỗ lực của bạn

Chia sẻ với phòng nhân sự

Trong một số trường hợp, bạn nên chia sẻ trực tiếp với bộ phận nhân sự. Bởi phòng nhân sự không chỉ có nhiệm vụ tuyển dụng mà họ còn có trách nhiệm xây dựng môi trường làm việc tích cực, thúc đẩy tinh thần làm việc của nhân viên. 

Hãy chia sẻ một cách khéo léo với bộ phận nhân sự để có hướng giải quyết tốt nhất. Chắc chắn họ sẽ đưa ra lời giải thích thỏa đáng và không để bạn phải ôm khó chịu, bực dọc. 

Thậm chí, bạn có thể tiếp cận người quản lý của sếp và xin lời khuyên của họ để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, bạn nên chia sẻ một cách khéo léo, cẩn trọng và đừng cố gắng buộc tội sếp trước cấp quản lý. 

Trong trường hợp cần thiết bạn nên chia sẻ trực tiếp với phòng nhân sự về vấn đề thiên vị của sếp
Trong trường hợp cần thiết, bạn nên chia sẻ trực tiếp với phòng nhân sự về vấn đề thiên vị của sếp

Tìm kiếm môi trường mới phù hợp hơn

Nếu như bạn đã áp dụng tất cả các phương pháp kể trên nhưng đều không thể khiến sếp của bạn thay đổi suy nghĩ và hành động. Thậm chí, họ còn cố gắng chèn ép, gây khó dễ thì tốt nhất bạn nên tìm kiếm môi trường mới phù hợp hơn. Nơi mà bạn được đối xử công bằng, được đánh giá dựa trên năng lực thật sự thay vì những lời nịnh nọt hoặc mối quan hệ gia đình. 

Ngược lại, nếu bạn cứ cố chấp ở lại và chờ đợi sự thay đổi của cấp trên thì bạn cũng chỉ đang chìm đắm trong cảm giác chán nản, thất vọng, kết quả công việc ngày càng đi xuống. 

Thêm vào đó, một công ty đối xử thiếu công bằng với nhân viên rất khó giữ chân nhân tài, nội bộ dễ lục đục, bất hòa. Sớm muộn, công ty sẽ gặp khó khăn trong khâu vận hành, quản lý và rủi ro lớn nhất là phá sản. Do đó, nếu bạn cố gắng ở lại thì bạn cũng chỉ đang hủy hoại tương lai của của chính mình.

Nếu không thể thay đổi suy nghĩ của sếp thì tốt nhất bạn nên tìm kiếm môi trường phù hợp hơn
Nếu không thể thay đổi suy nghĩ của sếp thì tốt nhất bạn nên tìm kiếm môi trường phù hợp hơn

>>>Xem thêm: Top 8 cách xin nghỉ việc khôn ngoan bạn cần biết để không mất lòng Sếp

Hy vọng những kiến thức được chia sẻ trong bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ thiên vị là gì và dấu hiệu nhận biết một người sếp thiên vị. Hơn hết, trước những người sếp thiên vị, bạn phải thật bình tĩnh, tìm hiểu nguyên nhân và đừng để những cảm xúc tiêu cực lấn át lý trí. Bên cạnh đó, bạn hãy cố gắng nỗ lực nhiều hơn, khẳng định giá trị của bạn với sếp và đồng nghiệp. Qua đó, sếp sẽ cái nhìn khách quan và đánh giá tích cực về bạn. 

Ngoài ra, nếu bạn đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm, thì hãy nhanh tay truy cập TopCV. Hiện tại, TopCV là nền tảng công nghệ tuyển dụng nhân sự hàng đầu Việt Nam. Hàng ngàn việc làm hấp dẫn được cập nhật liên tục đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau, đảm bảo ứng viên có thể tìm được công việc phù hợp. Bên cạnh đó, ứng dụng tạo CV online của TopCV cho phép ứng viên dễ dàng kết nối với nhà tuyển dụng.