Để có được công việc mới, trước tiên, bạn phải vượt qua một cánh cửa quan trọng chính là vòng phỏng vấn trực tiếp. Ngoài những câu hỏi “kinh điển” không thể thiếu về kinh nghiệm, mục tiêu nghề nghiệp, lý do ứng tuyển thì những câu hỏi liên quan đến công ty cũ cũng rất hay xuất hiện. Nếu biết cách trả lời tinh tế, thông minh thì bạn có thể tạo được ấn tượng tốt trong mắt nhà tuyển dụng và ngược lại. Bài viết dưới đây của BlogTopCV.vn sẽ mách nhỏ cho ứng viên những cách trả lời phỏng vấn tuyển dụng khi hỏi về công ty cũ ghi điểm với người phỏng vấn!
Mục đích nhà tuyển dụng hỏi về công ty cũ của ứng viên
Việc nhà tuyển dụng tò mò về công ty cũ và lý do nghỉ việc của ứng viên là điều bình thường. Qua những câu hỏi liên quan đến công ty cũ của ứng viên, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá được mức độ rủi ro khi nhận ứng viên vào làm việc. Nhà tuyển dụng sẽ đặt ra khá nhiều câu hỏi tưởng như vô nghĩa về công ty cũ của bạn như môi trường làm việc, văn hóa công ty, mối quan hệ với sếp cũ, đặc biệt là nghỉ việc tự nguyện hay bắt buộc.
Bên cạnh đó, nhà tuyển dụng muốn thông qua câu trả lời của ứng viên để biết họ có bất mãn hay nói xấu công ty cũ hay không. Đa số nhà tuyển dụng sẽ không có ấn tượng tốt với ứng viên chỉ trích, chê bai “chốn cũ”. Hành động đó của ứng viên khiến nhà tuyển dụng đề phòng và có cảm giác sẽ bị nói điều không tốt bất cứ lúc nào.
Cách trả lời khi được hỏi về công ty cũ hay nhất
Môi trường làm việc của công ty cũ
Đầu tiên, nhà tuyển dụng sẽ đặt những câu hỏi liên đến môi trường làm việc của công ty cũ. Thông thường, nhà tuyển dụng sẽ đặt câu hỏi: “Bạn thấy môi trường làm việc ở công ty cũ như thế nào? Văn hóa công ty có phù hợp với tính cách của bạn không?” hoặc “Trong thời gian làm việc, bạn thấy hòa nhập được với công ty cũ không?
Lúc này, đừng thẳng thừng trả lời: “Không!”. Như thế, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn là người khó gần và không có khả năng làm việc tập thể. Hãy khéo léo biến tính cách của mình trở thành ưu điểm cứu cánh để tạo ấn tượng với người phòng vấn.
Chẳng hạn, bạn có thể trả lời như sau: “Trong thời gian làm việc ở công ty cũ, tôi luôn hòa nhập cùng các đồng nghiệp, tham gia các hoạt động và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, văn hóa công ty có chút hơi trẻ so với độ tuổi của tôi nên đôi lúc cảm giác mình bị chậm so với các đồng nghiệp khác”.
>>> Xem thêm: Môi trường làm việc là gì? Tiêu chí đánh giá môi trường làm việc lý tưởng
Mức lương ở công ty của em là bao nhiêu?
Đây là một câu hỏi chắc chắn các nhà tuyển dụng sẽ hỏi ứng viên trong buổi phỏng vấn. Một vài bạn lựa chọn từ chối trả lời câu hoi này, số khác lại chọn cách nói dối về mức lương ở công ty cũ. Tuy nhiên, ứng viên nên thành thật với nhà tuyển dụng khi chắc chắn rằng họ không dựa vào mức lương cũ để đưa ra mức lương mới thấp hơn. Để chắc chắn mức lương được offer, ứng viên nên dành thời gian xác định mức lương mong muốn và tìm hiểu kỹ về phía công ty đang ứng tuyển. Từ đó, ứng viên có thể dự đoán được nhà tuyển dụng offer cho bạn mức lương bao nhiêu.
