Bạn đang chuẩn bị có buổi phỏng vấn ứng tuyển vị trí Sale Admin nhưng không biết nên chuẩn bị gì? Bạn thắc mắc bộ câu hỏi phỏng vấn vị trí Sale Admin mới và đầy đủ nhất 2023 gồm những gì? Tham khảo ngay bài viết dưới đây của BlogTopCV để tìm câu trả lời cho những thắc mắc trên nhé!
Sale Admin là gì? Công việc cụ thể của Sale Admin
Sale Admin là gì?
Sale Admin hay Sale Administrator là vị trí thư ký hoặc trợ lý phòng kinh doanh, hỗ trợ các bộ phận kinh doanh hoàn thành tốt công việc được giao, mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Họ làm việc dưới sự kiểm soát và nhận nhiệm vụ của giám đốc hoặc trưởng phòng kinh doanh.
Mô tả công việc của Sale Admin
Tùy vào lĩnh vực kinh doanh, quy mô doanh nghiệp mà công việc của Sale Admin có sự khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung các Sale Admin sẽ chịu trách nhiệm các đầu công việc sau:
- Theo dõi tình trạng xuất- nhập- tồn của nguyên liệu, vật tư,… đảm bảo không ảnh hưởng đến việc sản xuất.
- Lập biên bản giao- nhận và theo dõi lịch trình đơn hàng.
- Tiếp nhận phản hồi từ đối tác rồi gửi cấp trên để kiểm tra và đưa ra phương án xử lý phù hợp.
- Theo dõi mức độ hoàn thành chỉ tiêu của các nhân viên khác, từ đó đưa ra biện pháp thúc đẩy họ đạt chỉ tiêu doanh số tối đa.
- Hỗ trợ soạn thảo văn bản cũng như các loại giấy tờ liên quan đến công việc, cuộc họp,….
- Phân loại khách hàng để đưa ra chính sách chăm sóc và chương trình tri ân phù hợp.
- Tổng hợp số liệu bán hàng để lập báo cáo theo ngày, tuần, tháng, quý, năm theo yêu cầu của cấp trên.
>>> Xem thêm: Nhân viên hỗ trợ kinh doanh là gì? Mô tả công việc và thu nhập sale admin
Những câu hỏi phỏng vấn Sale Admin mới nhất 2023
Nếu muốn ứng tuyển thành công vị trí Sale Admin thì ứng viên phải trải qua kỳ phỏng vấn khá khắt khe của đơn vị tuyển dụng. Dưới đây là danh cách các câu hỏi phỏng vấn Sale Admin cùng câu trả lời đầy đủ và mới nhất 2023 dành cho các ứng viên đang muốn theo đuổi công việc này.
Bộ câu hỏi về thông tin cá nhân
Mặc dù trong CV đã có đầy đủ thông tin cá nhân nhưng mở đầu buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng vẫn muốn ứng viên giới thiệu lại bản thân. Đây là cách nhà tuyển dụng kiểm tra khả năng làm chủ thời gian trả lời và sự tự tin của ứng viên thông qua ngôn ngữ nói cũng như ngôn ngữ hình thể.
Bạn hãy giới thiệu ngắn gọn về bản thân?
Với câu hỏi này, câu trả lời được đánh giá cao phải đề cập đến điểm mạnh, kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm của bản thân gắn với vị trí đang ứng tuyển, đặc biệt, không lan man sang các vấn đề ngoài lề. Theo đó, ứng viên có thể trả lời như sau
Tôi là Nguyễn Văn A, quê…, tốt nghiệp….. Tôi vô cùng yêu thích công việc kinh doanh cũng như làm việc trực tiếp với khách hàng. Bên cạnh đó, tôi có khả năng lập kế hoạch, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề và lập báo cáo kinh doanh. Hiện tại, tôi vẫn giữ liên lạc với nhiều khách hàng của mình và họ vô cùng tin tưởng tôi. Bởi thế, tôi tin rằng tôi phù hợp với vị trí Sale Admin mà công ty đang tìm kiếm.
Bạn có những điểm mạnh, điểm yếu nào?
Đây là câu hỏi không thể thiếu trong buổi phỏng vấn, ứng viên cần tinh tế khi đưa ra câu trả lời, tránh “mất điểm” oan. Song song với việc đưa ra điểm yếu, ứng viên nên trình bày thêm bản thân đã hoặc đang làm gì để cải thiện.
Chẳng hạn: “Cá nhân tôi thấy mình có kỹ năng giao tiếp, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm và thuyết phục khách hàng tốt. Sau hơn 2 năm làm nhân viên kinh doanh, tôi đã vận dụng những kỹ năng trên để xây dựng đội nhóm vững mạnh cũng như duy trì quan hệ với khách hàng đến hiện tại. Ngoài ra, tôi cũng có điểm yếu như khả năng ngôn ngôn ngữ và kiềm chế cảm xúc chưa tốt nhưng tôi đang dần khắc phục bằng cách tham gia các khóa học tiếng Anh và rèn luyện cách làm chủ cảm xúc của bản thân”.
