Canh giờ chấm công, làm việc uể oải, giả vờ bận rộn: Các bạn trẻ mệt rồi hay chỉ đang đối phó với cơn “lười biếng” không chịu thay đổi bản thân?

Hầu hết chúng ta thường tìm kiếm sự chắc chắn trong mọi việc mình làm. Nhìn chung, đây là một sự lựa chọn thông minh, nhưng như vậy bạn có thể “đánh rơi” cơ hội để đạt được thành tựu to lớn hơn hoặc phải “giam mình” trong cảm giác ngột ngạt bức bối dù biết cách để thoát ra nhưng không dám.

Tôi cá là không ít người cảm thấy bản thân không đủ khả năng để rời bỏ công việc hiện tại.

Có thể bạn đúng. Nhưng cũng có thể bạn chưa đúng.

Các bạn trẻ đang gặp một số vấn đề trong công việc; chẳng hạn như sếp ngày càng giao nhiều việc và đòi hỏi hoàn thành gấp; bạn cống hiến nhiều cho công ty nhưng không được trân trọng; đồng nghiệp không hỗ trợ; môi trường làm việc không lành mạnh; không thấy khả năng thăng tiến… Đã nhiều lần bạn tự nghĩ trong đầu là sẽ bỏ việc, nhưng điều đó mãi chưa thành hiện thực. Một mặt bạn ngại/không dám viết thư từ chức; mặt khác bạn lo lắng liệu có tìm được việc mới để trang trải cuộc sống hay không.

Vậy chuyện gì sẽ xảy ra? Bạn sẽ tiếp tục công việc với tâm lý chịu đựng?

Bạn để những suy nghĩ về chuyện nghỉ việc cứ quanh quẩn trong đầu mỗi ngày nhưng không hành động. Thực tế là bỏ việc mà chưa tìm được “bến đỗ” mới không hề dễ dàng. Tuy nhiên, bằng cách lên kế hoạch trước; bạn sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn; và hy vọng một số lời khuyên sau đây sẽ giúp bạn đưa ra quyết định phù hợp nhất với bản thân.

Hãy nhớ rằng, bạn chỉ cần sự cho phép của MỘT người duy nhất

Hoàn toàn dễ hiểu khi chúng ta khó lòng từ bỏ một công việc ổn định; đặc biệt là khi bạn kiếm được thu nhập cao từ đó. Khi trải qua giai đoạn này, hầu hết mọi người đều tìm kiếm lời khuyên từ những người xung quanh; và kết quả cuối cùng thì ai cũng biết rồi đấy; 9 người 10 ý chẳng biết đâu mà nghe theo.

Có những người cả đời chỉ muốn gắn bó với một công ty duy nhất, họ sẽ nghĩ bạn không bình thường; tự dưng bỏ “việc nhẹ lương cao” mà chẳng biết tương lai có tìm được lựa chọn tốt hơn không. Cũng có vài người một mặt thể hiện sự ủng hộ, mặt khác lại đưa ra nhiều gợi ý khác như “hay xin nghỉ phép đi du lịch xem có cải thiện tâm lý”; “thử thay đổi bản thân một chút để hòa hợp với mọi người trong công ty”…

Sự thật là hầu hết chúng ta thường tìm kiếm sự chắc chắn trong mọi việc mình làm. Nhìn chung, đây là một sự lựa chọn thông minh; nhưng như vậy bạn có thể “đánh rơi” cơ hội để đạt được thành tựu to lớn hơn; hoặc phải “giam mình” trong cảm giác ngột ngạt bức bối dù biết cách để thoát ra nhưng không dám.

Bạn muốn nghỉ việc vì những lý do đã quanh quẩn trong tâm trí một thời gian dài. Vậy tại sao bạn phải XIN PHÉP bất cứ ai khác mà không phải là chính bạn. Họ cũng không thể chịu trách nhiệm cho bạn; vậy nên hãy suy nghĩ thật kỹ và tự đưa ra quyết định. Hãy xem nghỉ việc giống như một mục tiêu mà bạn theo đuổi (tương tự việc đạt được một thành tựu nào khác trong cuộc sống); và dự kiến sẽ đạt được trong vòng 3-6 tháng tới. Đây không phải là việc gì đó quá tiêu cực, và bạn tự đưa ra thời gian cam kết cho chính mình; như vậy sẽ ít phụ thuộc vào ý kiến của người khác.

