Account Executive có lẽ là một khái niệm khá mới mẻ với nhiều người ở Việt Nam, bởi ngành nghề này chỉ thực sự thịnh hành và phổ biến trong những năm gần đây. Mặc dù mới xuất hiện nhưng với tính chất công việc năng động, sáng tạo và phù hợp với xu thế, ngành Account Executive được nhiều bạn trẻ đam mê tìm hiểu và theo đuổi. Vậy Account Executive là gì? Để làm được vị trí này cần phải đáp ứng những yêu cầu nào? Trong bài viết này Blog TopCV sẽ giải đáp và giúp bạn đọc lý giải được Account Executive là nghề gì và có cái nhìn rõ hơn về công việc mới mẻ này.
Account Executive là gì?
Account Executive là người có trách nhiệm phục vụ, hỗ trợ và phát triển khách hàng của doanh nghiệp. Executive được hiểu là “thực hiện”, nghĩa là người chịu phần lớn những công việc trong quá trình thực hiện các hợp đồng quảng cáo với khách hàng.
Trong ngành quảng cáo và marketing, những Account Executive sẽ có nhiệm vụ nhận yêu cầu từ phía khách hàng, sau đó thực hiện mọi công việc và các quy trình liên quan đến khách hàng đó như đàm phán hợp đồng, chọn kênh truyền thông…. Và trong suốt quá trình đó, họ phải phụ trách xử lý những vấn đề phát sinh nhằm mang lại sự hài lòng tuyệt đối cho khách hàng.
Mô tả công việc Account Executive
Làm Account Executive là làm những gì? Account Executive có thể làm việc trong các doanh nghiệp trong lĩnh vực Truyền thông, marketing, thiết kế hoặc công nghệ thông tin… Tùy vào mỗi ngành, lĩnh vực mà công việc của một Account Executive sẽ có một số các đặc thù riêng. Tuy nhiên, tất cả các công việc của Account Executive đều xoay quanh việc kết nối khách hàng mới, tạo dựng và nuôi dưỡng mối quan hệ với những khách hàng hiện có của doanh nghiệp. Cụ thể công việc của một Account Executive sẽ bao gồm những nhiệm vụ sau đây:
- Làm việc với account manager để tường thuật công việc và hỗ trợ xây dựng chiến lược
- Kết nối và trở thành đầu mối liên lạc với những khách hàng được phân công
- Gặp gỡ và liên lạc với khách hàng để xác định yêu cầu marketing của họ
- Lập chiến lược marketing và đóng góp ý tưởng, concept cho mỗi chiến dịch theo yêu cầu từ phía khách hàng và tính kinh phí dự kiến
- Lý giải những thắc mắc của khách hàng nhằm tìm ra tiếng nói chung và đưa ra giải pháp xử lý hiệu quả
- Tư vấn chiến lược marketing, quảng cáo cho khách hàng và chào bán thêm các sản phẩm/dịch vụ mà doanh nghiệp đang cung cấp
- Soạn thảo đề xuất dịch vụ, báo giá, hợp đồng, lập proposal để tiến hành đàm phán với khách hàng nhằm đạt được hợp đồng
- Quản lý dự án và giám sát tiến độ thực hiện nhằm đảm bảo công việc được thực hiện hiệu quả
- Thực hiện lập kế hoạch và báo cáo tiến độ, hiệu quả chiến dịch theo định kỳ
- Báo cáo lại các vấn đề nghiêm trọng cho cấp quản lý để kịp thời xử lý
- Kết thúc dự án, Account executive sẽ báo cáo tổng kết cho khách hàng và cấp trên, đồng thời thanh lý hợp đồng và phối hợp cùng bộ phận kế toán để thu hồi công nợ.
>>> Xem thêm: Nghề Account là gì – Tất cả những điều bạn cần biết
Account Executive có giống với Sale không?
Nhiều nghĩ vẫn nghĩ rằng thực chất công việc của một Account executive chẳng khác gì so với công việc của một người làm sales. Mặc dù đều làm công việc liên quan đến khách hàng, tuy nhiên nhiệm vụ và vai trò của account executive lại phức tạp hơn sales rất nhiều.
