Thông dịch viên là công việc hấp dẫn dành cho những bạn trẻ có đam mê ngoại ngữ. Nhưng liệu chỉ học ngoại ngữ có đủ cho bạn trở thành một thông dịch viên hay không? Hãy cùng tìm hiểu tất cả về ngành thông dịch viên trong bài viết dưới đây của Blog TopCV nhé!
Ngành thông dịch viên là gì?
Thông dịch, hay phiên dịch, là người trực tiếp dịch văn bản nói từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác, nhằm truyền đạt cho người nghe nội dung chính xác của văn bản nói. Quy trình thông dịch bao gồm các bước: lắng nghe ngôn ngữ nguồn; phân tích – biên dịch ngôn ngữ và cuối cùng là diễn đạt, tường thuật lại bằng ngôn ngữ mục tiêu (ngôn ngữ đích). Thông dịch không chỉ đòi hỏi khả năng ngôn ngữ chuyên nghiệp, thành thạo mà còn cần tới nhiều kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn cùng nền tảng kiến thức sâu rộng.
>>> Tham khảo: Cơ hội việc làm và mức lương ngành biên phiên dịch tiếng Trung
Công việc của một thông dịch viên
Hiện nay có hai hình thức thông dịch chính bao gồm dịch đuổi và dịch cabin
Dịch đuổi
Hình thức phiên dịch này thường gặp trong hoạt động thường ngày cũng như các buổi gặp mặt, đàm phán có quy mô nhỏ. Người thông dịch sẽ nghe một câu hoặc một đoạn ngắn của người nói và sau đó dịch lại cho người nghe sau khi người nói kết thúc. Việc dịch đuổi nhằm giúp người nghe có thể nắm bắt được người nói đang nói nội dung gì và có thể trao đổi lại với đối phương. Trong một cuộc gặp mặt có thể chỉ có 1 thông dịch viên (nhận nhiệm vụ dịch lần lượt cho từng bên) hoặc mỗi bên sẽ có 1 thông dịch viên riêng
Dịch cabin
Dịch cabin là hình thức cao cấp nhất của thông dịch, thường áp dụng cho các hội thảo, hội nghị, các sự kiện chính trị – ngoại giao – kinh tế lớn. Người thông dịch sẽ ngồi trong phòng kín cách âm, nghe nội dung bài phát biểu của người nói qua tai nghe và dịch đồng thời với người nói thông qua micro tới tai nghe của các vị khách. Dịch cabin đòi hỏi kỹ năng chuyên môn cao, kiến thức nghiệp vụ chắc chắn và giàu kinh nghiệm trong nghề. Lương của vị trí dịch cabin có thể lên tới hàng chục triệu đồng cho một buổi phiên dịch (2-4 tiếng)
>>> Tham khảo: Làm thế nào để trở thành phiên dịch viên chuyên nghiệp?
Muốn làm thông dịch viên học ngành gì, trường nào?
Nếu muốn trở thành một thông dịch viên chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản, bạn nên chọn các khoa Ngôn ngữ (Anh – Trung – Nhật – Hàn – Nga – Pháp – Đức – Ả Rập – Thái,…) chuyên ngành Biên – phiên dịch. Với ngành thông dịch viên học trường nào cũng là một yếu tố quan trọng bởi tại những trường Đại học chuyên về ngôn ngữ, bạn sẽ được học hành, đào tạo đầy đủ những kiến thức chuyên sâu về ngôn ngữ học, kỹ thuật dịch,… với đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp, có kinh nghiệm biên phiên dịch, nghiên cứu ngôn ngữ lâu năm. Đây là những kiến thức mà chứng chỉ ngoại ngữ thông thường với 4 kỹ năng nghe nói – đọc – viết không có, và điều này tạo nên nền tảng, kỹ năng vững chắc cho người làm công việc thông dịch.
Một số trường Đại học khối ngoại ngữ có chất lượng đào tạo tốt bao gồm: Đại học Ngoại ngữ Hà Nội – Đại học Quốc gia Hà Nội (ULIS), Đại học Hà Nội (HANU), Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM,…
Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn khoa Tiếng Anh – Trung – Nhật – Pháp thương mại tại các trường thuộc khối kinh tế – xã hội như Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Ngoại giao, Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính, Đại học Thương mại, Đại học Kinh tế – Luật,… Các ngành ngôn ngữ chủ yếu thi khối D (D1, D2, D3, D4, D5, D6) với môn ngoại ngữ nhân đôi.
Những kỹ năng cần thiết để trở thành thông dịch viên
Nhiều người lầm tưởng rằng chỉ cần học giỏi ngoại ngữ, có điểm thi các chứng chỉ ngôn ngữ cao là có thể trở thành một thông dịch viên. Trên thực tế, ngoại ngữ là một yếu tố quan trọng nhưng để làm công việc phiên dịch còn cần rất nhiều kỹ năng khác
Khả năng ngôn ngữ
Không chỉ là ngoại ngữ mà người làm thông dịch viên còn cần thành thạo tiếng Việt nói riêng hay ngôn ngữ đích nói chung một cách xuất sắc ở mức độ học thuật (academic). Ngoài việc nghe – hiểu thì người dịch phải thành thạo kỹ năng diễn đạt và có vốn từ vựng phong phú cùng sự nhạy bén để có thể chuyển ngữ một cách mượt mà nhất giữa hai bên.
>>> Tham khảo: Biên phiên dịch tiếng Anh là gì? Cơ hội việc làm ra sao?
Tập trung và ghi nhớ
Áp lực khi phiên dịch trực tiếp luôn lớn hơn rất nhiều so với công việc dịch thuật đơn thuần, thời gian để ghi nhớ thông tin, nghiền ngẫm và suy nghĩ cách diễn đạt cũng rất gấp gáp. Do đó, người làm phiên dịch cần có khả năng lắng nghe, quan sát, tập trung và kỹ năng ghi nhớ thông tin tốt
Kiến thức chuyên ngành tổng hợp
Công việc thông dịch viên đòi hỏi bạn phải nắm được kiến thức chuyên môn của nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, từ đó có nền tảng từ vựng chuyên ngành chính xác. Thông thường trước khi nhận phiên dịch tại hội nghị, hội thảo hay chương trình nào đó, thông dịch viên thường phải dành thời gian đọc tài liệu chuyên môn, nghiên cứu kiến thức, tìm hiểu thông tin để có thể dịch chính xác.
>>> Tham khảo: Biên phiên dịch tiếng Nhật có dễ tìm việc lương cao không?
Hy vọng rằng, thông qua việc tìm hiểu về ngành thông dịch viên, bạn đã có thêm sự lựa chọn về nghề nghiệp trong tương lai. Nếu bạn muốn tìm kiếm việc làm thì hãy lựa chọn TopCV để tìm việc. Truy cập TopCV ngay hôm nay để không bỏ lỡ những vị trí công việc hấp dẫn nhất nhé!