Top 5 các kỹ năng mềm trong công việc là chìa khóa của thành công

ky-nang-mem

Một nhân viên giỏi không chỉ có chuyên môn cao còn cần thành thạo các kỹ năng mềm trong công việc. Kỹ năng mềm có thể quyết định tới 87% thành công trong sự nghiệp của bạn. Như vậy, kỹ năng mềm là gì? Có bao nhiêu kỹ năng mềm cần thiết? Blog.TopCV.vn sẽ giúp bạn khám phá top 5 kỹ năng mềm cực “đỉnh” trong bài viết sau đây!

cac-ky-nang-mem-trong-cong-viec
Tìm hiểu về các kỹ năng mềm trong công việc 

Các kỹ năng mềm trong công việc là gì? 

Kỹ năng mềm còn có thuật ngữ tiếng Anh là “Soft Skills”. Đây là nhóm kỹ năng thuộc về tính cách và lối sống chứ không đặt nặng lý thuyết. Thay vào đó, kỹ năng mềm đề cao tính cá nhân hoá cao vì được vận dụng dưới nhiều hình thức. Có 2 nhóm kỹ năng mềm chính: 

  • Kỹ năng đối nội: kỹ năng tự học, kỹ năng tìm kiếm, kỹ năng quản lý thời gian…
  • Kỹ năng đối ngoại: kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lãnh đạo… 

Các kỹ năng mềm trong công việc đồng thời là một phần quan trọng của kỹ năng sống. Chúng ta sẽ khó thăng tiến hay hoàn thành công việc đúng hạn nếu thiếu đi kỹ năng mềm cần thiết. Đừng nghĩ rằng chỉ cần chuyên môn giỏi thôi là đủ. Rất nhiều bạn trẻ có thành tích học tập tốt nhưng lại nhút nhát và thiếu kinh nghiệm làm việc trầm trọng. Tình trạng sinh viên mới ra trường thất nghiệp cũng từng gây “sốt” bởi người trẻ ngày nay thiếu kỹ năng mềm nhiều quá. 

Vai trò của các kỹ năng mềm trong công việc 

Thị trường việc làm ngày nay đòi hỏi những nhân tố tiềm năng nhất. Người lao động hiện đại phải hội tụ cả chuyên môn cao lẫn kỹ năng mềm thành thạo. Các kỹ năng mềm trong công việc càng ngày càng trở nên quan trọng, bao gồm nhiều vai trò cụ thể: 

  • Tạo ấn tượng khi đi xin việc: Kỹ năng mềm giúp bạn gây dựng lòng tin trong mắt nhà tuyển dụng và “ghi điểm” toàn tập với họ. Hãy tập trung thể hiện những kỹ năng mềm liên quan đến giao tiếp và ứng xử để đạt hiệu quả tốt nhất. 
  • Tạo điều kiện mở rộng mối quan hệ: Người biết sử dụng kỹ năng mềm nhuần nhuyễn chắc chắn sẽ thu hút bạn bè và đồng nghiệp. Những kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng tổ chức, kỹ năng thuyết trình…chính là yếu tố quan trọng giúp bạn nhanh chóng chiếm cảm tình đám đông và nhanh chóng gia tăng mối quan hệ. 
  • Tạo điều kiện xử lý tình huống nhanh chóng: Có những vấn đề không thể giải quyết bằng chuyên môn mà phải nhờ vào các kỹ năng mềm trong công việc. Đây là lúc bạn vận dụng kỹ năng phân tích, kỹ năng giải quyết vấn đề hoặc kỹ năng thuyết phục. 
  • Tạo nên chất lượng cuộc sống: Bên cạnh mục đích dành cho công việc thì các kỹ năng mềm còn giúp bạn sống và sinh hoạt tốt hơn. Mà một khi đời sống hạnh phúc, gọn gàng thì công việc ắt hẳn sẽ suôn sẻ và vững chắc. 

Xem thêm: 5 cách giúp nhà tuyển dụng đánh giá kỹ năng mềm của ứng viên trong buổi phỏng vấn

Các kỹ năng mềm trong công việc là chìa khóa thành công 

Có thể thấy các kỹ năng mềm trong công việc đóng vai trò quan trọng như thế nào trên hành trình sự nghiệp. Các kỹ năng mềm cần có trong công việc là gì? Cùng tìm hiểu top 5 kỹ năng mềm cần thiết nhất nhé! 

Xem thêm: Muốn thành công phải có 6 kỹ năng mềm này! 

