Kỹ năng giao tiếp luôn được xem như là “cầu nối” để mỗi người thấu hiểu và xích lại gần nhau. Trong kinh doanh, nó được ví như “chìa khóa” để bạn có thể kết nối đến khách hàng, đối tác, nhân viên và trở thành cánh cửa cơ hội mở ra cho bất kỳ ai biết tận dụng nó. Vậy làm thế nào để áp dụng kỹ năng giao tiếp trong kinh doanh một cách hiệu quả? Bài viết này Blog TopCV sẽ mách nhỏ cho bạn 10 kỹ năng giao tiếp trong kinh doanh quan trọng nhất giúp bạn dễ dàng làm chủ bạn thân và thăng tiến trong sự nghiệp. Cùng tham khảo những thông tin hữu ích dưới đây nhé.
Tại sao kỹ năng giao tiếp lại quan trọng trong kinh doanh?
Giao tiếp trong kinh doanh được hiểu là cách để mỗi người sử dụng các phương tiện ngôn ngữ của mình để thể hiện thái độ, suy nghĩ, chính kiến khi ứng xử và giao tiếp với khách hàng, đối tác. Từ đó thúc đẩy mối quan hệ hợp tác và mở ra những lợi ích nhất định trong kinh doanh.
Kỹ năng giao tiếp trong kinh doanh thể hiện qua các cuộc đàm phán với đối tác, thuyết phục khách hàng hay trao đổi với nhân viên. Thậm chí, kỹ năng giao tiếp qua điện thoại trong kinh doanh cũng là một khía cạnh giao tiếp buộc phải rèn luyện và bồi dưỡng. Khi bạn là người sở hữu kỹ năng giao tiếp tốt, nó sẽ giúp bạn có thể sắp xếp mọi thông tin một cách khoa học, chính xác sao cho truyền đạt đến nhân viên hoặc đối tác khách hàng một cách dễ hiểu nhất. Làm công việc kinh doanh, bạn phải là người biết dẫn dắt, kết nối và giải quyết được mọi mâu thuẫn, do vậy kỹ năng giao tiếp sẽ giúp bạn biết cách cư xử khéo léo, tạo được thiện cảm và yêu mến của nhiều khách hàng, đồng nghiệp. Từ đó tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp, đoàn kết và cùng đồng lòng vì một mục tiêu phát triển chung của doanh nghiệp.
Đồng thời, các kỹ năng giao tiếp trong kinh doanh không đơn thuần chỉ là trao đổi, nó còn là kỹ năng quan trọng để bạn có thể khai thác thông tin về khách hàng, thị trường và tâm lý của đối tác. Nhờ việc nắm bắt được đối phương, bạn có thể làm chủ được mọi tình huống, từ đó đưa ra được những chiến lược kinh doanh phù hợp.
Kỹ năng giao tiếp và thương lượng trong kinh doanh cũng thể hiện bản lĩnh, thương hiệu của cá nhân mỗi người và cả doanh nghiệp mà bạn đang đại diện. Do vậy, một người làm kinh doanh và sở hữu kỹ năng giao tiếp chuyên nghiệp sẽ dễ dàng tạo được sự uy tín và tin tưởng của khách hàng đối với doanh nghiệp mình. Đồng thời mở ra nhiều cơ hội mới trong sự nghiệp kinh doanh.
>>> Xem thêm: Kỹ năng giao tiếp là gì? Cải thiện kỹ năng giao tiếp cho người hướng nội
Top 10 kỹ năng giao tiếp trong kinh doanh giúp bạn thành công
Có sự chuẩn bị trước
Trong bất kỳ những lĩnh vực nào, nhất là với kinh doanh, chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung luôn là một yếu tố quyết định sự thành công và mức độ tự tin của bạn trong mỗi cuộc đàm phán. Một người chuyên nghiệp sẽ phải chuẩn bị trước các nội dung cần thảo luận, tìm hiểu thông tin về khách hàng, đối tác. Bạn cũng cần chuẩn bị sẵn những câu hỏi với đối phương về những vấn đề chưa rõ, hình dung trước những tình huống và câu hỏi mà khách hàng, đối tác có thể đề cập. Việc chẩn bị trước những nội dung này sẽ giúp bạn có thể ứng phó với công việc một cách thông minh và chỉnh chu nhất.
Biết lắng nghe
Biết lắng nghe là yếu tố quan trọng giúp bạn có thể cải thiện kỹ năng giao tiếp hiệu quả. Nó giúp bạn hiểu được những mong muốn của đối tác, giúp họ cảm nhận được sự tôn trọng và thấu hiểu. Từ đó, bạn có thể đưa ra những thỏa thuận nhằm đạt được cuộc đàm phán thành công. Biết lắng nghe cũng là “chìa khóa” giúp bạn có thể giữ chân được đối tác, khách hàng của mình để duy trì mối quan hệ kinh doanh dài lâu hơn.