Nếu việc của Account executive chính là quản lý và chăm sóc khách hàng hiện có cả doanh nghiệp thì sales lại là người chịu trách nhiệm tìm kiếm những nguồn khách hàng mới, mở rộng tập khách hàng cho doanh nghiệp. Như vậy rõ ràng nhiệm vụ chính của sales là phải tìm kiếm, hẹn gặp, thuyết phục khách hàng ký hợp đồng. Còn nhiệm vụ của Account Executive là gặp gỡ khách hàng để xác định yêu cầu của họ, sau đó đưa ra các chiến lược để giúp khách hàng đạt được mục tiêu mà họ đề ra. Đồng thời, khi hợp đồng đã được ký, việc theo dõi, điều chỉnh và thu hồi công nợ sẽ là trách nhiệm của những Account executive.
Những người làm sales luôn phải chịu rất lớn về áp lực doanh số, chẳng hạn như số lượng khách hàng mang về, số hợp đồng đạt được, doanh thu định kỳ hàng tháng, hàng quý… Còn những Account executive luôn chịu trách nhiệm về việc làm sao để làm hài lòng khách hàng và giúp họ đạt được các mục tiêu kinh doanh. Do vậy, nhiệm vụ của sales sẽ cung cấp các thông tin về client cho Account executive. Còn Account executive sẽ phải nghiên cứu khách hàng, đưa ra các phương án chiến lược để đáp ứng mục tiêu của khách. Đây cũng là lý do mà những người Account executive thường rất cẩn thận, đa nhiệm còn sales thường rất linh hoạt và kinh doanh giỏi.
Nhiều người sẽ đặt câu hỏi, tại sao không để sales kiêm luôn nhiệm vụ của Account executive và ngược lại, thay vì phải tuyển hai vị trí riêng biệt. Thực tế thì hiện nay với những doanh nghiệp nhỏ, họ không tuyển account executive riêng, bởi đội ngũ sales có thể làm các công việc của một Account Executive và ngược lại. Tuy nhiên, nếu như sales có thể mang về khách hàng thì việc để khách hàng cảm thấy hài lòng với dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp và quyết định có quay lại hoặc giới thiệu thêm đối tác cho doanh nghiệp hay không, điều này phụ thuộc rất lớn vào vai trò của các Account executive. Do vậy, xét đến cùng thì đây là hai vị trí công việc khác nhau, có những nhiệm vụ riêng biệt và bổ trợ nhau.
Lương của Account Executive có cao không?
Mặc dù là một nghề mới ở Việt Nam nhưng Account executive lại thu hút sự quan tâm của nhiều lao động, đặc biệt là những bạn trẻ năng động và đam mê trong ngành marketing. Một trong những lý do tạo sức hút của công việc này chính là mức lương tương đối hấp dẫn. Hiện nay mức lương của Account Executive dao động khoảng từ 8.000.000 – 12.000.000 đồng/tháng.
Tuy nhiên con số này hoàn toàn có thể nâng lên gấp nhiều lần nếu bạn vươn lên được vị trí của một Account Manager. Lúc này thu nhập có thể vào khoảng 25.000.000 – 30.000.000 đồng/tháng. Đồng thời còn có các khoản thưởng dự án theo trị giá hợp đồng. Điều này có thể dễ dàng lý giải được vì sao công việc này lại có sức hấp dẫn như vậy với các ứng viên trẻ.
Những tố chất cần có của một Account Executive là gì?
Muốn trở thành một Account Executive trước hết ứng viên phải đáp ứng các yều cầu về kiến thức chuyên môn. Do vậy, dù làm trong bất cứ lĩnh vực và ngành nghề nào, Account Executive cũng phải có sự am hiểu nhất định về sản phẩm, chuyên ngành và những kiến thức liên quan đến lĩnh vực mà bạn đang làm. Đồng thời việc nắm vững kiến thức chuyên môn về sales, marketing cũng là yếu tố quan trọng để phát triển sự nghiệp của một Account Executive.
Tuy nhiên, một Account Executive chỉ sở hữu kiến thức thôi chưa đủ. Do tính chất năng động và sáng tạo không ngừng, một Account Executive còn phải sở hữu nhiều kỹ năng và các tố chất sau đây:
Kỹ năng giao tiếp tốt
Công việc của Account Executive phải thường xuyên tiếp xúc và làm việc với đối tác và khách hàng. Họ là những người ở nhiều cương vị và tuổi tác khác nhau. Do vậy, Account Executive cần biết cách giao tiếp linh hoạt, ăn nói lưu loát để thông điệp tới khách hàng một cách hiệu quả. Kỹ năng giao tiếp tốt sẽ giúp Account Executive có thể dễ dàng trao đổi và thấu hiểu được khách hàng, từ đó đáp ứng được yêu cầu của họ và mang lại sự kết nối lâu dài giữa client và agency.
