Trong hàng ngàn nhu cầu và mong muốn của con người, nhà tâm lý học Abraham Maslow đã khái quát và xây dựng nên mô hình tháp mang tên ông – tháp nhu cầu Maslow. Mô hình tháp Maslow được ứng dụng rất nhiều trong các ngành tâm lý hiện đại cũng như các ngành kinh tế – xã hội, trong đó có Marketing. Trong bài viết dưới đây, Blog TopCV sẽ giới thiệu chi tiết về thuyết Maslow và phân tích ứng dụng của nó trong ngành Marketing.
Tháp nhu cầu Maslow là gì?
Vào năm 1943, nhà tâm lý học Abraham Maslow đã đưa ra lý thuyết tâm lý học Tháp nhu cầu Maslow (tên tiếng Anh: Maslow’s hierarchy of needs) và nhanh chóng trở thành một trong các lý thuyết tâm lý quan trọng nhất cho tới ngày nay. Cụ thể, Maslow chia các nhu cầu của con người thành 5 cấp bậc theo thứ tự quan trọng và mô hình hóa các nhu cầu này thành tháp. Tầng thấp nhất của tháp biểu thị nhu cầu quan trọng nhất, các tầng trên mô tả những nhu cầu cao hơn khi đã được đáp ứng đủ nhu cầu ở tầng dưới.
Thuyết nhu cầu của Maslow được ứng dụng rất nhiều trên các lĩnh vực liên quan đến con người như: quản trị nhân sự, giáo dục – đào tạo hay truyền thông – marketing. Bên cạnh đó, nó còn được sử dụng để giải thích nhiều hiện tượng trong cuộc sống con người.
>>> Tham khảo: Học ngành marketing thi khối nào? Cẩm nang hướng nghiệp ngành Marketing
Phân tích chi tiết 5 cấp bậc của tháp nhu cầu Maslow
5 bậc của tháp bao gồm nhu cầu thiết yếu, nhu cầu an toàn, nhu cầu tình cảm, nhu cầu được tôn trọng và cuối cùng là nhu cầu thể hiện bản thân.
1-Nhu cầu thiết yếu (hay còn gọi là nhu cầu sinh lý)
Như tên gọi, nhu cầu thiết yếu (Physiological needs) là những nhu cầu căn bản nhất, được đặt ở đáy của tháp. Đây là những nhu cầu giúp con người tồn tại, bao gồm: thức ăn, nước uống, không khí (khí oxi), ánh sáng… Nếu không được đáp ứng nhu cầu thiết yếu thì con người sẽ không thể sống, cũng như không thể nghĩ tới những nhu cầu phía trên của tháp.
2-Nhu cầu an toàn
Cấp độ thứ hai của tháp nhu cầu Maslow là nhu cầu an toàn (safety needs). Bao gồm những mong muốn về sự an toàn tính mạng, an toàn thể chất (sức khỏe) và cuối cùng là an toàn về tài chính. Sự phát triển từ nhu cầu thiết yếu sang nhu cầu an toàn có thể được mô tả ngắn gọn bằng hai câu thành ngữ: “Ăn chắc mặc bền” và “Ăn ngon mặc đẹp”
3-Nhu cầu tình cảm (được yêu thương và thuộc về)
Nhu cầu được yêu thương và thuộc về (Love and belonging needs) được Maslow xếp ở tầng thứ ba của tháp nhu cầu. Con người luôn muốn được hòa nhập vào một cộng đồng chung, có mong muốn được chia sẻ và giao lưu, thể hiện tình cảm yêu thương cá nhân. Tình cảm là một trong những nhu cầu hết sức tự nhiên của con người
4-Nhu cầu được tôn trọng
Được Maslow đặt ở tầng thứ 4, nhu cầu được tôn trọng (Esteem needs) thể hiện mong muốn được chấp nhận và tôn trọng từ người khác, đồng thời có lòng tự trọng đối với chính bản thân mình. Được tôn trọng nghĩa là mong muốn được tín nhiệm, được đặt niềm tin, được khẳng định một cách tích cực, ví dụ như những lời khen ngợi, động viên, được giao trách nhiệm,…
5-Nhu cầu thể hiện bản thân
Tầng cao nhất trong tháp nhu cầu của Maslow là nhu cầu được thể hiện bản thân (Self-actualization needs). Maslow gọi nhu cầu thể hiện bản thân là “nhu cầu tăng trưởng” và cho rằng đây là nhu cầu duy nhất mà nếu thiếu hụt hay không được đáp ứng thì con người cũng không bị tổn hại như bốn nhu cầu trước đó. Do đó, nhu cầu thứ năm chỉ trở thành ưu tiên chỉ khí bốn nhu cầu cơ bản phía dưới đã được đáp ứng đầy đủ.
