Dưới đây là 6 lỗi sai phổ biến nhất của nhiều người khi viết CV xin việc được Vlogger Giang Ơi liệt kê ra dựa trên kinh nghiệm của chính cá nhân cô.
Với những chia sẻ chân tình, ý nghĩa và không kém phần tiệm cận với cuộc sống hiện đại ở nhiều khía cạnh, hàng loạt video của Vlogger Giang Ơi đã nhận được rất nhiều lượt xem và phản hồi tích cực của cộng đồng mạng Việt những năm gần đây. Kênh Youtube của Giang Ơi hiện đã có hơn 1 triệu lượt theo dõi và chính điều này đã giúp cô vinh dự nhận được nút vàng Youtube cách đây ít lâu.
Và để minh chứng cho sức hút của Giang Ơi, xin được nói về video mới nhất của cô mà tin chắc rằng, bất kỳ dân công sở hoặc những bạn sinh viên nào đang trong quá trình muốn tìm việc cũng gật gù tâm đắc. Video nói về 6 lỗi sai phổ biến nhất khi viết CV xin việc.
++ Tham khảo kỹ năng viết CV chuyên nghiệp
Tầm quan trọng của chiếc CV xin việc chắc không cần phải nói nhiều, nó chính là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất quyết định xem mỗi ứng viên có may mắn lọt vào “mắt xanh” của nhà tuyển dụng hay không. Tuy nhiên, cách viết một CV làm sao cho thu hút, chỉn chu và tử tế thì có lẽ không phải ai cũng biết.
Dưới đây là 6 lỗi sai phổ biến nhất được Giang Ơi liệt kê ra dựa trên kinh nghiệm của chính cá nhân cô. Tất nhiên, như Giang có nói từ đầu, làm CV thì chẳng có đúng hay sai bởi nó còn phụ thuộc vào văn hóa của chính doanh nghiệp mà mỗi người muốn ứng tuyển.
Thế nên, 6 thứ được Giang Ơi chia sẻ không phải là mẫu số chung “nếu khắc phục được hết thì chắc chắn sẽ được tuyển dụng” mà nó đơn giản chỉ là một vài câu trả lời cho câu hỏi cực kỳ lớn: LÀM THẾ NÀO MỚI ĐƯỢC NHÀ TUYỂN DỤNG CHÚ Ý ĐẾN?
Viết email dở và sơ sài
Sai lầm đầu tiên mà Giang Ơi đề cập không trực tiếp nằm trong CV nhưng lại rất liên quan đó chính là chiếc email đính kèm CV mà bạn gửi đi. Nhiều người dù chú tâm làm một CV cực kỳ “xịn”, tử tế, trong khi email gửi kèm thì bỏ lơ, viết dở và sơ sài thì hoàn toàn vẫn có khả năng bị nhà tuyển dụng cho vào… hòm thư rác.
Giang Ơi nói: “Người ta sẽ không dành thời gian của người ta để mở cái CV của bạn khi mà thấy bạn đi ứng tuyển nhưng lại không dành đủ thời gian để viết vài dòng email cho tử tế”. Tuyệt đối phải nghiêm túc và chuyên nghiệp, không được gửi đi một email mà như nhắn tin với bạn bè hoặc nói năng cộc lốc không giới thiệu rõ mình là ai, ứng tuyển vị trí gì.
>> Xem thêm: Nộp CV qua Email thế nào để không bị nhà tuyển dụng “ngó lơ”?
Độ dài và hình thức kém
Để tránh tình huống viết một chiếc CV dài ngoằng lên tận cả chục trang, nhà tuyển dụng vừa nhìn thấy là… làm biếng đọc thì Giang Ơi khuyên rằng, mỗi cá nhân ứng tuyển chỉ nên gói gọn CV trong 1 mặt giấy. Chia thông tin thành 2 cột và trình bày ngắn gọn những gì tinh túy nhất của bản thân mình.
Chưa kể, về mặt hình thức, Giang Ơi cũng nói, hạn chế đối đa việc sử dụng các mẫu CV có sẵn trên internet, hành động này đôi khi bị nhà tuyển dụng phát hiện ra sẽ đánh giá bạn là một người thiếu sáng tạo, không đủ chuyên nghiệp để tự tạo cho riêng mình một CV. Lời khuyên của Giang là hãy tham khảo thật nhiều CV trên mạng, nhưng thiết kế lại để biến nó thành của mình, phù hợp và sáng tạo nhất. Font chữ lựa chọn nên là các font dễ đọc, hiện đại, đừng quá cũ kỹ hay ngoằn ngoèo hoa hòe,…
>> Xem thêm: Độ dài của CV bao nhiêu là phù hợp?
