Thời buổi hiếm ứng viên, nhà tuyển dụng nên biết 6 bước này để mời phỏng vấn luôn thành công!

Đã qua rồi cái thời người đi tìm việc phải khúm núm, sợ sệt còn nhà tuyển dụng thì nhàn nhã ung dung chỉ ngồi im một chỗ đợi nhân tài ứng tuyển. Tuyển dụng hiện đại chính là một cuộc “đảo chính” ngoạn mục khi doanh nghiệp muốn tìm được nhân sự có đủ tâm tài thì luôn phải săn đón ráo riết; dụng sức dụng công không khác gì ông cha ta lúc xưa dàn quân đánh trận.

Mời phỏng vấn mà bị từ chối – nỗi đau mà chắc là nhà tuyển dụng nào cũng đã từng gặp phải; nhất là với mục tiêu hướng tới chính là những nhân sự tài năng và được nhiều người săn đón. Nếu lời mở đầu của bạn không đủ hấp dẫn; chắc chắn rằng nó sẽ khó lòng ghi vào trong trí nhớ của ứng viên; những người vốn đã được lấp đầy bởi vô số lời kêu gọi hấp dẫn. Vậy làm thế nào để có thể vượt qua cửa ải đầu tiên này?

Thời gian luôn là yếu tố quan trọng

Nếu bạn thực sự tâm huyết; và muốn có được ứng viên này; hãy dụng công tìm hiểu về thời gian biểu của họ.

Ví  như người bạn tìm kiếm là một Freelancer; có lối sống tự do phóng khoáng; thì giờ giấc đôi khi không phải là yếu tố quan trọng để đánh giá. Tuy nhiên tốt nhất hãy tránh việc gọi mời phỏng vấn vào buổi tối và sáng sớm; những khoảng thời gian mà rất có thể họ vẫn chưa đủ tỉnh táo sau những cuộc vui. Ngược lại nếu bạn nhắm đến một nhân lực hiện đã “có nơi có chốn”; tốt nhất không nên gọi vào vào thời gian làm việc; chẳng ai lại muốn nhận lời mời từ một công ty khác trong một khung thời gian “nhạy cảm” như vậy.

Ngược lại, với tâm lý của những người bình thường; việc nhận được cuộc gọi phỏng vấn trong khung thời gian hành chính lại có nhiều ưu điểm hơn. Điều này thể hiện cung cách làm việc chuyên nghiệp và tăng độ tin cậy. Tốt nhất không nên gọi phỏng vấn vào các ngày cuối tuần và ngày lễ; ai cũng muốn có thời gian nghỉ ngơi trọn vẹn nhất và sẽ rất khó chịu nếu điều đó bị quấy rầy.

Giới thiệu về bản thân và công ty rõ ràng 

Thông tin rõ ràng và chắc chắn luôn là yếu tố đầu tiên quyết định độ tin cậy của một lời mời phỏng vấn. Đầu tiên hãy giới thiệu bạn là ai; giữ vị trí nào; làm việc ở đâu; lĩnh vực đang hoạt động. Đây là những ấn tượng đầu giúp ứng viên định hình về bạn.

Nếu công ty của bạn là một cái tên danh tiếng; đừng ngại thể hiện điều đó; “Mình là A tới từ công ty X. X là doanh nghiệp có kinh nghiệm hoạt động 10 năm trong lĩnh vực bất động sản”. Đây chính là điểm sáng giúp lời mời của bạn được ghi nhớ, lại gợi tò mò và giúp người nghe chú ý hơn tới những thông tin sắp tới bạn đưa ra.

Ngoài ra, việc giới thiệu bản thân đầy đủ trước tiên cũng sẽ tạo được bầu không khí tin cậy và thân thiện; dễ dàng hơn cho việc xưng hô và tiếp cận ứng viên.

Bạn tiếp cận thông tin ứng viên từ đâu?

Có nhiều người cho rằng ứng viên sẽ chẳng mấy quan tâm tới nguồn thông tin ít ỏi này; nhưng kì thực nó lại là yếu tố quan trọng để quyết định thiện cảm đối với một lời mời phỏng vấn. Không ai muốn nhận một lời mời “từ trên trời rơi xuống” đầy mơ hồ. Hãy nói ngắn gọn, rõ ràng và rành mạch về cách bạn có được thông tin của người phỏng vấn; đặc biệt trong trường hợp đó là một nhân lực cao cấp và bạn đang giữ vai trò của một “hunter” – kẻ đi săn đầu người. Nguồn gốc thông tin cũng thể hiện sự chính thống và trình độ của bạn.

