Gian bếp nhà bạn đã bao giờ thiếu được sự hiện diện của chai nước mắm Nam Ngư, lọ tương ớt Chinsu, gói “mì khoai tây Omachi – Rất ngon mà không sợ nóng”… hay chưa? Dường như những thương hiệu trên đều vô cùng quen thuộc trong cuộc sống thường nhật của người Việt. Thế nhưng lại không nhiều người biết rằng Masan Consumer chính là công ty sở hữu những nhãn hiệu nổi tiếng đó. Giống như một số tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp lớn khác tại Việt Nam, Masan cũng có chương trình Management Trainee được tổ chức hàng năm, thu hút đông đảo sự quan tâm của sinh viên. Vậy thực tế môi trường làm việc tại Masan ra sao? Thi tuyển như thế nào? Tất cả sẽ được TopCV chia sẻ ngay tại bài viết này.
Bài viết có thể còn nhiều thiếu sót, rất mong nhận được thêm thông tin góp ý, chia sẻ của các bạn để bổ sung cho những hiểu biết về môi trường làm việc tại Masan Consumer.
GIỚI THIỆU CHUNG VỀ MASAN CONSUMER
Masan Consumer, tên đầy đủ là Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan, được thành lập vào năm 2000 với trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh. Công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, và là một trong 3 thành viên của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (Masan Group). Hai thành viên còn lại của Masan Group là Techcombank (hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng) và Masan Resources (hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản).
Theo kết quả điều tra của Công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance và Công ty tư vấn thương hiệu Mibrand năm 2016, Masan Consumer đứng vị trí thứ 7 trong danh sách Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam và đứng thứ 2 trong ngành hàng tiêu dùng.
Hiện nay, Masan đang chiếm lĩnh hơn 70% thị phần nước mắm, hơn 70% thị phần nước tương và 40% thị phần cà phê hòa tan tại thị trường Việt Nam… Bên cạnh đó, 98% hộ gia đình Việt Nam sở hữu 1 sản phẩm của Masan. Điều này cho thấy các sản phẩm của Masan với thương hiệu mạnh, sản phẩm chất lượng cao và giá cả hợp lý đã được đông đảo người tiêu dùng Việt Nam tin yêu.
Những nhãn hiệu nổi tiếng của Masan trong ngành hàng thực phẩm, gia vị có thể kế đến như Chin-su, Nam Ngư, Omachi, Kokomi, Tam Thái Tử, Vĩnh Hảo… Cuối năm 2011, Masan Consumer bỏ ra hơn 50 triệu USD mua lại cổ phần chi phối của Vinacafé Biên Hòa, đánh dấu sự mở rộng của công ty sang lĩnh vực nước giải khát (Beverage).
THI TUYỂN THỰC TẬP SINH LÀM VIỆC TẠI MASAN CONSUMER
1. Chương trình Masan Young Entrepreneur
a, Đối tượng dự thi
- 0-2 năm kinh nghiệm làm việc
- Đã hoặc sắp tốt nghiệp Cử nhân/Thạc sỹ tại những trường đại học hàng đầu ở Việt Nam
- Kỹ năng phân tích và giao tiếp tốt
- Tinh thần kinh doanh và chí tiến thủ lớn
- Nhiệt tình, năng động, có khả năng tự học và tinh thần ham học hỏi cao
- Đam mê tạo ra những giá trị mới cho người Việt.
Ứng viên sẽ được chọn làm việc tại một trong các phòng ban sau: Sales, Marketing, Finance, HR, Legal, R&D, Supply Chain hoặc Manufacturing.
Lưu ý:
Điểm khác biệt của MYE so với chương trình MT của các tập đoàn đa quốc gia (MNCs) khác là khi bạn vào một function, bạn sẽ không được luân chuyển sang các phòng ban khác. MYE không có quy trình đào tạo nhân sự theo quy chuẩn truyền thống như các MNCs khác. Bù lại, khi tham gia vào một dự án, bạn gần như được mặc sức sáng tạo, từ ý tưởng đến cách thực thi, miễn sao hoàn thành đúng chỉ tiêu của cấp trên. Qua đó bạn cũng học được cách quản lý ngân sách hiệu quả và đầu tư một cách chiến lược.
b, Các vòng thi
Vòng 1: Application form
Những gì cần chuẩn bị cho vòng này là:
– Một bản CV đẹp, ấn tượng, thông tin chắt lọc, độ dài giới hạn trong 1 trang A4.
