Phân khúc khách hàng là gì? Các hình thức phân khúc khách hàng

Phân khúc khách hàng là gì? Các hình thức phân khúc khách hàng
Phân khúc khách hàng là gì? Các hình thức phân khúc khách hàng

Để nâng cao hiệu quả marketing, mỗi chiến lược marketing khi triển khai đều phải bám sát phân khúc khách hàng cụ thể. Vậy phân khúc khách hàng hàng là gì? Các đối tượng khách hàng trong phân khúc có gì khác biệt và tại sao phải phân khúc khách hàng? Tất cả sẽ được giải đáp qua bài viết dưới đây của Blog TopCV!

Phân khúc khách hàng là gì?

Phân khúc khách hàng (Customer Segmentation) là một thuật ngữ trong Marketing dùng để chỉ một tập khách hàng có đặc điểm chung, có phong cách mua sắm, tiêu dùng tương tự với nhau. Mỗi phân khúc sẽ có một “chân dung khách hàng” khác nhau và dựa vào đó, các marketer có thể dự đoán được xu hướng tiêu dùng một dòng sản phẩm/ dịch vụ nhất định của các đối tượng khách hàng thuộc phân khúc đó

phân khúc khách hàng là gì
Định nghĩa phân khúc khách hàng là gì?

Ví dụ: phân khúc khách hàng nữ giới thành thị 25-30 tuổi, chưa có con, có mức thu nhập từ 25-35 triệu đồng/ tháng tại Việt Nam bao gồm các đối tượng khách hàng có xu hướng tiêu nhiều cho các thương hiệu thời trang trung – cao cấp, hướng tới phong cách thanh lịch, sang trọng,…

>>> Tìm hiểu: Chi tiết công việc của chuyên viên nghiên cứu thị trường – Họ là ai?

Tại sao phải phân khúc khách hàng? Ý nghĩa của việc nghiên cứu phân khúc khách hàng trong marketing

Dựa trên các đặc điểm khác nhau như: độ tuổi, giới tính, mức thu nhập, vùng địa lý, nơi sinh sống, dân tộc, tôn giáo, sở thích, mối quan tâm,.. mà mỗi phân khúc khách hàng sẽ có nét đặc trưng riêng, và nét đặc trưng này sẽ gây ảnh hưởng tới cách họ tiêu dùng. Do đó sẽ có những sản phẩm, dịch vụ phù hợp với phân khúc khách hàng này mà không phù hợp với phân khúc khách hàng khác.

Xác định đối tượng khách hàng mục tiêu

Việc nghiên cứu phân khúc khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp hình dung được chính xác đối tượng khách hàng mục tiêu cần hướng tới, từ đó tập trung nguồn lực đúng cách cho các hoạt động quảng cáo, truyền thông, PR sản phẩm, dịch vụ, giúp tối ưu hóa hiệu quả

Tối ưu hiệu quả marketing, tăng tỷ lệ chuyển đổi

Việc nghiên cứu kỹ lưỡng các đối tượng khách hàng thuộc từng phân khúc sẽ giúp tối ưu hiệu quả marketing, với mỗi phân khúc cần có cách truyền thông khác nhau phù hợp với đặc điểm khách hàng. từ đó giúp tránh lãng phí nguồn lực, dễ thu hút lead (khách hàng tiềm năng) và tăng tỷ lệ chuyển đổi

Ví dụ, với phân khúc khách hàng yêu thích việc mua sắm tại cửa hàng cần tập trung marketing tại điểm bán và giảm tỷ lệ marketing trên các kênh online để tránh lãng phí; ngược lại với các đối tượng khách hàng thích mua online có thể cắt giảm bớt ngân sách cho marketing offline và đẩy mạnh chạy ads trên các kênh FB, instagram, website, sàn thương mại điện tử,… 

>>> Tham khảo: Ngành marketing phù hợp với người như thế nào? Ai nên học marketing?

Đóng góp cho quá trình R&D 

Nghiên cứu phân khúc khách hàng cũng giúp ích cho hoạt động R&D của doanh nghiệp. Trước khi ra mắt một sản phẩm trên thị trường, đội ngũ nghiên cứu và phát triển cần phải thực hiện các market research để tìm hiểu về đặc điểm và xu hướng tiêu dùng của các đối tượng khách hàng khác nhau, từ đó thiết kế sản phẩm phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của thị trường, tạo nên lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp 

Nếu không nghiên cứu từng phân khúc khách hàng và tìm hiểu sự khác nhau giữa những phân khúc thì sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp sẽ khó có thể thu hút được sự chú ý cũng như chinh phục được các đối tượng khách hàng mục tiêu, và do đó sẽ gặp thất bại khi ra mắt thị trường. 