Lý do nghỉ việc ở công ty cũ
Lý do nghỉ việc của ứng viên chính là vấn đề được nhà tuyển dụng quan tâm hàng đầu. Câu hỏi: “Tại sao em nghỉ việc ở công ty cũ?” cũng tương tự như “Em có thể gắn bó với công ty trong bao lâu?” hoặc “Em muốn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp hay không?”.
Thực tế, ai cũng từng chuyển việc ít nhất một lần và lý do nghỉ việc chắc hẳn cũng chẳng tốt đẹp gì để nói ra. Tuy nhiên, khi bị nhà tuyển dụng hỏi câu hỏi này, bạn lại nói xấu công ty cũ thì chắc chắn sẽ mất điểm với nhà tuyển dụng. Có rất nhiều cách trả lời “ăn điểm” trong mắt nhà tuyển dụng của ứng viên bạn đọc có thể tham khảo dưới đây:
Cách 1: Với công việc hiện tại, tôi không còn tận dụng được hết các kỹ năng và kinh nghiệm cua mình nên tôi muốn tìm kiếm vị trí khác phù hợp hơn, giúp tôi đóng góp được nhiều hơn. Khi tìm hiểu về công ty, tôi cảm thấy mình có nhiều cơ hội vận dụng kỹ năng, kinh nghiệm để cùng đạt mục tiêu chung trong công việc. Chính vì vậy, tôi mong muốn có cơ hội thử thách chính mình ở vị trí công ty đang tuyển dụng.
Cách 2: Trong suốt thời gian làm việc tại công ty cũ, tôi đã luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc, vượt KPI và dành được nhiều giải thưởng như nhân viên xuất sắc nhưng lại không có sự thăng tiến nào vì vị trí cao hơn không còn trống. Vì vậy, tôi muốn thay đổi công việc để tìm cơ hội cho bản thân, tôi muốn được cống hiến và công nhận.
Cách 3: Khi làm việc tại công ty cũ tôi cũng đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm hữu ích. Tuy nhiên, nơi đó không còn phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp của tôi nên tôi quyết định rời đi. Sau khi tìm hiểu, tôi thấy công ty bạn chính là lựa chọn tốt nhất để tôi có thể đồng hành vầ mang lại giá trị cho công ty cũng như sự nghiệp của cá nhân tôi.
>>> Xem thêm: Tổng hợp 5 lý do nghỉ việc thuyết phục nhất bạn cần biết
Quan hệ với sếp và đồng nghiệp cũ
Hãy thật tỉnh táo khi được hỏi về mối quan hệ của bạn với cấp trên cũ. Nếu thừa nhận không hợp làm việc với người khác thì bạn sẽ bị đánh giá khó làm việc. Đây không phải là lúc kể về những thiếu sót của bản thana hoặc những câu chuyện tiêu cực, xích mích với sếp cũ. Thay vào đó, ứng viên nên nói những đặc điểm bản thân ngưỡng mộ ở người khác và thể hiện mình đủ khả năng làm việc với nhiều kiểu người.
Những sai lầm cần tránh khi trả lời về công ty cũ
Cách trả lời phỏng vấn tuyển dụng khi hỏi về công ty cũ như thế nào để không mất điểm? Khi được hỏi về công ty cũ trong lúc phỏng vấn, nhiều ứng viên đã không kiềm chế được cảm xúc mà mắc phải những sai lầm không đáng có, gây ấn tượng xấu với nhà tuyển dụng. Những vấn đề phổ biến mà hầu hết mà các ứng viên rất dễ mắc phải khi nhắc về công ty cũ gồm:
Thể hiện thái độ tiêu cực, không hài lòng
Nói xấu sếp cũ và đồng nghiệp cũ chính là sai lầm dễ mắc phải của hầu hết các ứng viên. Điều này không những không giúp ghi điểm với nhà tuyển dụng mà còn khiến họ có những đánh giá xấu về bạn. Họ có thể đặt câu hỏi ngược lại vấn đề tương tự có xảy ra sau khi bạn rời khỏi công ty họ. Vì thế, dù không hài lòng hay uất ức như thế nào ứng viên vẫn nên kiềm chế cảm xúc và dành cho công ty cũ những lời lẽ dễ nghe.
