Trình độ văn hóa và trình độ học vấn là gì? Có gì khác nhau không?

Trình độ văn hóa và trình độ học vấn Blog TopCV
Trình độ văn hóa và trình độ học vấn là gì? Có gì khác nhau không?

“Trình độ văn hóa” và “trình độ học vấn” là những cụm từ quen thuộc khi bạn ghi thông tin trong sơ yếu lý lịch, đơn xin việc hoặc CV xin việc. Tuy vậy, bạn đã hiểu đúng về trình độ văn hóa và trình độ học vấn chưa? Cùng Blog TopCV tìm hiểu cách ghi những thông tin trên trong bài viết sau đây.

Trình độ văn hóa, trình độ học vấn và trình độ chuyên môn là gì?

Trình độ văn hóa là gì?

Dù ít hay nhiều thì chắc hẳn mỗi chúng ta đều đã có một lần tiếp xúc với khái niệm “trình độ văn hóa”. Vậy bạn đã hiểu chính xác trình độ văn hóa là gì chưa?

Hiện nay vẫn chưa có bất kỳ văn bản nào đưa ra định nghĩa chính thức cho “trình độ văn hóa”. Xuất phát từ nguồn không chính thống, nhiều người đang hiểu “trình độ văn hóa” là thuật ngữ biểu thị cấp học cao nhất của một cá nhân. Theo các hiểu này, trình độ văn hóa được phân chia theo các cấp bậc học, bao gồm: Tiểu học – trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Trình độ văn hóa biểu thị cấp học cao nhất
Trình độ văn hóa biểu thị cấp học cao nhất của một cá nhân

Bên cạnh đó, có một luồng quan điểm khác cho rằng nếu chỉ hiểu theo ý nghĩa biểu hiện cấp độ học thuật thì chưa trọn vẹn ý nghĩa của “trình độ văn hóa”. Theo đó, trình độ văn hóa nên được hiểu theo ý nghĩa bao hàm trình độ phát triển của một cá nhân, hoặc một nhóm người trên cả hai phương diện vật chất và tinh thần.

Luồng quan điểm này cho rằng một người có trình độ học vấn thấp không đồng nghĩa với việc người đó có trình độ văn hóa thấp. Do đó, cụm từ “trình độ văn hóa” trong sơ yếu lý lịch nên được thay thế bằng một cụm từ khác chính xác hơn.

Trình độ học vấn là gì?

Trình độ học vấn biểu hiện cho mức độ hiểu biết và tri thức của một cá nhân. Hiểu biết và tri thức này có được thông qua quá trình học tập, lĩnh hội và tích lũy. Trong các loại giấy tờ, trình độ học vấn thường ám chỉ cấp độ học cao nhất của một cá nhân.

Hiện nay, có hai cách ghi trình độ học vấn trong các văn bản đó là 9/12 và 12/12 (trước đây là 10/10). Theo quy tắc này, trình độ văn hóa 12/12 không chỉ áp dụng cho những người đã tốt nghiệp bậc trung học phổ thông, mà áp dụng cho cả những người đã tốt nghiệp bậc cao đẳng, đại học, trung cấp chuyên nghiệp,v.vv..

Trình độ học vấn biểu hiện cho mức độ hiểu biế
Trình độ học vấn biểu hiện cho mức độ hiểu biết và tri thức

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng quy tắc ghi trình độ học vấn như trên chưa thực sự chính xác khi những người đã tốt nghiệp bậc học cao hơn trung học phổ thông vẫn áp dụng cách ghi 12/12. Cũng theo luồng ý kiến này, trình độ học vấn của một cá nhân nên được phân chia thành các cấp bậc như sau:

  • Trình độ học vấn THCS
  • Trình độ học vấn THPT
  • Trình độ học vấn Trung cấp nghề/ Trung cấp chuyên nghiệp
  • Trình độ học vấn Đại học/ Cao đẳng
  • Trình độ học vấn Cao học

Trình độ chuyên môn là gì?

