Hướng dẫn viết sở thích trong CV giúp bạn dễ dàng trúng tuyển

so-thich-trong-cv

Khi viết CV, nhiều người chỉ quan tâm đến phần kinh nghiệm làm việc hoặc chứng chỉ bằng cấp. Tuy nhiên, nhiều nhà tuyển dụng lại rất để ý đến cá tính của ứng viên thông qua phần sở thích trong CV. Vậy bạn sẽ phải trình bày như thế nào cho mục này để ghi điểm với nhà tuyển dụng?

1. Sở thích là gì? Khi nào nên thể hiện sở thích cá nhân trong CV

Sở thích được hiểu là những thói quen, hoạt động thường xuyên khiến con người cảm thấy vui vẻ, thư giãn. Sở thích khiến cho tâm hồn họ được thoải mái, hạnh phúc. Hoặc qua đó trở thành động lực để họ phấn đấu. 

Trên thực tế, nếu bạn không có sở thích gì thì vẫn có thể bỏ qua. Tuy nhiên nếu sở thích đó nổi bật hoặc liên quan đến vị trí đang ứng tuyển thì nên thêm vào. Ví dụ, nếu bạn ứng tuyển vào công ty về du lịch thì nên khôn khéo điền sở thích là du lịch. Hay nếu bạn đang muốn trở thành một biên tập viên báo chí nhưng sở thích lại không có viết lách, đọc sách cũng sẽ thật thiếu sót. Đa số ứng viên sẽ có khả năng làm tốt công việc nếu họ yêu thích và đam mê công việc đó. Vì thế hãy bộc lộ sở thích cá nhân trong CV thật khéo léo, phù hợp. 

so-thich-trong-cv-1
Nên viết sở thích trong CV sao cho phù hợp

2. Vai trò của sở thích cá nhân trong CV

2.1 Giúp nhà tuyển dụng hiểu về ứng viên

Vì CV là một bản mô tả sơ lược về bản thân. Vậy nên sở thích cũng là khía cạnh để nhà tuyển dụng đánh giá ứng viên. Qua đây, họ sẽ phần nào đánh giá được tính cách, thậm chí là kỹ năng mềm của bạn. HR luôn tìm kiếm những người có cùng tư tưởng làm việc và phù hợp với văn hoá công ty. Vì thế mục sở thích trong CV có thể “tạo thiện cảm” ban đầu về bạn rất nhiều. 

2.2 Chứng tỏ mình phù hợp với công việc

Như đã nói ở phần đầu, cách viết sở thích trong CV có liên quan mật thiết tới vị trí bạn đang ứng tuyển. Nếu bạn ứng tuyển những công việc yêu cầu sự sáng tạo, thì có niềm yêu thích với chụp ảnh, decor, vẽ… sẽ hỗ trợ nhiều cho công việc. Hay bạn đam mê các trò giải đố, đánh cờ…thể hiện bạn rất hợp với các ngành nghề cần tư duy logic. Như vậy, sở thích có thể khiến CV “đắt giá” hơn bạn tưởng.

>>> Xem thêm: Điểm danh những sở thích khiến CV của bạn “đắt giá” hơn

2.3 Thể hiện cá tính của bản thân

Nếu bạn muốn mọi người hiểu thêm về tính cách của mình thì hãy thể hiện ở phần sở thích. Hãy “tô đậm” hơn màu sắc cá nhân để cho nhà tuyển dụng thấy bạn khác biệt. Ví dụ sở thích của bạn là thích khám phá, xê dịch thì ắt hẳn bạn là người ham học hỏi, hoà đồng, năng động. Nếu bạn thích đọc sách, nghe nhạc của các tác gia nổi tiếng cho thấy bạn có thể là người nội tâm, chu toàn và có khiếu thẩm mỹ tốt… 

so-thich-trong-cv-2
Thích đọc sách là một sở thích rất thu hút với bất kì nhà tuyển dụng nào

3. Sở thích nằm ở phần nào trong CV?

Vì muốn tạo điểm nhấn cho CV, nhiều người lựa chọn đặt sở thích tại ngay phần đầu. Thông thường, vị trí của mục này sẽ ở cuối bản hồ sơ cá nhân thì hợp lý hơn cả. Nhà tuyển dụng vẫn luôn chú trọng đến các thông tin cá nhân và trình độ học vấn, kinh nghiệm, kỹ năng…hơn. Không nên thay đổi vị trí của mục sở thích đến các vị trí trung tâm bởi như vậy thực sự không phù hợp. 

so-thich-trong-cv-3
Sở thích nằm ở phần nào trong CV?

