Biết nhận lỗi và sửa lỗi là một trong những kỹ năng mềm cần thiết nhất giúp bạn thành công trong sự nghiệp. Xin lỗi không phải là mình sai mà sẽ góp phần thể hiện sự lịch sự và thái độ làm việc chuyên nghiệp nhất. Bài viết sau đây của Blog.TopCV.vn sẽ cho biết thêm về hai chữ “xin lỗi”.
1. Khi nào cần nhận lỗi?
Có vô vàn lý do để nói ra lời xin lỗi. Bởi vì “lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” nên trong công việc cũng vậy, chúng ta nhận lỗi tức là đã có ý thức chịu trách nhiệm trước mọi hành động của bản thân. Sau đây là những trường hợp mà bạn nên và chắc chắn cần nhận lỗi về phía mình để đảm bảo công việc diễn ra suôn sẻ.
Sai lầm của bạn làm ảnh hưởng tới người khác
Nếu như lỗi sai của bạn làm ảnh hưởng tới người khác, nhất là liên quan đến tiến độ công việc của họ hoặc danh dự cá nhân thì đương nhiên phải xin lỗi 100%. Xin lỗi ở đây vừa làm người khác tôn trọng bạn, vừa cho thấy bạn là người biết điều và sẵn sàng nhận lỗi. Bên cạnh lời cảm ơn thì xin lỗi trong mọi trường hợp đều thể hiện thái độ lịch sự. Nếu làm sai mà không nhận lỗi sẽ bị coi là thiếu trách nhiệm. Tình huống gay gắt hơn còn dẫn đến sa thải hoặc buộc từ chức.
Bạn làm ảnh hưởng tới hiệu suất công việc của nhóm hoặc công ty
Cá nhân làm nên tập thể nên đừng biến mình thành “con sâu làm rầu nồi canh”. Nếu có lỡ chậm chạp hơn mọi người trong đội thì hãy xin lỗi vì bản thân còn nhiều thiếu sót. Trường hợp cả nhóm bị kiểm điểm, trừ lương do ảnh hưởng sai sót từ một cá nhân thì nên nhận lỗi sớm để không mất công bị coi là vô trách nhiệm, không tôn trọng đồng nghiệp.
Xin lỗi để tỏ ra lịch sự
Nói xin lỗi cũng là cách xã giao thân thiện và gây thiện cảm đối với người đối diện. Sẽ có lúc bạn cần xin lỗi nhẹ nhàng khi vô tình va phải ai đó hoặc cầm nhầm đồ đồng nghiệp. Trong email trả lời khách hàng, nhà tuyển dụng, đối tác…thì “xin lỗi” cũng là từ khuyên dùng để mang lại tính chất trang trọng nhất.
Xem thêm: Giao tiếp qua email: Tưởng đơn giản nhưng nếu không biết cách thì cực dễ gây hiểu lầm
Xin lỗi ngay cả khi bạn không sai
Nếu bạn là trưởng nhóm đang báo cáo về lỗi sai của một thành viên trong tập thể thì đừng ngần ngại nói xin lỗi bởi điều này chứng tỏ rõ ràng cho tinh thần trách nhiệm cao cả. Trường hợp khác là bạn thay mặt đội ngũ công ty xin lỗi khách hàng vì sự cố nào đó: phòng vé máy bay xin lỗi vì chuyến bay bị delay, cơ sở dịch vụ xin lỗi vì đóng cửa bảo trì, nhân viên lễ tân xin lỗi vì cấp trên có việc bận không tiếp khách được…
2. Ý nghĩa của lời xin lỗi trong công việc
Giống như lời cảm ơn, một câu nói xin lỗi cũng mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng trong công việc. Thông qua xin lỗi, một người có thể thể hiện sự hối hận và phép lịch sự cùng một lúc. Hành động nhận lỗi không phải lúc nào cũng diễn ra dễ dàng nhưng có làm thì mới nhanh chóng hòa hợp lại với đồng nghiệp cũng như khôi phục danh dự, phẩm chất của người vừa mắc lỗi.
