Khấu hao là thuật ngữ không còn xa là đối với dân kế toán, tài chính. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ bản chất của khấu hao, đặc biệt là những bạn trẻ mới vào nghề hoặc không làm việc trong lĩnh vực kế toán. Vậy khấu hao là gì? Khấu hao tài sản cố định được tính như thế nào? Nếu đây cũng là thắc mắc của bạn thì hãy dành ít phút đọc ngay bài viết dưới đây của Blog TopCV.
Khấu hao là gì?
Để phục vụ mục đích kinh doanh, sản xuất, doanh nghiệp sẽ đầu tư máy móc, thiết bị văn phòng, thiết bị sản xuất, phương tiện vận tải, v.vv.. Những thiết bị này được gọi là tài sản cố định (TSCĐ). Tuy nhiên, tài sản cố định sau một thời gian sử dụng sẽ bị suy giảm giá trị do hao mòn và lỗi thời.
Lúc này, doanh nghiệp sẽ thực hiện khấu hao để ước tính giá trị suy giảm của tài sản cố định.
Khấu hao (Depreciation) là quá trình định giá, tính toán và phân bổ một cách có hệ thống những giá trị của tài sản cố định do có sự hao mòn tài sản sau một khoảng thời gian sử dụng. Khấu hao được tính dựa trên chi phí sản xuất kinh doanh và thời gian sử dụng tài sản.
>>>Xem thêm: Net Income là gì? Hiểu về Net Income & một số thuật ngữ kế toán
Mục đích của khấu hao là gì?
Mục đích của việc khấu hao tài sản là để doanh nghiệp tính toán giá trị còn lại của tài sản cố định sau mỗi năm sử dụng, từ đó đưa ra kế hoạch thay thế hoặc nâng cấp tài sản trong tương lai.
Bên cạnh đó, việc trích khấu hao cho phép doanh nghiệp tích lũy vốn để tái sản xuất giản đơn hoặc tái sản xuất mở rộng tài sản cố định. Tức là, phần giá trị hao mòn sẽ chuyển dịch vào giá trị sản phẩm, được xem là chi phí sản xuất sản phẩm và được gọi là tiền khấu hao tài sản cố định. Khi các sản phẩm được tiêu thụ, tiền khấu hao tài sản cố định tích lũy sẽ hình thành quỹ khấu hao tài sản cố định. Quỹ này được sử dụng để tái sản xuất giản đơn và tái sản xuất mở rộng tài sản cố định của doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp cũng có thể sử dụng quỹ khấu hao tài sản cố định khi cần vốn kinh doanh.
Ý nghĩa của khấu hao là gì?
Khấu hao có ý nghĩa quan trọng trong kinh tế và tài chính.
Về mặt kinh tế
Trên thực tế, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn khi đánh giá mức độ hao mòn của tài sản cố định sau một thời gian sử dụng. Điều này gây ảnh hưởng đến khả năng quản lý, theo dõi tài sản cố định trên sổ sách kế toán.
Tuy nhiên, trích khấu hao cho phép doanh nghiệp đánh giá giá trị thực tế của tài sản. Qua đó, doanh nghiệp sẽ có những quyết định chính xác về việc thay thế, nâng cấp hoặc bảo trì tài sản cố định.
>>>Xem thêm: [Tìm hiểu] Công việc của kế toán tổng hợp bao gồm những gì?
Về mặt tài chính
Dựa vào khấu hao tài sản cố định, doanh nghiệp có thể tính toán chi phí sản xuất sản phẩm, từ đó đưa ra giá thành phù hợp cho sản phẩm. Đồng thời, khấu hao còn ảnh hưởng đến giá trị tài sản của doanh nghiệp. Cụ thể, khấu hao giúp phản ánh đúng giá trị thực tế của tài sản và giảm thiểu rủi ro tài chính khi doanh nghiệp muốn bán hoặc định giá tài sản cố định.
Các phương pháp tính khấu hao tài sản cố định, có ví dụ
Khấu hao được tính dựa trên chi phí sản xuất kinh doanh và thời gian sử dụng tài sản cố định. Tuy nhiên, khi tính khấu hao tài sản cố định, doanh nghiệp có thể dựa trên 3 phương pháp sau đây.
