Đối với những bạn đam mê ngành Kế toán – Kiểm toánnói chung, chắc hẳn BIG4 luôn là lựa chọn hàng đầu cho môi trường làm việc lý tưởng tuy rằng quy trình thi tuyển vị trí thực tập sinh được biết đến là “khó nhằn”. Trong khi 3 firm còn lại thường tổ chức 4 vòng thi tuyển và rất ít chọn ứng viên bên ngoài, EY chỉ cần 3 vòng thi để tuyển thực tập sinh và có lựa chọn thông qua các cuộc thi lớn. Vậy làm thế nào để hiểu về EY và tìm cơ hội làm việc tại EY? Trong bài viết này, TopCV sẽ giúp các bạn giải đáp thắc mắc về vấn đề thi tuyển và làm việc tại EY – Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam – một thành viên của BIG4, cũng như mang đến cho bạn cái nhìn tổng quan nhất về văn hóa của EY Việt Nam.
Giới thiệu chung về EY
Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY) chính thức được thành lập theo giấy phép đầu tư số 448/GP ngày 3/11/1992 và là công ty kiểm toán và tư vấn có 100% vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên được thành lập tại Việt Nam.
Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam hiện nay đặt trụ sở chính tại số 2, đường Hải Triều, phường Bến Nghé, Quận 1 thành phố Hồ Chí Minh. Công ty có đặt văn phòng ở Hà Nội tại tầng 8 tòa nhà Corner Building, 16 Phan Chu Trinh, Hà Nội, với gần 1.000 nhân viên có trình độ học vấn, kinh nghiệm, cũng như kĩ năng làm việc lành nghề và chuyên nghiệp đến từ khắp nơi trên thế giới như Hoa Kỳ, châu Âu, Australia, Singapore, Malaysia và Philippines.
Với những hiểu biết và kinh nghiệm sâu sắc về thị trường trong nước, EY đã xây dựng được một cơ sở khách hàng đa dạng gồm nhiều ngành nghề như sản xuất, thương mại, bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, thậm chí là các dự án phi chính phủ như SOS… Ernst & Young Việt Nam đã tư vấn cho rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam cổ phần hóa, tái cơ cấu, mua bán doanh nghiệp, phát triển chiến lược kinh doanh, tư vấn quản trị doanh nghiệp và quản trị rủi ro.
Bên cạnh đó, hoạt động của Ernst & Young không đơn thuần chỉ dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ kiểm toán cho khách hàng mà còn hết sức nỗ lực trong việc giúp đỡ, hoàn thiện hệ thống kế toán của khách hàng thông qua nhiều hình thức. Trong nhiều năm liên tục, Ernst & Young luôn duy trì là một trong những công ty kiểm toán và tư vấn có doanh thu hàng đầu tại Việt Nam.
Thi tuyển Thực tập sinh tại EY
1. Đối tượng & hình thức tuyển dụng
Hàng năm, kỳ tuyển thực tập sinh của EY thường mở đơn từ cuối tháng 8 và kết thúc vào cuối tháng 10. Muốn làm việc tại EY, trước hết ứng viên phải là công dân Việt Nam đã tốt nghiệp đại học các khối ngành Kế toán – Kiểm toán, Tài chính, Ngân hàng,… với GPA tốt, khả năng ngoại ngữ tốt và có đam mê với lĩnh vực tài chính. Bài viết này sẽ chủ yếu nói đến kỳ thi tuyển Internship tại EY.
Ngoài ra, EY là firm duy nhất trong BIG4 có chương trình tuyển thực tập sinh ngay từ những sinh viên năm 3. EY tổ chức cuộc thi “Pathway to Success” tại Đại học Kinh tế quốc dân và “Challenge for Growth” tại Đại học Ngoại thương. Đây là chương trình giúp các bạn sinh viên năm 3 có cơ hội được thực tập và làm việc tại EY vào năm sau. “Talent Auditor Cup” (TAC) cũng là một cuộc thi mà EY có thể tuyển thực tập sinh với những thí sinh lọt vào chung kết.
2. Các vị trí tuyển dụng
EY Việt Nam thường tuyển dụng ba vị trí thực tập: Assurance intern, Tax intern, IT audit intern.