Kỹ năng tương tác liên cá nhân 

Kỹ năng tương tác liên cá nhân còn quen thuộc hơn với tên gọi “Interpersonal Skills”. Đây là nhóm kỹ năng liên quan đến tương tác đa chiều, giao tiếp và ứng xử với nhiều người khác. Một số người sẵn có tính cách năng động rất dễ dàng sử dụng kỹ năng này. Nếu bạn hướng nội thì cũng không nên lo lắng bởi kỹ năng tương tác liên cá nhân có thể phát triển dần theo năm tháng rèn luyện. 

cac-ky-nang-mem-trong-cong-viec
Các kỹ năng mềm trong công việc bao gồm kỹ năng tương tác liên cá nhân

Trong công tác, nhân viên sở hữu khả năng tương tác liên cá nhân tốt sẽ luôn được đánh giá cao. Họ là những người làm việc nhóm giỏi, có tinh thần hợp tác ổn định và đặc biệt luôn biết cách xử sự hoàn hảo. Muốn có kỹ năng tương tác liên cá nhân, cần học hỏi qua trải nghiệm và phát triển dần theo thời gian:  

  • Giữ tinh thần hòa đồng, thân thiện trong môi trường làm việc.
  • Luôn đề cao sự tôn trọng dành cho người đối diện, bất kể là cấp trên hay cấp dưới. 
  • Có tinh thần trách nhiệm cao trong mọi công việc được giao. 
  • Rèn luyện khả năng nói trước đám đông. 
  • Chủ động lắng nghe và thấu cảm người khác bằng cách đặt mình vào vị trí họ
  • Chỉn chu và tập trung khi làm việc nhóm.

Kỹ năng quản lý thời gian 

Kỹ năng quản lý thời gian luôn cần thiết trong cả công việc lẫn cuộc sống. Kỹ năng này giúp bạn hoàn thành công việc dễ dàng hơn theo một thứ tự nhất định. Kỹ năng quản lý thời gian càng tốt thì năng suất lao động càng cao. Hơn nữa, nắm trọn kỹ năng quản lý thời gian cũng giúp bạn “bỏ xa” stress và những bệnh tâm lý phiền phức. 

Để rèn luyện được kỹ năng này thì bạn cần:

  • Tập liệt kê công việc theo thứ tự nhất định và mức độ ưu tiên từ nhỏ tới lớn.
  • Lập deadline chi tiết cho từng công việc lớn, nhỏ. 
  • Không cố gắng làm nhiều việc cùng lúc mà nên chia nhỏ công việc thành nhiều quy trình. 
  • Tận dụng các phần mềm tin học để sắp xếp công việc logic hơn. 
  • Tranh thủ tĩnh tâm bằng thiền, nghe nhạc, vận động nhẹ…khi có thời gian rảnh để không lãng phí vào chơi game hay xem phim… 
  • Xác định mục tiêu công việc ưu tiên qua phương pháp SMART.
  • Quản lý thời gian với ma trận Eisenhower.

Kỹ năng thuyết phục 

Thuyết phục là kỹ năng giao tiếp có sử dụng chứng cứ, luận điểm để thu phục lòng tin và sự chấp thuận của người khác. Kỹ năng này đặc biệt cần thiết trong kinh doanh. Vì nếu không biết thuyết phục đối tác và khách hàng thì sẽ rất khó để kêu gọi đầu tư hay buôn bán. Nếu bạn đang muốn apply ngành kinh doanh, bán hàng thì rất nên nắm chắc kỹ năng này trong tay. 

Không khó để đạt được kỹ năng thuyết phục, bạn chỉ cần: 

  • Ứng xử lịch thiệp để gây thiện cảm. Nên cho người đối diện cảm thấy rõ lòng chân thành của mình. Hạn chế nói dối quá nhiều để lấy lòng người khác. 
  • Luôn đề cập lợi ích của đối phương lên trước, sau đó mới nói về lợi ích bên mình.
  • Tìm điểm tương đồng giữa bản thân/doanh nghiệp với người đối diện để câu chuyện thêm thuyết phục. 
  • Lựa chọn thời điểm thuyết phục sao cho hợp tâm trạng và sự kiện. Cũng nên chọn thời điểm bạn cảm thấy tự tin nhất để tránh bất cẩn (ví dụ: không nên làm việc khi ốm, khi phụ nữ gặp “đèn đỏ”, khi chưa nắm vững chi tiết cần thuyết phục…) 
  • Ưu tiên minh chứng rõ ràng và những lập luận sắc sảo. Cũng không nên lấy ví dụ chung chung mà hãy đặt vào tình huống cụ thể. 
cac-ky-nang-mem-trong-cong-viec
Kỹ năng thuyết phục hỗ trợ các kỹ năng mềm trong công việc như thế nào?

