Bạn có từng lo lắng khi phỏng vấn xong rồi mà nhà tuyển dụng không hồi âm lại? Bạn hồi hộp vì chờ mãi mà nhà tuyển dụng không thông báo kết quả phỏng vấn? Chúng tôi sẽ chia sẻ 5 lý do khiến nhà tuyển dụng thường “bặt vô âm tín” sau phỏng vấn tại bài viết này.
Lý do nhà tuyển dụng không hồi âm sau phỏng vấn
Phản hồi từ nhà tuyển dụng là điều ứng viên mong chờ nhất sau khi phỏng vấn trực tiếp. Tuy nhiên, không phải lúc nào nhà tuyển dụng cũng trả lời ngay mà phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Thực tế cho thấy có nhiều lý do phổ biến khiến nhiều nhà tuyển dụng không hồi âm ngay lập tức. Cụ thể:
Quá trình tuyển dụng vẫn chưa kết thúc
Có thể nói, nguyên nhân chủ yếu khiến bạn chưa nhận được phản hồi là bởi nhà tuyển dụng chưa kết thúc quá trình tuyển chọn. Hãy để ý kỹ về thời gian ứng tuyển, ví dụ như: từ 31/3 đến 30/4, hạn cuối cùng 30/4,…để biết lúc nào là hạn chót. Quá trình tuyển dụng thực sự cần cân nhắc kỹ lưỡng và đề cao tính chọn lọc nên hãy kiên nhẫn chờ đợi.
Vị trí tuyển dụng không còn tồn tại
Một lý do khác khiến nhà tuyển dụng không hồi âm lại chính là vì họ đã hủy kế hoạch tuyển dụng trước đó. Có thể phía lãnh đạo đã bổ nhiệm được người khác lên thay thế vị trí còn trống. Trường hợp khác thì do cắt giảm nhân sự nên công ty lược bỏ một số vị trí không quan trọng. Đối với nguyên nhân này, nhà tuyển dụng thường sẽ thông báo xin lỗi đến ứng viên nên đừng quá lo lắng.
Số lượng người tuyển quá đông
Lượng hồ sơ ứng tuyển ở một vài công ty, tập đoàn lớn có thể rất cao. Vì vậy, quá trình tuyển dụng có thể kéo dài nhằm phỏng vấn đủ toàn bộ người tới xin việc. Các nhà tuyển dụng cũng cần thời gian đánh giá và xem xét cẩn thận nên không thể trả lời ngay lập tức. Không có gì lạ khi thư phản hồi của bạn bị trì hoãn khi phải cạnh tranh với nhiều ứng viên khác.
Địa chỉ email, số điện thoại liên hệ của ứng viên bị sai
Đừng để những chi tiết cẩu thả và thiếu cẩn trọng đánh mất đi lợi thế tuyển dụng của bạn. Nhất là khi nội dung thông tin liên hệ thường bị coi nhẹ, dẫn đến lỗi sai không đáng có.
Từng có nhiều trường hợp ứng viên trúng tuyển nhưng nhà tuyển dụng lại không liên hệ được vì sai thông tin email hoặc số điện thoại di động. Từ đó, hãy cẩn thận từng chút một và không quên kiểm tra lại toàn bộ CV trước khi nộp xin việc. Hơn nữa, tên email trong CV cũng nên thể hiện sự chuyên nghiệp bằng cách dùng tên thật. Hạn chế gửi thông tin email khó hiểu, chẳng hạn như: dùng teencode, dùng tên biệt danh, dùng quá nhiều dấu câu…
Xem thêm: Bí quyết sắp xếp thông tin trong CV một cách hiệu quả
Bạn không trúng tuyển
Đương nhiên, cũng có khi nhà tuyển dụng không trả lời vì bạn đã bị loại sau vòng phỏng vấn. Trường hợp này xảy ra khá nhiều trong thực tế. Nếu đang lỡ mất cơ hội việc làm mong đợi thì bạn đừng quá buồn mà hãy suy ngẫm lại về lý do bị từ chối. “Thua keo này, bày keo khác” nên đừng vì không trúng tuyển một lần mà bỏ cuộc. Đây chính là cơ hội để bạn xem xét và trau dồi bản thân để sửa đổi những điểm yếu.
Xem thêm:
Phải làm gì khi nhà tuyển dụng “im lặng” sau buổi phỏng vấn?
Xem xét lại buổi phỏng vấn
Nếu bạn không trúng tuyển sau buổi phỏng vấn thì hãy xem lại lý do vì sao mình thể hiện chưa tốt. Đặc biệt chú ý về trình độ và kỹ năng cá nhân để biết mình mạnh, yếu ra sao. Phương án tích cực nhất là tự rà soát lại các câu hỏi của nhà tuyển dụng rồi chọn lọc ra cách trả lời phù hợp nhất. Một khi tự nhận định được tỷ lệ trúng tuyển, bạn sẽ trau dồi thêm được những điểm thiếu sót. Điều này giúp bạn tự tin hơn trong lần phỏng vấn tiếp theo. Bên cạnh đó, sẵn sàng đón chào nhiều cơ hội việc làm mới.
Xem thêm: Chia sẻ kinh nghiệm phỏng vấn giúp bạn ghi điểm với nhà tuyển dụng
Sau đây là một số nguyên nhân khiến nhà tuyển dụng đánh trượt bạn sau buổi phỏng vấn xin việc:
- Kỹ năng giao tiếp kém tự tin.
- Cách trả lời phỏng vấn lan man, không đúng trọng tâm.
- CV nhạt nhòa, không thuyết phục hoặc thiếu nhiều thông tin quan trọng.
- Kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm chưa đạt yêu cầu.
- Chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc ở vị trí tương tự.
Liên hệ lại với nhà tuyển dụng không hồi âm
Khi chưa hiểu vì sao nhà tuyển dụng phản hồi chậm thì bạn có thể liên hệ lại ngay để biết thêm chi tiết. Hãy soạn một email lịch sự và chuyên nghiệp để hỏi họ về kết quả phỏng vấn. Nội dung và hình thức email càng tinh tế, ngắn gọn thì bạn càng gây ấn tượng tốt đẹp với nhà tuyển dụng.
Chú ý ghi đầy đủ thông tin và lý do gửi thư tại tiêu đề email. Trong đó, cần đầy đủ thông tin về: họ và tên, thời gian/địa điểm phỏng vấn, vị trí phỏng vấn…để phía công ty tìm lại hồ sơ dễ dàng nhất. Cuối cùng, không quên lời cảm ơn để bày tỏ thái độ chân thành và lịch sự.
Nói tóm lại, nhà tuyển dụng không hồi âm vì nhiều lý do. Dù đó là vì bạn chưa trúng tuyển thì cũng đừng thất vọng mà hãy rút kinh nghiệm tiến về phía trước. Sau khi xem chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển tốt hơn, bạn có thể tìm kiếm cơ hội việc làm mới tại TopCV. Tại đây cung cấp rất nhiều việc làm đa dạng với mức lương và bảng mô tả công việc cụ thể. Chúc bạn sớm thành công trên con đường sự nghiệp nhé!
Nguồn ảnh: Sưu tầm