Michelangelo, một nhà điêu khắc nổi tiếng trong lịch sử công giáo từng nói: “The greater danger for most of us lies not in setting our aim too high and falling short; but in setting our aim too low, and achieving our mark.” Tạm dịch: “Mối nguy hiểm lớn nhất của hầu hết chúng ta không phải là đã đặt ra mục tiêu quá cao rồi không thể thực hiện được, mà là đã đặt ra mục tiêu quá thấp và đạt được chúng một cách dễ dàng.

Quả thực là như vậy. Dù là trong học tập hay công việc, việc đặt ra đích đến phù hợp chính là điều kiện tiên quyết ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng. Bởi toàn bộ quá trình lên ý tưởng, sắp xếp kế hoạch, triển khai hành động sau này đều nhằm phục vụ cho mục đích mà chúng ta hướng đến từ ban đầu. Vậy làm sao để đặt ra được mục tiêu phù hợp, không dưới tầm và cũng không quá sức cho công việc của bạn? Bạn có thể tham khảo phương pháp SMART dưới đây.

SMART là gì?

Đó là nguyên tắc “THÔNG MINH” giúp bạn định hình và vạch rõ được mục tiêu cũng như định hướng của mình trong công việc. Phương pháp này đã được khoa học giới thiệu từ những năm 1980, nhưng không phải ai cũng biết và áp dụng thành công. Cụ thể, cái tên “SMART” là viết tắt từ 5 chữ cái đầu của 5 yếu tố tạo trong nguyên tắc này, đó là:

  • S – Specific : Cụ thể, dễ hiểu.
  • M – Measurable : Đo lường được
  • A – Attainable : Có thể đạt được
  • R – Relevant : Thực tế
  • T – Time-Bound : Thời gian hoàn thành

S – Specific: Đặt mục tiêu cụ thể, dễ hiểu

Một mục đích thông minh trước tiên phải được vạch ra một cách cụ thể. Mục tiêu càng rõ ràng thì khả năng đạt được cao.

Một trong những cách mà người ta dùng để xác định một mục tiêu cụ thể là tưởng tượng về chúng. Chẳng hạn, mục đích của bạn trong 10 năm tới là xây được một ngôi nhà đẹp, nhưng nếu chỉ dừng lại ở “một ngôi nhà đẹp” vô thưởng vô phạt thôi thì chưa đủ. Hãy nhắm mắt lại, “vẽ” ra trong đầu cụ thể hình ảnh ngôi nhà đó như thế nào. Đó là một căn hộ chung cư hay nhà riêng? To hay bé? Màu sơn là gì? Có bao nhiêu phòng? Những vật dụng bố trí trong phòng gồm những thứ gì? Không gian xung quanh nhà sẽ như thế nào? Hãy nhớ rằng, bạn càng hình dung ra rõ ràng ý định và mong muốn của bản thân, bạn sẽ biết chính xác những gì bạn cần làm để đạt được nó.

M – Measurable: Mục tiêu phải đo lường được

“Đo lường được” có nghĩa là mục tiêu bạn vạch ra phải được gắn liền với những con số, cụ thể là có thể cân, đo, đong, đếm được. 

Chẳng hạn, bạn muốn có một nguồn thu nhập ổn định, thì “ổn định” với đối với bản thân bạn là như thế nào? 5 triệu? 10 triệu? 20 triệu hay hơn thế nữa? Những con số cụ thể mà bạn đặt ra cho mình đóng vai trò như một đòn bẩy thúc đẩy tinh thần của bạn lên cao, giúp bạn có động lực lao động hết mình để đạt được con số đó. Nếu mục tiêu của bạn không được đo lường bằng con số mà chỉ là những hình ảnh mơ hồ, bạn sẽ dễ có khả năng bị xao nhãng khỏi mục tiêu của mình, dẫn đến việc con đường đi tới đích của bạn sẽ càng trở nên vòng vèo, xa xôi, và bạn sẽ sớm kiệt sức trên con đường đó.

A – Atainable: Tính khả thi của mục tiêu

Tính khả thi cũng là một yếu tố rất quan trọng khi ta đưa ra một mục tiêu. Nghĩa là chúng ta phải suy nghĩ về khả năng bản thân trước khi đề ra một chỉ tiêu quá sức với điều kiện thực tế. Nhưng như vậy không có ý nghĩa là bạn chỉ lập cho mình một mục tiêu đơn giản và dễ dàng, bởi cái gì cũng có 2 mặt của nó.