Đồng nghiệp đánh giá bạn là người thế nào?
Hãy thật khéo léo và thành thật khi trả lời câu hỏi này, đừng khiến nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn đang khoác lác bởi những điểm tốt cao ngất ngưởng. Lúc này, bạn nên nhớ về quản lý cũ, đồng nghiệp và những công việc bạn từng hoàn thành tốt. Từ đó, liên hệ những lời nhận xét sáng giá với vị trí Sale Admin để trình bày.
Ví dụ: Đồng nghiệp nói rằng tôi hòa đồng, làm việc nhóm ăn ý nên họ tin tưởng và luôn muốn làm việc cùng tôi.
>>> Xem thêm: Sale admin là gì? Phân biệt Sales Admin với Sales
Bộ câu hỏi phỏng vấn Sale Admin về chuyên môn
Bạn hãy kể về lần chốt Sales thành công nhất của bạn?
Để ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng, ứng viên nên áp dụng phương pháp STAR (Situation – Tình huống, Task – Nhiệm vụ, Action – Hành động, Result- Kết quả) để trả lời câu hỏi này. Theo đó, ứng viên hãy kể thật chi tiết những khó khăn và cách giải quyết để chốt đơn hàng thành công. Đồng thời, thêm vào câu trả lời những giá trị mà công ty cũ đã nhận được từ thành quả của bạn.
Bạn chọn lọc thông tin gì để tư vấn cho khách hàng?
Điều nhà tuyển dụng cần ở ứng viên chính là biết lựa chọn những chi tiết phù hợp về sản phẩm cùng lời chào đánh đúng trọng tâm, không lan man, dông dài. Như vậy, qua câu hỏi này, nhà tuyển dụng sẽ xác định ứng viên có phải là người biết chắt lọc thông tin giá trị, đánh vào tâm lý và nhu cầu của khách hàng hay không.
Khi nào bạn quyết định từ bỏ theo đuổi khách hàng tiềm năng?
Với câu hỏi này, bạn có thể trả lời bằng cách nói rằng bản thân đã cố gắng hết sức nhưng không có kết quả, đồng thời, không muốn mất thời gian của cả 2 bên nên đã buông bỏ, sau đó liệt kê thêm một vài lý do (khó khăn). Mặc dù, những gì bạn trình bày đều là sự thực nhưng nhà tuyển dụng chắc chắn muốn ở ứng viên nhiều hơn thế. Chính vì vậy, thay vì chỉ kể về thất bại, ứng viên hãy cho họ thấy sự kiên trì trong việc thuyết phục, đàm phán với khách hàng.
Bạn đối mặt và vượt qua khó khăn khi làm việc tại vị trí Sale Admin như thế nào?
Câu hỏi này tưởng chừng mang tính chất riêng tư nhưng dựa vào câu trả lời, nhà tuyển dụng có thể hình dung cách xử lý những tình huống bất ngờ của ứng viên. Vậy nên, cách ứng viên vượt qua thử thách, khó khăn khi đảm nhiệm vị trí Sale Admin trước đó vô cùng quan trọng, là một trong những yếu tố đánh giá mức độ phù hợp trong mắt nhà tuyển dụng.
Hãy nêu lý do khiến chúng tôi chọn bạn cho vị trí Thư ký phòng kinh doanh?
Câu hỏi này được ví như “ngôi sao hy vọng” để ứng viên ghi điểm tuyệt đối trong mắt nhà tuyển dụng. Đây là lúc để ứng viên thể hiện những nghiên cứu trước đó về thông tin doanh nghiệp, các dịch vụ/sản phẩm và phân khúc khách hàng công ty đang hướng tới. Đây là tín hiệu cho thấy ứng viên đam mê và thực sự nghiêm túc với vị trí đang ứng tuyển.
Theo đó, trong câu trả lời, ứng viên nên chân thành nêu ra các tình huống cụ thể khi đảm nhận vị trí tại công ty cũ và cách giải quyết. Đồng thời, không quá kiêu ngạo hoặc tỏ ra nản lòng khi nhà tuyển dụng thông báo họ đã tuyển đủ người.
Bộ câu hỏi phỏng vấn mục tiêu nghề nghiệp
Không nhà tuyển dụng nào mong muốn nhân sự của mình gắn bó trong thời gian ngắn rồi xin nghỉ với lý do mục tiêu nghề nghiệp của bản thân thay đổi. Vậy nên, trong buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ đặt ra một vài câu hỏi về mục tiêu nghề nghiệp của ứng viên. Một số câu hỏi ứng viên phải đối mặt gồm:
Bạn sẽ chọn Sale ngắn hạn hay dài hạn?
