Ai cũng mong muốn được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, thân thiện, công bằng – nơi bạn được cống hiến trí tuệ, kỹ năng, được tạo điều kiện để phát triển bản thân và kết giao với những người đồng nghiệp thân thiện, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, có không ít những nguồn năng lượng tiêu cực ảnh hưởng trực tiếp đến công việc và kể cảm xúc của bạn.
Theo số liệu của WHO về sức khỏe tinh thần tại nơi làm việc, ước tính 12 tỷ ngày làm việc bị mất mỗi năm do trầm cảm hoặc lo lắng, gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu gần 1.000 tỷ USD. Thực tế hiện nay, sức khỏe tinh thần có ý nghĩa sâu sắc đối với hiệu suất tại nơi làm việc và trải nghiệm của nhân viên – và là ưu tiên hàng đầu đối với mọi nhà lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp.
Một trong những giải pháp giúp bạn nâng cao sức khỏe tinh thần ngày nay đó là nhận ra những hình thức “thao túng tâm lý” nổi bật trong môi trường công sở và có những cách ứng xử văn minh, đồng thời tự bảo vệ ranh giới của chính mình. Bài viết dưới đây sẽ là chỉ dẫn dành cho bạn, tham khảo ngay nhé!
Downplaying xảy ra khi ai đó cố tình hạ thấp những thành quả bạn đạt được vì tâm lý không thể chịu đựng được việc nhìn thấy bạn hạnh phúc, trong khi họ đang không được như bạn. Họ ghen tị với thành công của bạn, cố tình chê bai những nỗ lực của bạn để cảm thấy tốt hơn về mình. Tuy nhiên, đây chỉ là một đòn tâm lý tự xoa dịu vào những yếu kém của bản thân, xuất phát từ việc thiếu tự tin vào bản thân. Họ có xu hướng kéo bạn xuống ngang tầm với họ.
Những “câu thoại kinh điển” của hành vi Downplaying là:
“Nó chăm làm thôi chứ không phải thông minh gì lắm.”
“May đấy!” hoặc “Chỉ được cái ăn may.”
“Cái đó cũng thường thôi mà, đâu có gì khó đâu.”
Nếu như có người tìm cách hạ thấp bạn bằng cách liệt kê ra tất cả những điểm yếu của bạn, thậm chí là những lỗi nhỏ nhặt, đó chính là chỉ trích cá nhân. Mục đích của những người “xấu tính” này là khiến bạn cảm thấy tồi tệ, yếu kém, nhụt chí khi liên tục nhắc tới những sai lầm của bạn trong quá khứ. Từ đó thao túng bạn làm bất cứ điều gì mà họ muốn.
Có thể thấy, chỉ trích mang tính cá nhân thường xuất hiện trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Những chỉ trích nhỏ nhặt thay vì đưa ra những lời khuyên mang tính xây dựng thường rất dễ gây tổn thương cho tinh thần con cái.
Tuy nhiên, trong mối quan hệ với đồng nghiệp, việc nhắc đi nhắc lại một lỗi lầm của người khác, thường xuyên chỉ trích người khác dựa trên góc nhìn của cá nhân cũng là biểu hiện của chỉ trích cá nhân. Chẳng hạn, “em quá chậm hiểu”, “cậu béo quá, sao không giảm cân một chút?”,…
>> Xem thêm: Sức khỏe tinh thần là gì? Làm thế nào để chăm sóc sức khỏe tinh thần?
Con dê gánh tội chính là hành vi thao túng tâm lý thường gặp nhất tại công sở. Scapegoating xảy ra khi một người hoặc một tập thể đổ lỗi vô cớ cho hành vi mà họ không trực tiếp phạm sai lầm.
Bạn có thể nghĩ rằng việc đổ lỗi cho một người vô tội là điều không tưởng, tuy nhiên, thực tế có thể chứng minh điều ngược lại. Một số người có thể không quan tâm đến việc làm tổn thương người khác, miễn là họ thoát khỏi tình huống đó. Những kiểu người này đủ thông minh để thuyết phục bạn rằng lỗi của họ chính là do bạn mà khiến bạn không hề nghi ngờ và họ không có một chút lấn cấn nào.
Tại chốn công sở, hiện tượng con dê gánh tội xảy ra với một số trường hợp. Chẳng hạn, một người làm việc lâu năm, hiểu công việc hơn, giao lại dự án mà họ biết sẽ thất bại cho một người mới thực hiện để đùn đẩy trách nhiệm. Sau khi mọi việc diễn ra, nhân viên mới nghiễm nhiên phải nhận lỗi cho những vấn đề mà mình không kiểm soát được.
