IoT – Internet of Things là một khái niệm còn xa lạ với nhiều người, ngay cả những người làm việc trong lĩnh vực công nghệ, song đây hứa hẹn là một trong những công nghệ của tương lai. Hãy cùng Blog TopCV tìm hiểu IoT là gì, những ứng dụng hiện tại của IoT và tương lai phát triển của lĩnh vực này nhé!
Công nghệ IoT là gì?
IoT, đúng như tên gọi “Internet of Things”, là một hệ thống mà tất cả các thiết bị đều được kết nối với nhau và mạng internet. Người dùng có thể thông qua một thiết bị thông minh được kết nối internet (ví dụ điện thoại thông minh, đồng hồ thông minh, tablet, laptop,…) để kiểm soát trạng thái và hoạt động của các thiết bị trong hệ thống.
Trong mạng lưới IoT, mỗi thiết bị đều được “định danh” và có khả năng trao đổi dữ liệu, truyền tải thông tin với nhau thông qua Bluetooth, mạng wifi, mạng viễn thông 3G/4G và tiến tới là 5G, con người chỉ cần sử dụng thiết bị điều khiển hệ thống mà không cần tới tương tác trực tiếp. IoT trong tương lai sẽ là một hệ thống mạng kết nối khổng lồ (bao gồm cả con người) sử dụng điện toán đám mây kết nối các mối quan hệ giữa người với người, người với thiết bị, thiết bị với thiết bị.
>>> Tham khảo: Trọn bộ cẩm nang hướng nghiệp cho sinh viên CNTT
Vai trò và những ứng dụng trong thực tế của IoT là gì?
IoT được ứng dụng trên rất nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, từ công nghiệp, dịch vụ, phần mềm cho tới bán lẻ thông minh, quản trị các hệ thống thông minh, tiến tới tương lai tạo dựng nên những đô thị thông minh (smart city) cho con người.
Ứng dụng IoT trong công nghiệp
Cho tới nay, công nghiệp mà cụ thể là tự động hóa là lĩnh vực ứng dụng IoT nhanh chóng và sâu rộng nhất với các nhà máy thông minh (smart factory) hay nhà máy số (digital factory). I-IoT (Industrial Internet of Things) là nhánh phát triển trọng tâm nhất trong ngành IoT nói chung.
IoT có nhiệm vụ hỗ trợ kỹ thuật công nghiệp cho toàn bộ hệ thống sản xuất của dây chuyền. Trong nhà máy thông minh, rô bốt có nhiệm vụ thay thế sức lao động thủ công, dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) được coi như đầu não xử lý dữ liệu và đưa ra quyết định, thì toàn bộ các thành phần của hệ thống nhà máy thông minh đều sẽ được kết nối bằng IoT. Hiện nay các nhà máy sản xuất xe hơi đã áp dụng công nghệ IoT cùng các cỗ máy tích hợp trí thông minh nhân tạo, mang tới năng suất và độ chính xác gần như hoàn hảo so với sử dụng công nhân.
Smart home – Nhà thông minh
Một trong những ứng dụng phổ biến nhất của IoT là hệ thống nhà thông minh (smart home). Đây là hệ thống kết nối các thiết bị điện trong căn hộ thông qua một thiết bị thông minh, qua đó người dùng có thể theo dõi, giám sát và điều khiển các thiết bị này 24/24 từ xa. Cụ thể, khi mở ứng dụng quản lý, người dùng có thể bật/tắt các thiết bị điện như điều hòa, đèn điện, bình nóng lạnh, camera giám sát, bếp từ… nhờ đó, người dùng không cần lo lắng mình chưa tắt các thiết bị này, hay có thể chủ động bật/tắt từ xa tiện lợi.
>>> Tham khảo: Công nghệ thông tin gồm những chuyên ngành nào?
Chăm sóc sức khỏe cá nhân
Hệ thống theo dõi và chăm sóc sức khỏe cá nhân sử dụng nền tảng IoT là một bước tiến mới trong việc ứng dụng IoT vào đời sống. Bằng việc đeo các thiết bị kết nối chuyên dụng hoặc tích hợp (ví dụ smartwatch – đồng hồ thông minh như Apple Watch, vòng đeo tay thông minh Xiaomi Mi Band, Samsung Galaxy Fit, Huawei,…), các dữ liệu được hệ thống cảm biến thu thập và phân tích, từ đó giúp người dùng theo dõi tình trạng cơ thể, cường độ vận động, dự báo sức khỏe cũng như những thiết kế phòng chống bệnh tật.
Ứng dụng IoT trong nông nghiệp thông minh
Trong ngành nông nghiệp, IoT được ứng dụng để nhận biết các yếu tố như độ ẩm, nhiệt độ, nồng độ chất dinh dưỡng của đất trồng, mức độ hấp thụ nước từ đó có thể tính toán và tùy chỉnh lượng các dưỡng chất và phân bón phù hợp. IoT cũng có thể dự báo được tình hình sản lượng, chất lượng của nông sản, từ đó có chính sách, chiến lược giá phù hợp.
Ứng dụng IoT trong giao thông
Vai trò và những ứng dụng trong giao thông của IoT là gì? Hệ thống IoT hiện đang được ứng dụng rộng rãi trong việc quản lý hệ thống giao thông vận tải và logistics, bao gồm phương tiện giao thông, cơ sở hạ tầng đường sá cho tới chủ phương tiện. IoT tích hợp và hệ thống hóa thông tin liên lạc, dòng di chuyển, hỗ trợ theo dõi, kiểm soát và xử lý thông tin trong nhiều hệ thống giao thông phức tạp. Ứng dụng IoT trong giao thông là tiền đề cho việc xây dựng các smart city – thành phố thông minh trên thế giới
IoT Developer là ai? Cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực IoT cho các bạn trẻ hiện nay
Cùng với sự phát triển bùng nổ của IoT, công nghiệp 4.0 và nhiều lĩnh vực ứng dụng công nghệ khác thì IoT developers – lập trình hệ thống IoT cũng đang dần thu hút sự chú ý của nhiều bạn trẻ đam mê ngành công nghệ thông tin. IoT developers tập trung vào điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, là người thiết kế và xây dựng hệ thống IoT cho doanh nghiệp/đơn vị có nhu cầu. Một số kiến thức phục vụ cho công việc lập trình viên IoT bao gồm: Toán học, Máy móc, thiết bị, mạng viễn thông, Phần cứng – phần mềm máy tính, Cảm biến không dây, Lập trình nhúng và Lập trình ứng dụng IoT.
>>> Tham khảo: Lập trình viên học ngành gì? Có phải chỉ học mỗi ngành CNTT?
Trong tương lai, càng ngày sẽ có càng nhiều các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực từ công nghiệp, ngân hàng, điện lực, y tế, hạ tầng giao thông sẽ đưa nền tảng hệ thống IoT vào sử dụng. Do đó, nhu cầu về nguồn nhân lực cung cấp giải pháp, lập trình và vận hành hệ thống IoT là rất lớn.
Hy vọng rằng, thông qua việc tìm hiểu IoT là gì, ứng dụng của IoT trong đời sống và cơ hội công việc của IoT developers, bạn đã có thêm kiến thức về một trong những lĩnh vực Công nghệ thông tin hết sức có tiềm năng trong tương lai. Nếu bạn muốn tìm kiếm việc làm thì hãy lựa chọn TopCV để tìm việc. Truy cập TopCV ngay hôm nay để không bỏ lỡ những vị trí hấp dẫn nhất nhé!
Nguồn ảnh: Sưu tầm