3. Các vòng thi tuyển
DÙNG MẪU NÀY
EY có quy trình tuyển dụng đơn giản hơn so với các firm khác tại BIG4, chỉ gồm ba vòng nhưng cũng không kém phần khắc nghiệt trong quá trình thi tuyển.
Để chính thức được làm việc tại EY, ứng viên phải vượt qua 3 vòng thi, bao gồm: CV, Test và Phỏng vấn cá nhân. Nghe thì đơn giản nhưng để trở thành thực tập sinh của EY cũng khốc liệt không kém gì những firm khác.
Có một điều bạn phải chú ý rằng, số lượng sinh viên được tuyển không qua kỳ Internship dao động khoảng 45 người. Chính vì vậy, cơ hội cho những thí sinh còn lại sẽ bị thu hẹp hơn, cuộc chiến sẽ trở nên khốc liệt hơn
Vòng 1: Nộp đơn online và gửi CV
Trung bình mỗi mùa tuyển dụng, EY sẽ lựa chọn 200 CV xuất sắc nhất để đưa vào vòng test. Một CV xuất sắc nếu có GPA tốt (lớn hơn 8.0) hoặc có nhiều yếu tố nổi bật như khả năng ngoại ngữ, tham gia tích cực nhiều hoạt động ngoại khóa. Các ứng viên đủ điều kiện được thông báo đi test sau 1 tuần đóng deadline.
Vòng 2: Test kiến thức
Bài test kiến thức của EY gồm các phần: Accounting, Auditing, Tax, General knowledge, Essays.
Phần thi | Số câu | Số điểm | Nội dung |
Accounting | 20 câu | 30 điểm | Kế toán của EY không hề lằng nhằng và đánh đố nhiều, câu hỏi đưa ra trực tiếp và đơn giản hơn. Các bạn ôn kỹ F3, đọc qua một số chuẩn mực kế toán cơ bản như VAS 1, 2, 3, 4, thông tư 45, tỷ lệ trích dự phòng là có thể làm được bài. Một câu tính toán lại Net profit do kế toán định khoản nhầm phần tài sản cố định tương đối giống bài tập của F3, nói chung là khá đơn giản. |
Auditing | 10 câu | 10 điểm | Kiến thức kiểm toán rơi nhiều vào F8. Thực ra nếu học NEU, hầu hết mọi khái niệm, trích dẫn trong giáo trình đều đã được chú thích tiếng Anh bên cạnh, nên nếu chăm đọc Kiểm toán tài chính, thì phần này cũng hoàn toàn không khó. |
Tax | 10 câu | 10 điểm | Thuế nhà thầu, thuế tiêu thụ đặc biệt là hai phần nên được xem lại kỹ càng, hầu như đề test EY năm nào cũng có bài tập phần này, đặc biệt không cho tỷ lệ nộp thuế mà phải tự nhớ để tính toán. |
IQ | 10 câu | 20 điểm | IQ của EY thường xuất hiện nhiều câu liên quan tới logic hình học, tuy nhiên, hầu hết thí sinh đều đánh giá là không quá khó. |
General Knowledge | 10 câu | 20 điểm | Seagames 2016, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh lần lượt xuất hiện trong đề Internship FY16, còn đề Fresh thì hỏi về các quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, hoa hậu hoàn vũ 2016. Hiếm có người nào giành được trọn vẹn điểm phần này, vì đề thi EY thường ra khá hiểm hóc và đầy tính bất ngờ. |
Writing short essay | 1 đoạn văn | 10 điểm | Chọn 1 trong 2 chủ đề viết đưa ra, 1 là ảnh hưởng nhập cư tới nền kinh tế cơ hội, thách thức; 2 là bàn luận về vấn đề đạo đức trong lĩnh vực kiểm toán; tại sao nó quan trọng; cái gì ảnh hưởng tới đạo đức và làm thế nào để đảm bảo hành xử có đạo đức. |
Đọc cấu trúc đề thi, cũng dễ dàng thấy EY tập trung trọng số điểm nhiều hơn vào phần IQ và kiến thức xã hội, 2 điểm/ câu, trong khi chuyên ngành cũng chiếm đến 50% tổng điểm nhưng trung bình chỉ 1 điểm/ câu, Writing là phần đáng sợ nhất lại chỉ chiếm 10%. Kết luận lại là khi hết giờ thì các bạn tốt nhất là nhanh chóng hoàn thiện phần IQ và General knowledge để tối đa hóa số điểm của mình.