4. Hướng dẫn viết sở thích trong CV

4.1 Viết câu từ ngắn gọn

Vì là nội dung phụ, tạo điểm nhấn nên đừng viết quá dài dòng. Hãy sử dụng các cụm từ ngắn gọn, trọng tâm nhất. Cách viết phổ biến nhất là “thích + tên sở thích của bạn”. Tuy nhiên đừng liệt kê dài mà chỉ nên lựa chọn 2 – 3 sở thích có liên quan mật thiết với công việc. Bên cạnh đó bạn có thể đính kèm một vài thành phẩm/ kết quả đạt được từ sở thích của bạn để làm phong phú thêm CV. Nhưng nhớ là chỉ điểm qua thôi nhé!

4.2 Tránh những sở thích “vô nghĩa”

Có thể những hoạt động như: ăn vặt, ngủ, xem phim, chém gió là sở thích của bạn (và rất nhiều người khác) nhưng khi đưa vào CV sẽ mang lại ấn tượng xấu. Không ai muốn mình có một nhân viên đi làm chỉ toàn nói chuyện riêng, ngồi “cày phim” cả. Không nên quá lạm dụng nhưng sở thích quen thuộc vì sẽ gây nhàm chán cho người đọc. Đặc biệt nếu nó không thực sự liên quan và cần thiết tới công việc. 

so-thich-trong-cv-4
Không quá lạm dụng các sở thích phổ biến khi viết CV

4.3 Không sai chính tả, chú ý từ ngữ

Quy tắc bất di bất dịch của bất cứ văn bản nào cũng đều là không được sai chính tả. Ngoài ra nên chọn từ ngữ lịch sự, tránh dùng khẩu ngữ hay tiếng địa phương, tiếng lóng. Cùng một nghĩa nhưng từ ngữ khác nhau mang lại sắc thái khác nhau. Ví dụ, thay vì ghi “thích tán gẫu” hay ghi là “thích giao lưu, trò chuyện với mọi người”. Thay vì hình ảnh một “bà tám”, người đọc sẽ thấy bạn là người hoà đồng, cởi mở với đồng nghiệp chẳng hạn.

4.4 Lồng ghép tính cách trong sở thích để tạo ấn tượng

Ngoài việc ghi sở thích cá nhân trong CV, bạn có thể mô tả trực tiếp tính cách của bản thân. Những tính cách phù hợp trong nhiều công việc như hoà đồng, thân thiện, có trách nhiệm, năng động… 

Nhiều người cũng thắc mắc những thông tin cần có trong CV có bắt buộc phải ghi sở thích không? Câu trả lời là là không bắt buộc. Nếu có đương nhiên là rất tốt. Còn không có đam mê nào cụ thể thì bạn cũng không cần thiết ghi sở thích vào CV. Bởi không nên ghi những lời sáo rỗng, hời hợt, chung chung. Như vậy có thể sẽ khiến nhà tuyển dụng nghĩ bạn cũng không nhiệt thành với công việc như cách bạn viết CV.   

>>> Tin liên quan: Đừng dại viết điều này lên mục sở thích trên CV: Không ấn tượng như bạn nghĩ đâu!

so-thich-trong-cv-5
Sở thích chỉ là yếu tố phụ trợ quyết định việc bạn trúng tuyển hay không mà thôi

Như vậy, với những tips Blog TopCV tổng hợp ở trên, hy vọng bạn đã có được thêm kinh nghiệm viết sở thích trong CV. Từ đó có cho mình chiếc CV “nhìn là muốn nhận” ngay nhé. Ngoài ra, để tìm thấy những việc làm hấp dẫn bạn có thể truy cập vào TopCV. Những tin tuyển dụng việc làm HOT nhất có sẵn tại TopCV chờ bạn nộp CV ứng tuyển.