Trong quá trình làm việc, khi có những công việc đột xuất hoặc quá tải, OT (làm thêm giờ) là phương án của hầu hết người lao động. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rõ những quy định cụ thể liên quan đến OT, đặc biệt là tiền lương OT và số giờ làm OT để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Hãy cùng Blog TopCV tìm hiểu OT là gì và những điều cần biết liên quan đến OT nhé!
OT là gì? Định nghĩa về lương OT
OT là gì? OT là viết tắt của cụm từ overtime, dùng để chỉ khoảng thời gian làm thêm giờ, làm tăng ca ngoài khung giờ quy định trong hợp đồng lao động hay thỏa thuận (ví dụ tăng ca ngoài giờ hành chính, làm tăng cường vào ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ Tết,…). OT thường xuyên bắt gặp tại các doanh nghiệp sản xuất, nhà hàng – khách sạn – du lịch, IT,… Các bộ phận như marketing, kế toán, hành chính – nhân sự cũng có thể phải tăng ca đột xuất do khối lượng công việc tăng bất thường vào kỳ quyết toán thuế cuối quý/cuối năm, khi chạy các chiến dịch lớn,…
Tăng ca có thể do người lao động chủ động đề xuất với quản lý, hoặc do quản lý phân công sắp xếp và cần được đồng ý bởi cả 2 bên bằng biên bản tăng ca. Khi làm thêm giờ, người lao động sẽ được hưởng mức lương OT bên cạnh mức lương chính thức trên hợp đồng (gồm lương cứng và lương KPI nếu có)
>>> Xem thêm: Lương net và lương gross là gì? Hướng dẫn đổi lương gross sang net
Những quy định cần biết về thời gian OT và lương OT là gì?
Khi tăng ca, bạn cần chú ý đến những quy định về làm thêm giờ căn bản, bao gồm thời gian OT và lương OT để đảm bảo quyền lợi của mình
Thời gian OT là gì?
Theo Luật lao động thì một người lao động bình thường có thời gian làm việc quy định trên hợp đồng lao động không quá 8 tiếng/ngày và 48 giờ/tuần. Các đơn vị nhà hàng – khách sạn, lữ hành du lịch, dịch vụ khác có quyền sắp xếp thời gian làm việc theo ca làm việc, theo giờ, theo ngày hoặc theo tuần tùy theo tính chất công việc; đảm bảo không quá 48 giờ/tuần và 10 tiếng/ngày. Thời gian ca đêm được tính từ 22h ngày hôm trước cho tới 6h sáng ngày hôm sau
Số giờ làm thêm tối đa (tăng ca) trong một ngày làm việc không được quá 50% số giờ làm việc thông thường trong ngày. Ví dụ với người lao động làm việc 8 giờ/ngày thì số tiếng làm thêm giờ tối đa là 4 tiếng, tức là tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm trong một ngày làm việc không được vượt 12 tiếng. Sau mỗi đợt làm OT tối đa 7 ngày liên tục trong 1 tháng, các doanh nghiệp phải bố trí thời gian nghỉ bù số thời gian không được nghỉ cho người lao động
>>> Tham khảo: Sổ bảo hiểm xã hội là gì – Tất cả những gì người lao động cần biết
Lương OT và công thức tính lương OT chi tiết
Theo bộ luật lao động, công thức tính tiền lương làm thêm giờ (lương OT) cho từng trường hợp cụ thể như sau
Người lao động không làm tăng ca vào ban đêm
- Tăng ca vào ngày làm việc bình thường: Lương OT = lương thực trả mỗi giờ x số giờ OT x 150%
- Tăng ca vào ngày nghỉ hàng tuần: Lương OT = lương thực trả mỗi giờ x số giờ OT x 200%