Vòng 3: Phỏng vấn với HR và Partner
Khoảng 140 người sẽ được tiếp tục lựa chọn bước vào vòng 3. Thông thường, ứng viên sẽ được hỏi hoàn toàn bằng Tiếng Anh, tuy nhiên, có thể sử dụng tiếng Việt trong tình thế câu hỏi chuyên ngành quá khó. Các câu hỏi xoay quanh kiến thức chuyên ngành, có thể hỏi về Thuế và CV của các bạn. Hãy đọc CV thật kỹ và ước chừng các câu hỏi có thể bị hỏi trước để bớt bối rối. Nói chung, Partner của EY khá vui tính, không khí phỏng vấn cũng thoải mái nên các bạn đừng lo.
Sau vòng này, khoảng 100 ứng viên sẽ trở thành thực tập sinh chính thức và được nhận cơ hội làm việc tại EY.
Làm việc tại EY
1. Môi trường làm việc
Có rất nhiều ý kiến cho rằng vì cùng làm về lĩnh vực tài chính, môi trường làm việc của các firm tại BIG4 sẽ giống nhau, tuy nhiên thực tế lại không phải như vậy. Văn phòng EY Việt Nam ở Hà Nội đặt tại tòa nhà Corner Building trên đường Phan Chu Trinh, một trong những con phố nhộn nhịp và có rất nhiều công ty lớn. Đây cũng là vị trí “đắc địa” để các thành viên làm việc tại EY thuận tiện di chuyển, mở rộng quan hệ và tiếp xúc với nhiều đối tác lớn. Cũng vì vậy, môi trường EY được đánh giá là chuyên nghiệp và khá “Tây”. Đặc biệt hơn, văn phòng EY gây ấn tượng với sự gọn gàng, ấm áp, không trang trí nhiều, không có chi tiết thừa và đặc biệt có cơ sở vật chất “xịn”.
Nói về môi trường làm việc tại EY, chị D., cựu thực tập sinh của EY chia sẻ: “Điều làm chị thấy thích nhất sau kì intern ở EY là môi trường làm việc chuyên nghiệp, nơi mà mọi người tôn trọng đồng nghiệp của mình và em được tạo điều kiện cũng như sức ép tối đa để tự phát triển mình. Nói chung chị nghĩ ưu điểm lớn nhất của BIG4 không nằm ở lương bổng mà ở môi trường chuyên nghiệp, có các quy trình làm việc và nhân sự rõ ràng, đặc biệt chú trọng vào phát triển con người.”
2. Văn hóa doanh nghiệp
EY rất nổi tiếng với câu slogan “Building a better working world” – Xây dựng môi trường làm việc tốt đẹp hơn. Một môi trường làm việc chuyên nghiệp, tin tưởng lẫn nhau, phát triển ổn định, nuôi dưỡng tài năng ở khắp các lĩnh vực và hợp tác giữa các nhân viên là điều mà EY luôn muốn xây dựng. Từ một môi trường làm việc tốt và hiệu quả sẽ làm nên một thế giới tốt đẹp hơn.
EY Việt Nam cũng chú trọng vào các hoạt động dành riêng cho nhân viên. Sau ngày 31/03 – ngày kết thúc mùa bận của một kiểm toán viên, tất cả mọi người mảng Kiểm toán sẽ được tham gia chương trình “End of busy season”. Đây là hoạt động vui chơi, dã ngoại để nhân viên sạc lại năng lượng sau mùa bận đầy căng thẳng. Ngoài ra, làm việc tại EY, bạn sẽ được tham gia vào nhiều buổi dã ngoại để gắn kết các thành viên của công ty.
Thực tế về văn hóa làm việc tại EY, chị D. cho rằng: “Văn hóa công ty ở EY chị thấy tương đối trầm, tuy không liên hoan hội hè tưng bừng nhiều nhưng mọi người đều rất nice. Không có chuyện ma cũ bắt nạt ma mới, nếu em là nhân viên mới em sẽ nhận được sự quan tâm và thông cảm từ mọi người rất nhiều. Các quy trình feedback, thưởng, nhân sự đều rất rõ ràng và chuyên nghiệp. Khối lượng công việc thì đồ sộ và đòi hỏi khả năng tự lực lớn nên đương nhiên nếu em kiên nhẫn và đủ mạnh mẽ để survive thì em sẽ phát triển được bản thân rất nhiều, cả về nghiệp vụ và soft skills.”