Sử dụng ngôn ngữ cơ thể
Sự giao tiếp trong kinh doanh đôi khi ngôn ngữ cơ thể còn có sức ảnh hưởng hơn cả ngôn từ. Việc sử dụng ngôn ngữ cơ thể của một người sẽ giúp họ toát lên được phong thái, bản lĩnh và suy nghĩ. Tất cả hiện lên qua từng biểu cảm, cử chỉ trên cơ thể. Sử dụng ngôn ngữ cơ thể sao cho chuyên nghiệp, đĩnh đạc và toát lên thần thái, điều này đôi khi mặc dù chỉ là một hành động rất nhỏ nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và đánh giá của đối phương.
Sử dụng từ ngữ chuẩn mực
Trong mọi cuộc giao tiếp, việc sử dụng từ ngữ sao cho chuẩn mực cũng là một kỹ năng quan trọng. Tùy vào từng đối tượng giao tiếp mà có thể sẽ có những phạm trù từ ngữ khác nhau. Chẳng hạn với những người lao động bình thường, bạn không thể sử dụng ngôn ngữ một cách hàn lâm và khó hiểu. Do vậy, dù trong bất cứ tình huống giao tiếp kinh doanh nào, bạn cũng nên lựa chọn những từ ngữ chuẩn mực và phù hợp.
>>> Xem thêm: Kỹ năng giao tiếp với khách hàng: 7 tình huống “kinh điển” dân sales hay gặp
Nụ cười thân thiện, gần gũi
Nụ cười là một trong những chất xúc tác để không khí cuộc đàm phán trở nên dễ chịu. Việc nở nụ cười thân thiện dễ dàng giúp bạn nhận được thiện cảm của khách hàng và đối tác. Từ đó các hoạt động trao đổi kinh doanh, ký kết hợp đồng cũng được diễn ra suôn sẻ hơn.
Tôn trọng đối phương
Mọi mối quan hệ, đặc biệt là với quan hệ làm ăn thì tôn trọng nhau là điều kiện quyết định đến việc duy trì được sự hợp tác lâu dài. Sẽ không một ai sẽ muốn bàn công việc với một người thiếu tôn trọng mình. Ngược lại, nếu bạn chỉn chu trong mọi thứ, thể hiện sự tôn trọng của mình với đối tác, cư xử lịch sự sẽ giúp họ cảm thấy hài lòng và tôn trọng ngược lại bạn.
Làm chủ cảm xúc bản thân
Những người làm kinh doanh luôn đòi hỏi phải làm chủ được cảm xúc của mình. Bởi mọi sự bực tức, nóng giận sẽ khiến bạn không kiểm soát được hành vi lẫn lời nói của mình. Điều này sẽ làm cho mọi thứ càng trở nên căng thẳng và phức tạp hơn. Do vậy, dù trong bất kỳ tình huống nào, bạn cũng buộc phải điềm tĩnh để xem xét mọi việc trước khi đưa ra quyết định hay phương án xử lý.
Có chính kiến
Một người làm kinh doanh bản lĩnh bao giờ cũng biết cách để bảo vệ chính kiến của mình. Khách hàng và đối tác dẫu quan trọng, nhưng bạn phải luôn biết cách cân bằng giữa lợi ích của cả doanh nghiệp lẫn lợi ích của khách hàng, đối tác. Trong một số hoạt động thương lượng, việc có chính kiến cũng thể hiện được năng lực và sự kiện định của bạn và doanh nghiệp thay vì chạy theo người khác mà đánh mất nguyên tắc của bản thân và doanh nghiệp mình.
Đưa ra lời khuyên chân thành
Một mối quan hệ muốn lâu dài luôn phải dựa trên sự uy tín và chân thành, trong kinh doanh cũng vậy. Trong một vài trường hợp, bạn phải đưa ra những lời khuyên cho chính đối tác, khách hàng hoặc thậm chí nhân viên của mình. Bằng kinh nghiệm và góc nhìn cá nhân, việc đưa ra lời khuyên chân thành sẽ biến mọi mối quan hệ của bạn trở nên thân tình chứ không đơn thuần chỉ còn là công việc.
Biết cách đặt câu hỏi
Đặt câu hỏi là cách để bạn có thể hiểu và nắm được thông tin về đối phương hay các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Đặt câu hỏi như thế nào để vừa mạch lạc, không dài dòng nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ thông tin cũng là kỹ năng quan trọng trong giao tiếp. Việc đặt câu hỏi thông minh cũng thể hiện phần nào năng lực, sự chuyên nghiệp của bạn trong công việc.
Giao tiếp quyết định rất lớn đến sự thành công của mỗi người kể cả trong cuộc sống hay trong kinh doanh. Khi sở hữu kỹ năng giao tiếp tốt sẽ mở ra cho bạn nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn, đây dường như là điều kiện mà hầu hết bất kỳ nhà tuyển dụng nào cũng quan tâm. Do vậy, dù bạn làm trong lĩnh vực kinh doanh hay không, bạn cũng hãy bồi dưỡng và rèn luyện kỹ năng giao tiếp của mình để có thể làm chủ mọi tình huống trong cuộc sống.
Nếu đã sẵn sàng một hành trang kiến thức vững chắc và tự tin với kỹ năng giao tiếp của mình, bạn hãy mạnh dạn tìm kiếm những cơ hội việc làm hấp dẫn trên TopCV. Biết đâu, chính nơi đây bạn sẽ tìm được những bước ngoặt mới cho sự nghiệp của mình.