Bất cứ quá trình tham gia ứng tuyển nào cùng nhà tuyển dụng, ứng viên cũng phải trải qua vòng phỏng vấn. Phỏng vấn trực tiếp đóng vai trò then chốt, quyết định tới 80% khả năng bạn có trở thành người được chọn hay không. Chuẩn bị kỹ lưỡng cho vòng này là điều cần thiết, giúp ứng viên gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng, từ đó chinh phục được công việc mơ ước. Tuy nhiên, trong quá trình phỏng vấn, nhiều bạn trẻ vẫn luôn mải mê tìm kiếm những câu trả lời “đúng và hay” mà không biết điều nhà tuyển dụng thực sự muốn nghe là gì; hoặc áp dụng những điều sáo rỗng và rập khuôn để trả lời nhà tuyển dụng mà không biết điều đó có phù hợp với bản thân mình hay không.

Lại một mùa tuyển dụng tới, hãy cùng TopCV tìm hiểu câu chuyện phỏng vấn một cách sâu hơn để tìm ra những giải pháp hay giúp quá trình phỏng vấn của các ứng viên trẻ thuyết phục và đúng đắn hơn.

1. “Em hãy giới thiệu về bản thân”: Yêu cầu quen thuộc từ nhà tuyển dụng nhưng bạn có hiểu đủ rõ bản thân để gây ấn tượng?

Từ những câu trả lời rập khuôn…

Trước khi tham gia phỏng vấn cho công việc mới, bạn – những ứng viên trẻ đã tìm hiểu bao nhiêu bài viết, lời khuyên trên mạng Internet khi đi phỏng vấn? Bạn đã ghi nhớ bao nhiêu câu trả lời mẫu trên mạng để đưa ra câu trả lời, phải gọi là “đáp án” hoàn hảo nhất trước nhà tuyển dụng? Việc tìm hiểu, tham khảo, chuẩn bị cho quá trình phỏng vấn không có gì là sai. Ai cũng muốn bản thân thể hiện tổ nhất trước nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, có bao giờ bạn nhận ra mình đang quên mất bản thân mình là ai, mình muốn thể hiện điều gì mà chìm đắm trong những mẫu câu trả lời nhàn nhạt có sẵn trên mạng?

Bàn về câu chuyện "old but gold" trong phỏng vấn: Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng!

Mỗi một công việc có rất nhiều ứng viên ứng tuyển, số lượng sẽ lên tới hàng ngàn ứng viên khi đó là một vị trí hot trong một công ty đầy danh tiếng. Nếu tất cả đều trả lời nhà tuyển dụng theo cách na ná, từa tựa nhau như những gì có sẵn đã đọc được, thì nhà tuyển dụng tìm đâu ra ứng viên phù hợp? Nếu thực sự hiểu rõ bản thân mình là ai, muốn gì, có giá trị như thế nào, những câu trả lời sáo rỗng với nhà tuyển dụng liệu có đủ làm thỏa mãn bạn hay không?

“Em hãy giới thiệu về bản thân. Em có sở trường gì và tại sao chúng tôi phải chọn em cho vị trí này?” – câu hỏi quá đỗi quen thuộc mà 99% ứng viên sẽ gặp khi đi phỏng vấn. Bạn sẽ trả lời thế nào? Đối với nhiều người, đây là câu hỏi dễ nhất. Nhưng cũng không thiếu trường hợp rơi vào bối rối, ấp úng. Và câu trả lời đưa ra thường chung chung kiểu: “Em là người hòa đồng, thân thiện, chăm chỉ, có khả năng làm việc nhóm, chịu được áp lực cao. Với những điều trên em nghĩ là em có thể làm tốt công việc bên mình.”

++ Tham khảo kỹ năng phỏng vấn chuyên nghiệp từ các chuyên gia tuyển dụng

Những câu trả lời nhạt nhòa, thiếu sức sống như trên liệu có đủ nhận được cái gật đầu từ nhà tuyển dụng – những người tiếp xúc với rất nhiều ứng viên trong một ngày? Có thể bạn liệt kê toàn đức tính tốt, nhưng chẳng phải nó đang thiếu tính chứng minh sao? Chăm chỉ như thế nào? Bạn đã làm việc nhóm với ai, và kết quả công việc ấy ra sao? Hiệu suất công việc của bạn ra sao nếu làm việc dưới áp lực? Đây mới là điều nhà tuyển dụng cần. Đôi khi một con số có giá trị hơn cả vạn lời nói. Chưa hết, bạn còn phải đối chiếu những năng lực, sở trường ấy; cùng yêu cầu cụ thể của công việc đang ứng tuyển. Và từ đó phân tích tại sao công việc lại vụ hợp với bạn.