Bắt nguồn từ vở kịch cùng tên, thuật ngữ Gaslighting được sử dụng rộng rãi vào những năm 60 của thế kỷ trước. Đây là hành vi thao túng tâm lý bằng cách lạm dụng, thay đổi nhận thức của nạn nhân. Qua đó, nạn nhân sẽ bị thuyết phục rằng những gì họ nhìn thấy, nghe được, và cảm nhận chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Một khi đã bị thao tùng, bạn sẽ bắt đầu ngờ vực thực tế của chính mình và chịu tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần.
Gaslighting xảy ra thường xuyên trong những mối quan hệ yêu đương với ví dụ điển hình là việc ngoại tình. Khi nạn nhân cảm nhận được có gì đó không đúng trong mối quan hệ và nói chuyện thẳng thắn, kẻ thao túng không những không thừa nhận mà còn chối bỏ đến cùng, khiến nạn nhân tin rằng những lời tố cáo ấy chỉ là sự ảo tưởng.
Mục tiêu của kẻ thao túng chính là trốn tránh khỏi những hành vi sai lầm của mình. Người ngoại tình thao túng, nói dối một cách có hệ thống và giữ bí mật để không bị phát hiện. Thậm chí khi bị phát hiện, những kẻ này vẫn tiếp tục chồng chất thêm những lời nói dối để thuyết phục nạn nhân rằng họ mới chính là vấn đề.
Tại công sở, hiện tượng “thắp sáng đèn ga” này không phải hiếm gặp. Đôi khi chính bạn trở thành nạn nhân của hành vi thao túng này mà không hề biết.
Chẳng hạn, sếp của bạn hứa với bạn sẽ tăng lương với điều kiện phải hoàn thành một dự án quan trong trong thời gian khá gấp, “chỉ cần hoàn thành trong tuần”. Tuy nhiên, khi bạn hoàn thành công việc đúng thời hạn, gửi cho sếp, bạn vẫn không nhận được thỏa thuận tăng lương như sếp đã đưa ra. Và tệ hơn nữa khi bạn lấy hết can đảm “đối đầu” trực tiếp với sếp, sếp lại đổ lỗi cho bạn.
Thay vì xin lỗi hoặc thậm chí đàm phán về vấn đề này một cách hợp lý, những gì tiếp theo là một loạt các hành động được tính toán cẩn thận của sếp, tự biến mình trở thành nạn nhân.
“Tại sao em lại nổi điên với chị? Bạn có thấy chị đang rất bận không? Em có thấy chị đang không có thời gian cho mấy việc cỏn con của em không? Và thực sự mà nói, đây là trách nhiệm và nghĩa vụ của em chứ không phải điều em có thể đòi hỏi.”
Và đột nhiên, bạn là người xin lỗi. Bạn đã được hứa tăng lương, nhưng bạn có thể làm gì bây giờ? Tới phòng Nhân sự? Tốt thôi, có lẽ bạn không muốn mọi người biết đến mình là người gây ra bão drama. Vì vậy, bạn không nói gì và nghĩ rằng có thể đây là lỗi của bạn (?).
Bạn còn tự đổ lỗi cho mình rằng “Mọi người đều vô tình nói những điều không phải trong lúc nóng giận. Và có lẽ (thở dài) mình đã phản ứng thái quá,” bạn tự nhủ.
Stonewalling thường xảy ra khi một cặp đôi đang cãi vã, nguyên nhân có thể đến từ những bất đồng, những lời tố cáo hay những kỳ vọng không được đáp ứng bởi đối phương. Lúc này, một trong hai người sẽ thu mình lại và từ chối việc giải thích hay làm rõ mong muốn của họ, và trở thành một “bức tường đá” với người kia.
Với một số người, việc mở lòng hay bộc lộ cảm xúc khá khó khăn. Tuy nhiên, nhiều người sẽ lạm dụng điều này để thao túng tâm lý của bạn. Bằng cách tạo dựng tường đá ngăn cách, họ có thể dễ dàng điều khiển cách bạn đối xử và nhìn nhận họ. Họ dùng kĩ thuật này khi đang né tránh những câu hỏi của bạn, hoặc để không phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình.