Tư duy sáng tạo
Nếu bạn làm việc trong môi trường của ngành marketing, tư duy sáng tạo được xem là yếu tố quan trọng quyết định đến khả năng và sự thành công của một Account Executive. Rõ ràng khi làm công việc liên quan đến khách hàng, mỗi chiến dịch sẽ có những đặc trưng riêng, mỗi khách hàng cũng sẽ có những mong cầu riêng. Do vậy, bạn không thể dùng những ý tưởng cũ để áp dụng cho một chiến dịch mới, hoặc sử dụng tư duy lối mòn khiến tất cả các chương trình đều phải chạy một cách lập khuôn. Khi làm bất cứ dự án nào, bạn cũng cần phải nghiên cứu về client, ngành hàng, đối tượng mục tiêu, thông điệp, concept,…. Từ đó đưa ra những ý tưởng mới nhằm đạt mục tiêu cuối cùng mà client đưa ra. Mức độ thành công của mỗi dự án, mỗi chiến dịch phụ thuộc rất lớn vào tư duy sáng tạo của Account Executive có đủ đột phá hay không.
Có khả năng hoạch định kế hoạch
Account Executive khi thực hiện công việc, họ phải lên kế hoạch cụ thể cho từng khách hàng bao gồm chương trình cho mỗi chiến dịch, hoạch định ngân sách, báo cáo tiến độ và các chỉ số đo lường của chiến dịch, báo cáo định kỳ, báo cáo hiệu quả… Rõ ràng kết nối với khách hàng thôi chưa đủ, để khách hàng hài lòng và tin tưởng Account Executive phải chứng minh thực hiện được trách nhiệm của mình đối với hiệu quả công việc. Đây cũng là lý do mà hầu hết các Account Executive đều thường rất bản lĩnh và phát triển bản thân rất nhanh chóng, thậm chí nhiều người còn có thể tự thành lập công ty của riêng mình sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm của một Account Executive.
Kỹ năng xử lý vấn đề
Mỗi chiến dịch dường như ít nhiều cũng sẽ phát sinh những vấn đề phức tạp phải đối mặt. Chiến dịch càng lớn, càng dài hơi thì những vấn đề phát sinh có thể sẽ càng nhiều. Đó là chưa kể những vấn đề khác từ phía những client, vì không phải khách hàng nào cũng thật sự “dễ chiều”. Do vậy, một Account Executive phải có kỹ năng xử lý vấn đề, họ buộc phải bản lĩnh, tỉnh táo và nhạy bén trong bất cứ tình huống nào. Từ đó đảm bảo công việc đạt được tiến độ và hiệu quả cuối cùng.
Sự tỉ mỉ và chi tiết
Account Executive phải quản lý toàn bộ các quy trình của mỗi dự án. Dường như họ sẽ là người nắm giữ vai trò đầu tiên và cuối cùng để tiếp nhận thông tin từ phía khách hàng và báo cáo kết quả cuối cùng. Điều này đòi hỏi Account Executive phải có tổ chất tỉ mỉ và chi tiết để theo dõi toàn bộ từng công đoạn, từng dự án để kịp thời xử lý khi có các sai sót.
Nhiều người vẫn ví rằng công việc của một Account Executive như “làm dâu trăm họ” quả thực không điêu ngoa chút nào. Nếu thật sự hiểu được những nhiệm vụ và công việc hàng ngày của một Account Executive chúng ta sẽ hiểu được những áp lực mà họ phải chịu khi đối mặt với rất nhiều thành phần khách hàng, đối tác khác nhau. Do vậy với những bạn trẻ đang có ý định theo đuổi việc làm này, ngoài kiến thức cần có, ứng viên phải rèn luyện các kỹ năng giao tiếp, sự khéo léo để xử lý công việc một cách nhạy bén nhất.
Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về “Account Executive là gì? Những yêu cầu đối với Account Executive”Nếu bạn muốn tìm kiếm những thông tin về Account Executive tuyển dụng mới nhất, bạn có thể tham khảo việc làm tại TopCV để cập nhật các vị trí từ nhà tuyển dụng. Đồng thời, ứng viên cũng nên xem xét những mô tả và yêu cầu của nhà tuyển dụng Account Executive trước khi đưa ra quyết định lựa chọn công việc phù hợp.