Thuế VAT là gì? Hướng dẫn chi tiết từ A đến Z về thuế VAT

Thuế VAT là gì Hướng dẫn chi tiết từ A đến Z về thuế VAT
Thuế VAT là gì? Hướng dẫn chi tiết từ A đến Z về thuế VAT

Thuế VAT là loại thuế rất quen thuộc mà bất kỳ ai cũng đã từng nghe qua. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ thuế VAT là gì? Phương pháp tính thuế ra sao? Blog TopCV sẽ giúp bạn giải đáp toàn bộ thắc mắc về thuế VAT trong bài viết dưới đây. 

VAT là thuế gì?

Thuế VAT (Value Added Tax) còn được gọi là thuế giá trị gia tăng. Đây là loại thuế được tính dựa trên giá trị tăng thêm của hàng hóa hoặc dịch vụ từ lúc sản xuất cho đến khi chuyển tới tay người tiêu dùng. 

Thuế VAT được thu vào giá của hàng hóa, dịch vụ và được nộp cho cơ quan thuế. Cùng với nhiều loại thuế khác, thuế VAT là một phần quan trọng của nguồn thu ngân sách nhà nước để phục vụ cho hoạt động phát triển kinh tế, xã hội và cải thiện đời sống của người dân. 

  • Thuế VAT tiếng Trung là gì? – Thuế VAT tiếng Trung là 增值稅 (zēngzhí shuì).
  • Thuế VAT tiếng Anh là gì? – Thuế VAT tiếng Anh là Value Added Tax.
Thuế VAT là thuế được tính dựa trên giá trị tăng thêm của hàng hóa dịch vụ
Thuế VAT là thuế được tính dựa trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ

4 đặc điểm của thuế giá trị gia tăng

Thuế giá trị gia tăng sở hữu 4 đặc điểm cơ bản sau:

Là thuế gián thu

Thuế GTGT là thuế gián thu, mà ở đó người tiêu dùng sẽ là người chịu thuế thông qua việc mua hàng hóa hoặc sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, người tiêu dùng lại không phải là người trực tiếp nộp thuế, mà người bán mới chính là người trực tiếp nộp thuế cho nhà nước. 

Là thuế tiêu dùng nhiều giai đoạn không trùng lặp

Thuế GTGT được tính trên giá trị gia tăng của hàng hóa hoặc dịch vụ tại mỗi giai đoạn trong chuỗi cung ứng, từ sản xuất, lưu thông, đến tiêu dùng. Khi hàng hóa hoặc dịch vụ được chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn khác, giá trị của chúng sẽ tăng thêm và sẽ có một khoản thuế GTGT được tính trên phần giá trị gia tăng này. 

Tuy nhiên, các khoản thuế VAT tính trên giá trị gia tăng ở các giai đoạn trước đó sẽ không được tính lại trong những giai đoạn sau. Điều này giúp tránh tình trạng đánh thuế trùng lặp, giúp tăng tính minh bạch và công bằng của hệ thống thuế VAT.

Các khoản GTGT được tính ở giai đoạn trước đó sẽ không được tính lại trong những giai đoạn sau
Các khoản GTGT được tính ở giai đoạn trước đó sẽ không được tính lại trong những giai đoạn sau

Được đánh thuế theo nguyên tắc điểm đến

Thuế GTGT áp dụng trên tất cả các hàng hóa, dịch vụ được bán trong nước, bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ được sản xuất trong nước và nhập khẩu từ nước ngoài. Thuế này được tính và thu về tại quốc gia nơi hàng hoá, dịch vụ đó được bán ra.

Có phạm vi điều tiết rộng

Thuế giá trị gia tăng (VAT) có phạm vi điều tiết rộng và áp dụng cho hầu hết các lĩnh vực kinh tế, bao gồm sản xuất, thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, … Thuế VAT cũng áp dụng với hầu hết các loại hàng hóa và dịch vụ, trừ một số trường hợp được miễn, giảm hoặc được áp thu theo mức thuế ưu đãi.

Thuế VAT có thể áp dụng với hầu hết các loại hàng hóa dịch vụ
Thuế VAT có thể áp dụng với hầu hết các loại hàng hóa, dịch vụ

>>>Xem thêm: Mô tả công việc kế toán thuế từ A đến Z cho người mới vào nghề

Vai trò của thuế VAT là gì?

