Đi làm đổi công ty quá nhiều lần có sao không? Những rủi ro dễ gặp phải

Nhảy việc, đổi công ty quá nhiều lần là tình trạng khá phổ biến hiện nay, đặc biệt ở thế hệ tuổi trẻ. Khi đi làm, nếu bạn làm mãi ở một vị trí tại một doanh nghiệp thì cơ hội phát triển toàn diện gần như bị bó hẹp rất nhiều. Nhận thức được điều này, không ít người lựa chọn nhảy việc sau khi cảm thấy công việc hiện tại không còn phù hợp. Việc đổi công ty quá nhiều lần đi kèm khá nhiều rủi ro nếu bạn không có lựa chọn khôn ngoan. Cùng BlogTopCV tham khảo nội dung bài viết dưới đây để xem rằng liệu thay đổi công ty nhiều lần có ưu, nhược điểm gì? 

Thực trạng đi làm đổi công ty quá nhiều lần hiện nay

Trước đây, thời gian trung bình mỗi người gắn bó với một công ty khoảng 4-5 năm. Thế nhưng hiện nay, nhiều người lựa chọn nhảy việc khi chỉ mới gắn bó với công ty vài tháng, lâu nhất khoảng 2 năm. Theo khảo sát của Anphabe, 62% bạn trẻ ở độ tuổi từ 19-24 nhảy việc ngay năm đầu tiên đi làm, thậm chí nhảy vài lần. 

Hơn nữa, đa số các bạn trẻ ở độ tuổi từ 19-25 đều thích trải nghiệm, chinh phục thử thách và tìm kiếm môi trường làm việc lý tưởng để gắn bó. Trong khảo sát của Deloitte Global năm 2022, 40% người gen Z muốn rời bỏ công việc trong vòng 2 năm qua, với khoảng 46% tiết lộ cảm thấy kiệt sức vì môi trường làm việc không phù hợp. Như vậy, sẽ chẳng ngoa khi gọi nhảy việc là “văn hóa” của giới trẻ ngày nay. 

Co-nhieu-ly-do-khien-cac-ban-tre-lua-chon-doi-cong-ty-qua-nhieu-lan-trong-thoi-gian-ngan
Có nhiều lý do khiến các bạn trẻ lựa chọn đổi công ty quá nhiều lần trong thời gian ngắn

Có rất nhiều lý do giải thích cho việc đổi công ty quá nhiều lần trong một thời gian ngắn. Đôi khi những người nhảy việc vì không hài lòng với mức lương nên muốn tìm một công việc có thu nhập cao hơn. Nhiều người khác lại nhảy việc vì môi trường làm việc quá nhiều drama, đồng nghiệp toxic, họ cần tìm một công ty chuyên nghiệp hơn.

Trong một vài trường hợp khác, người ta nhảy việc vì mâu thuẫn với cấp trên, đồng nghiệp. Cuối cùng, có người nhảy việc vì cảm thấy công việc cũ quá nhàm chán, không phù hợp với mục tiêu hay định hướng phát triển và họ muốn tìm những thử thách mới. 

Lợi ích khi đổi công ty quá nhiều lần

Có thêm nhiều kinh nghiệm

Đổi công ty quá nhiều lần có phải quyết định xấu không? Thực tế, thay đổi công việc vài năm một lần, bạn sẽ thấy mỗi công ty sẽ có hoạt động nội bộ, văn hóa, môi trường làm việc khác nhau. Đồng thời, trong quá trình làm việc, ít nhiều bạn sẽ học hỏi được thêm nhiều kiến thức, tích lũy kinh nghiệm. Bạn có thể áp dụng chúng trong công việc tiếp theo để tạo ra nhiều ý tưởng tích cực, sáng tạo và có thể nhận được sự đánh giá cao từ cấp trên. 

