Cứ tầm cuối năm là lại có vài mẫu câu được nghe đi nghe lại. Gặp họ hàng thì hỏi thăm, “Bao giờ lấy chồng?”, gặp hàng xóm tặc lưỡi “Dạo này béo nhỉ?” mà gặp mặt bạn bè thì lại túm vai nhau “Năm nay lương thưởng thế nào bạn ơi?”
Năm nay được thưởng bao nhiêu? Câu hỏi chẳng mấy khi được trả lời. Nhiều thì bị đánh giá khoe khoang, ít lại chứng tỏ mình kém cỏi. Có người cố gắng cả năm nhận chút tiền thưởng đương vui vẻ, nhìn qua bên cạnh thấy cái thằng trời đất nào đấy chẳng làm gì tài khoản cũng nhảy vài lần số 0, tự nhiên thấy chẳng còn muốn Tết.
Tết Mậu Tuất 2018, một ngân hàng nước ngoài tại Tp Hồ Chí Minh gây xôn xao dư luận khi đưa ra mức thưởng Tết 1,5 tỷ đồng – con số có lẽ không khỏi khiến phần đa người lao động chạnh lòng. Ở một thế giới khác, 20.000d là con số thưởng Tết chạm đáy, đó là chưa kể những trường hợp thậm chí còn không biết đến khái niệm “thưởng Tết” là gì.
“Mình vào nghề giáo viên cũng 3 năm rồi, Tết năm ngoài được thưởng 5 triệu, cũng gọi là chi tiêu vừa đủ. Bỗng nhiên đọc báo thấy có trường mầm non ở Tp. Hồ Chí Minh thưởng giáo viên ba mươi mấy triệu một người, tự nhiên muốn chuyển ngạch luôn. Xong lại có bài báo khác kể chuyện trường tiểu học ngoại ô thưởng Tết nhân viên 500 nghìn với 5 lít nước mắm, lại nghĩ thôi mình cứ làm tiếp vậy” – Hà (26 tuổi) giáo viên tiểu học tại Hà Nội chia sẻ vui
Bộ Lao động – Thương binh Xã hội vẫn chưa có báo cáo chính thức về tình hình lương thưởng Tết 2019, tuy nhiên có lẽ việc chênh lệch lương thưởng tại các địa phương, thành phố và thành thị, doanh nghiệp nhà nước và nước ngoài là điều khó mà thay đổi.
Luật Lao động hiện hành quy định thưởng Tết không phải là khoản bắt buộc mà phụ thuộc vào tình hình doanh nghiệp, thoả thuận giữa các bên hay thậm chí là lòng hảo tâm của người cầm trịch. Vậy nên việc có người cầm tiền thưởng đi mua nhà tậu xe còn kẻ khác ăn bữa quà sáng là vừa hết là điều dễ thấy.
“Mình làm việc cho một Agency ,công ty còn bé nên ít có khoản thêm, tết dương vừa rồi bạn bè đều có thưởng mình thì không nên tết âm này cũng không hy vọng gì lắm.” – Ngọc (23 tuổi) PR Officer làm việc tại Hà Nội chia sẻ
Người lao động từ lâu cũng đã quen với thực tế này. Hỏi “năm nay làm ăn được không bác ơi” thì đều nhận được câu trả lời “cũng tạm”. Nhưng có cái “tạm” vài trăm củ, vài chục củ cũng có cái “tạm” vài trăm nghìn thậm chí chẳng có gì (!?)
“Được động viên” mỗi mùa Tết đến xuân về không chỉ là nhu cầu mà đã dần trở thành văn hoá của người lao động Việt. Và sự động viên được ghi nhận nhất chính là con số nhảy vào tài khoản trước kỳ nghỉ lễ. Thưởng Tết dùng để mua quà Tết biếu bố mẹ, trang hoàng nhà cửa để đón khách hay đơn giản là đầu tư cho bản thân sau một năm làm việc vất vả…
Đáp ứng được những nhu cầu thiết thực như vậy nên có không ít người quan niệm 12 tháng làm việc vất vả cũng chỉ để đổi lại vài ngày Tết ấm no sung túc “đói quanh năm, no ba ngày Tết”
“Thị trường bão hoà nên năm vừa rồi công ty làm ăn cũng không được tốt. Nhưng lỗ hay lời gì thì cuối năm vẫn cố trích ra một khoản để động viên anh em cả năm cày bục mặt. Gì chứ Tết mà không có thưởng là khó coi lắm, mình cũng là người là công ăn lương nên hiểu” – Anh Thành (35 tuổi) – Trưởng phòng nhân sự của một công ty Bất động sản ở Hà Nội.
