Thực sự sáng tạo không phải năng khiếu, sáng tạo là một kỹ năng có thể tập luyện?

su-sang-tao-1

Chúng ta đã nói về sự sáng tạo cả hàng ngàn năm nay, từ những phát kiến vĩ đại của loài người cho tới những cải tiến nhỏ trong đời sống thường ngày. Nhiều người vẫn thường nghĩ, sáng tạo là năng khiếu thiên bẩm, chỉ dành cho những đối tượng làm các công việc đặc thù liên quan tới văn học, nghệ thuật, nội dung mới có. Định kiến này có đúng hay không? Liệu sự sáng tạo có là sự may mắn ông trời ban cho một cá nhân nào đó? Sự sáng tạo có thể trau dồi và rèn luyện hay không? Những sự thật dưới đây sẽ cho các bạn câu trả lời rõ nhất.

1. Không có nghiên cứu khoa học nào chứng minh có người bẩm sinh sáng tạo hơn người khác

sang-tao-2
Sáng tạo không phải là nảy ra một ý tưởng hoàn toàn mới ngay tức thì.

Nhà tâm lý học Robert Epstein đã nhận định không có bất kỳ nghiên cứu khoa học nào chứng minh có những người bẩm sinh có sức sáng tạo hơn người khác. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng khả năng sáng tạo của mỗi người cơ bản là như nhau.

Doanh nhân huyền thoại Steve từng nói “Sáng tạo chỉ là kết nối các thứ với nhau” và gần 8 tỷ bộ não trên thế giới đều có thể làm việc này. Trên thực tế, liên kết thông tin là một trong những công việc chính của não bộ. Chúng ta càng dung nạp nhiều thông tin, não bộ càng có nhiều liên kết mới. Từ những liên kết mới này, chúng ta có nền tảng sáng tạo.

Sáng tạo là kết nối các thứ với nhau

——————Steve Jobs —————–

Sáng tạo không phải là nảy ra một ý tưởng hoàn toàn mới ngay tức thì. Dựa trên quan điểm của người viết, không có thứ gọi là ý tưởng mới. Chúng ta chỉ có những kết hợp mới từ những ý tưởng cũ mà thôi.

Không phải ngẫu nhiên, những người làm về sáng tạo như Content, Designer, Editor đều dành rất nhiều thời gian để tham khảo những bài viết đã có, những thiết kế đã được tạo ra, những thước phim đã được dựng. Từ đó, mới tìm cách vận dụng, đưa ra những điểm mới mẻ vào trong sản phẩm của mình. 

Không phải ngẫu nhiên, có những ca sĩ từng là “bản sao” của một ai đó, nhưng sau một thời gian làm nghề họ đã nỗ lực thành công thoát khỏi cái bóng của đàn anh, đàn chị đi trước; thậm chí còn trở thành hiện tượng No.1 trên thị trường âm nhạc nước nhà. Nỗ lực thoát khỏi bóng của một ai đó, cũng là nỗ lực sáng tạo tìm cho mình những dấu ấn riêng trong từng sản phẩm. 

>> Xem thêm: “Không sáng tạo” có theo đuổi được ngành Marketing?

2. Một cái đầu “creative” hoàn toàn có thể tập luyện được

Đây là kết luận từ một nghiên cứu về tính hiệu quả của hoạt động rèn luyện sự sáng tạo. Nghiên cứu này cho thấy, những chương trình huấn luyện có thể làm tăng khả năng sáng tạo đối với mọi đối tượng tham gia, bất kể những tiêu chí và hoàn cảnh khác nhau.

Nghiên cứu nhận định rằng những chương trình tập trung phát triển các kỹ năng tư duy – suy luận là những chương trình thành công nhất.

Tạo thói quen ghi chú lại những ý tưởng mới của mình là bước đầu giúp bạn rèn luyện khả năng sáng tạo.

Nhà nghiên cứu Robert Epstein cũng cho rằng, việc rèn luyện 4 khả năng sau có thể giúp bạn có nhiều ý tưởng mới hơn:

  • Tạo thói quen ghi chú lại những ý tưởng mới của mình
  • Lao vào những công việc nhiều thử thách
  • Học hỏi thêm nhiều kiến thức
  • Sinh hoạt và làm việc trong một môi trường có nhiều điều thú vị (nơi ở được trang trí theo sở thích, có những đồng nghiệp hợp cạ, có những cuộc đối thoại truyền cảm hứng và kiến thức,…)

3. Để sáng tạo, bạn chỉ cần tự tin hơn

Đôi khi những “quy chuẩn”, “định kiến” của xã hội dễ đưa những suy nghĩ, hành động của con người vào một bộ “rập khuôn” thiếu sự đổi mới. Tại sao không được viết tay trái, tại sao học nghệ thuật lại bị cho là “bấp bênh”? Tại sao những người có phong cách ăn mặc đặc biệt lại nhận về những chỉ trích, bàn tán thiếu tích cực? Tại sao một bài viết có tính ngược dòng, mang quan điểm cá nhân khác biệt thường hay bị số đông tấn công? Có phải chính những phán xét, định kiến làm cho sự sáng tạo dần bớt đi? Người ta e dè hơn trong việc bộ lộ những phẩm chất sáng tạo của mình?