Mở rộng mối quan hệ

Những kỹ năng mềm và kiến thức học được khi chuyển công ty là yếu tố quan trọng để gia tăng mối quan hệ trong nghề. Càng quen biết với nhiều người, danh sách khách hàng tiềm năng, đối tác,… càng mở rộng. Đây có thể coi là “tài sản” mang lại giá trị cho cả bạn và công ty bạn làm trong tương lai. Bên cạnh đó, bạn còn có thêm cơ hội học hỏi được nhiều kinh nghiệm bổ ích từ các mối quan hệ đó và thêm cơ hội phát triển cho sự nghiệp sau này. 

Tạo cơ hội tìm công việc phù hợp

Người trẻ nhảy việc nhiều không chỉ vì muốn tăng thu nhập mà còn do vị trí làm việc, văn hóa công ty không còn phù hợp với thế mạnh và không tạo hứng thú làm việc. Vì thế, nhảy việc là hành động cần thiết để các bạn trẻ tìm lại động lực làm việc, mở ra con đường sự nghiệp mới mẻ trong tương lai. Hơn nữa, việc tìm công ty mới còn giúp các bạn trẻ phát triển kỹ năng làm việc, giao tiếp, dĩ nhiên với điều kiện không tiếp tục nhảy việc trong thời gian ngắn. 

Loi-ich-nhay-viec-lien-tuc-mang-den-cho-nguoi-lao-dong
Lợi ích nhảy việc liên tục mang đến cho người lao động

>>> Xem thêm: Tổng hợp 3 mẫu đơn xin nghỉ việc không lương ngắn gọn và chuẩn nhất

Những rủi ro khi đi làm đổi công ty quá nhiều lần 

Liên tục nhảy từ công ty này sang công ty khác trong thời gian ngắn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp trong tương lai của bạn. Chính vì thế, ngoài một vài lợi ích kể trên, bạn nên nhận thức những rủi ro sau đây của việc đổi công ty quá nhiều lần. 

CV kém hấp dẫn 

Liên tục thay đổi công việc khiến bạn không đủ thời gian đạt được bất kỳ thành tích đáng chú ý nào nên chiếc CV trở nên trống rỗng. Hơn nữa, việc ghi quá nhiều công ty bạn từng làm việc vào CV với thời gian quá ngắn cũng là một điểm trừ lớn.

Khi nhảy việc, bạn sẽ cần một khoảng thời gian trống để chuẩn bị và ứng tuyển cho vị trí mới. Việc tạo nhiều đoạn ngắt quãng khiến CV kém chuyên nghiệp. Đồng thời, nhà tuyển dụng nhìn vào CV sẽ đánh giá xấu về thái độ và kinh nghiệm làm việc của bạn. 

Không có nhiều kiến thức chuyên sâu

Nhiều kinh nghiệm ghi trong CV cũng tốt nhưng tích lũy bằng việc nhảy việc liên tục thì chắc chắn không được đơn vị tuyển dụng đánh giá cao. Có thể lúc đầu, nhà tuyển dụng thấy CV của bạn gồm nhiều kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng khác nhau, họ có thể ấn tượng, thậm chí coi bạn là “thiên tài” cần giữ chân. Tuy nhiên, với sau khi xem xét kỹ, nhà tuyển dụng sẽ thấy bạn không thực sự chuyên sâu và giỏi về một lĩnh vực nào đó. Điều này trở nên bất lợi khi đơn vị tuyển dụng đang muốn tìm kiếm ứng viên có kiến thức chuyên sâu, được mài giũa trong thời gian dài.

Mất cơ hội nhận “đầu tư” từ nhà tuyển dụng 

Nếu bạn là nhà tuyển dụng, bạn có đánh liều đầu tư vào đào tạo và phát triển nghề nghiệp cho một nhân viên “đam mê” thay đổi công việc không? Câu trả lời chắc chắn là không! 