Tuy nhiên quan điểm rất tâm lý này đôi khi lại bị biến tướng, trở thành cái cớ cho cách hành xử méo mó của vài doanh nghiệp. Môi trường phát triển có nghèo nàn, điều kiện làm việc khó nhằn, cấp trên “đồng bóng” tới mức nào thì chỉ cần một khoản thưởng Tết to lao động cũng sẽ “ngậm đắng nuốt cay” (!?). Tuy nhiên thực tế cho thấy không phải nhân sự nào cũng sẽ hài lòng với quan điểm này.
“Trước mình làm tín dụng cho một ngân hàng nước ngoài. Lương thưởng mỗi dịp lễ Tết chỉ toàn tính bằng tiền đô. Ai nhìn vào cũng ngưỡng mộ. Nhưng thực tế là kiếm được tiền của người ta đâu phải là chuyện dễ. Hồi ấy mình “bán mạng” ở công ty theo đúng nghĩa đen, ngày nào cũng làm từ sáng sớm tới tối mịt. Sếp đẩy doanh số hàng tháng, làm việc căng thẳng cực kỳ. Năm ngoái mình làm việc tới tận 30 tết, bạn tới chơi nhà bảo nhìn mày tơi tả không khác gì bà bán tạp hoá đầu ngõ. Thưởng nhiều làm gì để cuối cùng chả có thời gian để tiêu. Thế là sau mùa lễ ấy mình nghỉ luôn” – Ngọc (28 tuổi) hiện đã chuyển qua làm sales cho một công ty nhỏ hơn. Mặc dù thưởng Tết không bằng công ty cũ nhưng Ngọc cho biết môi trường và văn hoá doanh nghiệp khiến chị thoải mái và hài lòng hơn nhiều.
Thẳng thắn mà nói câu chuyện của Ngọc cũng được cho là khá may mắn. Phổ biến hơn hết vẫn là trường hợp lao động méo mặt vì thưởng Tết nhỏ giọt.
Doanh nghiệp thua lỗ tất nhiên là yếu tố hàng đầu khiến tài khoản của bạn không nhảy số vào dịp Tết đến xuân về. Nhưng khoản thưởng Tết ít ỏi đôi khi là kết quả của một bộ máy quản lý hành chính yếu kém, lãng phí chi tiêu. Giống với chia sẻ của Thanh Tâm, nhân viên sales của một trung tâm giáo dục
“Mình thì nhân viên quèn thôi, chẳng biết nội bộ các anh chị làm việc thế nào, nhưng thấy doanh số hàng tháng của mọi người ai cũng tốt, văn phòng thì sắm sửa thường xuyên, các sếp đi ngoại giao event tài trợ rầm rầm, tới kỳ lương thưởng nhân viên thì ba cọc ba đồng… chán. Phong bạt rầm rộ thế nên khi mình nói tên công ty ra ai cũng tưởng được thưởng nghìn đô cơ”
Mặt khác, cũng không hiếm trường hợp mùa Tết hẩm hiu có lý do xuất phát từ người lao động. Anh Dũng, trưởng phòng marketing của một doanh nghiệp tại Tp Hồ Chí Minh là người thường xuyên review kết quả cuối năm của các nhân sự trong phòng chia sẻ.
“Mỗi năm tới mùa quyết toán là lại đau đầu vô cùng. Họp lên họp xuống để đánh giá thành tích, xếp hạng lương thưởng cho hợp lý. Và người kết quả không đạt so với mặt bằng thì tất nhiên thưởng ít. Có nhiều em khó khăn mình cũng thương lắm, thêm vài đồng tiền thưởng cho các em thì cũng không đáng gì nhưng lại làm xáo trộn quy chế, cũng là không công bằng với những người có năng lực nên thôi chỉ biết động viên sang năm cố gắng hơn”
Tiền thưởng không chỉ là khoản “động viên” mà còn là thước đo năng suất người lao động. “Làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu” chính là triết lý quản trị của doanh nghiệp hiện đại. Minh Ngọc, một designer trẻ cũng hoàn toàn hiểu được triết lý này
“Mình nghỉ việc ở công ty cũ hồi tháng 8, rồi dành 2 tháng trời chỉ có đi du lịch đó đây. Tới tận giữa tháng 11 mới bắt đầu công việc này. Mất thêm gần một tháng làm quen. Giờ thì cũng hoà nhập được rồi nhưng xác định luôn là năm nay không có lương tháng 13, cũng không hy vọng nhiều vào thưởng Tết năm nay. Đã làm được gì nhiều đâu mà đòi quyền lợi”
Lương thưởng luôn là một chủ đề tế nhị. Chủ doanh nghiệp cần biết quản lý để chăm lo đầy đủ cho nhân viên, ngược lại nhân viên cũng cần hiểu rõ đâu là giá trị của mình và cống hiến xứng đáng. Nhu cầu thưởng Tết sẽ luôn còn đó, mong rằng với sự phát triển của xã hội và nhận thức, trình độ của người lao động thì chúng ta sẽ đón Tết ngày một vui vẻ văn minh và hạnh phúc hơn.