Hãy thể hiện rằng mình có sự đầu tư để tìm ra ứng viên (tiếp cận qua các kênh tuyển dụng chính thống, có thời gian sàng lọc hồ sơ, trải qua thời gian tìm kiếm kì công). Điều này cho thấy sự chuyên nghiệp của nhà tuyển dụng; cũng là để ứng viên nhận thấy sự tôn trọng từ lời mời phỏng vấn; ngoài ra còn bước đầu thể hiện được văn hóa doanh nghiệp hiện đại văn minh và chủ động. “Tôi xem được hồ sơ của bạn trên kênh tuyển dụng TopCV; sau một thời gian đầu tư sử dụng dịch vụ xem hồ sơ nhiều ứng viên khác chúng tôi nhận thấy bạn rất phù hợp nên quyết định liên lạc”

Không ai muốn bỏ qua cơ hội với một doanh nghiệp trân trọng và đầu tư vào phát triển nhân lực; thậm chí điều này đôi khi còn hấp dẫn hơn nhiều một mức lương “khủng”. Bởi lẽ đối với lao động hiện đại việc tìm kiếm môi trường tốt để phát triển còn quan trọng hơn việc kiếm tiền.

Một chút “thảo mai” ngọt ngào luôn hữu ích

Chuyện săn đón ứng viên đôi khi không khác ông cha ta khi xưa xách đàn đi cưa gái là mấy. Lời nói càng ngọt ngào thì lại càng dễ đi vào lòng người. Tuy nhiên sự “ngọt ngào” của lời mời phỏng vấn không tới từ ngôn từ sướt mướt hay xưng hô thân mật. Quan trọng là luôm phải giữ thái độ lịch sự và đúng mực.

Hãy thể hiện sự ngọt ngào đó bằng những lời khen đúng lúc. “Mình cảm thấy rất ấn tượng với hồ sơ của bạn”; “năng lực của bạn là thứ chúng tôi đang tìm kiếm”; “mục tiêu công việc của chúng ta là tương đồng; sẽ có rất nhiều cơ hội nếu được phát triển cùng nhau”… sự “thảo mai” nhẹ nhàng và tế nhị đôi khi sẽ đem lại hiệu quả bất ngờ. Một chút thổi phồng, tâng bốc sẽ khiến lời mời của bạn hấp dẫn hơn.

Mời gọi bằng phúc lợi hấp dẫn

Ứng viên chủ động ứng tuyển vào một vị trí không có nghĩa là họ sẽ chắc chắn tới buổi phỏng vấn; huống hồ là một nhân lực tài năng được săn đón; nhận được lời mời làm việc hằng ngày. Mấu chốt để lời ngỏ của bạn trở nên đáng giá chính là những yếu tố khiên vị trí đó hấp dẫn hơn. Một rank lương mời gọi, lộ trình thăng tiến nhanh chóng; văn hóa công ty phong phú chắc chắn sẽ khiến ứng viên phải lưu tâm.

Đối với luồng thông tin này tốt nhất bạn hãy đưa ra những con số cụ thể; đánh mạnh vào yếu tố cảm quan của người nghe; khiến ứng viên ấn tượng. “Vị trí bạn được mời có mức lương từ từ 10 tới 20 triệu chưa bao gồm thưởng KPIs và lễ tết, trong vòng 2-3 năm nếu làm việc hiệu quả bạn có thể được cất nhắc tới quản lý/leader và tất nhiên phúc lợi cũng tăng theo. Ngoài ra bạn sẽ được làm việc trong một môi trường trẻ trung, năng động, thảo sức sáng tạo và được tham gia nhiều hoạt động vui chơi cùng tập thể”

Kết thúc bằng một cuộc hẹn cụ thể

Một cuộc gọi phỏng vấn thành công chắc chắn phải kết thúc bằng một lịch hẹn phỏng vấn. Tất nhiên không phải lúc nào ứng viên cũng ngay lập tức chấp nhận gặp mặt; hay thậm chí ừ cho qua chuyện rồi sẽ lập tức quên ngay lịch; nhất là với những nhân lực cao cấp.

Nếu còn cảm thấy thái độ chần chừ qua loa hay nhận ra những thông tin bạn vừa chia sẻ chưa được người nghe tiếp thu rõ ràng; đừng ngại hẹn lịch cho một cuộc gọi khác. Rất có thể ứng viên của bạn đang bận hay ở trong một tình huống khó xử nào đó. Lúc này hãy chủ động rút lui; nhưng trước đó, hãy sắp xếp thời gian khác thích hợp để tiếp tục cuộc trò chuyện. Điều này thể hiện sự chủ động và chuyên nghiệp, cũng là để hiệu quả của lời mời được tăng cao khi ứng viên có thời gian và sự tập trung cần thiết để lắng nghe.

Nếu nhận thấy thái độ hợp tác từ ứng viên; đừng ngại chủ động đưa ra lịch hẹn. Nhưng tốt nhất bạn hãy để ra 2 hoặc 3 lựa chọn thời gian; giúp cả hai bên đều có thể chủ động sắp xếp. Một cuộc gặp vào khung giờ hành chính; đầu ngày hay buổi làm việc sẽ là hợp lý khi hai bên đều có cơ hội xuất hiện tỉnh táo và chỉnh chu nhất có thể.

Tú Anh