Hiện nay, đa số nhà tuyển dụng đều mong muốn tìm được những nhân viên có thể gắn bó lâu dài với công ty. Vì thế, khi nhìn vào CV thấy ứng viên nhảy việc liên tục, họ sẽ dè chừng và xem xét kỹ hơn. Nhà tuyển dụng có thể nghi ngờ rằng bạn gắn bó được với công ty họ bao lâu? Có rời đi chỉ sau vài tháng làm việc hay không? 

Ảnh hưởng đến xây dựng mối quan hệ 

Thường xuyên thay đổi công ty có thể giúp bạn mở rộng mối quan hệ. Nhưng trong số đó, các mối quan hệ công việc có giá trị sẽ khá ít vì thời gian làm việc, hợp tác cùng nhau không đủ để phát triển các kết nối lâu dài. Đặc biệt, bạn có thể gặp khó khăn khi muốn nhờ quản lý viết thư giới thiệu vì  trong giới chuyên nghiệp, không ai muốn giới thiệu hay trao cơ hội việc làm cho người không kiên định, dễ từ bỏ. 

Doi-cong-ty-qua-nhieu-lan-co-the-anh-huong-den-su-nghiep-trong-tuong-lai
Đổi công ty quá nhiều lần có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp trong tương lai

Nguy cơ bị sa thải cao

Nếu là nhà tuyển dụng thì bạn sẽ sa thải ai khi doanh nghiệp gặp khó khăn? Một nhân viên trung thành với hiểu biết sâu về công ty và kinh nghiệm làm việc năm hay một lao động mới với kiến thức chung chung, tiểu sử nhảy việc liên tục? Thực tế, ở bất kỳ doanh nghiệp nào, khi mọi thứ trở nên khó khăn, nhân viên trung thành sẽ có nhiều lợi thế hơn.

Mất thời gian bắt đầu lại từ số 0

Khi bắt đầu công việc mới, bạn cần thời gian để thích nghi môi trường làm việc, văn hóa công ty và học lại từ đầu nếu thiếu kỹ năng cũng như kiến thức chuyên môn. Bên cạnh đó, bạn phải mất thêm thời gian xây dựng niềm tin và chứng minh giá trị bản thân với đơn vị chủ quản. Vì thế, nếu nhảy việc liên tục thì bạn có thể bỏ lỡ các cơ hội phát triển cho sự nghiệp sau này. 

Bỏ qua nhiều cơ hội thăng tiến

Việc tiếp tục ở lại công ty cũ làm việc với kinh nghiệm và thời gian cống hiến lâu năm sẽ giúp bạn có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp. Thay vì tuyển các ứng viên bên ngoài cho các vị trí trưởng nhóm, quản lý,… cấp trên có xu hướng cân nhắc nhân viên nội bộ tài giỏi. Điều này vừa giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian đào tạo, chi phí tuyển dụng vừa tăng tỷ lệ tìm được nhân sự phù hợp. Chính vì thế, nhảy việc liên tục không chỉ khiến bạn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn mà còn mất đi nhiều cơ hội thăng tiến và phát triển. 

>>> Xem thêm: Chia sẻ 5 nguyên tắc cơ bản khi nhảy việc bạn cần biết

Nên đổi công ty khi nào? Những lưu ý khi thay đổi công việc

Khi nào nên nhảy việc? Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm, đặc biệt các bạn trẻ. Nếu bạn thấy những biểu hiện dưới đây thì nên suy nghĩ đến việc tìm công việc mới phù hợp hơn: 

