Hạn mức tín dụng là gì? Có thể nâng hạn mức thẻ tín dụng không?

hạn mức tín dụng là gì
Hạn mức tín dụng là gì?

Khi làm thẻ tín dụng, yếu tố quan trọng nhất mà chủ thẻ cần chú ý đó chính là hạn mức tín dụng của thẻ. Hạn mức tín dụng của mỗi loại thẻ tại các ngân hàng khác nhau sẽ rất khác nhau và nó phụ thuộc vào nhiều tiêu chí cũng như điều kiện tài chính vfa tình trạng tín dụng của chủ thẻ. Trong bài viết dưới đây, Blog TopCV sẽ cùng bạn tìm hiểu khái niệm hạn mức tín dụng là gì, có những quy định, tiêu chí nào khi thiết lập hạn mức tín dụng và liệu có thể nâng cao hạn mức thẻ tín dụng cá nhân không.

Thẻ tín dụng là gì?

Thẻ tín dụng (credit card) là loại thẻ cho phép khách hàng chi tiêu trong trong phạm vi nhất định được cấp theo thỏa thuận từ trước, sau đó thanh toán lại khoản tiền đã chi vào cuối tháng. Một cách đơn giản, thẻ tín dụng là hình thức mà chủ thẻ được chi tiêu trước, thanh toán sau. Thẻ tín dụng có thể sử dụng tại hầu hết các điểm thanh toán chấp nhận thẻ, máy POS, thanh toán trực tuyến, rút tiền mặt,…

>>> Tham khảo: Phân biệt các loại thẻ trả trước, thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng

Hạn mức tín dụng là gì?

Số tiền tối đa mà chủ thẻ có thể chi tiêu được gọi là hạn mức tín dụng (line of credit) của thẻ. Ví dụ nếu hạn mức tín dụng của thẻ tín dụng là 10 triệu đồng/ tháng thì có nghĩa là trong một tháng khách hàng được tiêu tối đa 10 triệu đồng. Nếu khách hàng chi tiêu vượt mức 10 triệu đồng, thẻ sẽ báo không thể thanh toán được do vượt hạn mức tín dụng. 

hạn mức tín dụng là gì
Hạn mức tín dụng tiếng Anh là gì?

Hạn mức tín dụng khả dụng của thẻ tín dụng là gì?

Hạn mức tín dụng khả dụng là số tiền còn lại trong thẻ tín dụng mà khách hàng có thể chi tiêu. Ví dụ nếu hạn mức của thẻ là 50 triệu đồng, và bạn đã chi tiêu 30 triệu thì hạn mức tín dụng khả dụng là 20 triệu. Trong trường hợp khách hàng tiêu vượt mức 50 triệu đồng, thẻ sẽ thông báo không thanh toán được vì đã vượt hạn mức tín dụng. Lúc này hạn mức tín dụng khả dụng của thẻ bằng 0.  

>>> Tham khảo: Mã số CVV và CVC trên thẻ VISA/Mastercard là gì? 3 cách bảo mật mã số CVC/CVV cho thẻ thanh toán quốc tế

Có mấy hạn mức tín dụng? Phân loại hạn mức tín dụng

  • Hạn mức tín dụng cuối kỳ: Đây là số dư nợ cho vay kế hoạch tối đa vào ngày cuối kỳ thanh toán, trong đó số dư nợ cho vay thực tế cuối kỳ không được vượt quá
  • Hạn mức tín dụng trong kỳ: Đây là hạn mức bổ sung cho hạn mức tín dụng cuối kỳ. Hạn mức tín dụng này được tính bằng mức chênh lệch số dư nợ cao nhất trong kỳ với hạn mức tín dụng cuối kỳ. Do đó số hạn mức bổ sung này phải được hoàn trả ngay trong kỳ để bảo  đảm số dư nợ thực tế cuối kỳ không vượt quá hạn mức tín dụng cuối kỳ quy định.

>>> Tham khảo: Quản lý tín dụng là gì? Chuyên viên quản lý tín dụng giỏi cần những kỹ năng gì?

Hạn mức tín dụng phụ thuộc vào những yếu tố nào?

