McKinsey & Company, Inc. là một công ty tư vấn quản lý quốc tế hàng đầu với 109 trụ sở văn phòng tại hơn 60 quốc gia trên thế giới. Đây là một trong những tổ chức có uy tín nhất và nổi tiếng trên thế giới và đã được xếp hạng là nhà tuyển dụng hàng đầu được lựa chọn tại các trường MBA trên toàn thế giới. Và tất nhiên, có cơ hội làm việc tại McKinsey luôn là niềm mơ ước của nhiều sinh viên Việt Nam. Hiểu được nhu cầu đó, TopCV sẽ chia sẻ những cái nhìn khái quát nhất về môi trường làm việc tại McKinsey, cũng như kinh nghiệm thi tuyển vào McKinsey Vietnam. Mong rằng sẽ hữu ích với các bạn đang có dự định tìm kiếm một nơi làm việc tốt.
Giới thiệu chung về McKinsey
McKinsey ra đời năm 1926 tại Chicago (Mỹ), với tiền thân là công ty James O. McKinsey do James O. McKinsey thành lập. Tom Kearny vào làm việc cho McKinsey năm 1929, còn Martin Bower gia nhập năm 1931. Sau khi James O. McKinsey qua đời đột ngột năm 1937, Bower và Kearny cùng quản lý công ty. Sự bất đồng quan điểm của 2 người đã khiến công ty bị phân chia thành 2 chi nhánh: một ở Chicago của Tom Kearny với tên gọi “McKinsey and Kearny”, hai ở Newyork của Martin Bower dưới cái tên “McKinsey & Company”. Năm 1947, Bower mua lại tên thương hiệu McKinsey & Company, và Kearny thành lập thương hiệu riêng là A.T.Kearny & Associates.
McKinsey là công ty chuyên về tư vấn doanh nghiệp, nhưng sau đó dần dần sử dụng uy tín đã có để thực hiện những đơn hàng tư vấn cho chính phủ các nước về chính sách kinh tế, tài chính, tiền tệ. Cơ cấu hay tái cơ cấu, cải cách hay tái cải cách, chuyển dịch hay thay đổi, quy hoạch phát triển và tổ chức triển khai thực hiện là những lĩnh vực hoạt động kinh doanh chủ yếu của McKinsey.
Về bản chất, McKinsey là một thương hiệu dịch vụ. Nhưng về tính chất thì sản phẩm mang tên thương hiệu này rất đặc biệt và không thông dụng với công chúng. Trong thế giới thương hiệu, không có thương hiệu nào khác từ cổ chí kim lại được tạp chí Fortune phải sử dụng nhiều tính từ và đều ở mức độ “nhất thế giới” để đánh giá đến như vậy: McKinsey là hãng tư vấn doanh nghiệp nổi tiếng nhất, kín tiếng nhất, đắt nhất, danh giá nhất, đáng tin cậy nhất, bị ganh tị nhất và bị ghê tởm nhất trên thế giới.
Địa chỉ của trụ sở McKinsey & Company tại Việt Nam là P808 tầng 8, tòa nhà Capital Tower, số 109, Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Kinh nghiệm thi tuyển vào McKinsey
Vì McKinsey áp dụng một quy trình tuyển dụng tiêu chuẩn trên toàn cầu, nên dù bạn thi tuyển vào vị trí nào hay cơ quan nào cũng đều có những yêu cầu và quá trình như nhau. Nhưng thời gian cho cả quá trình lại không cố định, trung bình kéo dài khoảng 1-3 tháng, có thể ngắn hơn, cũng có thể dài hơn (6 tháng).
1. Round 1: CV Screening
Trước khi làm CV để thi tuyển vào McKinsey, bạn cần phải tự nhìn nhận lại bản thân xem mình đang ở đâu, mình mong muốn điều gì, và mình có thể đem lại những giá trị gì khi làm việc tại McKinsey. Chỉ có như vậy, bạn mới có thể hoàn thiện một bản CV ngắn gọn, đúng trọng tâm, và thu hút nhà tuyển dụng.
Nếu bạn vẫn đang gặp khó khăn trong việc làm một CV đẹp và chuyên nghiệp, hãy truy cập topcv.vn để được hướng dẫn cụ thể hơn.
2. Round 2: Problem-solving Test
Bạn có thể chuẩn bị cho vòng này bằng việc làm các bài test mẫu trên website của McKinsey. Chú ý làm lại ít nhất 2 lần để thành thạo, và tự rút ra cho bản thân cách phân bổ thời gian hợp lý xuyên suốt bài thi, tránh việc bỏ sót hay không làm kịp giờ gây đáng tiếc.
3. Round 3: Case Interview
Để hiểu hơn về hình thức Case interview này, bạn có thể tìm kiếm trên Google để đọc thêm tư liệu hoặc lên trực tiếp website của McKinsey để xem video hướng dẫn rồi luyện tập case cho trước. Hãy đảm bảo rằng bạn đã làm phỏng vấn thử ít nhất là 2 lần. Điều này sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc trả lời rõ ràng, đầy đủ, và đúng trọng tâm nhất có thể khi phỏng vấn thật.
Lộ trình thi trên cũng được áp dụng cho Consulting Fellowship Program (CFP) của McKinsey Vietnam. Nếu thành công vượt qua hết các vòng thi, thì ngay từ năm đầu tiên, bạn sẽ được làm việc trong nhiều ngành và phòng ban chức năng khác nhau. Bạn sẽ trau dồi các kiến thức kinh doanh và tìm ra một lĩnh vực yêu thích để theo đuổi sâu hơn. Bạn còn có cơ hội làm việc với những nhân tài đến từ các nền văn hoá khác nhau trên thế giới. Chương trình bao gồm từ đào tạo trực tuyến đến các buổi họp văn phòng và thực hành. Coaching và Mentorship là một phần thiết yếu cho sự phát triển của bạn khi làm việc tại McKinsey. Họ sẽ cung cấp cho bạn feedback, các partner sẽ giúp bạn phát triển và lên kế hoạch vài năm tiếp theo trong sự nghiệp của bạn.