Nhiều ứng viên, đặc biệt là các bạn trẻ thường học trên các tips phỏng vấn trên mạng mà trả lời theo kiểu chung chung, trăm người như một. Có thể đó là một cách trả lời an toàn, đầy đủ nhưng thiếu cá tính, thiếu điểm nhấn và không thể hiện được con người của bạn.

Tại sao bạn mất thời gian quá nhiều để làm một “kịch bản phỏng vấn” học thuộc lòng? Những câu trả lời để người khác hiểu về bản thân bạn còn đi mượn, thì bạn có chắc đã hiểu rõ bản thân mình?

Đến cách hiểu rõ bản thân mình

Thales, nhà triết học của Hy Lạp cổ từng được đặt câu hỏi: “Khó khăn là gì?”. Đây là câu trả lời của ông: “Là tự thấu hiểu bản thân mình!”. Hay cố giáo sư Warren Bennis – một chuyên gia về Lãnh đạo Quản lý cũng từng nói: “Thấu hiểu bản thân vẫn là vấn đề khó khăn nhất của đời người. Cho đến khi bạn hiểu được điểm mạnh, điểm yếu, tính cách của bản thân, bạn sẽ chẳng thể thành công ở bất kỳ lĩnh vực nào.”

Thật vậy, thấu hiểu bản thân luôn là điều các bạn trẻ được nhắc nhở thường xuyên trong các chương trình hướng nghiệp hay trước khi lựa chọn ngành học, nghề nghiệp. Thấu hiểu bản thân được hiểu là khả năng nghĩ về bản thân (điểm mạnh, điểm yếu…) và các mối quan hệ xung quanh bạn.

Bàn về câu chuyện "old but gold" trong phỏng vấn: Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng!

“Điều này rất quan trọng, vì khi mọi vật có cùng một xuất phát điểm, thì chúng ta chịu ảnh hưởng bởi những vấn đề do hành vi gây ra. Mà hành vi phản chiếu những gì ta nghĩ. Có điều, rất ít người chịu dừng bước và tự vấn về những gì họ nghĩ, cách họ nghĩ và vì sao họ phải nghĩ về những điều như vậy.” (Theo Vision).

Hiện nay, các công ty đều có những bài trắc nghiệm tính cách như MBTI, Myers Briggs… như một phần của quá trình tuyển dụng, nhằm xác định ứng viên có phù hợp với môi trường làm việc hay không. Những bài trắc nghiệm này không đơn giản, mà được rất nhiều nghiên cứu về tâm lý học tổng hợp lại, nhằm tìm ra điểm mạnh, điểm yếu trong tính cách của từng ứng viên.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là một phần của câu chuyện. Điểm mạnh và điểm yếu không quan trọng bằng tư duy của bạn. Tư duy thay đổi, bạn mới thấu hiểu được bản thân. Chúng ta có xu hướng tự dối lòng, tự che lấp đi sự thật. Nói cách khác, chúng ta chẳng thể tin vào chính mình, vì bản chất tư duy của chúng ta không muốn nhìn vào sự thật trần trụi, nhất là khi nó mang tính tiêu cực. Ta thường chôn chặt chúng trong lòng, lảng tránh chúng trong vô thức.

++ Kiểm tra trắc nghiệm MBTI

Để thay đổi tư duy, bạn cần sự khiêm tốn – chất bôi trơn xóa nhòa khoảng cách từ thứ ta muốn nhìn thấy đến sự thật trần trụi. Nó sẽ giúp ta chấp nhận sự thật rằng bản thân có thể không như những gì mình vẫn nghĩ, và chấp nhận học hỏi để thay đổi. Tuy nhiên đôi khi việc làm quá mọi lỗi lầm và điểm yếu của bản thân sẽ khiến bạn tự co mình lại, ngăn cơ hội phát triển của bản thân để rồi có thể bạn lại dễ rơi vào vòng lặp chối bỏ và đổ lỗi. Đến lúc này bạn cần nhận ra đâu là điểm mạnh của mình, cũng như những cơ hội qua nhiều lần vấp ngã.

Sau tư duy, chúng ta cần thay đổi hành động, chấp nhận thất bại và sẵn sàng học hỏi. Một nghiên cứu của giáo sư Howard Gardner – chuyên gia trong ngành giáo dục – có một câu như thế này: “Ai cũng thất bại, kể cả những cá nhân kiệt xuất. Nhưng thay vì bỏ cuộc, họ chấp nhận học hỏi và trở thành kẻ chiến thắng ngay khi có cơ hội”

Thấu hiểu bản thân mặt khác còn giúp chúng ta thấu hiểu những người xung quanh. Bạn sẽ nắm rất rõ cách người ta nhìn vào điểm mạnh và điểm yếu của bạn, cũng như cho phép bạn có những đánh giá rõ ràng hơn về điểm tương tự của họ. Từ đây, liệu có nhà tuyển dụng nào mà bạn không thể chinh phục hay không?