Thuế giá trị gia tăng (VAT) có vai trò quan trọng trong việc tài trợ ngân sách, điều tiết hoạt động kinh tế, hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế và xã hội. Cụ thể, các vai trò chính của thuế VAT như sau:

Vai trò của thuế VAT trong lưu thông hàng hóa

  • Việc áp dụng thuế VAT giúp kiểm soát giá cả hàng hóa/dịch vụ, từ đó đảm bảo giá bán cho người tiêu dùng được tính toán chính xác và hợp lý, không chứa các khoản phí không cần thiết.
  • Thuế VAT cũng giúp hạn chế tình trạng thuế chồng thuế, nhờ vào cơ chế trừ lại các khoản thuế đã nộp ở các giai đoạn trước. Điều này giúp tránh tình trạng các doanh nghiệp phải trả thuế nhiều lần trên cùng một sản phẩm hoặc dịch vụ, gây lãng phí tài nguyên và làm tăng giá thành.
  • Thêm vào đó, thuế VAT ổn định giá cả, giúp các doanh nghiệp dễ dàng tính toán và lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh dựa trên giá thành chính xác. Điều này đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia vào quá trình lưu thông hàng hóa, thúc đẩy xuất nhập khẩu.
Thuế VAT giúp kiểm soát giá bán của hàng hóa dịch vụ
Thuế VAT giúp kiểm soát giá bán của hàng hóa, dịch vụ

Vai trò của thuế VAT trong quản lý kinh tế nhà nước

  • Thuế VAT đóng góp một khoản thu lớn và ổn định vào ngân sách nhà nước, giúp phát triển kinh tế và xã hội.
  • Quản lý thu thuế VAT dễ dàng hơn rất nhiều so với các loại thuế khác. Bởi vì nhà nước không phải phân tích, đánh giá tính hợp lệ của các chi phí. 
  • Thuế VAT có thể được sử dụng như một công cụ bảo vệ cho ngành sản xuất và kinh doanh trong nước bằng cách giảm thiểu sự cạnh tranh không lành mạnh từ các mặt hàng nhập khẩu.
  • Thuế VAT ngăn chặn tình trạng thất thu thuế thông qua quá trình kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm.
  • Thuế VAT thúc đẩy tính tự giác cũng như nghĩa vụ nộp thuế của người lao động và doanh nghiệp.
  • Thuế VAT đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện quá trình hạch toán kế toán và giúp thúc đẩy quá trình mua bán có kèm theo hóa đơn và chứng từ.

Tóm lại, thuế VAT đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý kinh tế nhà nước. Bằng cách tăng nguồn thu, kiểm soát lạm phát và khuyến khích tiêu dùng những sản phẩm có lợi cho môi trường và sức khỏe.

Thuế VAT đóng góp một khoản thu lớn và ổn định vào ngân sách của nhà nước
Thuế VAT đóng góp một khoản thu lớn và ổn định vào ngân sách của nhà nước

Các đối tượng phải chịu thuế VAT và không phải chịu thuế VAT

Đối tượng chịu thuế VAT

Đối tượng chịu thuế VAT chính là các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh có hoạt động mua bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ, sản xuất và nhập khẩu hàng hóa. Khi sản phẩm, dịch vụ của họ được bán ra thị trường, thuế VAT sẽ được tính thêm vào giá sản phẩm đó. Sau đó, người tiêu dùng sẽ mua sản phẩm và thanh toán cho người bán, bao gồm tiền thuế VAT đã tính vào giá sản phẩm. Người bán sẽ thu số tiền này và chịu trách nhiệm nộp thuế VAT cho nhà nước.

Những đối tượng không phải chịu thuế VAT

  • Các sản phẩm nông nghiệp chưa được chế biến thành sản phẩm hoặc chỉ sơ chế thông thường.
  • Giống vật nuôi, cây trồng như con giống, cây giống, phôi, tinh dịch, các vật liệu di truyền, v.vv..
  • Dịch vụ và thiết bị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp như tưới tiêu, cày bừa, nạo vét kênh, mương nội đồng.
  • Các sản phẩm muối có thành phần chính là NaCl và được sản xuất từ muối biển, muối mỏ tự nhiên, muối i-ốt.
  • Nhà ở thuộc quyền sở hữu của nhà nước, do nhà nước bán cho người đang thuê.
  • Các dịch vụ về bảo hiểm như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe và các loại bảo hiểm có liên quan đến con người, cây trồng, vật nuôi, tàu thuyền, v.vv..
  • Các dịch vụ liên quan đến tài chính, ngân hàng hoặc chứng khoán. 
  • Dịch vụ bưu chính viễn thông, internet nhằm phục vụ cho mục đích phổ cập của chính phủ.
  • Dịch vụ khám chữa bệnh cho con người và vật nuôi, các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật. 

Đây là các đối tượng, sản phẩm, dịch vụ không phải chịu thuế VAT. Chi tiết về các đối tượng không phải chịu thuế VAT được quy định tại Điều 4 Luật Thuế giá trị gia tăng và Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng.

