Người Việt Nam chúng ta có một văn hoá rất lạ, ấy là văn hoá hỏi tiền. Nhà mấy tỉ, xe mấy chục, bộ cánh mới mấy trăm? Và tầm này mỗi năm bạn bè gặp mặt thì đều túm vai nhau hỏi: Thưởng Tết được bao nhiêu hả bạn?

Mọi người con xa quê đều mong Tết để trở về đoàn tụ gia đình, gặp gỡ bạn bè người thân. Nhưng xung quanh câu chuyện “về nhà đón Tết” không phải bao giờ cũng toàn niềm vui ấm áp. Cùng lắng nghe chia sẻ của T.H, chàng trai đã có những kỷ niệm không mấy vui vẻ trong mùa Tết 2018.

“Tưởng dân thành phố thế nào…”

“Mình học đại học ở Hà Nội. Vừa ra trường là đã kiếm được việc rồi. Đối với đứa tỉnh lẻ mới bắt đầu như mình cũng gọi là may mắn.

Tết năm ngoái là lần đầu tiên mình về nhà với tư cách là đứa đã đi làm. Không giỏi giang gì nhưng cũng tự nuôi được thân, mua được chút kẹo bánh biếu gia đình làng xóm. Lúc đầu mình phấn khởi cực kì. Nhưng ăn Tết vài ngày ở nhà tâm trạng tuột dốc không phanh.

Bố mẹ thì không nhắc, nhưng gặp xóm làng cô chú gì biết mình đi làm thành phố, câu đầu tiên đều hỏi: Lương bao nhiêu, Tết thưởng mấy? Đầu tiên mình cũng thật thà trả lời. Người ta phải quan tâm mình, muốn biết cuộc sống thế nào thì mới hỏi chứ.

Nhưng gặp một người, hai người thì không sao. Mấy ngày Tết mình phải trả lời kiểu câu hỏi ấy không biết bao nhiêu lần. Có người hỏi cụ thể cả lương, bảo hiểm, thưởng Tết âm Tết dương các thứ chẳng khác như điều tra.

"nam-mới-gặp-nhau-sao-khong-hỏi-tham-sức-khoẻ-gia-dinh-ma-cứ-to-mo-lương-thưởng-lam-gi"?-01

Bực mình ở chỗ, không chỉ hỏi, và người con buông đôi ba lời nhận xét. Nặng thì kiểu “tưởng làm thành phố thế nào, cũng bằng con bác ở quê”, “Ơ thưởng Tết có bấy nhiêu thế thôi á, chán nhỉ”. Nhẹ thì “Lương thưởng chẳng bao nhiêu, đời sống đắt đỏ, mua quà cáp gì cho bố mẹ được không”…

Rồi không biết nghe ai tỉ tê, mới mồng 3 Tết mẹ mình đã lôi ra tâm sự. Bảo là hay về quê mà làm, ở thành phố đắt đỏ mà cũng có kiếm được mấy tiền đâu, không bằng con bác A bác C. Người ta làm nhà nước Tết này nhận được nhiều phong bì lắm kìa… Mình tự ái kinh khủng. Hai mẹ con đâm ra gắt gỏng, mấy ngày Tết mà chả vui.

Thật sự không biết trả lời sao với quan điểm của các cụ. Mình chỉ vừa đi làm, tương lai còn phát triển nhiều. Mình cũng có định hướng phấn đấu của mình chứ. Có thể đồng lương khoản thưởng bây giờ chưa cao nhưng sau này sẽ khác. Môi trường làm việc của mình tốt như thế nào cũng chẳng ai biết. Hằng ngày đi làm vui vẻ, văn minh như nào thì chả ai hỏi…

Mình thực sự khó chịu ấy, năm mới gặp nhau sao không hỏi thăm sức khoẻ gia đình mà cứ tò mò lương thưởng làm gì?”

