
Một chiếc CV xin việc hoàn hảo không thể thiếu mục tiêu nghề nghiệp. Đây là phần quan trọng nhằm giúp nhà tuyển dụng nắm được định hướng phát triển nghề nghiệp trong tương lai của ứng viên. Từ đó, đưa ra được lựa chọn phù hợp cho vị trí doanh nghiệp đang tìm kiếm. Chính vì vậy, để ghi điểm với nhà tuyển dụng, cách viết mục tiêu nghề nghiệp trong CV của ứng viên phải thật ấn tượng.
Vậy viết mục tiêu nghề nghiệp cần lưu ý gì? Những lỗi nào cần tránh? Nội dung bài viết dưới đây BlogTopCV.vn sẽ giải đáp tất cả những thắc mắc liên quan đến vấn đề này!
Tầm quan trọng của mục tiêu nghề nghiệp
Trước phân tích về tầm quan trọng, BlogTopCV.vn sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn mục tiêu nghề nghiệp là gì? Theo đó, mục tiêu nghề nghiệp (tiếng anh Career Objectives) là vị trí công việc, đích đến, những kế hoạch nghề nghiệp cụ thể và cách hiện thực hóa chúng trong tương lai.
Nhờ vào phần này, nhà tuyển dụng sẽ hiểu rõ hơn về định hướng nghề nghiệp của ứng viên, từ đó đưa ra đánh giá về mức độ phù hợp với vị trí công ty đang tìm kiếm. Mục tiêu càng ấn tượng, cơ hội vượt qua bước đầu tiên đến với buổi phỏng vấn trực tiếp càng cao.

Có thể thấy, mục tiêu nghề nghiệp cực kỳ quan trọng trong cuộc sống của bất kỳ ai. Khi đi xin việc cũng vậy, mục tiêu nghề nghiệp ngắn hạn, dài hạn rõ ràng, chi tiết và khoa học sẽ tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng. Với mục tiêu cụ thể, mọi người sẽ biết mình nên hay không nên làm gì để đạt được công việc, vị trí đáng mơ ước.
Với những doanh nghiệp lớn, yêu cầu công việc khắt khe hơn nên họ luôn mong muốn tìm được ứng viên phù hợp với vị trí đang tuyển. Chính vì vậy, khi xem CV xin việc, nhà tuyển dụng sẽ chú ý đến định hướng nghề nghiệp để dễ dàng nhận ra tính cách, sự phù hợp của ứng viên và đưa ra lựa chọn cuối cùng. Mặt khác, thông qua mục tiêu nghề nghiệp, nhà tuyển dụng cũng xác định được ứng viên có muốn gắn bó lâu dài với công ty hay không. Đương nhiên, sẽ chẳng ai mong muốn tuyển nhân sự về đào tạo, khi cứng họ sẽ nhảy việc cả.
>>> Xem thêm: Cách viết mục tiêu nghề nghiệp lọt tầm ngắm nhà tuyển dụng
Cách viết mục tiêu nghề nghiệp chuẩn
Làm thế nào để có mục tiêu nghề nghiệp ấn tượng trong CV? Đây là câu hỏi được nhiều ứng viên thắc mắc và tìm câu trả lời. Thực tế, khi viết CV xin việc vào bất kỳ ngành nghề/lĩnh vực nào đó, ứng viên phải tìm hiểu kỹ yêu cầu công việc để dễ dàng đưa ra mục tiêu của bản thân gắn liền mục tiêu chung của doanh nghiệp. Dưới đây là một vài cách viết mục tiêu nghề nghiệp chuẩn, thu hút nhà tuyển dụng, các ứng viên có thể tham khảo!
Viết mục tiêu ngắn hạn
Nhiều ứng viên cho rằng mục tiêu ngắn hạn không cần thiết nên đã bỏ qua. Thế nhưng, nhà tuyển dụng rất chú trọng đến phần này, bởi nhờ vào đó, họ biết được những dự định, kế hoạch về công việc trong thời gian gần của ứng viên. Mục tiêu ngắn hạn được đánh giá là khá đơn giản và nằm trong khả năng của bản thân.