(Nếu chưa rõ cách viết, hãy tạo ngay CV tại đây để được hướng dẫn chi tiết.)
– File scan pdf bảng điểm chính thức của trường Đại học.
– Điền Application form.
Form của Masan thường gồm 4 câu hỏi chính:
- Bạn muốn thi tuyển vào bộ phận nào? Tại sao?
- 5 năm nữa bạn sẽ ở đâu trong chặng đường sự nghiệp của mình?
- Động lực nào khiến bạn tham gia thi tuyển MYE?
- Kể về thành tích lớn nhất mà bạn từng đạt được.
3 câu đầu tiên chủ yếu là xoay quanh bản thân bạn. Hãy khéo léo và thành thực nhất có thể. Với câu cuối, tùy vào cách bạn định nghĩa về “thành tích” mà lựa chọn câu chuyện phù hợp để kể. Quan trọng nhất vẫn là lí do vì sao bạn lại thấy tự hào về điều đó. Bạn học được điều gì từ nó. Hoặc bạn đã vượt qua những gì để đạt được thành tích kia.
Lưu ý:
Dù là form cần gửi qua email, hay form online điền trực tiếp trên trang web của công ty, bạn cũng cần lưu lại nội dung đã trả lời ra word để dùng cho các vòng sau.
Vòng 2: Aptitude test
Giống với Nestlé, vòng này Masan cũng tổ chức thi tập trung cho toàn bộ thí sinh vượt qua vòng 1. Tuy nhiên, đề của Masan khá độc đáo, có nhiều dạng bài tập lạ so với đề của các công ty khác. Khó nhất là Verbal test với yêu cầu tìm từ đồng nghĩa của những từ tiếng Anh đã cho. Bạn nên tham khảo dạng bài test trên indiabix.com trước khi đi thi.
Vòng 3: Initial interview
Tại địa điểm phỏng vấn, Masan thường đặt khoảng 15 bàn ứng với 15 vị giám khảo. Thí sinh cầm hồ sơ của mình đến bàn được chỉ định. Buổi phỏng vấn phần lớn diễn ra bằng tiếng Việt. Chỉ có một khúc ngắn tiếng Anh để test khả năng giao tiếp của ứng viên.
Mẫu câu hỏi chủ yếu là:
- Tại sao bạn lại chọn phòng ban này?
- Bạn thích thương hiệu nào của Masan nhất? Hãy mô tả thương hiệu đó bằng ngôn ngữ và hình ảnh của riêng mình.
- Tại sao bạn lại chọn Masan mà không phải những tập đoàn lớn có bề dày lịch sử ngoài kia?
Lưu ý:
Thời lượng buổi phỏng vấn nhiều hay ít không quyết định bạn có được chọn hay không. Quan trọng là bạn đã nói những gì và tận dụng lượng thời gian đó như thế nào.
Vòng 4: Group discussion
Đến vòng này chỉ còn 99 thí sinh đến từ mọi miền lãnh thổ. Tất cả được chia thành từng nhóm nhỏ 8 người, ngồi bàn tròn cùng 2 vị giám khảo. Những bạn thi cùng phòng ban sẽ ngồi chung nhóm để làm việc với nhau. Sau khi nhận đề bài, mỗi người sẽ có thời gian nghiên cứu đề, sau đó thảo luận nhóm để đưa ra đáp án cuối cùng, rồi thuyết trình trước 2 vị giám khảo trong bàn.