Một “truyền thống” của người Việt

"nam-mới-gặp-nhau-sao-khong-hỏi-tham-sức-khoẻ-gia-dinh-ma-cứ-to-mo-lương-thưởng-lam-gi"?-02
Nguồn ảnh: Bộ tranh “Ước mong Cha Mẹ ngày Tết” của Ensure

Làm việc với người nước ngoài, bạn sẽ thấy mức lương là một điều chẳng bao giờ được nhắc tới. Thậm chí nếu ai đó thắc mắc về công việc, lương thưởng của bạn còn bị cho là bất lịch sự, thô lỗ.  

Nhưng đối với Việt Nam, tâm lý tò mò, đặc biệt là chuyện lương thưởng lại phổ biến như một “truyền thống” lạ đời. Bạn sẽ đặc biệt hiểu rõ “truyền thống” này hơn nếu có dịp về những vùng quê ăn Tết.

Thực tế, hỏi thăm về tiền lương, khoản thưởng dịp Tết không phải là một điều xấu. Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng là những quốc gia đề cao lối sống tình cảm. Bạn chia sẻ với gia đình, người thân, bạn bè niềm vui, nỗi buồn, dự định cuộc sống mà tất nhiên họ cũng quan tâm những điều ngược lại.

Công việc, một cuộc sống mỗi người đều khác nhau. Tiền lương, thưởng lại là thứ quy chuẩn khá khách quan, dễ đánh giá. Vậy nên nếu ai đó hỏi bạn về số lương trong tài khoản, có thể đó chỉ là một thói quen cho cách hỏi thăm. Họ quan tâm xem dạo này bạn có được thoải mái, công việc có được thuận lợi. Từ đó, họ chia sẻ nếu bạn gặp rắc rối, vui mừng nếu bạn đang làm tốt công việc của mình

Nhưng không phải “truyền thống” nào cũng cần phát huy

Có thể xuất phát từ động cơ tình cảm tốt đẹp, có thể không, nhưng thực tế hiện nay cho thấy sự tò mò về lương thưởng chỉ đem lại khó chịu cho người nghe.

"nam-mới-gặp-nhau-sao-khong-hỏi-tham-sức-khoẻ-gia-dinh-ma-cứ-to-mo-lương-thưởng-lam-gi"?-03
Nguồn ảnh: Bộ tranh “Ước mong Cha Mẹ ngày Tết” của Ensure

Câu chuyện của T.H ở đầu bài cũng giống như chia sẻ của rất nhiều bạn khác. Câu hỏi tiền bạc đa số không khiến người nghe cảm nhận được sự quan tâm. Thậm chí nó thể hiện tâm lý tọc mạch, tranh đua, tính toán.

Cuộc sống luôn tồn tại sự cạnh tranh. Một số người con những đồng lương thưởng ngày Tết là thước đo chiến thắng. Con cái ai giỏi hơn? bạn bè ai thành công hơn? ai có tương lai hơn?…Phải chăng đấy là những câu trả lời mọi người tìm kiếm sau những tò mò.

Mùa Tết là để yêu thương

Cuộc sống vốn dĩ đã rất mệt mỏi, tranh đua. Sau một năm lăn lộn, chúng ta trở về với gia đình và người thân, tìm kiếm sự thảnh thơi, không nghi kị, tính toán.

Chúng ta quan tâm và chia sẻ với nhau, nhưng nên là những điều xứng đáng. Lời hỏi thăm chân thành sẽ luôn xuất phát từ tình cảm, không phải tọc mạch ganh đua.

"nam-mới-gặp-nhau-sao-khong-hỏi-tham-sức-khoẻ-gia-dinh-ma-cứ-to-mo-lương-thưởng-lam-gi"?-04
Nguồn ảnh: Bộ tranh “Ước mong Cha Mẹ ngày Tết” của Ensure

Tạm thời không bàn tới giá trị của tiền bạc. Bỏ qua câu chuyện về đồng lương. Thôi suy nghĩ về giá trị của môi trường làm việc, về những phúc lợi 0 đồng. Đó sẽ là những câu chuyện dài khó có thể giải thích trong vài lời thăm Tết.

Tết là mùa yêu thương, vậy nên hãy là những người văn minh, ngay từ trong câu hỏi!