Lời xin lỗi đồng thời mở ra tiếng nói chung giữa mâu thuẫn căng thẳng. Bạn sẵn lòng nhận lỗi sai thì đối phương mới có thể dễ dàng chấp nhận và tha thứ hơn. Điều này góp phần thiết lập lại các mối quan hệ, hạn chế tổn thương nhất có thể. Cuối cùng, lời xin lỗi làm gia tăng tinh thần trách nhiệm, mang lại sự tự tin đồng thời tránh những xung đột không cần thiết.
3. Lưu ý khi xin lỗi và nhận lỗi
Cần lưu ý khi xin lỗi và nhận lỗi? Đâu là cách xin lỗi và đúng đắn và phù hợp với từng trường hợp cụ thể? Xem qua những gợi ý sau đây để biết cách xin lỗi khéo léo nhất!
Nhận lỗi ngay sau khi phát hiện ra lỗi sai
Lỗi lầm nên được sửa đổi ngay và luôn để tránh hậu quả đáng tiếc. Chớ để lỗi sai của mình kéo dài vì việc này sẽ ảnh hưởng tới cả cá nhân và tập thể. Nhận thức được lỗi sai sớm chứng tỏ rằng bạn biết để ý và quan sát. Hơn nữa, xin lỗi ngay sau khi sai phạm cũng thể hiện lòng can đảm, có làm có chịu và sự can đảm của bạn.
Chịu trách nhiệm với hậu quả mình gây ra
Chịu trách nhiệm về lỗi sai cá nhân là một trong những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống nói chung và trong công việc nói riêng. Là những người trưởng thành đã và đang đi làm, chúng ta nên tự chịu hậu quả do mình gây ra. Không nên đổ lỗi qua lại hay kéo thêm người vào để cùng bị khiển trách. Thói quen chịu trách nhiệm sẽ dần giúp bạn hiểu ra nhiều kinh nghiệm quý giá, từ ấy hạn chế mắc lại lỗi sai tương tự.
Xem thêm: “Chịu được áp lực” – điều ứng viên nào cũng ghi trong CV nhưng sự thật là…?
Nói lời xin lỗi chân thành
Lời xin lỗi được sử dụng để thể hiện sự hối hận nên bao giờ cũng phải đi kèm với sự chân thành. Yếu tố trung thực cũng là điều kiện cần. Bởi thành thật với đồng nghiệp chính là thành thật với bản thân, qua đó tạo dựng được sự tin tưởng cũng như mối quan hệ tốt đẹp giữa đồng nghiệp với nhau
Nhận lỗi rồi thì đừng quên sửa lỗi
Đừng quên hành động hóa lời xin lỗi bằng kế hoạch sửa đổi lại sai lầm. Bạn có thể hỏi luôn người đối diện rằng liệu mình có thể làm gì để thay đổi hậu quả không hoặc tự bản thân sau đó nêu ra ý tưởng khôi phục mọi thứ. Sửa lỗi là quy trình cần được suy nghĩ kỹ để tránh sai sót thêm nữa, nên tìm hiểu kỹ trước khi bắt tay vào sửa lỗi.
Rút ra bài học kinh nghiệm
Nếu nói hành động nhận lỗi mang lại ích lợi thì đó chính là một “rổ” bài học kinh nghiệm đang chờ chúng ta thu thập. Sinh viên trẻ mới đi làm thì càng nên nói xin lỗi để bồi đắp lại những thiếu sót. Kinh nghiệm xuất phát từ sai lầm không chỉ khiến người lao động khôn khéo hơn, lành nghề hơn mà giúp họ thông thái hơn, sẵn sàng truyền lại kiến thức cho hậu bối.
Xem thêm: Bài học kinh nghiệm khi đi thực tập: Đừng sợ đi làm không công, chúng ta đang trả học phí!
Bài viết vừa rồi đã cung cấp đầy đủ những góc nhìn xoay quanh chuyện nhận lỗi trong công việc. Dù là xin lỗi hay cảm ơn thì đều là những lời nói mang tính lịch sự, thể hiện bản chất con người đứng đắn và chỉn chu trong mọi tình huống. Đừng quên tham khảo thêm nhiều bài viết tương tự về kỹ năng nghề nghiệp tại Blog.TopCV.vn và tìm thêm cơ hội việc làm mới siêu hấp dẫn tại TopCV.vn. Biết đâu thay đổi môi trường làm việc cũng là một cách sửa sai hiệu quả từ kinh nghiệm ở chỗ làm cũ!