Bạn có thể dễ dàng nhận diện những bức tường đá này bằng những lời nói như: “Mệt quá, sao cũng được”, “Tùy ông, muốn nghĩ gì nghĩ”, “Ok, em đúng là được chứ gì”, “Em làm gì căng thẳng quá”,… Theo bác sĩ tâm lý Gottman, tạo dựng bức tường có thể dẫn đến việc rạn nứt của bất kỳ mối quan hệ nào bao gồm mối quan hệ giữa đồng nghiệp hay mối quan hệ giữa bạn và sếp, lý do bởi luôn tồn tại những vấn đề không được giải quyết triệt để.
Cách vận hành của thủ thuật thao túng tâm lý là một quá trình lặp đi lặp lại những hành động và lời nói độc hại làm tổn thương tinh thần và có thể gây ra những sang chấn tâm lý về sau. Bởi thế, nếu phát hiện bản thân đang có dấu hiệu bị thao túng, hãy tìm cách xử lý để thoát khỏi mối quan hệ độc hại này. Sau đây là 5 bước bạn có thể tham khảo:
Bước 1: Thừa nhận bạn đang bị thao túng tâm lý.
Không bao biện, không né tránh, nhìn trực diện vào vấn đề và ngưng thất vọng về bản thân. Nếu bạn vẫn đang nghi ngờ một quan điểm nào đó đã bị kẻ thao túng “đánh tráo khái niệm”, hãy hỏi xin ý kiến về góc nhìn từ những người ngoài cuộc, đó có thể là bạn bè, người thân, một vài đồng nghiệp cũ đáng tin cậy hay thậm chí là bác sĩ tâm lý.
Bước 2: Thu thập bằng chứng bị thao túng.
Chụp lại màn hình những tin nhắn với ngôn từ “bạo lực” và những lập luận vô căn cứ, nếu có văn bản hãy làm việc qua email để truy xuất thông tin, xin phép ghi lại video khi họp online nếu cần thiết và nghiêm trọng. Mọi hành vi thao túng đều để lại dấu vết bằng cách này hay cách khác. Hãy nắm vững chúng trong tay để đối chứng khi cần.
Bước 3: Nhờ đến sự giúp đỡ và củng cố tinh thần.
Công ty chỉ là một phần của cuộc sống, vẫn có gia đình và bạn bè ngoài kia sẵn sàng giúp đỡ bạn. Tâm sự với người thân khi xuống tinh thần và xin lời khuyên, đừng bao giờ ôm lấy vấn đề một mình rồi bất lực chống lại kẻ thao túng. Hãy cố gắng duy trì sức khỏe tinh thần để luôn sáng suốt trước những mối quan hệ không lành mạnh.
Bước 4: Đối diện trực tiếp với kẻ thao túng.
Nếu thao túng tâm lý là một trò chơi, một khi bạn sợ hãi, nghi ngờ chính mình và không dám đối diện với kẻ thao túng, bạn gần như thua cuộc. Hãy luôn làm việc dựa trên cái nhìn khách quan và bằng chứng xác thực, đặt ngược lại vấn đề cho kẻ thao túng, khi họ đi vào ngõ cụt lập luận, bạn biết mình đã không sai.
Bước 5: Báo cáo bộ phận Nhân sự và từ bỏ khi cần.
Hãy nhờ đến sự giúp đỡ của cấp trên hoặc phòng Nhân sự khi thấy vấn đề bắt đầu nghiêm trọng và ảnh hưởng đến chất lượng công việc, bạn có thể đưa ra bằng chứng thu thập để chứng minh việc mình bị thao túng tâm lý. Trong trường hợp người thao túng có quyền hành quá lớn, hãy mạnh dạn nộp đơn xin thôi việc vì sức khỏe tinh thần của bạn mới là ưu tiên hàng đầu lúc này.
Bạn không bao giờ nên thỏa hiệp với sự độc hại, dù nó đến từ ai, trong bất kỳ môi trường nào. Trong trường hợp bạn nhận ra những hành vi độc hại này từ những người xung quanh, hãy tách khỏi những người đó để bảo vệ sức khỏe tinh thần của chính mình.
Chúc bạn làm việc hiệu quả và hạnh phúc! Đừng quên đón đọc những bài viết mới nhất từ TopCV nhé!
- Tham khảo thêm các mẫu CV để tăng 80% cơ hội trúng tuyển tại: https://www.topcv.vn/mau-cv
- Tìm việc làm chất lượng lương cao tại: Việc làm chất lượng
- Tải App TopCV để trải nghiệm tìm kiếm và ứng tuyển công việc chỉ với một chạm:
- – iOS: https://apple.co/2TSeTJA
- – Android: http://bit.ly/2FnLblz