- Tăng ca vào ngày lễ, Tết theo quy định, ngày nghỉ có hưởng lương (nghỉ phép, nghỉ bù): Lương OT = lương thực trả mỗi giờ x số giờ OT x 300%
Người lao động làm tăng ca vào ban đêm (22h-6h sáng hôm sau)
Nếu người lao động làm ca đêm (không OT), mức lương được tính như sau: Lương ban đêm = [100% lương thực trả mỗi giờ (ban ngày) + lương thực trả mỗi giờ ban ngày x ít nhất 30%] x số giờ làm việc ban đêm. Tức là lương khi làm việc ca đêm sẽ bằng ít nhất 130% lương ban ngày
Lương OT vào ban đêm (tức là trước khi OT ban đêm, người lao động có làm việc vào ban ngày và được tính như sau:
Lương OT ban đêm = Lương OT ban ngày + lương làm việc ban đêm + lương phụ cấp ban đêm
Lương OT ban đêm = [lương thực trả mỗi giờ x 150%/ 200%/ 300% theo loại ngày + lương thực trả mỗi giờ x ít nhất 30% + 20% x tiền lương giờ tương ứng của ban ngày] x số giờ làm thêm vào ban đêm
Ví dụ, nếu gọi lương thực trả mỗi giờ của người lao động là X thì ta có
- Lương OT ban đêm ngày thường: [150% X + 30% X + 20% (150% X)] x số giờ OT
- Lương OT ban đêm ngày nghỉ hàng tuần: [200% X + 30% X + 20% (200% X)] x số giờ OT
- Lương OT ngày lễ, Tết theo quy định: [300% X + 30% X + 20% (300% X)] x số giờ OT
>>> Tham khảo: Quy chế lương thưởng, phụ cấp của mỗi doanh nghiệp được xây dựng thế nào?
Giải đáp một số câu hỏi liên quan tới OT
Khi nào thì phải làm OT?
Thông thường phải làm OT khi công việc xảy ra tình huống đột xuất cần gấp, khối lượng công việc quá tải do nhiều nguyên nhân (ví dụ số lượng đơn hàng tăng đột biến, có biến động về nhân sự,…) hoặc do đặc thù công việc (ví dụ kế toán cần quyết toán cuối tháng/cuối quý/cuối năm,…). Người lao động có thể chủ động đề xuất OT với quản lý, hoặc kế hoạch OT do quản lý sắp xếp, cân đối theo kế hoạch và tình hình công việc
Số giờ làm thêm tối đa là bao nhiêu?
Số giờ tăng ca trong một ngày làm việc không được quá 50% số giờ làm việc thông thường trong ngày. Ví dụ với người lao động làm việc 8 giờ/ngày thì số tiếng làm thêm giờ tối đa là 4 tiếng, tức là tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm trong một ngày làm việc không được vượt 12 tiếng.
Những ngành nghề nào thường xuyên phải làm OT?
Những ngành nghề thường xuyên phải OT là những công nhân trong khu công nghiệp, khu chế xuất, các vị trí làm việc theo dự án hoặc giao khoán, người làm dịch vụ nhà hàng, khách sạn, siêu thị, cửa hàng tiện lợi,…
Làm OT quá nhiều có hại không?
Điểm tốt của việc làm việc thêm giờ (OT) đó là hoàn thành khối lượng công việc lớn, giúp tăng thêm thu nhập,. Tuy nhiên, nếu thường xuyên phải tăng cao liên tục, tăng ca quá nhiều sẽ gây căng thẳng, stress, suy nhược cơ thể, ảnh hưởng sức khỏe và làm giảm hiệu suất công việc.
Hy vọng rằng, thông qua việc tìm hiểu OT là gì, bạn đã có thêm kiến thức về những quy định làm thêm giờ, cách tính tiền lương OT và số giờ làm thêm tối đa. Nếu bạn muốn tìm kiếm việc làm thì hãy lựa chọn TopCV để tìm việc. Truy cập TopCV ngay hôm nay để không bỏ lỡ những vị trí hấp dẫn nhất nhé!
Nguồn ảnh: Sưu tầm