Một số điều cần lưu ý trong tháp nhu cầu Maslow
Khi so sánh và sử dụng tháp mô hình nhu cầu Maslow trong đời sống, có một số điều cần lưu ý như sau:
Nhu cầu có thể có thứ tự ưu tiên linh hoạt hơn
Nhu cầu con người theo mô hình tháp Maslow sẽ phát triển theo thứ tự từ đáy tháp đến đỉnh tháp. Tuy nhiên, nó có thể thay đổi thứ tự một cách linh hoạt tùy vào từng cá nhân cũng như từng hoàn cảnh. Hai nhu cầu cơ bản ở đáy tháp bao gồm nhu cầu sinh lý và nhu cầu an toàn vẫn giữ vai trò quan trọng nhất và là nền tảng để con người tồn tại. Khi tồn tại, con người mới có thể phát triển các nhu cầu tiếp theo.
Nhu cầu mới có thể xuất hiện ngay khi nhu cầu cũ được đáp ứng đủ
Nhu cầu mới không cần chờ tới khi con người được đáp ứng 100% nhu cầu trước đó mới xuất hiện, mà nó có thể xuất hiện cùng lúc khi nhu cầu cũ được đáp ứng ở một mức độ vừa đủ. Nghĩa là khi một số nhu cầu cơ bản của con người được thỏa mãn vừa đủ, họ sẽ dần chuyển sang nhu cầu mới.
Nhu cầu không phải lúc nào cũng tăng theo chiều của tháp
Hầu hết mọi người đều mong muốn nhu cầu của mình có thể phát triển theo chiều của tháp nhu cầu Maslow. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sự phát triển nhu cầu có thể bị gián đoạn vì nhiều nguyên nhân, hoặc các nhu cầu này dao động qua lại giữa các bậc trong tháp.
Tháp nhu cầu Maslow mở rộng
Ngoài 5 cấp bậc trên thì tháp nhu cầu Maslow còn được mở rộng thêm 3 cấp độ khác, được gọi là tháp nhu cầu Maslow 8 bậc với 3 bậc mới bao gồm:
- Nhu cầu nhận thức (Cognitive): nhu cầu được học hỏi, tìm tòi kiến thức mới, hiểu biết những tri thức chưa được khám phá
- Nhu cầu thẩm mỹ (Aesthetic): nhu cầu về cái đẹp, vẻ đẹp hình thức
- Nhu cầu về tự tôn bản ngã (Self-Transcendence): nhu cầu được thúc đẩy bởi các giá trị vượt ra ngoài bản thân như trực giác siêu nhiên, lòng vị tha, sự bác ái, nhân đạo.
Ứng dụng tháp nhu cầu Maslow trong Marketing
Ứng dụng lớn nhất của tháp nhu cầu Maslow trong ngành Marketing là giúp nghiên cứu insight của khách hàng, từ đó xây dựng chân dung khách hàng mục tiêu một cách chính xác và phù hợp với doanh nghiệp. Tháp Maslow giúp thương hiệu định vị được phân khúc khách hàng phù hợp; giúp thương hiệu xây dựng thông điệp truyền thông “chạm” đúng nhu cầu người dùng, khiến thương hiệu ghi điểm trong lòng khách hàng mục tiêu.
Ví dụ về ứng dụng tháp nhu cầu Maslow trong Marketing
Lấy một ví dụ, nếu sản phẩm của doanh nghiệp là hàng tiêu dùng nhanh dành cho phân khúc khách hàng bình dân, thì nhu cầu của nhóm khách hàng mục tiêu lúc này đang thuộc cấp nhu cầu sinh lý và an toàn, nên vấn đề mà họ quan tâm sẽ là giá cả, tiện dụng chứ không quan tâm nhiều đến mẫu mã, bao bì hay những công nghệ mới vượt trội. Ngược lại, khi kinh doanh mặt hàng dành cho đối tượng trung lưu đô thị có thu nhập cao, họ sẽ quan tâm nhiều hơn tới “đẳng cấp” của sản phẩm, tức là sản phẩm phải đem lại cho họ nhu cầu thể hiện bản thân – như cầu được ngưỡng mộ, tự hào. Người làm marketing cần nắm được nhu cầu của từng nhóm đối tượng để thực thi kế hoạch marketing sao cho hiệu quả.
>>> Tham khảo: Bảng mô tả công việc của nhân viên marketing cập nhật mới nhất
Mong rằng, thông qua những chia sẻ, tìm hiểu về tháp nhu cầu Maslow, bạn đã có thêm kiến thức về mô hình tâm lý học được ứng dụng trong nhiều ngành nghề, đặc biệt là những người theo đuổi việc làm marketing. Nếu bạn muốn tìm kiếm việc làm HOT thì hãy lựa chọn TopCV để tìm việc. Truy cập TopCV ngay hôm nay để không bỏ lỡ những vị trí hấp dẫn nhất nhé!
Nguồn ảnh: Sưu tầm