Ứng dụng chat Telegram hiện có hàng ngàn nhóm và kênh liên quan đến việc làm. Tuy nhiên, nếu không cảnh giác bạn rất dễ bị mắc lừa bởi tin tức giả và việc làm lừa đảo. Vậy Telegram là gì? Theo dõi bài viết sau đây để tham khảo kinh nghiệm tìm việc làm trên Telegram nhé!
Telegram là gì?
Chắc hẳn chúng ta đều đã từng nghe nói đến ứng dụng Telegram. Đây là một trong những ứng dụng đa nền tảng có lượt tải về và số người sử dụng hàng đầu hiện nay. Vậy Telegram là gì?
Telegram được cả thế giới biết đến vào năm 2013 như một ứng dụng trò chuyện đa nền tảng. “Cha đẻ” của ứng dụng này là Pavel Durov, một lập trình viên và cũng là một tỷ phú người Nga.
Cũng như các ứng dụng nhắn tin khác, Telegram cho phép người dùng đăng ký tài khoản, gửi tin nhắn bằng văn bản hoặc giọng nói, gửi các loại tệp đính kèm (bao gồm tệp tin, hình ảnh, video) và video call đến những tài khoản người dùng khác.
Ứng dụng này cũng cho phép người dùng tạo nhóm trò chuyện và các kênh để trao đổi, chia sẻ thông tin của bất kỳ lĩnh vực nào, bao gồm cả kinh doanh và tìm kiếm việc làm. Không chỉ thế, người dùng còn có thể sử dụng Telegram để thanh toán trực tuyến.
Telegram nổi tiếng là một ứng dụng trò chuyện có khả năng bảo mật vô cùng mạnh mẽ. Bằng cách sử dụng mã hóa đầu cuối, toàn bộ dữ liệu của người dùng đều được đảm bảo riêng tư và không thể bị xâm phạm bởi bất kỳ tổ chức nào. Bên cạnh tính năng mã hóa tin nhắn, Telegram cũng cung cấp cả tính năng tin nhắn tự hủy và tính năng chặn người dùng.
Telegram được xây dựng và phát triển như thế nào?
Tháng 8 năm 2013, Pavel Durov và đội ngũ nhân viên công ty Telegram Messenger LLP đã chính thức “trình làng” ứng dụng Telegram. Ban đầu, ứng dụng này chỉ được sử dụng bởi một số người dùng tại Nga. Tuy nhiên, với ưu điểm ở tốc độ truyền tải tin nhắn nhanh và khả năng bảo mật mạnh mẽ, Telegram nhanh chóng được toàn thế giới biết đến.
Chỉ 4 tháng sau khi chính thức ra mắt, số lượng người sử dụng Telegram đã đạt con số 1 triệu và vẫn đang không ngừng tăng lên. Đáng chú ý, năm 2014 Telegram đã trở thành ứng dụng trò chuyện phổ biến nhất ở Iran, trong bối cảnh đất nước này hạn chế hầu hết các ứng dụng trò chuyện và mạng xã hội.
Tháng 11 năm 2015, Telegram đã chính thức cán mốc 60 triệu người dùng trên toàn thế giới. Đến nay, số lượng người dùng ứng dụng này đã vượt qua mốc 500 triệu người.
Tổng quan về các tính năng của Telegram
Telegram là ứng dụng trò chuyện đa nền tảng có số lượng người sử dụng đông đảo hàng đầu trên thế giới. Dưới đây là một số tính năng chính mà ứng dụng này hiện đang cung cấp:
- Nhắn tin trò chuyện: Người dùng Telegram có thể trò chuyện trực tiếp với nhau hoặc tạo nhóm trò chuyện nhiều người. Hiện tại, ứng dụng này cho phép người dùng gửi tin nhắn văn bản, hình ảnh, video, tệp tin, tệp âm thanh và cả danh thiếp.
- Gọi điện thoại và video: Tương tự như các ứng dụng trò chuyện khác, người dùng Telegram cũng có thể gọi điện thoại hoặc video call hoàn toàn miễn phí.
- Tạo cuộc trò chuyện bí mật: Đây là tính năng dựa trên khả năng bảo mật mạnh mẽ của Telegram. Người dùng có thể tạo các cuộc trò chuyện bí mật, mọi dữ liệu sẽ được mã hóa đầu cuối và tự động biến mất sau một thời gian nhất định.