Đối với thẻ tín dụng cá nhân, hạn mức tín dụng phụ thuộc vào những yếu tố sau

Mức lương (hoặc thu nhập) hàng tháng: Khi nộp hồ sơ cấp thẻ tín dụng, khách hàng phải chứng minh thu nhập của mình thông qua bảng lương sao kê, hoặc ghi nhận số dư hàng tháng trên tài khoản ngân hàng. Đây là căn cứ quan trọng để cán bộ tín dụng tại ngân hàng có thể xét duyệt hồ sơ tín dụng của khách hàng. 

Nếu không có mức lương hay thu nhập đạt mức cao, đều đặn, ổn định sẽ rất khó để khách hàng được phê duyệt hồ sơ mở thẻ tín dụng, bởi thẻ tín dụng được coi như là một trong số những hình thức vay vốn tín chấp tại ngân hàng. Ngoài mức lương hoặc thu nhập hàng tháng, khách hàng có thể dùng giá trị sổ tiết kiệm, bảo hiểm, tài sản cố định (ví dụ ô tô),… để làm tài sản chứng minh với hạn mức từ 60-90% giá trị. 

Điểm tín dụng và lịch sử tín dụng: Đây là hai yếu tố nhằm xác định độ tín nhiệm cá nhân, do chuyên viên tín dụng của ngân hàng đo lường và đánh giá, dựa trên việc tra cứu lịch sử tín dụng của khách hàng trên hệ thống CIC (cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia), hạn mức còn lại của khoản vay tín chấp hay thế chấp đã được ngân hàng phê duyệt, số lượng cũng như thời gian giao dịch của khách hàng tại hệ thống ngân hàng mở thẻ và cuối cùng là hạn mức thẻ tín dụng đã được cấp tại hệ thống ngân hàng uy tín khác. 

Có thể nâng hạn mức tín dụng được hay không?

Câu trả lời là có, khách hàng hoàn toàn có thể nâng hạn mức tín dụng của mình tại ngân hàng, miễn là bạn có thể đáp ứng được những yêu cầu sau

Chứng minh thu nhập hoặc tài sản bảo đảm tăng: Đây là căn cứ đầu tiên khi bạn muốn nâng cao hạn mức tín dụng của bản thân. Bạn có thể trình sao kê bảng lương 1 năm gần nhất so với bảng lương lúc mở thẻ, hợp đồng lao động mới, sổ tiết kiệm hoặc tài sản bảo đảm mới,…

hạn mức tín dụng là gì
Yếu tố ảnh hưởng đến hạn mức thẻ tín dụng là gì

Có lịch sử tín dụng tốt, điểm tín dụng cao: Để duy trì lịch sử tín dụng tốt, có điểm tín dụng cao, khách hàng cần phải thanh toán nợ thẻ tín dụng cho ngân hàng đúng và đủ theo kỳ hạn, kiểm soát chi tiêu và hạn chế phát sinh nợ mới, hạn chế tối đa việc rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, sử dụng thẻ đúng mục đích cũng như hạn chế mở nhiều thẻ tín dụng tại cùng một ngân hàng.  

Khi đáp ứng được hai yêu cầu này, bạn có thể dễ dàng được phê duyệt tăng hạn mức tín dụng ngay khi nộp hồ sơ xin nâng hạn mức. Thậm chí trong nhiều trường hợp, chuyên viên tín dụng hoặc chuyên viên khách hàng cá nhân sẽ tự rà soát khách hàng và chủ động nâng hạn mức tín dụng của thẻ cho bạn. 

>>> Xem thêm: Trọn bí kíp bộ phỏng vấn chuyên viên quan hệ khách hàng cá nhân

Kết luận

Thẻ tín dụng có rất nhiều lợi ích như giúp việc thanh toán dễ dàng và thuận lợi hơn, chủ động trong việc chi tiêu,… Tuy nhiên khi sử dùng thẻ tín dụng cần chú ý chi tiêu hợp lý, tránh quẹt thẻ tín dụng quá đà, trả nợ tín dụng trễ (bạn sẽ phải trả thêm lãi nợ thẻ),… khiến điểm tín dụng cá nhân giảm xuống và rơi vào nhóm nợ xấu.

Hy vọng thông qua bài viết Hạn mức tín dụng là gì? Có thể thay đổi hạn mức thẻ tín dụng không? của Blog TopCV, bạn đã có thêm hiểu biết và kinh nghiệm khi mở thẻ cũng như chi tiêu bằng thẻ tín dụng một cách thông thái và hợp lý. Đừng quên truy cập vào website TopCV để không bỏ lỡ những thông tin tuyển dụng HOT nhất ngay hôm nay nhé!