Phương pháp tính khấu hao theo đường thẳng
Phương pháp đường thẳng là phương pháp cơ bản nhất để tính khấu hao. Trong phương pháp tính khấu hao đường thẳng, chi phí khấu hao được tính bằng nhau cho từng năm trong suốt thời gian sử dụng tài sản cố định của doanh nghiệp.
Ngoài ra, khấu hao đường thẳng còn được hiểu là phương pháp tính khấu hao mà tỷ lệ khấu hao hằng năm và mức khấu hao trung bình hằng năm không đổi trong suốt thời gian tài sản cố định tham gia vào hoạt động sản xuất.
Phương pháp khấu hao theo đường thẳng thường được áp dụng với những tài sản có giá trị giảm đều theo thời gian.
Công thức tính khấu hao theo phương pháp đường thẳng:
Mức trích khấu hao TSCĐ hằng năm = Nguyên giá tài sản cố định/Thời gian trích khấu hao
Công thức tính tỷ lệ khấu hao tài sản cố định theo phương pháp đường thẳng:
Tỷ lệ khấu hao TSCĐ = 1/Thời gian trích khấu hao x 100%
Để giúp bạn hiểu rõ hơn về phương pháp trích khấu hao đường thẳng, chúng ta cùng đến với ví dụ sau đây:
Ví dụ: Giả sử công ty A mua máy sản xuất gạch xây dựng với giá 100 triệu đồng. Sau năm 5 năm sử dụng, công ty quyết định thanh lý với giá 20 triệu đồng. Như vậy, chi phí khấu hao của máy sản xuất gạch là 80 triệu đồng. Áp dụng phương pháp tính khấu hao đường thẳng, ta có:
- Chi phí khấu hao hằng năm của máy sản xuất gạch = 80/5 = 16 triệu đồng, tương đương 1,3 triệu đồng/tháng.
- Tỷ lệ khấu hao TSCĐ = 1/5 x 100% = 20%.
>>>Xem thêm: Tài khoản kế toán là gì? Tổng hợp hệ thống tài khoản kế toán Việt Nam
Phương pháp tính khấu hao theo số dư giảm dần
Phương pháp số dư giảm dần là phương pháp khấu hao nhanh, thường được áp dụng cho những lĩnh vực, thiết bị có tốc độ phát triển nhanh chóng như công nghệ, máy tính, điện thoại di động, v.vv..
Trong phương pháp khấu hao theo số dư giảm dần, giá trị của tài sản sẽ cao hơn trong những năm đầu và thấp hơn trong những năm tiếp theo. Điều này kéo theo chi phí khấu hao tài sản cố định sẽ cao hơn trong những năm đầu và giảm dần vào những năm sau đó.
Công thức tính khấu hao theo phương pháp số dư giảm dần:
Mức trích khấu hao TSCĐ hằng năm = Giá trị còn lại của TSCĐ x Tỷ lệ khấu hao nhanh
Trong đó:
Tỷ lệ khấu hao nhanh = Tỷ lệ khấu hao TSCĐ theo phương pháp đường thẳng x Hệ số điều chỉnh
- Tỷ lệ khấu hao theo phương pháp đường thẳng = 1/Thời gian trích khấu hao x 100%
- Hệ số điều chỉnh được xác định dựa trên thời gian trích khấu hao.
- Hệ số bằng 1,5 nếu thời gian trích khấu hao TSCĐ đến 4 năm.
- Hệ số bằng 2 nếu thời gian khấu hao TSCĐ trên 4 năm.
