Kỹ sư tư vấn giám sát là gì? Vị trí này có vai trò quan trọng như thế đến toàn bộ công trình xây dựng và để trở thành một kỹ sư tư vấn giám sát trong tương lai cần có những yêu cầu và kỹ năng gì? Để giải đáp thắc mắc này bạn đọc hãy theo dõi bài viết sau đây của Blog.topCV
Tư vấn giám sát là gì? Kỹ sư vấn giám sát là ai?
Tư vấn giám sát là một bộ phận không thể tách rời khỏi công tác xây dựng. Đặc biệt đối với những chủ đầu tư ít biết về chuyên môn thì tư vấn giám sát công trình xây dựng đóng vai trò như một người bảo vệ để bảo đảm những quyền lợi tối đa và chất lượng cho chủ đầu tư và công trình.
Nói một cách đúng đắn thì kỹ sư tư vấn giám sát là những người có chuyên môn và nghiệp vụ được phép hành nghề giám sát, đại diện cho chủ đầu tư giám sát chất lượng công trình xây dựng. Trên công trường xây dựng, tư vấn giám sát là người chịu trách nhiệm chính về chất lượng của công trình và hiển nhiên, tiếng nói của kỹ sư tư vấn giám sát rất có trọng lượng, đôi khi là chuẩn mực trong một phạm vi công việc nào đó để nhà thầu thi công tiến hành thi công công trình – như vậy, tư vấn giám sát là những người rất quan trọng.
Khi nào cần tư vấn giám sát?
Với mọi quy mô công trình Chủ đầu tư đều có thể tự giám sát thi công xây dựng công trình mà không cần phải thuê nhà thầu tư vấn giám sát nếu có đủ năng lực thỏa mãn hai điều kiện: Thứ nhất, có đăng ký ngành nghề Tư vấn giám sát thi công trong đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp (Mã ngành 7110). Thứ hai, phải có Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng do Bộ Xây dựng hoặc Sở xây dựng cấp, phù hợp với cấp công trình sẽ thực hiện. Để cấp được chứng chỉ này, tổ chức – doanh nghiệp phải đảm bảo các yêu cầu theo quy định tại Mục 33 Điều 1 Nghị định 100/2018/NĐ-CP.
Ngược lại, khi Chủ đầu tư không có đủ năng lực để thực hiện công việc giám sát thi công xây dựng công trình thì phải thuê đơn vị tư vấn giám sát và kỹ sư giám sát có năng lực để thực hiện.
Trong trường hợp Chủ đầu tư không có năng lực nhưng vẫn tiến hành tự giám sát thi công xây dựng sẽ bị Cơ quan quản lý xây dựng địa phương xử phạt theo quy định tại Nghị định 121/2013/NĐ-CP về Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng.
Đặc biệt, với các Chủ đầu tư không chuyên nghiệp (tức là chỉ làm dự án 1 lần như xây dựng văn phòng, nhà máy,…) thì nên thuê đơn vị tư vấn giám sát thay vì phải tự xây dựng một bộ máy giám sát mới và phải xây dựng quy trình làm việc từ đầu.
>>>Xem thêm: Kỹ sư giám sát công trình là gì? Tìm việc làm ngành xây dựng ở đâu?
Nhiệm vụ và quyền hạn của kỹ sư tư vấn giám sát
Để thực hiện tốt chức năng đảm bảo công trình xây dựng đạt chất lượng an toàn và hoàn thành đúng tiến độ thì một kỹ sư tư vấn giám sát cần biết về nhiệm vụ và quyền hạn của mình như thế nào đối với công trình xây dựng.
Nhiệm vụ:
- Kiểm tra các điều kiện khởi công công trình xây dựng theo quy định tại Điều 72 của Luật xây dựng.
- Kiểm tra sự phù hợp năng lực của nhà thầu thi công xây dựng công trình với hồ sơ dự thầu và hợp đồng xây dựng.
- Kiểm tra và giám sát chất lượng vật tư, vật liệu và thiết bị lắp đặt vào công trình do nhà thầu thi công xây dựng công trình cung cấp theo yêu cầu của thiết kế.
- Kiểm tra và giám sát trong quá trình thi công xây dựng công trình.
Quyền hạn:
- Tham gia nghiệm thu, xác nhận công việc, công trình đã hoàn thành thi công xây dựng.
- Yêu cầu các đơn vị thi công công trình thực hiện đúng thiết kế được duyệt tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật và chế độ thể lệ quản lý xây dựng cơ bản. Ý kiến của Tư vấn Giám sát ghi trong nhật ký công trình là một yêu cầu bắt buộc các đơn vị thi công phải xem xét giải quyết thỏa đáng, kịp thời.