2. Hiểu rõ nhà tuyển dụng muốn nghe điều gì

Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng! Hiểu rõ bản thân mình chưa đủ, hãy hiểu rõ cả nhà tuyển dụng của bạn: họ muốn nghe điều gì?

“Đọc” CV trước nhà tuyển dụng?

Nhiều ứng viên khi trả lời phỏng vấn nhà tuyển dụng thường chỉ như thuật lại các câu chữ trong CV mà quên mất CV giống như phần nổi của tảng băng chìm. Làm sao nhà tuyển dụng có thể quyết định có tuyển bạn hay không; khi thậm chí còn chưa từng gặp mặt trực tiếp? Chính vì thế, các buổi phỏng vấn được sinh ra để hai bên có thể đối thoại trực tiếp và hiểu nhau hơn. Vậy nên, chẳng nhà tuyển dụng nào muốn bạn “đọc” y nguyên những gì đã có trong CV. Bất kỳ câu hỏi được đặt ra đều nhằm mục đích là muốn biết rõ, chi tiết hơn về con người cũng như trải nghiệm của ứng viên.

++ Tham khảo mẫu CV chuẩn 2020

Bàn về câu chuyện "old but gold" trong phỏng vấn: Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng!

Đối với phần giới thiệu, đừng chỉ dừng lại ở câu chào hỏi đơn điệu; theo sau là những thông tin như họ tên, tuổi, học vấn… những điều đã có trong CV. Khi nói về bản thân mình, đừng tiếp cận câu hỏi này một cách cứng nhắc. Hãy để câu trả lời nói lên “bạn là ai?”, cũng như thể hiện nhiều khía cạnh khác nhau của bản thân.

++ Tham khảo kỹ năng viết CV chuyên nghiệp 2020

Bạn có thể kể một câu chuyện thú vị tại sao “bén duyên” với ngành, nghề này. Kỷ niệm thú vị nhất khi đi làm của bạn hay thói quen khi làm việc của bạn?

Những chi tiết tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng thể hiện phần nào con người bạn, khiến không khí cuộc phỏng vấn trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Từ đó, nhà tuyển dụng cũng dễ tìm kiếm điểm chung giữa bạn và văn hóa doanh nghiệp hơn.

Nếu có quá nhiều điều để nói và không biết nên bắt đầu từ đâu. Hãy khéo léo hỏi nhà tuyển dụng xem họ muốn nghe điều gì từ bạn nhé! Sự chủ động đúng lúc, đúng chỗ đôi khi sẽ mang lại hiệu quả bạn không ngờ tới.

Tìm hiểu nhà tuyển dụng vô cùng cần thiết

Trước khi tới phỏng vấn, bạn nên dành thời gian để tìm hiểu nhà tuyển dụng, người trực tiếp phỏng vấn mình hôm đó nếu được cung cấp thông tin từ trước. Nếu mọi việc suôn sẻ, bạn có khả năng cao trúng tuyển thì nơi bạn tới phỏng vấn chính là công ty bạn làm việc, bạn sẽ dành 8 tiếng mỗi ngày tại đó. Vậy nên chỉ có lợi nếu bạn tìm hiểu kỹ thông tin của doanh nghiệp trước khi tới phỏng vấn. Đây cũng là cách để bạn thể hiện sự tôn trọng trước nhà tuyển dụng.

Đừng tìm hiểu mọi thứ một cách đối phó, chỉ để trả lời cho câu hỏi phỏng vấn. Mà hãy thực sự tìm hiểu và đặt câu hỏi rằng mình có thực sự phù hợp với môi trường này hay không?

Trong thời đại công nghệ hiện nay, có rất nhiều phương tiện giúp bạn hiểu rõ hơn về một doanh nghiệp. Website chính thức, fanpages, các hội nhóm; thậm chí nếu để ý bạn sẽ thấy cả những bình luận của nhân viên công ty. Việc này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về công ty, cũng như không quá bỡ ngỡ khi bước vào vòng phỏng vấn.

Tôi còn nhớ cách đây 2 năm trước, từng đi phỏng vấn vị trí Content Marketing và nhà tuyển dụng đã hỏi tôi: “Theo bạn, Marketing là gì?” Mặc dù, tôi đã có 1 năm làm Content trước đó, nhưng vẫn cảm thấy vô cùng bối rối, rồi trả lời một cách ngớ ngẩn như thể mình là dân ngoại đạo.