Đưa ra lý do chung chung
Khi được hỏi về lý do nghỉ việc ở công ty cũ, nhiều ứng viên lựa chọn câu trả lời: “Vì lý do cá nhân nên quyết định nghỉ”. Mặc dù là câu trả lời an toàn vì không nhắc đến lý do cụ thể nào nhưng đây như “con dao 2 lưỡi” khiến nhà tuyển dụng đoán được lý do không tốt đẹp nên ứng viên không tiện nói. Điều này sẽ khiến nhà tuyển dụng trở nên e dè và cân nhắc kỹ hơn trước khi đưa ra quyết định.
Chỉ trích sếp cũ
Mặc cho lý do nghỉ việc là vì mối quan hệ với cấp trên cũ không tốt đẹp thì hãy khéo léo bày tỏ bằng thái độ chuyên nghiệp. Thay vì chỉ trích bằng những từ ngữ khó nghe, thiếu tôn trọng, ứng viên nên chia sẻ những cách ứng xử và sự cố gắng trau dồi bản thân vì sự phát triển chung của công ty.
Một vài gợi ý câu trả lời hay nhất khi hỏi về công ty cũ
Dưới đây là một vài cách trả lời phỏng vấn tuyển dụng khi hỏi về công ty cũ và lý do nghỉ việc một cách tinh tế, khéo léo giúp “ăn điểm” với nhà tuyển dụng:
Mẫu 1: Tôi nghỉ việc ở công ty cũ để học lên cao trong một thời gian. Hiện tại, tôi đã hoàn thành xong chương trình học của mình nên muốn tìm kiếm một môi trường tốt hơn để cống hiến và phát huy hết năng lực của bản thân.
Mẫu 2: Tôi rất thích công việc ở công ty cũ nhưng ở đó, tôi không còn cơ hội để sử dụng kiến thức mình đã học được nên muốn thay đổi nơi làm việc. Tôi tin môi trường làm việc tại công ty sẽ giúp tôi áp dụng được những kiến thức mà tôi đang có để phát triển mục tiêu chung.
Mẫu 3: Tôi đã có những định hướng mới trong công việc nhưng công ty hiện tại của tôi không phải môi trường phù hợp để phát triển định hướng và dự định của tôi. Chính vì thế, tôi quyết định tìm kiếm một môi trường mới để phát triển sự nghiệp theo đúng mong muốn. Tôi luôn đặt mục tiêu thăng tiến trong công việc và luôn cố gắng đạt được điều đó. Ở công ty cũ tôi không còn tìm được cơ hội thăng tiến nên muốn tìm một môi trường mới để phát huy hết khả năng của mình.
Mẫu 4: Tôi mong muốn làm việc đúng chuyên ngành của mình để tích lũy kinh nghiệm và phát triển bản thân. Thế nhưng, công việc hiện tại của tôi ở công ty cũ lại khác với chuyên ngành mà tôi từng theo học nên khó phát huy hết khả năng của mình. Đây chính là lý do tôi xin chuyển việc và tìm cơ hội ở môi trường mới.
Kết luận
Trên đây là toàn bộ thông tin về cách trả lời phỏng vấn tuyển dụng khi hỏi về công ty cũ BlogTopCV.vn cung cấp cho bạn đọc. Hi vọng sẽ giúp bạn đọc rút kinh nghiệm và biết cách ứng xử khéo léo hơn để ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Có rất nhiều cách trả lời khác như nhưng ứng viên hãy chuẩn bị kỹ một câu trả lời thật hợp lý và khéo léo để tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn. Ngoài ra, nếu chưa tìm được công việc như ý muốn, hãy vào TopCV.vn để cập nhật việc làm hot mỗi ngày với đa dạng ngành nghề, lĩnh vực và kinh nghiệm cho cả người chưa có kinh nghiệm.