Một trong những công cụ giúp doanh nghiệp điều tiết giá cổ phiếu, tăng giá trị cổ phần của mỗi cổ đông và là kênh đầu tư hiệu quả đó chính là cổ phiếu quỹ. Vậy cổ phiếu quỹ là gì? Điều kiện để thực hiện giao dịch cổ phiếu quỹ và những quy định về cổ phiếu quỹ hiện tại ra sao?
Cổ phiếu quỹ là gì? Một số đặc điểm của cổ phiếu quỹ
Cổ phiếu quỹ (Treasury stock hay Reacquired stock) là cổ phiếu được chính các doanh nghiệp phát hành mã cổ phiếu đó mua lại từ người sở hữu bằng nguồn vốn chủ sở hữu. Số lượng cổ phiếu quỹ do doanh nghiệp phát hành mua lại sẽ không được tính vào số lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Một số đặc điểm của cổ phiếu quỹ
- Cổ phiếu quỹ không được tính vào số lượng cổ phiếu đang lưu hành và do đó nó làm giảm sự lưu hành của mã cổ phiếu doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán
- Chủ sở hữu cổ phiếu quỹ không có quyền biểu quyết, không được chia cổ tức và cũng không có quyền mua cổ phiếu mới.
- Theo quy định pháp luật, doanh nghiệp chỉ được nắm giữ một lượng cổ phiếu quỹ nhất định (tối đa là 30%)
- Cổ phiếu quỹ thực chất là cổ phiếu của các công ty bị thoái vốn. Tuy nhiên, nó vẫn được các công ty giữ lại để sử dụng cho những trường hợp cần thiết.
- Nhằm mục đích giảm vốn điều lệ, khi được sự đồng ý của các đại cổ đông, cổ phiếu quỹ hoàn toàn có thể bị hủy bỏ
- Cổ phiếu quỹ cũng tương tự như một loại cổ phiếu chưa phát hành và nó có thể phát hành bất cứ lúc nào.
>>> Tham khảo: Vốn hóa thị trường là gì? Phân loại công ty dựa trên vốn hóa thị trường
5 lý do doanh nghiệp nên mua cổ phiếu quỹ
Tăng quyền kiểm soát công ty: Việc doanh nghiệp mua lại cổ phiếu quỹ là biện pháp nhằm hạn chế việc thu gom cổ phiếu của một số cá nhân có mục đích thao túng, kiểm soát doanh nghiệp
Cải thiện các chỉ số tài chính: Việc thu mua cổ phiếu quỹ sẽ làm giảm lượng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường chứng khoán cũng như làm giảm vốn điều lệ. Từ đó gián tiếp làm tăng một số chỉ số trong báo cáo tài chính như tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (RO) hay tỷ suất thu nhập trên cổ phần (EPS)
Đảm bảo lợi ích cổ đông: Khi giá cổ phiếu đi xuống, việc các doanh nghiệp mua vào cổ phiếu quỹ sẽ khiến nguồn cung cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường giảm xuống, góp phần tạo động lực làm giá cổ phiếu tăng lên, đảm bảo giá trị cổ phiếu và lợi ích cho các cổ đông
Thu hồi cổ phiếu ESOP: Việc mua lại cổ phiếu quỹ còn nhằm mục đích thu hồi lại cổ phiếu ESOP (thường là của những nhân viên đã nghỉ việc) rồi sau đó bán lại với giá ưu đãi cho những nhân viên đang làm việc tại doanh nghiệp
Đầu cơ: Khi thị trường sụt giảm, các công ty có xu hướng mua lại cổ phiếu quỹ, chờ đến khi thị trường tăng trưởng sẽ tiến hành bán ra với mục đích ăn chênh lệch, nhằm cải thiện dòng tiền và tăng thặng dư vốn cổ phần trên báo cáo tài chính cuối kỳ của doanh nghiệp.
Nhược điểm của cổ phiếu quỹ là gì?
