Trợ cấp thất nghiệp là quyền lợi chính đáng của mỗi người lao động khi bị mất việc làm. Tuy nhiên nhiều lao động vẫn chưa nắm rõ các quy định về trợ cấp thất nghiệp (TCTN) như: mức hưởng TCTN, quy trình, hồ sơ thủ tục, nơi đăng ký và thời hạn đăng ký nhận TCTN. Bài viết dưới đây của Blog.TopCV sẽ giúp bạn nắm chắc toàn bộ thông tin cần thiết để có thể nhận được khoản trợ cấp này đúng theo quy định.
Trợ cấp thất nghiệp là gì?
Trợ cấp thất nghiệp là khoản tiền được trích ra từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp, nhằm bù đắp cho người lao động khi mất việc làm. Người lao động được hưởng TCTN khi có tham gia đóng tiền vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian lao động với đủ thời gian quy định.
Ngoài khoản tiền trợ cấp thất nghiệp, người lao động còn được đóng bảo hiểm y tế trong thời gian thất nghiệp, được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm hoặc học nghề, đào tạo bồi dưỡng nâng cao tay nghề, kỹ năng phù hợp,… phù hợp với mong muốn và nhu cầu. Đây là quyền lợi chính đáng mà người lao động không nên bỏ qua.
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp là bao nhiêu?
Mức hưởng TCTN mỗi tháng được quy định bằng 60% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp trong vòng 06 tháng liên tiếp trước khi thất nghiệp. Mức hưởng này tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm chấm dứt hợp đồng (với người có chế độ lương do Nhà nước quy định) và không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng (với người có chế độ lương ngoài Nhà nước)
Số tháng được nhận TCTN là 3 tháng đối với người lao động đóng đủ 12 tháng cho tới 36 tháng bảo hiểm thất nghiệp. Người lao động đóng đủ thêm mỗi 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng TCTN và nhận tối đa không quá 12 tháng tiền TCTN.
Nếu người lao động có nhu cầu học nghề sẽ được nhận hỗ trợ học nghề. Với khóa học từ 3 tháng trở xuống, mức hỗ trợ phụ thuộc mức thu học phí và không quá 4.500.000 đồng/người/khóa. Với khóa học trên 3 tháng, mức thu học phí không quá 1.500.000 đồng/người/khóa.
>>> Xem thêm: Hướng dẫn xây dựng quy chế lương thưởng, phụ cấp đối với mỗi doanh nghiệp
Điều kiện hưởng TCTN là gì?
Không phải người lao động nào khi thất nghiệp cũng được hưởng tiền TCTN. Những đối tượng đủ điều kiện lĩnh tiền bảo hiểm thất nghiệp cần thỏa mãn những điều kiện sau:
- Đã chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc (trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, do hợp đồng trái pháp luật hoặc trường hợp người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức hàng tháng)
- Đóng đủ ít nhất 12 tháng bảo hiểm thất nghiệp trong vòng 24 tháng (hoặc 36 tháng theo quy định) trước khi chấm dứt hợp đồng lao động
- Đã nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp tại các trung tâm dịch vụ việc làm địa phương
- Sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp mà chưa tìm được việc làm (trừ trường hợp thực hiện nghĩa vụ quân sự, công an, đi học 12 tháng trở lên, chấp hành các biện pháp tại trường giáo dưỡng, giáo dục bắt buộc, cai nghiện bắt buộc, bị tạm giam hoặc chấp hành hình phạt tù, ra nước ngoài, chết)
Mức đóng bảo hiểm trợ cấp thất nghiệp là bao nhiêu?
Hàng tháng, người lao động phải đóng 10,5% mức lương và người sử dụng lao động đóng 21% mức lương tháng cho quỹ bảo hiểm xã hội ( mức lương tháng đóng BHXH tối đa là 20 tháng lương cơ sở tức 29,8 triệu đồng), trong đó có bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể mức đóng như sau:
- Bảo hiểm xã hội (gồm ốm đau – thai sản, hưu trí – tử tuất và tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp): 22% (người lao động 8%, người sử dụng lao động 17%)
- Bảo hiểm y tế: 4,5% (người lao động 1,5%, người sử dụng lao động 3%)
- Bảo hiểm thất nghiệp: 2% (người lao động 1%, người sử dụng lao động 1%
>>> Tham khảo: Sổ bảo hiểm xã hội là gì – Tất cả những gì người lao động cần biết
Hồ sơ, thủ tục cần có để được hưởng trợ cấp thất nghiệp
Để được hưởng TCTN, người lao động cần chuẩn bị những hồ sơ dưới đây
- Sổ bảo hiểm xã hội
- Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp
- Bản sao có công chứng chứng minh thư công dân hoặc căn cước công dân
- Bản sao có công chứng (hoặc bản chính) của một trong những giấy tờ sau: Quyết định thôi việc, quyết định sa thải, Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động,…) nhằm xác nhận việc chấm dứt hợp đồng lao động.
Hướng dẫn nộp hồ sơ và nhận tiền TCTN
Khi chuẩn bị đủ hồ sơ, người lao động cần mang hồ sơ tới trung tâm dịch vụ việc làm địa phương (tỉnh/thành phố hoặc các cơ sở vệ tinh tại quận/huyện) nơi muốn nhận bảo hiểm thất nghiệp để nộp. Trong vòng tối đa 14 ngày làm việc, trung tâm sẽ xét duyệt hồ sơ và gửi quyết định cấp trợ cấp thất nghiệp cho người lao động. Nếu hồ sơ bị từ chối, trung tâm sẽ gửi thư (hoặc email) thông báo.
Khi nhận được quyết định nhận trợ cấp thất nghiệp, người lao động cần mang theo chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân và sổ bảo hiểm xã hội đến trung tâm dịch vụ việc làm trong vòng 3 ngày quy định trên quyết định để thực hiện thủ tục nhận tiền (tiền mặt gửi qua bưu điện hoặc thẻ ATM theo đăng ký). Sau 14 ngày kể từ khi hoàn thành thủ tục, tiền trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên sẽ được gửi tới người lao động
Hàng tháng, người lao động phải tới trung tâm dịch vụ việc làm địa phương để thông báo tình trạng việc làm của bản thân. Nếu đã tìm được việc làm (ký hợp đồng lao động chính thức và bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội), người lao động sẽ không nhận trợ cấp thất nghiệp nữa và những tháng còn lại sẽ được cộng dồn cho lần nhận TCTN tiếp theo.
Lưu ý về thời gian để được hưởng trợ cấp thất nghiệp
Hạn nộp hồ sơ TCTN là 3 tháng, nghĩa là trong vòng 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động phải nộp đầy đủ hồ sơ tới trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương. Nếu quá 3 tháng không nộp hồ sơ, người lao động sẽ không nhận được TCTN. Số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp vẫn sẽ được cộng dồn cho lần nhận TCTN tiếp theo.
Hy vọng rằng, thông qua bài viết, bạn đã có thêm kiến thức về trợ cấp thất nghiệp và cách để nhận được khoản trợ cấp này. Nếu bạn muốn tìm kiếm việc làm thì hãy lựa chọn TopCV để tìm việc. Truy cập TopCV ngay hôm nay để không bỏ lỡ những vị trí hấp dẫn nhất nhé!
Nguồn ảnh: Sưu tầm