Đập tan nỗi sợ bằng cách thay đổi quan điểm

Rời bỏ công việc khiến chúng ta e ngại nhiều thứ, bất chấp đa phần trong số đó chưa hẳn đã trở thành hiện thực. Cũng phải thôi, bởi con người thường hay sợ những điều mình chưa biết.

Nhưng, điều đó không thể ngăn cản bạn hành động. Hãy đối mặt với nỗi sợ thay vì trốn tránh. Hãy thay đổi quan điểm của bạn về nghỉ việc. Chẳng hạn như, bạn lên một bảng so sánh các điểm LỢI và HẠI giữa ở lại và rời bỏ công việc. Tin rằng khi đã gặp quá nhiều vấn đề với công việc hiện tại, bạn sẽ thấy các ưu điểm của việc ở lại rất ít so với lựa chọn nghỉ việc. Nhờ đó, nỗi sợ sẽ giảm đi và bạn sẽ trở nên tự tin hơn.

Chẳng hạn, lấy trường hợp của tôi làm ví dụ, tôi muốn xây dựng một blog cho riêng mình nhưng lại sợ không thành công, do đó cứ lần lữa mãi mới quyết định thực hiện. Sau vài tháng bắt tay vào công việc, tôi nhận ra rằng nỗi sợ về những điều chưa biết là điều đã cản trở tôi, khiến tôi khởi đầu chậm chạp. Tại sao tôi lại chia sẻ điều này? Để chứng minh rằng nỗi sợ hãi có thể cản trở bạn đưa ra lựa chọn, nhưng nếu bạn không trốn tránh, cứ tiến về phía trước bất chấp nỗi sợ thì thứ bạn đạt được sẽ rất tuyệt vời

Đừng chờ đợi cho đến khi có một chiến lược hoàn hảo

Hầu hết mọi người tin rằng họ cần một kế hoạch kỹ lưỡng để nghỉ việc. Nhưng điều này khó mà thành sự thật.

Bạn có biết thứ gì giá trị hơn so với công việc hoặc tiền bạc? Đó chính là sức khỏe.

Nghiên cứu cho thấy công việc căng thẳng sẽ kích hoạt phản ứng chiến-hay-chạy* để điều chỉnh các hóc-môn trong cơ thể nhằm giải tỏa tình trạng này. Khi đối mặt với căng thẳng quá thường xuyên; cơ thể phải làm việc quá sức để sản xuất các loại hóc-môn cần thiết để đối phó; dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe lâu dài. Thu nhập ổn định rất quan trọng, nhưng một công việc với nhiều áp lực căng thẳng sẽ có hại cho sức khỏe của bạn.

Bên cạnh đó còn có một số lý do khác thuyết phục bạn nghỉ việc càng sớm càng tốt.

Bạn không thể kiểm soát toàn bộ lịch trình làm việc của mình. Có những công việc đòi hỏi thời gian rất khắt khe; đặc biệt là nếu bạn ở vị trí cấp cao. Bạn muốn tìm việc mới nhưng không thể đi phỏng vấn theo giờ nơi ứng tuyển yêu cầu; hoặc phải tìm đủ lý do để xin ra ngoài vài tiếng trong giờ làm. Bạn cũng không thể giữ bí mật mong muốn tìm việc mới của mình; đồng nghiệp cứ gặn hỏi; nếu sếp hiện tại biết sẽ gây khó xử, thậm chí còn gây khó dễ trong công việc. Nếu rơi vào những tình huống này, tốt hơn hết bạn nên nghỉ việc để tập trung vào quá trình săn việc mới.

Trả lời những câu hỏi này để xây dựng một kế hoạch

Danh sách các câu hỏi kiểm tra đơn giản sau đây sẽ giúp bạn quyết định xem có nên rời bỏ công việc hiện tại hay không; và nếu có thì phải thực hiện như thế nào.