Với câu hỏi này, ứng viên nên cân nhắc kỹ mặt lợi và hại của từng loại kết hợp với cá tính, kinh nghiệm của bản thân để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất. Sale ngắn hạn thường đòi hỏi nhân sự tìm kiếm và thuyết phục khách hàng chốt đơn trong thời gian ngắn. Còn sale dài hạn sẽ mất nhiều thời gian thuyết phục khách hàng chốt đơn sản phẩm số lượng lớn. Trong đó, sale dài hạn giúp Sale Admin kết nối với khách hàng tốt hơn.
Mục tiêu dài hạn trong công việc của bạn là gì?
Dù nhà tuyển dụng chỉ hỏi mục tiêu dài hạn nhưng ứng viên vẫn nên tuân thủ trình tự trả lời mục tiêu ngắn hạn trước rồi đến dài hạn. Khi trả lời, ứng viên nên trình bày các mục tiêu của bản thân gắn liền với sứ mệnh của doanh nghiệp để ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
Trong 5 năm tới, mục tiêu của bạn là gì?
Câu hỏi dự định trong tương lai sẽ giúp nhà tuyển dụng nắm được hoài bão, mục tiêu và những gì ứng viên muốn cống hiến. Đơn vị tuyển dụng sẽ vui mừng nếu trong mục tiêu dài hạn của ứng viên có sự xuất hiện của họ.
Ứng viên có thể trả lời như sau: “Mục tiêu hiện tại, tôi muốn tìm kiếm vị trí Sale Admin tại Quý công ty để vừa trau dồi kinh nghiệm bản thân vừa mang lại doanh thu cho đơn vị. Còn trong 5 năm tới, tôi muốn phấn đấu trở thành một trong những nhân viên xuất sắc tại bộ phận kinh doanh của công ty và nỗ lực thăng tiến tới vị trí trưởng bộ phận”.
>>> Xem thêm: Tuyển tập những câu hỏi phỏng vấn nhân viên kinh doanh
Ứng viên nên hỏi nhà tuyển dụng điều gì?
Nhà tuyển dụng luôn kỳ vọng ứng viên của mình có tinh thần học hỏi và khả năng phản biện. Vì thế, cuối mỗi buổi phỏng vấn, họ thường hỏi ứng viên: “Bạn còn điều gì thắc mắc không?”. Nếu ứng viên có điều gì khó hiểu về công ty, công việc,… thì nên mạnh dạn đặt câu hỏi. Tuy nhiên, ứng viên chỉ nên hỏi khoảng 2-3 câu, không nên hỏi quá nhiều. Một vài câu hỏi liên quan đến vị trí Sale Admin gồm:
Các câu hỏi liên quan đến tổ chức
Ứng viên có thể lựa chọn một trong số các câu hỏi sau:
- Định hướng phát triển của bộ phận kinh doanh của doanh nghiệp trong tương lai là gì?
- Hiện tại, bộ phận kinh doanh của công ty đang có bao nhiêu người?
- Thông thường nhân sự làm việc trong lĩnh vực của mình bao lâu?
Câu hỏi về công việc
Dưới đây là một vài câu hỏi liên quan đến công việc của Sale Admin mà ứng viên nên đặt ra cho nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn:
- Công việc mỗi ngày của Sale Admin tại công ty là gì?
- Anh/chị có thể nói rõ hơn về các nhiệm vụ Sale Admin phải thực hiện mà không nằm trong phần mô tả công việc hay không?
- Anh/chị có lời khuyên nào dành cho nhân viên Sale Admin để hoàn thành công việc tốt nhất hay không?
Câu hỏi liên quan đến người phỏng vấn
Qua những câu hỏi liên quan đến người phỏng vấn, ứng viên phần nào nhìn nhận được môi trường làm việc và văn hóa công ty.
- Anh/chị đã làm việc trong công ty bao lâu rồi?
- Lý do gì khiến anh/chị gắn bó với công việc trong thời gian dài như thế?
- Theo đánh giá của anh/chị, môi trường làm việc của doanh nghiệp như thế nào?
>>> Xem thêm: Những điều cần biết tìm việc làm sales admin thành công
Tạm kết
Với những nội dung chia sẻ ở trên, BlogTopCV đã cung cấp cho bạn đọc trọn bộ các câu hỏi phỏng vấn vị trí Sale Admin mới và đầy đủ nhất 2023 cùng gợi ý trả lời. Mặc dù hiện tại, nhiều doanh nghiệp tuyển dụng vị trí Sale Admin nhưng để tìm được việc làm chất lượng cùng mức lương và chế độ đãi ngộ hấp dẫn không hề đơn giản. Nếu bạn đang tìm việc làm Sale Admin, hãy nhanh tay truy cập TOPCV để không bỏ lỡ cơ hội hấp dẫn, lương cao! Ngoài vị trí Sale Admin, bạn có thể tham khảo thêm một số vị trí tương tự khác như nhân viên kinh doanh, nhân viên telesale, trưởng phòng kinh doanh,…. tại TOPCV. Chúc bạn sớm tìm thấy công việc ưng ý!