>>> Tham khảo: Lợi thế cạnh tranh – Yếu tố tạo sức mạnh bền vững cho doanh nghiệp

Một số phân khúc khách hàng phổ biến 

Phân khúc khách hàng theo nhân khẩu và địa lý

Đây là cách phân khúc khách hàng tương đối phổ biến. Theo ví dụ ở trên, “phân khúc khách hàng nữ giới thành thị 25-30 tuổi tại Việt Nam, chưa có con, có mức thu nhập từ 25-35 triệu đồng/ tháng” được coi là cách phân khúc theo nhân khẩu (độ tuổi, giới tính, mức thu nhập, tình trạng kết hôn, nơi sinh sống, dân tộc, tôn giáo,…) và theo địa lý (thành thị – Việt Nam)

Dựa trên những tiêu chí này, các marketer có thể xây dựng được chân dung khách hàng tại phân khúc một cách cơ bản nhất. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào cách phân khúc khách hàng theo nhân khẩu và địa lý thì mới chỉ có thể dự đoán được một phần xu hướng tiêu dùng của các đối tượng khách hàng này

phân khúc khách hàng là gì
Custimer Segmentation là gì? Phân khúc khách hàng là gì?

Phân khúc khách hàng theo hành vi tiêu dùng

Điểm đặc trưng làm nên sự khác biệt giữa mỗi phân khúc là xu hướng và phong cách tiêu dùng, do đó khi nghiên cứu và phân khúc khách hàng cần chú ý tới hành vi tiêu dùng. Nó có thể dựa trên các yếu tố nhân khẩu, địa lý, song ngoài ra còn phụ thuộc vào sở thích, mối quan tâm, xu hướng hiện tại,… Nghiên cứu hành vi tiêu dùng giúp marketer xác định chính xác cách mà các đối tượng khách hàng thực hiện chu trình mua sắm, từ đó tối ưu chiến dịch truyền thông, quảng cáo phù hợp

Phân khúc khách hàng theo tâm lý học

Trong nghiên cứu thị trường, để tìm ra insight – nhu cầu tiềm ẩn của khách hàng – là một quá trình không dễ dàng, đòi hỏi marketer phải am hiểu tâm lý khách hàng, nhạy bén với sản phẩm, dịch vụ, thậm chí có trải nghiệm cá nhân với sản phẩm. Việc phân khúc khách hàng theo tâm lý học dựa trên insight giúp marketer “chạm trúng” cảm xúc sâu kín của khách hàng và có thể khiến khách hàng đồng cảm, từ đó khiến họ ấn tượng về sản phẩm, dịch vụ và nhanh chóng đi đến quyết định mua hàng

>>> Tham khảo: Ứng dụng tháp nhu cầu Maslow trong nghiên cứu tâm lý khách hàng

Cách phân khúc khách hàng hiệu quả trong marketing

Để phân khúc khách hàng hiệu quả, cần thực hiện việc nghiên cứu thị trường một cách nghiêm túc thông qua việc thu thập ý kiến, khảo sát người tiêu dùng, phân tích dựa trên dữ liệu mua sắm trước đó, những phản hồi trực tiếp và gián tiếp của khách hàng về sản phẩn, dịch vụ,…

Ngoài ra khi thực hiện các chiến dịch marketing có thể tiến hành thử nghiệm trên các đối tượng khách hàng thuộc từng phân khúc với số lượng nhỏ để đo lường số liệu và so sánh kết quả, từ đó rút ra kết luận một cách chính xác. Ví dụ khi chạy quảng cáo Facebook nên sử dụng 2-4 mẫu quảng cáo dành cho từng phân khúc khác nhau để đo lường mức độ tiếp cận và phản hồi, sau đó điều chỉnh để tìm được tệp khách hàng phù hợp, mẫu quảng cáo phù hợp nhất. 

Hy vọng rằng, bài viết trên của Blog TopCV đã giúp bạn hiểu rõ Phân khúc khách hàng là gì? Tại sao phải phân khúc khách hàng và các hình thức phân khúc khách hàng hiệu quả trong marketing. Nếu bạn muốn tìm kiếm việc làm HOT thì hãy lựa chọn TopCV để tìm việc. Truy cập TopCV ngay hôm nay để không bỏ lỡ những vị trí hấp dẫn nhất nhé!

Nguồn ảnh: Sưu tầm