- “Convert to Supergroup” cho phép người dùng tạo nhóm chat và thêm tối đa 200.000 thành viên vào nhóm.
- Gửi file dung lượng lớn: Đây là một tính năng được người dùng Telegram đánh giá rất cao khi cho phép gửi file dung lượng lớn lên đến 2GB, trong khi đó Messenger chỉ cho phép gửi tên có dung lượng tối đa là 25MB, hoặc Zalo chỉ cho phép gửi tệp đính kèm có dung lượng tối đa 100MB (hoặc 1GB với phiên bản PC).
- Xem video Youtube trong khi trò chuyện: Người dùng có thể vừa trò chuyện với bạn bè vừa xem video Youtube mà không cần thoát ra khỏi ứng dụng. Video Youtube sẽ được trình chiếu dưới dạng cửa sổ nhỏ và bạn có thể thay đổi vị trí bất kỳ.
- Tính năng Chatbot: Người dùng Telegram có thể sử dụng Chatbot để tìm kiếm thông tin, tạo nhắc nhở, chơi trò chơi, dạy học, phát sóng, sử dụng các dịch vụ,…
Ngoài ra, Telegram còn cung cấp thêm nhiều tính năng khác như: chỉnh sửa tin nhắn đã gửi, thiết lập trạng thái online, tính năng “last seen”, chia sẻ vị trí, tùy chỉnh theme, kho sticker, chế độ ban đêm, cài đặt mật mã cho ứng dụng,…
Bên cạnh đó, người dùng có thể sử dụng phiên bản Telegram Premium với nhiều tính năng độc quyền như:
- Gửi tệp tin dung lượng tối đa lên đến 4GB
- Tăng tốc độ tải xuống tệp đa phương tiện
- Nhân đôi giới hạn cho mọi tiện ích trên bản thường
- Chuyển đổi giọng nói thành văn bản
- Sticker độc quyền
- Quản lý trò chuyện
- Đặt video làm avatar
- Huy hiệu người dùng premium
- Tùy chỉnh biểu tượng ứng dụng
- Chặn quảng cáo tại các kênh công khai
Telegram có phải là nền tảng tìm kiếm việc làm không?
Telegram cung cấp tính năng trò chuyện trực tiếp, tạo nhóm trò chuyện, tạo kênh thông tin,…. Qua những tính năng trên, người dùng có thể trò chuyện và cập nhật thông tin mình quan tâm.
Về bản chất, Telegram không phải là một nền tảng được xây dựng cho nhà tuyển dụng và ứng viên. Tuy nhiên, rất nhiều người dùng đang sử dụng Telegram như một phương tiện để chia sẻ thông tin tuyển dụng hoặc thảo luận về các vấn đề liên quan đến chốn công sở.
Hiện nay rất nhiều kẻ xấu đã và đang giả danh các đơn vị uy tín để lừa đảo trên Telegram. Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và thiếu hiểu biết của rất nhiều người đang tìm việc, những kẻ xấu xây dựng các kênh thông tin và nhóm việc làm trên Telegram với mục đích “lùa gà”, giả vờ giới thiệu việc nhẹ lương cao, thời gian làm việc linh hoạt, việc làm thêm tại nhà… để lừa đảo và chiếm đoạt tiền của nạn nhân.
Hết sức cảnh giác khi tìm việc trên Telegram
Nguy cơ khi tìm việc trên Telegram
Như vậy, Telegram không phải là nền tảng tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, lợi dụng khả năng bảo mật mạnh mẽ của ứng dụng này, các đối tượng xấu đã và đang sử dụng Telegram để thực hiện hành vi lừa đảo đội lốt các nhóm tìm kiếm việc làm.