Trong trường hợp, ứng viên chưa xác định được định hướng nghề nghiệp ngắn hạn có thể dựa vào yêu cầu công việc của doanh nghiệp. Như vậy, mục tiêu ngắn hạn sẽ giúp thuyết phục nhà tuyển dụng và cho họ thấy những lợi ích, năng suất ứng viên mang lại cho công ty. Lưu ý, nếu bản thân chưa có kỹ năng, ứng viên không nên “quá thành thật” mà nói bản thân không biết gì.
Ví dụ, với một vị trí yêu cầu về tiếng Anh tốt, phần mục tiêu ngắn hạn ứng viên có thể viết như sau: Với chứng chỉ TOIEC 750, tôi tin rằng mình có khả năng hoàn thành tốt các công việc được giao.
Với trường hợp ứng viên không có kỹ năng, có thể viết mục tiêu ngắn hạn theo cách sau:
Khi học tập tại trường đại học, tôi được rèn luyện kỹ năng về quản lý, lãnh đạo đội nhóm. Cùng với nhiệt tình, năng nổ, tôi tin bản thân phù hợp với vị trí nhân viên kinh doanh mà doanh nghiệp đang tìm kiếm. Trong thời gian tới, tôi sẽ tìm hiểu, học hỏi để trau dồi kiến thức để hoàn thành công việc tốt nhất.
>>> Xem thêm: Làm thế nào để có mục tiêu nghề nghiệp ấn tượng trong CV?
Viết mục tiêu dài hạn
Mục tiêu dài hạn là lộ trình, kế hoạch hướng tới những đích đến lớn mang tính quyết định, tác động lớn đến sự nghiệp của bất cứ ai trong tương lai. Ứng viên nên xây dựng mục tiêu dài hạn trên nền tảng mục tiêu ngắn hạn để mục tiêu được đầy đủ và sâu sắc hơn. Nhìn vào nội dung này, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá mục đích ứng tuyển, tầm nhìn, khả năng và thái độ của ứng viên.
Phần này thường có vị trí ngay sau thông tin cá nhân, ứng viên nên trình bày những mục tiêu dài hạn của bản thân nằm trong khả năng và phù hợp với mục tiêu chung của công ty. Chính vì vậy, ứng viên nên dành thời gian tìm hiểu và nghiên cứu những thông tin liên quan đến công ty như tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi,…. để tìm ra được hướng đi của công ty, từ đó viết mục tiêu dài hạn ghi điểm với nhà tuyển dụng. Chắc chắn, không doanh nghiệp nào muốn tuyển một nhân sự chỉ nghĩ về lợi ích của bản thân.
Ví dụ vị trí Nhân viên kinh doanh, ứng viên có thể viết mục tiêu dài hạn như sau: “Phấn đấu trong 3 năm trở thành Trưởng nhóm kinh doanh có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ cao để cống hiến cho sự phát triển của công ty”.
Viết mục tiêu cho sinh viên mới ra trường
Cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay, chưa có nhiều kinh nghiệm, tương lai không biết thực sự đam mê và muốn gắn bó với công việc nào nên đưa ra mục tiêu nghề nghiệp cụ thể thực sự khó đối với sinh viên mới ra trường. Nếu đang rơi vào trường hợp này cũng đừng lo lắng quá, hãy bám sát phần mô tả công việc của vị trí đang tuyển để viết mục tiêu ngắn hạn.
Ví dụ: Trong suốt quá trình học tập tại trường đại học, tôi đã được rèn luyện các kỹ năng gồm làm việc nhóm, giao tiếp, lãnh đạo, thuyết trình,…. Cùng với tính cách hòa đồng và năng động tôi thấy bản thân phù hợp với vị trí nhân viên marketing phía công ty đang tìm kiếm.
Đối với mục tiêu dài hạn, cần viết thực tế, không nên quá mơ mộng, phóng đại. Vừa ra trường, chưa có kinh nghiệm, ứng viên không nên đặt mục tiêu “trở thành Giám đốc/Tổng giám đốc trong 2 hoặc 3 năm”. Điều này khá phi lý, đôi khi còn khiến nhà tuyển dụng đánh giá ứng viên đó không thực tế.