Nếu bạn nhận thấy mình sở hữu những kỹ năng và phẩm chất đang được săn đón, hãy ước tính xem sẽ mất bao lâu để có công việc mới. Đa phần sẽ cần 3-6 tháng, nhưng cũng có thể sớm hơn. Biết được điều này sẽ giúp bạn dự đoán khoản tiền cần tiết kiệm để chi trả cho cuộc sống trong thời gian nghỉ việc và số lượng đơn xin việc cần gửi.

Hãy trả lời một số câu hỏi sau đây trước khi quyết định nghỉ việc:

Bạn có thể trang trải chi phí trong bao lâu? 

Bạn sẽ làm gì trong 3 đến 6 tháng tới nếu nghỉ việc ngay hôm nay? 

Bạn muốn chuyển sang loại công việc như thế nào? 

Bạn đã đầu tư cho bản thân 3 tháng vừa qua như thế nào?

Những câu hỏi này sẽ giúp bạn chuẩn bị hiệu quả cho thời gian nghỉ việc-tìm việc mới sắp đến. Quan trọng hơn, qua đó bạn cũng sẽ tìm được công việc mà mình yêu thích/muốn làm trong tương lai, bởi thông thường những ai bỏ việc nhưng lại tìm việc tương tự cũng sẽ rơi vào tình huống như hiện tại mà thôi.

Động lực để hoàn thiện bản thân

“Tất nhiên, cách chúng ta sử dụng từng ngày cũng là cách chúng ta sử dụng cuộc đời của mình”, Annie Dillard.

Tại sao lại phải dành rất nhiều thời gian và năng lượng của bản thân cho một công việc mình ghét. Bên cạnh vấn đề về sức khỏe, làm một công việc khiến bạn mệt mỏi rất lãng phí thời gian. Bạn sẽ không thể phát huy hết khả năng của mình và đạt được cuộc sống hạnh phúc nếu cứ mãi tiếp tục như vậy.

Dữ liệu cho thấy trung bình chúng ta sẽ dành 4.805 ngày làm việc và 368 ngày để giao tiếp xã hội trong suốt cuộc đời. Bạn thấy đấy, tại sao phải dành phần lớn thời gian cuộc đời để chịu đựng công việc không có ý nghĩa. Quan trọng không kém là khi hướng tới môi trường làm việc tốt hơn, bạn sẽ có cơ hội gặp gỡ, kết nối với những con người giỏi giang, tích cực hơn, từ đó giúp bạn tiến bộ từng ngày. Càng đầu tư vào bản thân, bạn lại càng trở nên tự tin hơn. Khi đó, bạn chẳng còn e ngại bất cứ điều gì cả.

Có nên nghỉ việc khi chưa tìm được “bến đỗ” mới tốt hơn? Đây là câu hỏi mà chỉ bạn mới có thể trả lời. Nhưng tôi cá rằng sâu thẳm trong lòng bạn biết lựa chọn nào là tốt nhất cho bản thân.

Giờ đây, bạn có thể lập một kế hoạch chi tiết cho mục tiêu rời bỏ công việc hiện tại. Đừng đợi đến khi tìm được việc khác mới nghỉ, nhưng hãy lên kế hoạch phù hợp. Hãy nhớ rằng, bạn chẳng cần ai cho phép, cũng không cần một chiến lược hoàn hảo để đưa ra quyết định. Rời bỏ một công việc ổn định chưa bao giờ dễ dàng, nhưng đáng để làm.

Hãy tưởng tượng mỗi sáng bạn thức dậy và cảm thấy thật phấn khích khi bắt đầu ngày làm việc mới. Bạn làm một công việc thú vị và cảm thấy hạnh phúc vì điều đó. Đây có phải giấc mơ không tưởng? Tất nhiên là không. Chỉ cần bạn xây dựng một kế hoạch hiệu quả và hành động vượt qua nỗi sợ hãi. Thế giới là của bạn, tại sao không đến với công việc mà mình mơ ước.

(BarcoderMagazine)