  • Không còn nhiều điều mới để học: Công việc quá suôn sẻ, nhàm chán và chẳng còn điều gì để có thể học hỏi thêm chính là lúc bạn nên nhảy việc. Việc này vừa giúp bạn tránh khỏi trì trệ vừa mở thêm cơ hội tìm việc mới mang lại cảm hứng làm việc cho bản thân. 
  • Bản thân không giỏi công việc đó: Nếu bạn cảm thấy những kỹ năng, kiến thức bản thân có không phù hợp với yêu cầu công việc hoặc cảm thấy không hứng thú thì hãy cân nhắc nhảy việc. 
  • Mục tiêu không phù hợp với công ty: Nếu cảm thấy định hướng phát triển của công ty không còn phù hợp với mục tiêu trong tương lai của bản thân thì đừng ngần ngại nhảy việc để tìm cơ hội mới tốt hơn.
  • Công sức không được đánh giá cao: Cấp trên không thừa nhận khả năng, công sức của bạn và cho rằng bạn không xứng đáng với vị trí đó, hãy suy nghĩ tìm “bến đỗ” mới. 
  • Công việc quá áp lực: Một vài lĩnh vực, ngành nghề yêu cầu cường độ làm việc cao, áp lực rất lớn, dù bạn đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng gắn bó lâu dài nhưng luôn rơi vào trạng thái căng thẳng, stress ngoài sức chịu đựng. Lúc này, bạn cần thay đổi công việc mới vừa đảm bảo sức khỏe, tinh thần thoải mái vừa không ảnh hưởng đến chất lượng công việc. 
  • Muốn tăng lương: Thu nhập luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Nếu mức lương ở công ty hiện tại không thỏa mãn thì bạn có thể cân nhắc tìm việc khác lương cao hơn, chế độ đãi ngộ tốt hơn. 
Nen-can-nhac-ky-luong-truoc-khi-nhay-viec
Nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi nhảy việc

Bên cạnh đó, trước khi cân nhắc đổi công ty, bạn nên suy nghĩ thật kỹ và xem xét mọi khía cạnh, đảm bảo công việc mới suôn sẻ. Dưới đây là một vài điều bạn đọc cần lưu ý trước khi quyết định nhảy việc: 

  • Để tránh hội hận về sau, bạn nên tìm hiểu thật kỹ và cân nhắc xem bản thân có thực sự muốn thay đổi công việc hay không. 
  • Bạn cần vạch rõ kế hoạch và định hướng phát triển sự nghiệp trong tương lai. 
  • Tìm kiếm công việc mới mất khá nhiều thời gian nên đừng vội vàng nghỉ công ty cũ, hãy duy trì để không phải đắn đo về chi tiêu hàng ngày. 
  • Trong CV xin việc có mục Người tham chiếu nên bạn phải cân nhắc thật kỹ và trình bày thật khéo léo với cấp quản lý khi xin nghỉ. 
  • Thay đổi công việc và nơi làm việc không hẳn là xấu, nếu lý do phù hợp và biết cách trình bày thì nhà tuyển dụng có thể đánh giá bạn có chí cầu tiến, tư duy tốt. 

>>> Có thể bạn quan tâm: 7 mẫu thư cảm ơn khi nghỉ việc gửi cho mọi đồng nghiệp trong công ty

Tạm kết 

Đọc tới đây chắc hẳn bạn đã có đáp án cho câu hỏi “Đổi công ty quá nhiều lần có sao không” rồi chứ? Dù thay đổi công ty thường xuyên là không nên nhưng không phải ai bắt đầu đi làm đều có thể chọn được công việc tốt. Vì thế, việc thay đổi việc làm, thay đổi công ty để gắn bó, phát triển sự nghiệp và tăng thu nhập là mong muốn bình thường của bất kỳ ai. BlogTopCV hi vọng những thông tin chia sẻ trong bài viết trên sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về lợi ích và rủi ro của việc nhảy việc thường xuyên, từ đưa ra quyết định thay đổi công việc hay không.

Nếu bạn đang muốn tìm công việc mới, hãy truy cập ngay TOPCV để không bỏ lỡ hàng ngàn cơ hội việc làm với mức lương hấp dẫn. Bởi, mỗi ngày trên TOPCV có hơn 30.000 việc làm ở nhiều tỉnh thành, lĩnh vực khác nhau được cập nhật từ 190.000+ nhà tuyển dụng uy tín.