Ví dụ ứng viên có thể viết như sau khi ứng tuyển vị trí dịch thuật:
Sau 3 năm làm việc, tôi sẽ thành thạo phần mềm dịch thuật, mở rộng trường từ vựng, am hiểu hơn về ngôn ngữ và văn hóa, có chứng chỉ phiên dịch chuyên nghiệp và đặt mục tiêu đảm nhiệm vị trí team leader.
>>> Xem thêm: Cách viết CV xin thực tập đơn giản cho sinh viên
Viết mục tiêu cho người có kinh nghiệm
Nhiều người lầm tưởng, càng nhiều kinh nghiệm viết định hướng nghề nghiệp càng dễ. Tuy nhiên, vì có quá nhiều kinh nghiệm nên ứng viên thường bị “tham”, bỏ thì tiếc nên đã bê hết dự định lớn lao của bản thân vào phần mục tiêu nghề nghiệp. Ứng viên hãy nhớ rằng nhà tuyển dụng chỉ dành khoảng 1-2 phút, thậm chí vài giây để đọc phần này. Vì thế, đừng quá lan man, dông dài, các ứng viên có thể bị nhà tuyển dụng đánh giá thiếu chuyên nghiệp.

Những lỗi thường gặp khi viết mục tiêu nghề nghiệp
Để viết mục tiêu nghề nghiệp trong CV thu hút nhà tuyển dụng, ứng viên cần chỉn chu cả về hình thức lẫn nội dung. Đồng thời, phải tránh những lỗi thường gặp, không đáng có dưới đây!
Mục tiêu nghề nghiệp chung chung, dài dòng
Ứng viên có quá nhiều kế hoạch, dự định muốn trình bày với mong muốn nhà tuyển dụng thấy được sự quyết tâm và nhiệt huyết. Thế nhưng đừng áp dụng điều đó bằng cách viết mục tiêu nghề nghiệp thật dài. Bởi nhà tuyển dụng chỉ có vài phút ngắn ngủi để lướt qua CV, họ sẽ thấy khó chịu khi nội dung viết quá dài dòng, dày đặc chữ.
Ngoài ra, viết mục tiêu nghề nghiệp chung chung, có thể áp dụng cho mọi nghề nghiệp, mọi công ty cũng là điểm trừ trong mắt nhà tuyển dụng. Thực tế, mỗi doanh nghiệp sẽ có yêu cầu về ứng viên khác nhau nên không thể sử dụng chung một mẫu mục tiêu nghề nghiệp cho tất cả.
Không nên ghi kiểu: “Tôi muốn sử dụng những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm đã tích lũy để phát triển bản thân cũng như đóng góp vào sự tăng trưởng của công ty trong thời gian tới”. Chắc chắn, ứng viên sẽ nắm gọn vé loại trong tay.
>>> Xem thêm: Chiến lược viết mục tiêu nghề nghiệp trong CV ghi điểm tuyệt đối
Không nhấn mạnh giá trị tạo ra cho công ty
Nhà tuyển dụng lựa chọn ứng viên không chỉ xét về kinh nghiệm, kỹ năng mà còn dựa trên những lợi ích, giá trị mà nhân sự đó mang lại cho doanh nghiệp trong quá trình làm việc. Chính vì thế, ngoài việc tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng bằng cách đưa ra kế hoạch, lộ trình ngắn hạn, dài hạn cụ thể, ứng viên nên tạo được mối liên kết giữa mục tiêu cá nhân với mục tiêu chung của công ty.
Gộp chung mục tiêu ngắn hạn, dài hạn
Đây là lỗi thường gặp của rất nhiều ứng viên vì gặp khó khăn trong quá trình viết. Điều này sẽ khiến ứng viên mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Hãy viết tách ra, rõ ràng từng cái để nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn về định hướng tương lai cũng như xác định sự phù hợp với vị trí doanh nghiệp đang tìm kiếm nhân sự.