Việc mua vào cổ phiếu quỹ sẽ làm giảm lượng tiền mặt và do đó có thể gây thiếu hụt nguồn vốn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác, đặc biệt khi cổ phiếu quỹ bị hủy, hoặc không bán ra trong thời gian dài sẽ gây ứ đọng vốn. Ngoài ra, khi công ty tự mua cổ phiếu quỹ có thể khiến giá trị doanh nghiệp giảm sút, khiến nhà đầu tư giảm lòng tin và kéo theo hệ quả là giá cổ phiếu. Do đó khi quyết định mua vào cổ phiếu quỹ doanh nghiệp cần hết sức thận trọng
>>> Tham khảo: Có nên làm môi giới chứng khoán? Những sự thật về nghề chứng khoán
Một số quy định giao dịch cổ phiếu quỹ
Các doanh nghiệp có quyền bán hoặc mua lại cổ phiếu quỹ, tuy nhiên cần phải tuân thủ theo quy định pháp luật. Hãy cùng tìm hiểu một số quy định về cổ phiếu quỹ dưới đây
Điều kiện mua lại cổ phiếu quỹ
Khi định mua lại cổ phiếu quỹ, công ty cần phải có phương án cụ thể bao gồm thời gian thực hiện và nguyên tắc xác định giá. Các công ty chỉ được mua lại tối đa 30% tổng số cổ phần phổ thông đã được bán trước đó, hoặc một phần hay toàn bộ cổ phiếu ưu đãi đã bán. Trong đó, Hội đồng quản trị có quyền mua lại cổ phiếu quỹ tuy nhiên không quá 10% tổng số cổ phần đã chào bán của từng loại cổ phiếu trong vòng 12 tháng. Giá cổ phần mua lại do Hội đồng quản trị tự quyết định tuy nhiên không được cao hơn giá thị trường tại thời điểm đó.
Trong vòng 30 ngày kể từ khi được sự đồng ý của tất cả các cổ đông, doanh nghiệp có thể mua lại cổ phần của các cổ đông. Đồng thời, các cổ đông khi muốn bán lại cổ phần cũng phải gửi lời chào bán bằng phương thức đảm bảo trong thời hạn 30 ngày.
Điều kiện bán cổ phiếu quỹ
Trong vòng tối thiểu 6 tháng kể từ thời điểm kết thúc đợt mua lại cổ phiếu quỹ gần nhất, công ty đại chúng mới được phép bán cổ phiếu quỹ (trừ trường hợp bán lại cho nhân viên trong công ty hoặc chuyển cổ phiếu quỹ thành cổ phiếu thưởng). Bên cạnh đó, công ty cũng cần phải xây dựng phương án bán cổ phiếu quỹ cụ thể bao gồm thời gian và nguyên tắc xác định giá.
Nguồn vốn sử dụng để mua lại cổ phiếu quỹ
Tất cả các nguồn vốn để mua cổ phiếu quỹ đều phải dựa vào báo cáo tài chính đã được kiểm toán theo đúng quy định. Ngoài vốn chủ sở hữu, nếu công ty đại chúng là công ty mẹ muốn mua lại cổ phiếu quỹ thì có thể sử dụng nguồn thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển hoặc quỹ khác để mua lại cổ phiếu. Nếu công ty mẹ muốn mua lại cổ phiếu bằng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối thì nguồn vốn này không được lớn hơn mức lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đó.
>>> Tham khảo: Mức lương nhân viên môi giới chứng khoán có cao không?
Thông qua những chia sẻ của Blog TopCV về Cổ phiếu quỹ là gì? Tổng hợp một số quy định giao dịch cổ phiếu quỹ, hy vọng bạn đọc đã nắm được những quy định về cổ phiếu quỹ. Truy cập TopCV ngay hôm nay để không bỏ lỡ những vị trí việc làm hấp dẫn nhất nhé!
Nguồn ảnh: Sưu tầm