Đôi khi những “quy chuẩn”, “định kiến” của xã hội dễ đưa những suy nghĩ, hành động của con người vào những sự “rập khuôn” thiếu sự đổi mới. 

Để nghệ thuật – lĩnh vực được cho là cần sức sáng tạo nhiều nhất qua một bên, tại công sở, việc đưa ra một quy trình làm việc mới khác với quy trình cũ đã vận hành hàng chục năm chắc chắn nhận được sự quan tâm cả tích cực lẫn tiêu cực. Vô hình trung gây ra áp lực với những người tìm ra phương pháp mới.

Tom Kelley và David Kelley là hai anh em sáng lập nên công ty IDEO, chuyên tư vấn về cách tân và thiết kế từng làm việc với nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ. Họ cũng là tác giả cuốn sách ‘Tự tin sáng tạo’, ra đời với thông điệp chính: sáng tạo là khả năng thiên bẩm của tất cả mọi người.

Hai tác giả này đã từng tiếp xúc với nhiều người và phần lớn họ đều e dè hai chữ “sáng tạo”: họ không dám trình bày ý tưởng của mình trước các đồng nghiệp và tự xếp mình vào loại người “không sáng tạo”. Họ làm những công việc như nhau hàng ngày. Nó là một quy trình các bước lặp đi lặp lại. Thế nhưng, lúc còn bé, họ từng dám làm những điều có vẻ điên rồ, phá cách vì không biết sợ là gì.

++ Tham khảo các cơ hội việc làm Creative hấp dẫn 2020

Khi trưởng thành hơn, áp lực xã hội và những nỗi sợ gây ra sai lầm cũng lớn dần thêm. Đôi khi chính chúng ta đã chèn ép một bản ngã đầy sáng tạo của chính mình một cách vô thức (hoặc có ý thức). Sau một khoảng thời gian dài công tác trong lĩnh vực sáng tạo, hai tác giả này cho rằng sự dũng cảm chính là yếu tố then chốt giúp mỗi người khai phá tiềm năng sáng tạo của bản thân.

sang-tao-3
Đôi khi chính chúng ta đã chèn ép một bản ngã đầy sáng tạo của chính mình một cách vô thức (hoặc có ý thức).

Chúng ta cần tin rằng những ý tưởng của mình có thể trở thành hiện thực và có tác động tới môi trường xung quanh. Hai ông gọi niềm tin này là “sự tự tin sáng tạo”. Như vậy, để sáng tạo, bạn chỉ cần vững tin ở bản thân, dám làm, thất bại, rồi làm lại.

Bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, như vẽ nguệch ngoạc trên giấy. Suni Brown, tác giả cuốn The Doodle Revolution (Cuộc cách mạng vẽ nguệch ngoạc) chỉ ra rằng những bộ óc vĩ đại nhất của thê giới, từ Henry Ford tới Steve Jobs, đều sử dụng cách này để bắt đầu một quá trình sáng tạo. Vẽ lung tung ra giấy có thể cải thiện khả năng gợi nhớ và kích hoạt những lối dẫn độc đáo trong hệ thần kinh của bạn, dẫn tới những đột phá trong nhận thức và trí tưởng tượng. Thậm chí có những công ty lớn trên thế giới còn khuyến khích việc vẽ nguệch ngoạc trong buổi họp.

Bên cạnh đó, hãy tìm cho mình một môi trường kích thích sự sáng tạo trong bạn. Chẳng hạn, một môi trường có trẻ em bởi chúng là đối tượng chưa bị ám ảnh bởi nỗi sợ sự chỉ trích của những người xung quanh hay nỗi xấu hổ của mỗi lần thất bại.

Không phải ngẫu nhiên, Google luôn tạo điều kiện cho nhân viên một môi trường làm việc thoải mái nhất có thể, từ sân bóng chuyền bãi biển, thậm chí phục vụ bia miễn phí. Mục tiêu là tạo ra một môi trường khiến cho nhân viên cảm thấy vô cùng thoải mái với những ý tưởng sáng tạo thậm chí là kỳ cục.

Và tất nhiên còn có rất nhiều phương pháp để kích thích sự sáng tạo trong con người bạn. Đừng bao giờ mặc định mình là người không sáng tạo. Đó là do sự lựa chọn của bạn mà thôi. Như tác giả Lê Nghĩa – tác giả của “Sáng tạo không phải là năng khiếu thiên bẩm như bạn vẫn nghĩ” từng viết:

“Bạn muốn điều khiển óc sáng tạo? 

Nhưng mà… bạn đâu có cần.

Bạn chỉ cần cho phép nó hoạt động thôi.”

*Bài viết lấy cảm hứng từ “Sáng tạo không phải là năng khiếu thiên bẩm như bạn vẫn nghĩ” của tác giả Lê Nghĩa