Diễn đạt lủng củng, lỗi chính tả
Chẳng ai thích đọc chiếc CV xin việc với câu từ lủng củng, khó hiểu và mắc nhiều lỗi chính tả. Sau khi hoàn thành CV, ứng viên nên dành thời gian đọc và chỉnh sửa lỗi (nếu có) để mục tiêu nghề nghiệp hoàn hảo hơn, nhà tuyển dụng cũng thấy được sự chỉn chu, nghiêm túc của bạn.
Mục tiêu quá xa vời, ảo tưởng
Có tham vọng, có mục tiêu rõ ràng là tốt nhưng không đồng nghĩa với việc ba hoa, ảo tưởng, xa vời thực tế. Nhà tuyển dụng cực tinh ý nên đừng dại mà đưa những điều vượt quá xa năng lực của bản thân. Ứng viên phải xác định được mình đang có những gì, năng lực ra sao? Từ đó, đưa ra một mục tiêu phù hợp và cầu tiền nhất.
Mẫu viết mục tiêu nghề nghiệp cho vài ngành nghề
Tùy vào từng lĩnh vực/ngành nghề sẽ có những yêu cầu khác nhau nên cách viết mục tiêu nghề nghiệp cũng có nét riêng.
Mục tiêu nghề nghiệp lập trình viên
Mẫu 1: “Em là sinh viên vừa tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ thông tin, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn Thông. Với tính cách năng động, ham học hỏi và chăm chỉ, em mong muốn được làm việc với vị trí nhân viên quản trị hệ thống tại Quý công ty. Em sẽ cố gắng hoàn thành tốt các công việc được giao, học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm chuyên môn và không ngừng phấn đấu trở thành chuyên gia quản trị mạng giỏi trong 4 năm tới”.
Mẫu 2: “Với bằng Cử nhân chuyên ngành Công nghệ phần mềm của trường đại học X, cùng kinh nghiệm 3 năm lập trình web tại Công ty X. Thành thạo về các ngôn ngữ lập trình C#, Java, PHP,.. và có kiến thức về UI/UX, jQuery, CSS, HTML, JavaScript, TypeScript, SQL Server, MySQL,… Tôi mong muốn ứng tuyển vào vị trí lập trình viên Mobile mà công ty đang tuyển dụng. Với kinh nghiệm và kiến thức ngành vững, tôi sẽ phát huy hết khả năng của mình góp phần phát triển công ty. Đồng thời, phấn đấu trở thành trưởng nhóm lập trình trong 2 năm tới”.
Mục tiêu nghề nghiệp giáo viên
Mẫu 1: “Tốt nghiệp ngành Sư phạm Hóa học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, từng có trải nghiệm làm trợ giảng, gia sư hóa trong vòng 2 năm, em kỳ vọng những kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm có được đó sẽ giúp ích cho công việc mới, góp phần phát triển nhà trường, được phụ huynh và học sinh tin tưởng. Em sẽ cố gắng hoàn thành tốt các công việc được giao, học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm chuyên môn và trở thành tổ trưởng tổ tự nhiên trong vòng 5 năm tới”.
Mẫu 2: Với 3 năm kinh nghiệm luyện thi tiếng Trung tại trung tâm lớn, tỷ lệ học viên thành công lấy được chứng chỉ HSK6 là 85%, tôi mong muốn được làm việc trong môi trường mới với phân công chuyên môn rõ ràng hơn, tập trung vào luyện thi nghe nói tiếng Trung. Có cơ hội thăng tiến lên quản lý chuyên môn sau khoảng 4 năm làm việc.

Mục tiêu nghề nghiệp ngân hàng
Mẫu 1: Tốt nghiệp ngành Tài chính ngân hàng, Đại học X, em đã tích góp cho bản thân mình những kiến thức, kỹ năng và muốn đóng góp vào công việc thực tế tại công ty. Trong tương lai ngắn hạn, em muốn mình trở thành giao dịch viên tại Quý công ty. Sau khoảng 3 năm cố gắng, phấn đấu đạt vị trí cao hơn.
Mẫu 2: Áp dụng những điều tích lũy được trong suốt 2 năm làm việc tại Công ty bảo hiểm ABC để nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc mới tại ngân hàng XYZ. Hoàn thành và vượt mục tiêu KPI, cung cấp dịch vụ tín dụng, tư vấn tín dụng chất lượng nhất cho khách hàng doanh nghiệp.