Tư duy sáng tạo, linh hoạt trong công việc 

Tính sáng tạo là một trong những kỹ năng mềm cực hay giúp khơi nguồn năng lượng mới mẻ và thú vị trong công việc. Một tư duy sáng tạo và linh hoạt thể hiện ở: ý tưởng mới lạ, phương pháp làm việc độc đáo, góc nhìn đặc sắc… 

Kỹ năng sáng tạo được đánh giá vô cùng cao ở mọi ngành nghề. Không chỉ đối với lĩnh vực nghệ thuật mà trong kinh doanh, kỹ thuật cũng cần sáng tạo để đổi mới và cải cách. Sáng tạo giúp con người mở mang tầm nhìn và thoát khỏi mọi khuôn khổ lỗi thời. Bên cạnh đó, sáng tạo cũng hỗ trợ phát triển chuyên môn lên một tầm cao mới. 

Sáng tạo là năng khiếu hay là kỹ năng có thể tập luyện? Tuy khả năng sáng tạo phần nhiều thuộc về thiên bẩm nhưng nếu biết cách tập luyện thì sẽ không bao giờ suy nghĩ nhàm chán: 

  • Tập quan sát xung quanh, kể cả là những điều nhỏ nhất. Đôi khi, chỉ một ngày mưa hay chút lá rơi ngoài đường cũng có thể giúp gia tăng khả năng sáng tạo. 
  • Tự tin thể hiện cá tính của mình. Đừng quá giấu diếm bản thân để rồi đánh mất sức sáng tạo.
  • Đừng chỉ nghĩ về ý tưởng mà hãy biến chúng thành sự thực qua hành động. 
  • Tự thử thách bản thân trong công việc và cuộc sống. 
  • Trải nghiệm thêm những thứ chưa biết, chẳng hạn như: học nhạc cụ, xem phim mới, đi du lịch… 

Kỹ năng giải quyết vấn đề 

Kỹ năng giải quyết vấn đề là khi bạn tìm tòi, phân tích và giải quyết những tình huống phát sinh một cách khéo léo. Rất nhiều tình huống khó khăn có thể bất ngờ xảy ra trong công việc và nhà tuyển dụng luôn mong đợi một ứng viên đủ thông minh để xử lý chúng. 

Có cách giải quyết vấn đề nhanh – gọn – lẹ là kỹ năng quan trọng nếu bạn muốn thăng tiến. Môi trường làm việc không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Lục đục, tranh cãi luôn đến từ nội bộ hay do khách hàng khiếu nại. Hãy sử dụng kỹ năng giải quyết vấn đề để hóa thân thành “anh hùng” cứu cánh cho đồng nghiệp. Một khi làm tốt nhiệm vụ đó, bạn sẽ theo đuổi được thành công.

cac-ky-nang-mem-trong-cong-viec
Kỹ năng giải quyết vấn đề luôn đem tới thành công

Rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề cần lĩnh hội nhiều bước: 

  • Nắm vững kiến thức chuyên môn để làm tiền đề giải quyết các tình huống.
  • Biết nhìn nhận, đánh giá và phân tích sự việc theo từng bước.
  • Biết xác định xem chủ sở hữu của vấn đề đó là ai để nhanh chóng tìm ra nguồn gốc vấn đề. 
  • Biết lựa chọn và sàng lọc giải pháp hiệu quả nhất. Đặc biệt luôn nhớ tính khả thi và cân nhắc hậu quả sau cùng. 
  • Học hỏi kinh nghiệm từ tiền bối. Nên quan sát cách mọi người trong công ty giải quyết vấn đề để từ đó học tập theo. Bạn cũng có thể chủ động hỏi thêm đồng nghiệp lâu năm.

Xem thêm: Kỹ năng giải quyết vấn đề là gì? Tầm quan trọng của kỹ năng giải quyết vấn đề là gì?

Để tìm công việc tốt trong thời buổi hiện đại không hề đơn giản. Nhà tuyển dụng luôn ưu tiên ứng cử viên giỏi thành thạo các kỹ năng mềm trong công việc. Hãy tập cho mình các kỹ năng ngay hôm nay để thành công trên con đường sự nghiệp.