Đề bài nói về tình trạng của một công ty ABC nào đó đang gặp khó khăn, và đã tìm ra được một số biện pháp giải quyết. Nhiệm vụ của nhóm là chọn ra phương án tốt nhất, thỏa mãn được các điều kiện đề yêu cầu. Bộ đề gồm gần 10 trang, trong đó có 1 trang chứa dữ liệu đặc biệt. Tức là dữ liệu này bạn có, các bạn khác lại không có; nhưng bù lại các bạn đó sẽ được bổ sung dữ liệu khác liên quan.
Vòng 5: Final Interview
Ở vòng cuối này, mỗi thí sinh sẽ được thông báo mang theo laptop đến buổi thi. Sau khi nhận được đề, mọi người có quyền hỏi giám khảo 5 câu để làm rõ thêm các ý. Rồi có 30 phút để chuẩn bị 3 slides powerpoint thuyết trình. Nội dung đề thi khá đa dạng, nhưng điểm chung là độ dài rất ngắn, chỉ khoảng 5 dòng.
Ví dụ: Làm sao để giúp nhãn hàng A tăng trưởng dẫn đầu toàn ngành hàng?
Bạn nghĩ Masan nên làm gì để có thể áp dụng được hướng đi B? (B là một hướng kinh doanh mới chưa được ứng dụng rộng rãi ở Việt Nam)
Sau khi thuyết trình xong, giám khảo sẽ đặt câu hỏi liên quan đến phần trình bày để bạn làm rõ hơn một số điểm. Giám khảo toàn là những “sếp” lớn nên câu hỏi cũng vô cùng hóc búa. Tuy nhiên hãy nhớ rằng, không có gì đúng hoặc sai hoàn toàn. Quan trọng là ở cách suy nghĩ và tiếp cận vấn đề của mỗi người. Vậy nên dù các câu hỏi có khó đến mấy, bạn cũng nên cố gắng suy nghĩ và tìm hướng tiếp cận phù hợp để trả lời.
2. Ứng tuyển trực tiếp
Management Trainee chỉ là một trong các lựa chọn của những bạn sinh viên mới hoặc sắp tốt nghiệp. Nếu không tham gia MT, bạn có thể trực tiếp ứng tuyển vào các vị trí phù hợp để làm việc tại Masan Consumer.
Điều đầu tiên và quan trọng nhất là ứng viên cần phải tự chuẩn bị cho mình một CV chuyên nghiệp để vượt qua vòng hồ sơ, tiến tới vòng phỏng vấn. Tương tự như phỏng vấn của chương trình MT, ứng viên cần phải thể hiện được bản thân, hiểu biết của mình về Masan. Ngoài ra những kiến thức chuyên môn tùy theo vị trí mà bạn ứng tuyển cũng sẽ được hỏi kĩ, vậy nên hãy tự tin vào khả năng và bình tĩnh trả lời nhé.
Một số câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn vào Masan:
– Anh/Chị có những hiểu biết gì về Masan?
– Tại sao anh/chị muốn làm việc cho Masan mà không phải các doanh nghiệp lớn khác?
– Anh/Chị sẽ đóng góp được gì nếu có cơ hội làm việc tại Masan?
– Hãy mô tả tối đa 7 nguyên tắc làm việc của anh/chị?
– ISO 9001 là gì? Làm thế nào để anh/chị áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001 cho công việc của mình?
– Hãy cho biết những lỗi thường gặp trong công việc của anh/chị là gì? Anh/Chị có giải pháp xử lý chúng như thế nào?
– Hãy trình bày kinh nghiệm của anh/chị liên quan đến vị trí đang ứng tuyển?
Nếu bạn vẫn đang gặp khó khăn trong việc hoàn thiện một bản CV, hồ sơ chuyên nghiệp thì hãy truy cập Topcv.vn để có những tư vấn hữu ích nhất nhé.
MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC TẠI MASAN CONSUMER
1. Ban lãnh đạo của Masan Consumer
Hiểu rõ triết lý: Sự tăng trưởng của doanh nghiệp phụ thuộc đáng kể vào khả năng duy trì các hoạt động tuyển dụng hoặc giữ chân nhân viên có trình độ phù hợp với các vị trí quản lý then chốt.