Mục tiêu nghề nghiệp kế toán
Mẫu 1: Tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán tại đại học A, hoàn thành các lớp chứng chỉ kế toán, em mong muốn được làm việc tại vị trí kế toán viên. Với tính cách chăm chỉ, tỉ mỉ em tin là mình sẽ học và tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm để có thể vươn đến vị trí kế toán tổng hợp trong 3 năm tiếp theo.
Mẫu 2: Với bằng Cử nhân xuất sắc và 3 năm làm việc ở vị trí kiểm toán viên. Tôi đã trau dồi được các kỹ năng phân tích, thực hiện các loại giấy tờ chuyên môn, cùng với tính cách tỉ mỉ, chi tiết, tôi tin mình đủ khả năng để làm việc trong vị trí kế toán trưởng của quý công ty. Tôi hy vọng có thể hỗ trợ bộ phận kế toán của công ty một cách tốt nhất bằng tất cả những kinh nghiệm, kiến thức tôi có.
Mục tiêu nghề nghiệp nhân viên kinh doanh
Mẫu 1: Tốt nghiệp chuyên ngành Kinh doanh thương mại, cùng với tính cách năng động, linh hoạt, sáng tạo và tự tin trong giao tiếp, em mong muốn được làm việc ở vị trí Nhân viên kinh doanh tại Quý công ty để vận dụng và phát huy những kiến thức chuyên ngành đã được học vào thực tế, cũng như đóng góp vào sự phát triển ổn định của công ty trong tương lai. Ngoài ra, sau 3 năm làm việc, với vốn kinh nghiệm tích lũy được có thể đạt được vị trí Giám sát bán hàng.
Mẫu 2: Tốt nghiệp chuyên ngành Kinh doanh thương mại, kinh nghiệm 3 năm làm nhân viên kinh doanh tại cửa hàng mỹ phẩm A. Tính cách nhiệt tình, năng động, hoạt bát, tự tin trong giao tiếp và am hiểu về thị trường mỹ phẩm Việt Nam, tôi muốn mình có cơ hội được thử sức mình ở vị trí nhân viên kinh doanh mỹ phẩm tại Quý công ty để vận dụng các kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn vào phát triển mối quan hệ với khách hàng, giúp công ty tăng doanh doanh thu bán hàng. Ngoài ra, trong vòng 5 năm sẽ tạo được nền tảng vững chắc cho mục tiêu trở thành Giám đốc kinh doanh.
Tạm kết
Nhìn chung, mục tiêu nghề nghiệp rất quan trọng trong việc tạo nên chiếc CV hoàn hảo. Qua đó thể hiện được những định hướng riêng mang đậm nét riêng của bản thân, đồng thời thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy những giá trị mà các bạn sẽ mang lại cho công ty của họ. Chắc chắn không nhà tuyển dụng nào muốn bỏ qua một nhân sự vừa tài giỏi, vừa có định hướng phù hợp với mục tiêu chung của công ty. Trên đây, BlogTopCV.vn đã cung cấp những thông tin quan trọng về cách viết mục tiêu nghề nghiệp, hi vọng sẽ có ích đối với bạn đọc.
Ngoài mục tiêu nghề nghiệp tạo ấn tượng với doanh nghiệp, việc tạo CV hiện đại, chỉn chu cũng là điểm cộng trong mắt nhà tuyển dụng. Hiện nay, thay vì ngồi viết tay, tự nghĩ cách trình bày, ứng viên có thể sử dụng công cụ hỗ trợ tạo CV online trên các website tuyển dụng, trong đó, TopCV được tin tưởng và lựa chọn rất nhiều.
TopCV hỗ trợ công cụ tạo CV hàng đầu Việt Nam với kho CV mẫu chuyên nghiệp độc quyền, đưa ứng viên gia nhập vào hệ sinh thái kết nối tuyển dụng với doanh nghiệp. TopCV cung cấp hàng chục nghìn tin tuyển dụng việc làm uy tín được cập nhật mỗi ngày, mang đến nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn cho người tìm việc.