Trình độ chuyên môn của một cá nhân được hiểu là năng lực, khả năng của cá nhân đó trong một lĩnh vực chuyên biệt. Trình độ chuyên môn chỉ áp dụng với những cá nhân có trình độ học vấn ở một mức độ nhất định, chẳng hạn như sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, cử nhân, thạc sĩ, v.vv..

Ví dụ: Cử nhân Tâm lý học, thạc sĩ Kinh tế,v.vv..

Trình độ chuyên môn liên quan đến một ngành nghề
Trình độ chuyên môn thường liên quan đến một ngành nghề cụ thể

Một cá nhân sở có trình độ chuyên môn trong một lĩnh vực cũng có nghĩa là người đó có thể đảm nhận những công việc trong lĩnh vực đó. Chính vì thế, để tiến xa hơn trong công việc thì nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn là không thể thiếu.

Phân biệt trình độ văn hóa, trình độ học vấn và trình độ chuyên môn

Trình độ học vấn biểu thị cho trình độ của một cá nhân trên con đường học tập, biểu thị cho lương kiến thức, hiểu biết và kỹ năng mà một cá nhân lĩnh hội được quá các cấp học.

Trong các loại giấy tờ, trình độ học vấn ám chỉ trình độ học vấn cao nhất của một cá nhân (bao gồm: Tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, v.vv..).

Trình độ chuyên môn có thể hiểu một cách khác là kiến thức, hiểu biết, kỹ năng mà một cá nhân được đào tạo bài bản liên quan đến một ngành nghề nào đó. Các cấp bậc của trình độ chuyên môn bao gồm: Cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ,v.vv..

Trình độ chuyên môn
Trình độ chuyên môn nói lên kiến thức và kỹ năng của một cá nhân

Như vậy, trình độ văn hóa không chắc chắn sẽ đồng nhất với trình độ học vấn. Nghĩa là một người có trình độ học vấn cao có thể không có trình độ văn hóa cao. Ngược lại, một người có trình độ học vấn thấp vẫn có thể có trình độ văn hóa cao.

Cách ghi trình độ văn hóa trong sơ yếu lý lịch và đơn xin việc

Trình độ văn hóa là mục thông tin rất quan trọng trong sơ yếu lý lịch và đơn xin việc. Nguyên nhân là bởi hầu hết các công việc chuyên môn đều yêu cầu trình độ văn hóa tối thiểu ở bậc cao đẳng/ đại học hoặc tốt nghiệp bậc trung học phổ thông.

Khi kê khai trình độ văn hóa trong sơ yếu lý lịch hoặc đơn xin việc, bạn cần ghi chính xác bản thân đã hoàn thành chương trình học lớp mấy, thuộc hệ đào tạo phổ thông nào.

Ghi rõ chương trình học và hệ đào tạo
Bạn cần ghi rõ chương trình học và hệ đào tạo đã hoàn thành

Theo Điều 6 Luật Giáo dục 2019, hệ thống giáo dục quốc dân ở Việt Nam hiện nay bao gồm các cấp học, trình độ đào tạo sau đây:

  • Giáo dục mầm non (bao gồm các bậc giáo dục nhà trẻ và mẫu giáo)
  • Giáo dục phổ thông (bao gồm giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông)
  • Giáo dục nghề nghiệp (bao gồm các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác)
  • Giáo dục đại học (bao gồm các trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ)

Bên cạnh đó, kể từ năm 1981, hệ thống giáo dục quốc gia áp dụng hệ 12 năm (trước đó là hệ 10 năm).

Ví dụ: Bạn tốt nghiệp lớp 10 hệ 10 năm thì tại mục trình độ văn hóa trong sơ yếu lý lịch sẽ ghi là 10/10. Trường hợp tốt nghiệp lớp 12 hệ 12 năm thì ghi là 12/12. Trường hợp chỉ học hết lớp 10 thì ghi là 10/12.

Đối với các trình độ đào tạo cao hơn thì ghi trình độ cao nhất, ví dụ: Cử nhân, Kỹ sư, Thạc sĩ, Tiến sĩ,v.vv..