Vì vậy mà từ lâu Masan đã chiêu mộ rất nhiều lãnh đạo cấp cao có nhiều năm kinh nghiệm công tác tại các tập đoàn đa quốc gia lớn, gồm cả người Việt và người nước ngoài. Hầu hết các thành viên trong ban điều hành hiện nay của Masan Consumer đều có hàng chục năm kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia như P&G, Unilever, Nestlé, Kraft Food, Pepsi, Kimberly-Clark, Philip Morris International…
Chắc chắn chế độ đãi ngộ và môi trường làm việc tại Masan phải hấp dẫn mới có thể thu hút được những nhân sự cấp cao đồng ý đầu quân như vậy.
2. Văn hóa làm việc tại Masan
“Ở Masan rất coi trọng tinh thần doanh nhân (entrepreneurship). Có thể ví cả tập đoàn như một “giant start-up”, và mỗi nhân viên là một doanh nhân trẻ. Văn hóa làm việc tại Masan có thể coi khá aggressive, tính linh hoạt cao.” Chị Nguyễn Thu Thảo, nhân viên tại booth của Masan trong workshop “Passport to Multinational Company” (do Tomorrow Marketers tổ chức) chia sẻ.
Masan hiện đang trong giai đoạn tăng trưởng mau chóng. Nếu bạn phù hợp để làm việc tại Masan, bạn sẽ có cơ hội phát triển bản thân một cách “thần tốc”.
3. Đãi ngộ khi làm việc tại Masan
Không bất ngờ khi Masan nằm trong Top 100 doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam 2016 (Theo Anphabe và Nielsen). Mặc dù lương thưởng khi làm việc tại Masan không được công khai, nhưng theo chia sẻ của những nhân viên đã từng làm việc tại công ty thì con số đó không hề nhỏ so với mặt bằng chung, kể cả với thực tập sinh.
Đặc biệt, Masan Group luôn có kế hoạch “khủng” về chương trình phát hành cổ phiếu ESOP cho người lao động. Lượng cổ phiếu này không bị hạn chế chuyển nhượng. Điều này có nghĩa ngay sau khi phát hành và lưu ký, người lao động của Masan nhận cổ phiếu ESOP đều có thể bán đi trên thị trường để thu lợi nhuận.
Những mặt trái ít ai biết về Masan
“Công ty Masan tuy là cổ phần nhưng những vị trí chủ chốt bao giờ cũng bị áp lực theo kiểu gia đình. Cách làm việc của Masan chỉ quan tâm đến kết quả không cần biết lý do vì sao anh không hoàn thành nhiệm vụ. Ở đây chỉ có khái niệm là “dí” nhau. Nhưng dí mãi mà không được thì bạn sẽ nhận được hai hậu quả: Thứ nhất, bạn không đủ yếu tố cần và đủ để hoàn thành nhiệm vụ (sự không hợp tác giữa các thành viên). Thứ hai, bạn sẽ bị “đì” và không sớm thì muộn cũng ra đi.
Mình đã chọn cách ra đi trong danh dự chứ nhắm không thể đạt được mục tiêu đề ra khi không thể chấp nhận được cách làm việc quan liêu, vô trách nhiệm của bộ phận nhân sự khi cần sự phối hợp và hỗ trợ.” Anh Phi Hung, diễn đàn hrlink.vn chia sẻ.
Tất nhiên môi trường làm việc tại những doanh nghiệp lớn luôn ẩn chứa những mặt trái không hào nhoáng như vẻ bên ngoài. Quan trọng là cách nhìn nhận của mỗi người và khả năng thích nghi, sẵn sàng chấp nhận đánh đổi để đạt được những mục tiêu lớn hơn phía sau.
Hãy cân nhắc thật kĩ và trang bị cho mình một CV chuyên nghiệp để sẵn sàng đón nhận mọi cơ hội việc làm phù hợp nhé!
Bài viết có thể còn nhiều thiếu sót, rất mong nhận được thêm thông tin góp ý, chia sẻ của các bạn để bổ sung cho những hiểu biết về môi trường làm việc tại Masan Consumer.