- Không nghiệm thu xác nhận những khối lượng xây lắp và đề nghị không thanh toán các dạng khối lượng
- Ngừng có thời hạn phần việc xây lắp không đảm bảo chất lượng hoặc phát hiện các biến dạng đáng ngờ, có nguy cơ xảy ra sự cố đột biến đồng thời phải báo cáo nhanh cho Ban QLDA cho lãnh đạo đơn vị xây lắp, thiết kế biết để giải quyết và báo cáo cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp.
- Các quyền khác theo quy định của hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan.
Những yêu cầu đối với kỹ sư tư vấn giám sát
Một số yêu cầu cơ bản của khi tuyển dụng kỹ sư tư vấn giám sát xây dựng, tuyển kỹ sư tư vấn giám sát cầu đường… của nhà tuyển dụng thường đưa ra, hay những kỹ năng cần có mà một tư vấn giám sát chung cần phải nắm tổng thể như sau:
Kỹ năng mềm
- Người đảm nhận công việc này phải có năng lực giỏi, có đạo đức, tận tâm, trung thực, có tinh thần trách nhiệm… thì mới đảm bảo được chất lượng công trình tốt. Vì vậy để trở thành một tư vấn giám sát ngoài việc phải là kỹ sư có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật mà còn phải là người có trách nhiệm cao trong công việc.
- Là người có khả năng giao tiếp biết lắng nghe, truyền đạt bằng lời nói và văn bản, có khả năng thuyết phục và thúc đẩy.
- Có niềm say mê, có sáng kiến cá nhân, ổn định về ứng xử hành động, có khả năng chịu được sức ép và khả năng chịu đựng ở các điều kiện sống và lao động đặc biệt của nhà tư vấn.
- Nắm vững các văn bản, quy phạm, pháp luật về quản lý và đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước (hoặc của ngành hiện hành); Có hiểu biết tốt về tiêu chuẩn quy phạm kỹ thuật; Có hiểu biết tốt về công tác xây lắp chủ yếu.
Chuyên môn, kỹ thuật
- Là kỹ sư được đào tạo chuyên ngành và có kinh nghiệm công tác tối thiểu là 3 năm trong lĩnh vực phụ trách, có đủ năng lực chuyên môn và nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.
- Nắm vững các căn cứ pháp lý về công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng hiện hành của Nhà nước và của Bộ, Ngành liên quan.
- Nắm vững nội dung của hồ sơ thiết kế được duyệt, các điều kiện kỹ thuật riêng áp dụng cho các hạng mục công trình do Tổ chức Tư vấn Thiết kế lập. Hợp đồng giao nhận thầu xây lắp. Các tiêu chuẩn kỹ thuật được áp dụng, các quy trình, quy phạm về thi công, nghiệm thu hiện hành của Nhà nước và Ngành có liên quan
- Nắm vững biện pháp và trình tự thi công được áp dụng. Nắm được tiến độ và yêu cầu nhân lực, máy móc thiết bị cần phải có để thực hiện công việc, đặc biệt là yêu cầu trình độ lành nghề của công nhân tương ứng với công việc họ thực hiện.
- Phân tích đánh giá được chất lượng hoàn thành. Hiểu và thực hiện đúng công tác nghiệm thu.
- Khi phát hiện sai lỗi thì lập biên bản thông báo cho Ban QLDA, cấp trên trực tiếp hoặc cán bộ phụ trách kỹ thuật của nhà thầu (đối với sai lỗi của thi công) hoặc cho tổ chức thiết kế (đối với sai lỗi thiết kế) để khắc phục.
Nhìn chung, tư vấn giám sát là một nghề khó, nó không đơn thuần là một người kỹ sư giám sát thi công xây dựng công trình mà đòi hỏi anh phải có các kỹ năng như : giao tiếp, thuyết trình, phán đoán, quan hệ tốt với các bên và phải am hiểu luật pháp về xây dựng. Để làm tốt công việc giám sát, người kỹ sư tư vấn giám sát phải có kiến thức chuyên môn vững vàng, phải có kinh nghiệm dày dặn ngoài hiện trường để có thể ứng phó kịp thời với những tình huống bất ngờ xảy ra bất kỳ lúc nào.
>>> Có thể bạn quan tâm: Tất tần tật về công việc của người giám sát thi công
Nếu bạn muốn tìm kiếm việc làm kỹ sư tư vấn giám sát thì đừng bỏ qua thông tin hữu ích trên trang web tuyển dụng hàng đầu TopCV.vn. Tại đây, không chỉ bạn được cung cấp thông báo tuyển dụng của các doanh nghiệp mà còn có các mẫu CV, mẹo nhỏ giúp bạn vượt qua buổi phỏng vấn tốt nhất.