Mặc dù Telegram nổi tiếng với khả năng bảo mật vô cùng tốt, tuy nhiên bạn cần phải cảnh giác và không nên tiết lộ thông tin cá nhân của mình với người khác. Kẻ xấu có thể lợi dụng thông tin cá nhân của bạn để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm dụng tài sản, giả danh bạn cho những mục đích không tốt,…
Một số hình thức lừa đảo trên Telegram
Tạo nhóm cộng đồng để lừa tiền
Hiện nay trên Telegram có không ít nhóm hoặc kênh được tạo ra với mục đích “kiếm tiền”. Người chủ nhóm hoặc kênh sẽ chia sẻ các bài viết, kinh nghiệm kiếm tiền, các dự án kiếm token hoặc coin,…
Người tham gia sẽ phải đóng một khoản phí “cọc” ban đầu mà không được hoàn trả hoặc mỗi lần thực hiện giao dịch rút coin, rút token sẽ phải chuyển một khoản phí. Thậm chí người dùng Telegram có thể sẽ mất tiền nếu bấm vào một liên kết lạ được chia sẻ trên kênh thông tin.
Lừa đảo đầu tư vào tiền điện tử
Đây là hình thức lừa đảo cực kỳ phổ biến trên các nhóm Telegram. Kẻ xấu thường xây dựng hình tượng là một người “sành sỏi”, biết cách đọc lệnh đầu tư tiền điện tử thông qua những bức ảnh ở nhà xịn, mua xe sang, check-in du lịch sang chảnh,…
Mục đích cuối cùng của chúng là xây dựng được lòng tin và tham vọng kiếm tiền của khách hàng, từ đó lừa đảo họ “đổ” tiền đầu tư vào những đồng tiền ảo không có giá trị thực.
Thậm chí kẻ xấu còn tinh vi đến mức chúng sẽ “thả câu” cho khách hàng kiếm được một vài khoản lợi nhuận nho nhỏ ban đầu. Đến khi khách hàng “ham”, đầu tư nhiều tiền thì chúng sẽ ôm tiền và “mất hút”.
Mạo danh nhà cung cấp dịch vụ
Kẻ xấu sẽ giả danh các nhà cung cấp dịch vụ và nhắn tin cho người dùng Telegram. Mặc dù đây không phải là hình thức lừa đảo mới những vẫn có rất nhiều người bị mắc lừa.
Thường thấy nhất là những tin nhắn cảnh báo tài khoản của người dùng bị xâm phạm hoặc bị rò rỉ thông tin. Sau đó, kẻ xấu có thể yêu cầu mật khẩu của người dùng hoặc yêu cầu họ cung cấp một số thông tin để “xác nhận tài khoản” mà thực chất kẻ xấu sẽ lợi dụng những thông tin đó để trục lợi.
>>> Xem thên:
Cảnh báo 5 dấu hiệu của trung tâm giới thiệu việc làm lừa đảo
Làm sao để không trở thành “nạn nhân” của tuyển dụng lừa đảo?
Bình tĩnh xử lý khi bị lừa đảo trên Telegram
Tình trạng lừa đảo trên Telegram không hề hiếm gặp, và mặc dù đã có nhiều sự việc được phơi bày ra ánh sáng, song đó chỉ là một phần nhỏ và hàng ngày vẫn có rất nhiều kẻ xấu đang “lùa gà” trên Telegram.
Khi bị kẻ xấu lừa đảo trên Telegram, điều bạn cần làm trước tiên là giữ được sự bình tĩnh và tỉnh táo. Bạn cần làm đơn tố cáo gửi lên các cơ quan có thẩm quyền để được giúp đỡ.
Bạn cũng đừng quên chụp lại toàn bộ tin nhắn hoặc các nội dung giao dịch giữa bạn và kẻ lừa đảo để làm bằng chứng. Song song với đó, bạn hãy báo cáo với nhà phát triển ứng dụng Telegram thông qua “@notoscam” để họ vào cuộc điều tra các cá nhân hoặc nhóm lừa đảo.
Qua những thông tin trong bài viết, bạn đã tìm hiểu rõ hơn Telegram là gì và những tính năng của ứng dụng này. Ưu điểm lớn nhất của Telegram là bảo mật thông tin của người dùng và nội dung các cuộc trò chuyện. Tuy nhiên, những kẻ xấu đang lợi dụng điều này để lừa đảo và trục lợi từ những người đang có nhu cầu tìm việc làm. Vì vậy, bạn cần hết sức cảnh giác khi sử dụng Telegram, không tương tác với những người lạ hoặc bấm vào bất kỳ đường link khả nghi nào. Nếu thấy bài viết hữu ích, hãy chia sẻ để bạn bè, người thân được biết và tránh khỏi nguy cơ bị lừa đảo trên Telegram nhé!