Ngoài ra, ngay khi xác định được rằng bạn muốn thi tuyển vào McKinsey, hãy tìm hiểu, liên hệ và tận dụng cơ hội để network với những người làm việc tại McKinsey. Điều này giúp bạn mở rộng mối quan hệ và học hỏi được nhiều kinh nghiệm cho sau này.
Cơ hội làm việc tại McKinsey cho sinh viên mới ra trường
Tại Việt Nam nói riêng, có một vị trí là Local Consultant (LC), khuyến khích sinh viên mới ra trường ứng tuyển. Sau một đến một năm rưỡi, nếu thể hiện tốt sẽ được cân nhắc lên vị trí Business Analyst (BA). Về bản chất, cả 2 đều là Consultant, nhưng BA là một chức vụ chính thức trong tập đoàn. Bạn sẽ được làm những dự án mang tính chất khu vực tùy theo điểm mạnh và kinh nghiệm của bản thân. Trong khi LC chỉ làm việc chủ yếu tại Việt Nam.
Nếu cảm thấy không phù hợp với công việc consultant, sinh viên mới ra trường có thể ứng tuyển vị trí Market Analyst, thiên về mảng nghiên cứu và hỗ trợ hơn.
Ngoài ra, McKinsey không có chương trình thực tập chính thức nào cho vị trí consultant, mà chỉ có cho admistration. Bên cạnh đó cũng có chương trình Summer Internship dành cho MBA.
Môi trường làm việc tại McKinsey
1. Ưu điểm của môi trường làm việc tại McKinsey
Văn hóa làm việc cởi mở
McKinsey đề cao văn hóa làm việc “Work hard, play hard”, vì vậy không khí ít khi gò bó, căng thẳng, hay nghiêm khắc thái quá. Theo chia sẻ của chị Thương Nguyễn, vị trí Consultant tại McKinsey, thì nhân viên của McKinsey đều là những người thông minh, tài giỏi, luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ lẫn nhau. Việc kết nối và cơ hội làm việc cùng các lãnh đạo cấp cao cũng rất nhiều.
Thêm vào đó, một team làm việc tại McKinsey luôn hội tụ rất nhiều người đến từ các nước khác nhau trong cùng một dự án (vì có kinh nghiệm liên quan). Nên việc làm nghiên cứu ở Việt Nam nhưng trong team có đủ quốc tịch, đủ màu da là chuyện hết sức bình thường. Đây chính là cơ hội kết nối toàn cầu rộng mở.
Cơ hội học hỏi và phát triển không ngừng
Khi làm việc tại McKinsey, bạn có cơ hội học hỏi kiến thức của rất nhiều ngành khác nhau trong một khoảng thời gian ngắn, kèm theo vô số nguồn đáng tin cậy để tự học và thực hành. Ở công ty thì có learning portal, bạn chỉ cần đăng nhập và tìm kiếm, sẽ có hàng loạt các tài liệu liên quan đến chủ đề bạn đang tìm hiểu hiện ra để tham khảo. Ngoài ra còn có rất nhiều chuyên gia trong công ty, bạn có thể nói chuyện và hỏi họ những thứ mình không hiểu và không thể tìm được câu trả lời.
Hơn nữa, khi mới vào làm việc tại McKinsey, ai cũng sẽ có một mentor – người luôn luôn lắng nghe và giúp đỡ bạn, đưa ra những lời khuyên để bạn trau dồi bản thân.
Lương thưởng, đãi ngộ tốt
Theo kết quả thống kê của Glassdoor khoảng thời gian từ 03/2015 đến 03/2016, thì McKinsey & Company đứng thứ 4 trong top 15 công ty trả lương cao nhất nước Mỹ. Cụ thể:
- Lương cơ bản trung bình: 135000 USD/năm/người
- Thu nhập trung bình (bảo hiểm, thưởng): 155000 USD/năm/người
Tại Việt Nam, McKinsey cũng thuộc top đầu những doanh nghiệp có chế độ đãi ngộ tốt nhất, và là mục tiêu mơ ước của rất nhiều sinh viên mới ra trường.
2. Nhược điểm khi làm việc tại McKinsey
Cũng theo chị Thương Nguyễn (McKinsey Consultant), nhược điểm duy nhất khi làm việc tại McKinsey đó là khó cân bằng cuộc sống. Việc thức đêm làm việc là chuyện rất bình thường. Các ngày trong tuần bạn chỉ có thể ăn, ngủ, và làm việc. Phải đến cuối tuần mới có thời gian ngủ bù và thư giãn, giải trí.
Ngoài ra thì công việc cũng yêu cầu di chuyển liên tục. Trong một ngày, sáng – chiều – tối ở 3 nước khác nhau cũng là điều rất bình thường. Mặc dù được ở trong khách sạn 5 sao, và được đến nhiều nước khác nhau là những trải nghiệm tuyệt vời, nhưng nếu kéo dài trong một khoảng thời gian liên tục sẽ khiến bạn sớm mệt mỏi và chán nản.
Vậy nên hãy xem xét thật kỹ để chọn một công việc phù hợp trước khi quyết định làm việc tại McKinsey nhé. Chúc các bạn thành công!
Bài viết tổng hợp và tham khảo từ nhiều nguồn trên internet, có thể còn nhiều thiếu sót, rất mong nhận được thêm thông tin góp ý, chia sẻ của các bạn để bổ sung cho những hiểu biết về McKinsey Vietnam.