Từ bản thân mình, tôi có thể rút ra, không phải chỉ mình tôi, rất nhiều ứng viên sợ mình trả lời sai, không đúng ý nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở chuyện đúng sai. Mỗi vị trí ở các công ty khác nhau thì tính chất công việc sẽ có đôi chút khác biệt. Hãy trả lời câu hỏi theo đúng kinh nghiệm và những gì bạn thu thập được trong quá trình làm việc.

Bạn đừng quên hay ngại ngần đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng. Hầu hết các nhà tuyển dụng đều đặt câu hỏi “Em có muốn hỏi gì thêm về công việc không?” dành cho bạn. Hãy tận dụng cơ hội này để đặt những câu hỏi rõ ràng hơn về tương lai của bạn khi làm việc tại đây một cách khéo léo. Chẳng hạn như khóa đào tạo nhân viên, dự án gần đây của công ty mà bạn quan tâm…

“Uốn lưỡi” trước khi nói

Bàn về câu chuyện "old but gold" trong phỏng vấn: Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng!

Đôi khi nhà tuyển dụng sẽ đặt ra những câu hỏi bất ngờ, không có sự chuẩn bị trước. Mục đích của chúng là để thử thách khả năng phản ứng và phân tích vấn đề của bạn trong thời gian ngắn. Vì lý do này, mà nhiều ứng viên vội vàng trả lời ngay khi được đặt câu hỏi. Và tất nhiên, những ứng viên này thường không được đánh giá cao.

Để có câu trả lời tốt nhất bạn nên dành ra 1 phút để suy nghĩ và hiểu về nó. Thậm chí là hỏi kỹ lại nếu cảm thấy chưa hiểu. Thông thường, chẳng có “đúng” hay “sai” với các câu hỏi tình huống và thử thách; bởi câu trả lời tùy thuộc vào tư duy của mỗi người. Thế nên, hãy suy nghĩ để có được câu trả lời tốt nhất thay vì “nhanh nhất”. Kiểm tra thông tin đã đầy đủ chưa, tình huống đã đủ dữ kiện để phân tích chưa là điều bạn nên làm.

Bí quyết khi nhìn nhận vấn đề là hãy rút ra hai quan điểm trái ngược nhau từ tình huống và bảo vệ một trong hai. Đừng sợ sai vì ngay cả giải pháp của người phỏng vấn bạn chưa hẳn đã chính xác 100%. Thậm chí, tranh luận một cách lịch sự cũng nói lên bạn là người có chính kiến; cũng như biết bảo vệ quan điểm của mình.

Sẽ có những nhà tuyển dụng hỏi bạn về thành tựu bạn tự hào nhất. Lúc này, bạn luôn cần ghi nhớ về thành tựu lớn nhất của chính mình. Câu trả lời của bạn sẽ cho thấy cách bạn nhìn nhận vấn đề ra sao. Những điều có giá trị với bạn có đóng góp được gì cho công ty hay không; và từ đó cũng thể hiện được suy nghĩ và cách làm việc của bạn.

Nếu bạn chưa có thành tựu nào thật sự nổi bật; bạn có thể nói về niềm tự hào của mình trong quá trình đi học. Ngay cả việc cầm tấm bằng đại học hoặc sau đại học trên tay; cũng là điều đáng tự hào của mỗi người. Nên nhớ, thành thật là chìa khóa thành công trong mỗi buổi phỏng vấn tốt.

3. Tạm kết

Tôi vẫn thường nhớ tới câu chuyện về những vạch kẻ giảm tốc trên mỗi làn đường. Cho dù người ta có đi nhanh hay chậm, chỉ cần nhìn thấy chúng là sẽ tự động nhớ ngay đến việc chú ý tốc độ đang đi. Bài viết trên có thể sẽ mang sứ mệnh như chiếc vạch kẻ giảm tốc kia, gợi nhắc gợi nhớ về thái độ, cách thức chuẩn bị tốt nhất cho ứng viên mỗi khi tới mùa tuyển dụng cho dù các bạn có thực sự cần nó hay đọc nó kỹ lưỡng hay không… “Old but go”, có những điều tuy không còn mới những luôn đúng và đôi khi bị các bạn mặc nhiên bỏ qua.

TopCV hy vọng qua bài viết, một thế hệ ứng viên mới sẽ được trang bị thêm kỹ năng tham gia phỏng vấn, chinh phục toàn bộ nhà tuyển dụng để có được những công việc như mong muốn.