Kỹ năng đặt câu hỏi? Những nguyên tắc khi đặt câu hỏi

ky-nang-dat-cau-hoi-thumb

Trong bất cứ cuộc trò chuyện nào cũng cần sự trao đổi thông tin. Khi phỏng vấn việc làm cũng vậy. Đừng bao giờ nghĩ phỏng vấn chỉ là cuộc trò chuyện một chiều, nhà tuyển dụng hỏi – bạn trả lời. Bạn cũng nên trang bị cho mình kỹ năng đặt câu hỏi ngược lại khi đi phỏng vấn xin việc. Điều này sẽ giúp bạn tạo được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.

Kỹ năng đặt câu hỏi là gì?

Kỹ năng đặt câu hỏi được hiểu là một trong những cách bạn dẫn dắt cuộc đối thoại. Không chỉ giúp cho luồng thông tin đang trao đổi rõ ràng hơn mà kỹ năng này còn mang lại không khí tích cực. Hơn nữa điều này sẽ giúp duy trì cuộc nói chuyện hiệu quả, không bị vô nghĩa, nhàm chán.

Cách đặt câu hỏi khi phỏng vấn là vấn đề được nhiều bạn trẻ quan tâm. Chúng ta thường thấy những bài viết kiểu “câu hỏi tuyển dụng thường gặp và cách trả lời hay nhất” mà ít khi thấy bài viết hướng dẫn về cách đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng. Hãy nhớ phỏng vấn là cuộc nói chuyện hai chiều, song phương. Đây là lúc nhà tuyển dụng tìm hiểu xem bạn có phải ứng viên tiềm năng với công ty. Đồng thời cũng là cơ hội để bạn xác định xem môi trường làm việc có phù hợp với mình không. Vì thế kỹ năng đặt câu hỏi phỏng vấn không chỉ mang lại cho bạn những thông tin hữu ích mà còn giúp gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. 

ky-nang-dat-cau-hoi-1
Kỹ năng đặt câu hỏi là gì?

Những nguyên tắc khi đặt câu hỏi 

Xem xét mức độ mối quan hệ khi đặt câu hỏi

Khi đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng, hãy chú ý xem xét mức độ mối quan hệ. Mức độ mối quan hệ ở đây không phải là sự quen biết. Việc này là xác định khoảng cách tuổi tác và vị trí công việc của họ. Nếu bạn gặp nhà tuyển dụng khá trẻ thì nên sử dụng ngôn ngữ khác với những người đứng tuổi hơn. Nguyên tắc này giúp bạn lựa chọn cách nói chuyện phù hợp, vừa đủ lịch sự. Đồng thời vẫn duy trì được không khí thoải mái cho buổi phỏng vấn. 

Chú ý vào mục đích câu hỏi

Đừng bao giờ hỏi những câu không liên quan đến mục đích của buổi phỏng vấn. Bạn cũng đừng bao giờ cho rằng việc hỏi những câu bên lề là cách “làm thân” với người đối diện. Có thể trong giao tiếp làm quen thường ngày sẽ có hiệu quả. Nhưng nhà tuyển dụng sẽ không muốn phải trả lời những câu hỏi vu vơ, lan man của bạn. Bởi lẽ một ngày họ phải phỏng vấn rất nhiều ứng viên. Vì thế câu hỏi phải đúng trọng tâm thì mới đạt được hiệu quả cao. Tốt nhất là nên chuẩn bị trước những thắc mắc của mình và đảm bảo nó đúng hướng, không “tào lao”. 

Sử dụng ngôn từ, thái độ phù hợp

Chưa cần bàn đến kỹ năng hay kinh nghiệm của bạn. Thái độ sẽ là điều nhà tuyển dụng đề cao trên hết. Thái độ sẽ thể hiện qua ngôn ngữ, hành động. Thậm chí  là cả cách bạn chuẩn bị hồ sơ xin việc hay cách bạn đặt câu hỏi. Tránh đưa ra những câu hỏi mất điểm (mặc dù thiết thực) như “Lương bao nhiêu?”, “Làm bao tiếng một ngày?”, “Có hỗ trợ gì cho nhân viên?”,… Hãy đặt những câu hỏi có chiều sâu để thể hiện sự nghiêm túc, chuyên nghiệp trong công việc nhé. 

ky-nang-dat-cau-hoi-2
Thái độ sẽ là điều nhà tuyển dụng đề cao trên hết

>>> Xem thêm: Cách trả lời phỏng vấn xin việc thông minh được lòng nhà tuyển dụng

Hỏi nhưng không quá tò mò

Đương nhiên, hỏi nhưng đừng quá “hóng”. Không ai muốn tám chuyện công ty trong khi phỏng vấn và bạn cũng nên tránh hỏi quá lặt vặt. Đặc biệt là những câu hỏi về những vấn đề tiêu cực hoặc nhạy cảm của các công ty, doanh nghiệp. Với những thông tin bên lề, bạn có thể hỏi qua người quen hoặc tìm hiểu qua các phương tiện khác. Đừng dại đem đến buổi phỏng vấn thắc mắc vì bạn có thể sẽ mất luôn cơ hội của mình. 