Theo đuổi một mục tiêu viển vông cũng giống như đi tìm “chân trời”, càng mải miết chạy bạn sẽ càng nhanh nản chí khi nhận ra rằng đó vốn là một điều không thể, ngược lại, một đích đến quá dễ dàng lại không thể kích thích bạn bộc lộ và phát triển được hết khả năng của bản thân, và rồi bạn cũng sẽ chán nản khi cảm thấy rốt cuộc bản thân vẫn không tiến bộ gì nhiều so với ban đầu.

R – Realistic: Tính thực tế

Mục tiêu bạn đặt ra cho mình cũng không nên quá xa vời so với thực tế. Một ý tưởng vẽ ra trên giấy trông thì có vẻ hay ho, hoành tráng, nhưng thực tế, nhiều khi cuối cùng những kế hoạch đó cũng chỉ dừng lại ở một mớ giấy lộn không hơn. Bởi nói thì dễ, làm mới khó. Điều quan trọng khi xác định mục tiêu không phải là làm cho nó nghe càng vĩ đại càng tốt, mà là càng khả thi càng tốt.

Ý tưởng lớn thì cần nguồn lực lớn, nếu không đủ, hãy chọn những hướng đi khiêm tốn hơn nhưng vừa sức với điều kiện của công ty bạn hiện tại. Để làm được điều này, bạn cần tính toán xem khả năng, ngân sách, quỹ thời gian, nguồn nhân lực,… có cho phép bạn thực hiện kế hoạch này tới nơi tới chốn hay không.

T – Time bound: Đặt khung thời gian thực hiện mục tiêu

Bất cứ một mục tiêu lớn nhỏ nào cũng cần được set một khung thời gian cụ thể để thực hiện. Điều này sẽ đặt cho bạn những cột mốc rõ ràng trong quá trình triển khai kế hoạch để bạn biết được mình đang ở đâu trên lộ trình, và liệu kế hoạch này có đang hiệu quả hay không, từ đó có được những điều chỉnh cần thiết và kịp thời để đảm bảo bạn sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra vào đúng thời gian dự kiến.

Các bước vận dụng phương pháp xác định mục tiêu SMART

Định hình mục tiêu của bạn 

Hãy bắt đầu phác thảo định hướng cho kế hoạch của mình. Nên nhớ mọi mục tiêu phải có tính khả thi và được giới hạn thời gian hoàn thành cũng như quy định KPI cụ thể.

Viết mục tiêu đó ra giấy 

Một trong những cách tạo động lực cho bản thân hữu hiệu nhất là viết hết những gì mình muốn thực hiện trong thời gian tới ra giấy theo thứ tự ưu tiên, đặt trên bàn, dán trên máy tính, tủ lạnh hoặc bất cứ đâu thuận tiện trong tầm mắt của bạn. Cách làm này sẽ khiến bạn luôn được nhắc nhớ về mục tiêu của mình và tạo động lực để bạn quyết tâm hiện thực nó mỗi ngày.

Lên kế hoạch chi tiết để thực hiện dự định đã đề ra 

Hãy lập một timeline chi tiết, ghi rõ những đầu việc bạn cần làm theo từng ngày/ tuần/ tháng để đạt được mục tiêu, cũng như set KPI cụ thể cho từng chặng của kế hoạch. Như vậy, mỗi lần nhìn vào timeline, bạn sẽ nắm được rõ ràng rằng kế hoạch của mình đã được triển khai tới đâu, và cần bao nhiêu thời gian nữa để hoàn thành nó. Đồng thời, bạn sẽ có những điều chỉnh hợp lí nếu kết quả của giai đoạn đầu không đạt như mong muốn, từ đó khắc phục ở những giai đoạn sau của đề án.

Hy vọng phương pháp trên sẽ là công cụ đắc lực để hỗ trợ bạn xác định mục tiêu và lập kế hoạch công việc sao cho hiệu quả nhất. Để cập nhật những bài viết mới nhất, đừng quên truy cập https://blog.topcv.vn/ hoặc fanpage: https://www.facebook.com/topcv.vn/ để follow TopCV nhé!