Ví dụ dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về phương pháp khấu hao theo số dư giảm dần:
Giả sử công ty B mua một thiết bị sản xuất linh kiện điện tử với giá 100 triệu đồng. Sau 5 năm sử dụng, công ty thanh lý thiết bị này thì cách tính khấu hao hằng năm như sau:
Tỷ lệ khấu hao TSCĐ sau 5 năm sử dụng = 1/5 x 100% = 20%
Tỷ lệ khấu hao nhanh = 20% x 2 = 40% (Do thời gian khấu hao trên 4 năm)
Mức trích khấu hao hằng năm được tính dựa vào bảng sau:
Số năm | Giá trị còn lại của TSCĐ | Cách tính khấu hao TSCĐ qua mỗi năm | Mức khấu hao hằng năm | Mức khấu hao hằng tháng | Khấu hao lũy kế cuối năm |
1 | 100.000.000 | 100.000.000 x 40% | 40.000.000 | 3.333.333 | 40.000.000 |
2 | 60.000.000 | 60.000.000 x 40% | 24.000.000 | 2.000.000 | 64.000.000 |
3 | 36.000.000 | 36.000.000 x 40% | 14.400.000 | 1.200.000 | 78.400.000 |
4 | 21.600.000 | 21.600.000 : 2 | 10.800.000 | 900.000 | 89.200.000 |
5 | 21.600.000 | 21.600.000 : 2 | 10.800.000 | 900.000 | 100.000.000 |
Qua bảng tính trên, có thể thấy rằng mức trích khấu hao trong 3 năm đầu tiên được tính bằng giá trị còn lại của TSCĐ nhân với tỷ lệ khấu hao nhanh (40%).
Tuy nhiên, từ năm thứ 4 trở đi, mức trích khấu hao hằng năm bằng giá trị còn lại của TSCĐ năm thứ 4 chia cho số năm sử dụng còn lại. Vì bắt đầu từ năm thứ 4, mức khấu hao theo phương pháp số dư giảm dần (21.600.000 x 40% = 8.640.000) thấp hơn mức khấu hao bình quân của giá trị còn lại và số năm sử dụng còn lại (21.600.000 : 2 = 10.800.000).
>>>Xem thêm: Kế toán doanh nghiệp là làm gì? Mô tả công việc và mức thu nhập
Phương pháp tính khấu hao theo khối lượng của sản phẩm
So với hai phương pháp kể trên, phương pháp khấu hao theo khối lượng sản phẩm chỉ được áp dụng khi tài sản cố định trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất sản phẩm. Đồng thời, doanh nghiệp phải xác định được tổng khối lượng sản phẩm có thể sản xuất được dựa theo công suất thiết kế của tài sản cố định và công suất sử dụng trong tháng không được thấp hơn 100% công suất thiết kế.
Qua phương pháp này, doanh nghiệp có thể đánh giá mức độ hao mòn thực tế của tài sản cố định dựa trên giá trị sản phẩm
Công thức tính khấu hao theo phương pháp khối lượng của sản phẩm:
- Mức trích khấu hao hằng tháng của TSCĐ = Khối lượng sản phẩm sản xuất trong tháng x Mức khấu hao trung bình của một đơn vị sản phẩm
- Mức trích khấu hao năm của TSCĐ = Khối lượng sản phẩm sản xuất trong năm x Mức khấu hao trung bình của một đơn vị sản phẩm
Trong đó:
- Mức khấu hao trung bình của một đơn vị sản phẩm = Nguyên giá TSCĐ : Sản lượng theo công suất thiết kế
Ví dụ: Giả sử công ty C mua máy sản xuất gạch xây dựng với giá 100 triệu đồng. Sản lượng theo công suất thiết kế của máy là 1.000.000 viên. Khối lượng sản phẩm thực tế trong tháng là 20.000 viên. Vậy mức trích khấu hao TSCĐ trong tháng được tính như sau:
- Mức khấu hao trung bình cho 1 viên gạch = 100.000.000 : 1.000.000 = 100 đồng/viên
- Mức khấu hao trong tháng của máy sản xuất gạch = 20.000 x 100 = 2.000.000 đồng
>>>Hiện tại, hàng trăm việc làm kế toán đang được cập nhật trên nền tảng tuyển dụng của TopCV. Hãy nhanh tay truy cập TopCV để tìm được công việc phù hợp.
Tóm lại, khấu hao là một phương pháp kế toán giúp tính toán, định giá và phân bổ các tài sản cố định bị hao mòn sau một thời gian sử dụng. Từ đó, khấu hao giúp doanh nghiệp đưa ra những quyết định thay thế hoặc nâng cấp tài sản cố định trong tương lai. Hy vọng những kiến thức hữu ích trong bài viết đã giúp bạn hiểu rõ khấu hao là gì và cách tính khấu hao. Ngoài ra, hãy thường xuyên truy cập Blog TopCV để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích về ngành kế toán.