Chú ý lắng nghe

Lắng nghe tốt cũng là một yếu tố giúp bạn có thêm thông tin để rèn luyện kỹ năng đặt câu hỏi của mình. Bạn sẽ biết được mình có nên hỏi hay không và hỏi vào lúc nào thì hợp lý. 

Một số câu hỏi nên hỏi nhà tuyển dụng khi đi phỏng vấn

Câu hỏi về vị trí ứng tuyển

Một số câu hỏi về vị trí ứng tuyển bạn nên đặt cho người phỏng vấn như: 

  • Công việc thường ngày ở công ty là gì? 

Những mô tả trên JD (Job description) thường khá vắn tắt và cô đọng. Vì thế câu hỏi này nhằm giúp bạn biết thêm về trách nhiệm của mình khi làm ở vị trí đó. Câu trả lời nhận được sẽ giúp bạn biết mình phải làm như nào và chứng tỏ công ty có kế hoạch và định hướng rõ ràng cho nhân viên. 

  • Anh/chị yêu cầu gì ở nhân viên trong 1 tháng làm việc đầu tiên?

Thời gian thử việc khá quan trọng. Rất nhiều người xin nghỉ việc trong thời gian thử việc. Một phần bởi họ không tìm hiểu rõ về mức độ thử thách của công việc khi đi phỏng vấn. 

  • Kỹ năng mềm nào cần thiết với vị trí này?

Mặc dù trong CV bạn đã liệt kê rất đầy đủ các thông tin về bản thân. Đồng thời mô tả công việc cũng ghi rõ yêu cầu đối với ứng viên là gì. Tuy nhiên kỹ năng mềm là yếu tố ít được ghi chi tiết. Vì thế đặt câu hỏi này giúp bạn biết mình còn thiếu kỹ năng nào để trau dồi và rèn luyện thêm.

ky-nang-dat-cau-hoi-3
Các câu hỏi ứng viên nên đặt cho nhà tuyển dụng

Câu hỏi về doanh nghiệp

  • Hỏi về văn hoá công sở tại công ty

Thông thường các công ty PR hình ảnh của mình rất tốt trên mạng. Ví như các thông tin môi trường làm việc thân thiện, cởi mở, dễ thăng tiến, công việc linh hoạt, hay những thành quả mà công ty đã đạt được,… Vậy nhưng thực tế như nào thì bạn nên hỏi chính những người phỏng vấn bạn. Họ đã có thời gian gắn bó, thực nghiệm ở đây nên sẽ đánh giá khách quan hơn những gì nói trên mạng. 

  • Điều gì của công ty thu hút ứng viên nhất dưới góc nhìn của nhà tuyển dụng?

Kỹ năng đặt câu hỏi tốt là khi bạn tạo được thiện cảm và sự thân thiết với người phỏng vấn. Đây sẽ là câu hỏi khá tốt để làm điều đó. Bởi lẽ ai cũng thích nói về bản thân mình – những điều mà mình hiểu rõ. Hơn nữa bạn sẽ có cơ hội biết được cảm nghĩ của người trong về chính công ty mà bạn sắp vào làm. 

Câu hỏi về quy trình tuyển dụng

Câu hỏi về quy trình tuyển dụng nhằm xác định rõ “con đường” bạn sẽ trải qua trước khi nhận được cơ hội làm việc tại công ty. Bạn có thể khéo léo đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng, bạn có thể sẽ có thêm rất nhiều thông tin hữu ích.

Câu hỏi về mong muốn cống hiến và phát triển sự nghiệp

Bạn có thể đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng như “Trong thời gian tới, công ty có dự định phát triển thêm nhóm sản phẩm nào không a?”. Câu trả lời sẽ giải đáp cho bạn về tình hình hiện tại của công ty, đề phòng khi họ đang có trục trặc hay khó khăn. Bạn có thể cân nhắc về việc có nên làm ở đó hay không.

ky-nang-dat-cau-hoi-4
Quá im lặng sẽ bị nhà tuyển dụng đánh giá là thờ ơ với công việc

>>> Xem thêm: 10 câu hỏi phỏng vấn thường gặp nhất khi đi xin việc

Chìa khoá để có một buổi interview thành công không chỉ là đưa ra câu trả lời đúng. Đó còn là việc bạn đưa ra những câu hỏi thông minh, ấn tượng với nhà tuyển dụng. Blog TopCV đã chia sẻ những vấn đề xoay quanh kỹ năng đặt câu hỏi khi phỏng vấn và hy vọng bạn sẽ áp dụng thành công!