3. Hạn chế và thách thức
Thành công sau những vòng thi tuyển đầy khó khăn và được làm việc tại EY là mong ước của nhiều bạn trẻ theo ngành Kế toán – Kiểm toán và các khối ngành Kinh tế nói chung. Tuy nhiên chúng ta cũng cần nhìn rõ hơn về những áp lực và thách thức khi làm việc tại một firm lớn của BIG4 để thấy “tầm” của tổ chức.
EY là một firm lớn và uy tín, chính vì vậy luôn đòi hỏi các thành viên kiến thức, kinh nghiệm và rất nhiều kĩ năng để có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chị D. chia sẻ về quá trình làm thực tập sinh tại EY: “Thời gian đầu làm việc bao giờ cũng là lúc dễ nản nhất vì cái gì cũng mới với em và em cảm giác em phải bơi trông một bể kiến thức mà chả biết bắt đầu từ đâu. Với chị thì khó nhất là việc tự học để có thể làm tốt công việc được giao, bởi vì ở EY sẽ chẳng có ai quát nạt em hay là ép em phải làm việc cả, nhưng đến deadline em không có cái gì bàn giao hoặc bàn giao lởm khởm thì rắc rối to. Nên việc phải tự đọc, rồi suy nghĩ xem cái gì nên hỏi, cái gì không nên hỏi, hỏi ai, hỏi vào lúc nào sẽ khiến em cực đau đầu. Tóm lại challenge lớn nhất vẫn là tiếp thu và học được kiến thức thực tế để làm được việc.”
Đối với nhân viên chính thức, sẽ có nhiều những chế độ đãi ngộ riêng, nhưng để bắt đầu, vị trí thực tập sinh không mấy dễ dàng. Thi tuyển đã khó, đối mặt với áp lực và khó khăn khi bắt đầu làm việc tại EY cũng đòi hỏi thực tập sinh những nỗ lực rất lớn. Chị D. nhận xét: “Điểm mạnh là em được làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp, được trải nghiệm công việc thực tế và được training các kĩ năng thiết thực. Nói chung chị cho rằng khi em vừa chập chững bước vào trường đời mà được làm việc ở BIG4 thì đấy là một khởi đầu rất tốt.
Ngoài ra khó khăn nói chung là intern cũng vẫn hay bị xem là “người ngoài”, chủ yếu làm việc lon ton sai vặt và đi dịch. Đương nhiên mọi thứ phải bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt nhất, nhưng nói chung tâm lý chung của mọi người ở công ty thì intern vẫn kiểu rất non và cũng không biết có gắn bó lâu dài không nên thường không được involve nhiều lắm vào các việc có tính nghiệp vụ cao. Cái này là thực tế thôi nhưng có thể làm nhiều bạn kì vọng cao bị nản. Chính vì vậy chị càng phải cố gắng nhiều hơn để chứng tỏ khả năng và mong muốn làm việc của mình cho mọi người trong nhóm.”
Kết luận: Đối mặt với áp lực và vượt qua thách thức là điều bạn luôn cần sẵn sàng khi làm việc tại BIG4 nói chung hay tại Deloitte, PwC, KPMG và EY nói riêng. Tuy nhiên sự đánh đổi ấy sẽ mang lại cho bạn không ít cơ hội, từ việc trở thành nhân viên chính thức cho đến bồi đắp tầng kinh nghiệm cho sự nghiệp của bạn sau này. Nếu muốn thử sức mình trong một môi trường làm việc chuyên nghiệp, có nhiều cơ hội để được lắng nghe, phát triển năng lực bản thân, học hỏi kiến thức, EY chắc chắn sẽ là nơi làm việc vô cùng lý tưởng.
Hãy trang bị cho mình đủ cả kiến thức cứng và mềm, đồng thời tạo cho mình một bản CV thật tốt và thể hiện xuất sắc nhất trước nhà tuyển dụng để tận dụng cơ hội làm việc tại EY nhé!
Bài viết tổng hợp và tham khảo từ SAPP, IJV và có thể còn nhiều thiếu sót, rất mong nhận được thêm thông tin góp ý, chia sẻ của các bạn để bổ sung cho những hiểu biết về EY Việt Nam.