Lưu ý, nếu đã tốt nghiệp cao đẳng/ đại học, thì bạn cũng sẽ ghi trình độ văn hóa là 12/12. Sau đó, có thể ghi bổ sung thêm trình độ học vấn hoặc trình độ chuyên môn là cử nhân hoặc kỹ sư. Quy tắc này cũng áp dụng đối với hệ đào tạo sau đại học.

Phỏng vấn ứng viên
Các nhà tuyển dụng đều muốn biết trình độ học vấn của ứng viên

Cách ghi trình độ học vấn trong CV xin việc

Trình độ học vấn trong CV xin việc được sử dụng như một căn cứ để nhà tuyển dụng nhận định về trình độ của ứng viên, từ đó phán đoán cá nhân đó có thực sự phù hợp với công việc hay không.

Thông thường, trong CV xin việc, ứng viên sẽ trình bày trình độ học vấn kèm theo trình độ chuyên môn. Thông tin về trình độ chuyên môn ở đây thường bao gồm tên chuyên ngành và tên đơn vị đào tạo (Trường hợp tốt nghiệp nhiều chuyên ngành thì ghi đầy đủ tên các chuyên ngành và tên các đơn vị đào tạo).

Ví dụ: Tốt nghiệp chuyên ngành Marketing trường Đại học Ngoại Thương năm 2019.

Viết CV xin việc
Ghi rõ chuyên ngành đào tạo trong CV xin việc

Ứng viên cũng có thể đề cập đến giải thưởng, chứng chỉ nghiệp vụ, bằng cấp,v.vv.. Tuy nhiên, các thông tin cần được trình bày một cách đầy đủ, ngắn gọn và phù hợp với vị trí công việc ứng tuyển.

Bên cạnh đó, nếu bạn mới ra trường và có thành tích học tập tốt thì có thể ghi thêm điểm trung bình trong phần trình độ học vấn để tăng thêm độ uy tín và thuyết phục cho CV của mình.

Nếu bạn đã ra trường được mộ thời gian thì không cần ghi thêm điểm trung bình trong phần trình độ học vấn trừ khi nhà tuyển dụng yêu cầu, bởi thông tin này không thực sự cần thiết.

Thêm vào đó, khi ghi trình độ học vấn trong CV xin việc bạn chỉ cần ghi trình độ cao nhất là đủ. Bởi nếu bạn đạt được trình độ cao hơn cũng đồng nghĩa với việc bạn đã hoàn thành các trình độ thấp hơn.

Nếu bạn tốt nghiệp bậc trung học phổ thông và không tiếp tục học lên cao, hãy ghi trình độ học vấn là 12/12. Nếu bạn tốt nghiệp cao đẳng/ đại học, hãy ghi trình độ học vấn là cao đẳng/ đại học cùng với chuyên ngành đào tạo và thời gian tốt nghiệp.

Ghi thêm điểm trung bình trong CV
Nếu mới ra trường bạn có thể ghi thêm điểm trung bình trong CV

Ngoài ra, nếu bạn chưa tốt nghiệp, bạn vẫn có thể ghi tên chuyên ngành đào tạo và tên đơn vị đào tạo tại mục trình độ học vấn trong CV, cùng với đó là thời gian tốt nghiệp dự kiến. Trường hợp đã tốt nghiệp nhưng chưa lấy bằng thì hãy ghi chú “đang chờ bằng tốt nghiệp” bên cạnh thông tin về trình độ học vấn.

Ví dụ: Chuyên ngành Truyền thông doanh nghiệp trường Đại học Hà Nội, dự kiến tốt nghiệp tháng 6 năm 2022.

Qua bài viết, chắc hẳn bạn đã hiểu rõ hơn các khái niệm “trình độ văn hóa”, “trình độ học vấn” và “trình độ chuyên môn”. Bạn cũng đã hiểu rõ hơn cách ghi trình độ văn hóa và trình độ học vấn trong CV, đơn xin việc và sơ yếu lý lịch. Những thông tin này là căn cứ để nhà tuyển dụng nhận định về ứng viên hoặc quyết định mức lương, vì vậy hãy khai báo một cách chính xác. Tham khảo thêm cách viết sơ yếu lý lịch và những mẫu CV cho tất cả các ngành nghề tại Blog TopCV nhé!