Sai chính tả
Vâng, đây là sai lầm phổ biến nhất nhưng cũng nhỏ nhất và dễ khiến nhà tuyển dụng tụt mood khi đọc CV của bạn. Nhà tuyển dụng sẽ cho rằng, với cái lỗi nhỏ thế này mà cũng mắc phải thì hẳn nhiên bạn sẽ bị trừ điểm vì cái tội ẩu.
Giang Ơi khuyên, hãy kiểm tra một cách cẩn thận nhất từng chữ mà mình viết ra để tránh bị trừ điểm thanh lịch một cách… ngớ ngẩn. Trong một đợt tuyển nhân sự, bao nhiêu người nộp CV, trong khi nếu bạn bị trừ điểm vô duyên thế này thì rất có khả năng bạn sẽ bị đánh bại bởi những CV khác, của người khác.
>> Xem thêm: Khoa học chứng minh chúng ta rất khó phát hiện lỗi chính tả trong CV của mình
Những cụm từ trống rỗng
Tương tự như lỗi sai chính tả, việc liệt kê những cụm từ trống rỗng vào CV cũng được Giang Ơi xem như là một trong những lỗi sai phổ biến nhất mà tin chắc rằng hầu hết mọi người đều mắc phải trong một vài lần đi xin việc. Với Giang, những cụm từ này là “chăm chỉ tiếp thu nhanh”, “có trách nhiệm với công việc”, “có khả năng lãnh đạo”,… hoặc viết “tôi là một người có đầy hoài bão và nhiệt huyết” ở phần mô tả bản thân.
Giang nói phải dẹp bỏ ngay kiểu làm văn hô hào nhưng không có bằng chứng kiểu này khi làm CV xin việc. Thay vào đó hãy liệt kê ngắn gọn và súc tích những thành tích đã được công nhận của bản thân hoặc các kỹ năng cứng, kỹ năng mềm nhưng có dẫn chứng cụ thể. Ví dụ như tôi có khả năng lãnh đạo sau khi làm trưởng nhóm ở cửa hàng tiện lợi và giúp cửa hàng ấy tăng trưởng 5% vào quý 1 năm 2019.
Những điều người ta không cần phải biết
Nhiều người khi làm CV lại cứ thích đâm đầu nhét hết vào đó mọi thứ mình nghĩ ra trong đầu. Điều này cực kỳ vô nghĩa và thi thoảng nó khiến CV của bạn trở thành một đống hổ lốn với các thông tin chẳng có giá trị với công việc, trong khi những cái cần thiết thì lại trôi tuột đi đâu mất không thấy cho vào.
Giang Ơi khuyên rằng, để khắc phục lỗi sai trầm trọng này, mỗi cá nhân khi đi xin việc phải nghiền ngẫm kỹ về tính chất công việc mà mình ứng tuyển, đồng thời dùng bút khoanh vùng những từ khóa quan trọng nhất trong bảng yêu cầu công việc mà nhà tuyển dụng đưa ra. Từ đó hãy viết CV sao cho phù hợp nhất, ngắn gọn vừa vặn với vị trí mà công ty đang cần. Cái quan trọng nhất thì bỏ lên trước và tuyệt đối không nói xạo, nói dối, kỹ năng nào có thì cho vào, không có thì loại bỏ.
Thiếu portfolio (những thành phẩm cá nhân chứng minh năng lực)
Thường thì không phải ngành nghề nào cũng cần portfolio, tuy nhiên với các ngành cần thiết và liên quan, người ứng tuyển tuyệt đối đừng bỏ sót. Portfolio được hiểu như là các thành phẩm mà bạn đã làm, các sản phẩm mà bạn đã làm ra như bản vẽ thiết kế, những dự án bạn đã tham gia, những bài báo mà bạn đã viết,…
Portfolio chính là bằng chứng cho những gì mà người tuyển dụng đã trình bày trong CV, chính xác hơn nó là thứ rõ ràng nhất để nhà tuyển dụng xem được năng lực của bạn. Vậy nên, với những ngành nghề cần thiết, tuyệt đối đừng quên đính kèm portfolio vào email xin việc. Giang Ơi khuyên, nên xây dựng portfolio trực tuyến để khi gửi mail chỉ cần thả nhẹ một đường link, nhà tuyển dụng muốn xem thì click vào phát ra ngay.
Theo Afamily
————————————————————————————————————————————————–
- Tham khảo thêm các mẫu CV để tăng 80% cơ hội trúng tuyển tại: https://www.topcv.vn/mau-cv
- Tìm việc làm chất lượng lương cao tại: Việc làm chất lượng
- Tải App TopCV để trải nghiệm tìm kiếm và ứng tuyển công việc chỉ với một chạm: IOS: https://apple.co/2TSeTJA; Android: http://bit.ly/2FnLblz