Giống vật nuôi giống cây trồng không phải chịu thuế VAT
Giống vật nuôi, giống cây trồng không phải chịu thuế VAT

2 phương pháp tính thuế GTGT được áp dụng theo luật Việt Nam

Theo luật Việt Nam, có hai phương pháp tính thuế VAT được áp dụng. Đó là phương pháp khấu trừ thuế GTGT và phương pháp tính trực tiếp trên GTGT

Phương pháp khấu trừ thuế GTGT

Phương pháp khấu trừ thuế VAT là gì? Phương pháp khấu trừ thuế GTGT (VAT) được áp dụng cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh sản xuất, kinh doanh hàng hóa và dịch vụ. Phương pháp này tính thuế bằng cách khấu trừ số thuế GTGT đã nộp trước đó vào số thuế GTGT phải nộp trong kỳ tính thuế.

Công thức tính khấu trừ thuế GTGT:

Thuế GTGT = Thuế GTGT phải nộp trong kỳ – Thuế GTGT đã khấu trừ

Trong đó:

  • Thuế GTGT phải nộp trong kỳ được tính bằng giá trị gia tăng của hàng hóa hoặc dịch vụ nhân với tỷ lệ thuế GTGT (10%)
  • Thuế GTGT đã khấu trừ là số thuế GTGT đã nộp trong kỳ trước. 

Phương pháp tính thuế trực tiếp trên GTGT

Phương pháp tính thuế trực tiếp trên GTGT được áp dụng cho các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh dịch vụ, không có hoạt động sản xuất hoặc sản xuất kết hợp kinh doanh dịch vụ. Phương pháp này tính thuế bằng cách nhân tỷ lệ thuế GTGT với giá trị gia tăng của hàng hóa hoặc dịch vụ trong quá trình sản xuất. 

Công thức tính trực tiếp trên GTGT:

Thuế GTGT = GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT

Trong đó:

  • Giá trị gia tăng của hàng hóa (dịch vụ) bằng doanh thu trừ chi phí giá vốn hàng bán.
  • Tỷ lệ thuế GTGT là 10%.
Trong phương pháp tính thuế trực tiếp, thuế GTGT bằng GTGT của hàng hóa hoặc dịch vụ nhân với tỷ lệ thuế GTGT
Trong phương pháp tính thuế trực tiếp, thuế GTGT bằng GTGT của hàng hóa hoặc dịch vụ nhân với tỷ lệ thuế GTGT

Hoàn thuế VAT là gì?

Khái niệm về hoàn thuế VAT

Hoàn thuế VAT là hình thức nhà nước hoàn trả số tiền thuế VAT mà doanh nghiệp đã nộp trong kỳ tính thuế. Nhà nước hoàn trả thuế VAT là số thuế GTGT doanh nghiệp đã nộp lớn hơn số thuế phải nộp. 

>>>Xem thêm: Tất tần tật về thủ tục hoàn thuế thu nhập cá nhân 2022

Điều kiện hoàn thuế VAT

  • Doanh nghiệp có số thuế VAT âm liên tục từ 3 tháng trở lên và số thuế được khấu trừ từ 200 triệu trở lên (áp dụng với các doanh nghiệp kinh doanh hàng xuất khẩu). Điều này có nghĩa là doanh nghiệp đã thanh toán quá nhiều tiền thuế VAT so với số tiền thuế VAT phải nộp.
  • Đảm bảo các chứng từ kế toán đầu vào sạch, tức là các chứng từ này phải có tính hợp lệ, chính xác và đầy đủ thông tin.
  • Doanh nghiệp đã thực hiện thanh toán đầy đủ đối với các đơn xuất – nhập khẩu.
  • Doanh nghiệp đã hoàn tất thanh toán các hóa đơn có tổng tiền trên 20 triệu. 
  • Doanh nghiệp phải chứng minh hoạt động thanh toán qua ngân hàng đối với từng đơn hàng xuất khẩu, tương ứng với các hóa đơn. Điều này đảm bảo rằng doanh nghiệp đã thực sự thanh toán tiền cho các đơn hàng này.

Thời gian hoàn thuế VAT

Ở Việt Nam, thời gian hoàn thuế VAT theo quy định chung như sau: 

  • Thời gian hoàn thuế trước và kiểm tra sau 15 ngày làm việc, tính từ ngày tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế đầy đủ, áp dụng cho các doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định về nộp thuế. 
  • Trong khi đó, thời gian kiểm tra trước và hoàn thuế sau 60 ngày làm việc. Tính từ ngày tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế đầy đủ, áp dụng cho các doanh nghiệp được hoàn thuế lần đầu hoặc lần thứ 2 trong trường hợp hồ sơ hoàn thuế lần đầu có nhiều thiếu sót.

Trên đây là toàn bộ nội dung mà Blog TopCV muốn gửi đến bạn nhằm giúp bạn giải đáp thắc mắc thuế VAT là gì. Bên cạnh đó, Blog TopCV hy vọng bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ các quy định của thuế VAT và phương pháp tính thuế VAT. Ngoài ra, nếu bạn đang có nhu cầu tìm việc làm kế toán, nhân viên thuế, thì hãy truy cập ngay TopCV, hàng ngàn cơ hội việc làm đang chờ đón bạn.