Bối cảnh chung VUCA với Biến động (Volatility), Không chắc chắn (Uncertainty), Phức tạp (Complexity) và Mơ hồ (Ambiguity) hiện nay như một nút “pause” đủ dài và đúng lúc để chúng ta sống chậm hơn và lắng nghe chính mình nhiều hơn. Từ đó, có nhiều cơ hội xây dựng và chăm sóc sức khỏe tinh thần, hướng tới sự hạnh phúc trong cả sự nghiệp lẫn cuộc sống. Cùng TopCV Việt Nam khám phá và tìm hiểu sâu hơn về sức khỏe tinh thần nhé!

Sức khỏe tinh thần/tâm thần (mental health) là trạng thái thăng bằng nội tại và với môi trường. Sức khỏe tinh thần là nền tảng cho sự khỏe mạnh và hoạt động hiệu quả của các cá nhân. Không chỉ là trạng thái không có rối loạn tâm thần, mà sức khỏe tinh thần còn bao gồm khả năng suy nghĩ, học hỏi và hiểu được cảm xúc của một người và phản ứng của người khác. Sức khỏe tinh thần là mối liên kết chặt chẽ đến chất lượng sống trên mọi phương diện, từ mức độ cá nhân (tâm lý, cảm xúc, nhận thức,…) đến quy mô cộng đồng ( gia đình, các mối quan hệ tình cảm,…)

Sức khỏe tinh thần là một trạng thái cân bằng, cả bên trong cơ thể và với môi trường. Các yếu tố thể chất, tâm lý, xã hội, văn hóa, tinh thần và các yếu tố liên quan khác đều tham gia vào việc tạo ra sự cân bằng này. Đồng thời, sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất cũng có mối liên hệ không thể tách rời.

Sức khỏe tinh thần đóng vai trò then chốt trong sức khỏe toàn diện của con người.

Đối với mỗi cá nhân

Sức khỏe tinh thần yếu kém có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, sự an toàn và hạnh phúc của mỗi cá nhân, cũng như hiệu quả hoạt động và tính bền vững của tổ chức. Kết quả tiêu cực đối với người lao động có thể bao gồm sức khỏe kém và các tình trạng liên quan như: bệnh tim mạch, rối loạn cơ xương, tiểu đường, lo lắng, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ,… và các hành vi sức khỏe kém có liên quan, ví dụ như lạm dụng chất kích thích, ăn uống không lành mạnh,… cộng với giảm sự hài lòng trong công việc, cam kết và năng suất.

Theo số liệu của WHO về sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc, ước tính 12 tỷ ngày làm việc bị mất mỗi năm do trầm cảm hoặc lo lắng, gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu gần 1.000 tỷ USD. Thực tế hiện nay, sức khỏe tinh thần có ý nghĩa sâu sắc đối với hiệu suất tại nơi làm việc và trải nghiệm của nhân viên – và là ưu tiên hàng đầu đối với mọi nhà lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp.

Một nghiên cứu khác của Harvard Business Review chỉ ra trong năm 2021, tỷ lệ người lao động bỏ việc do các vấn đề về sức khỏe tinh thần gia tăng đáng kể, đặc biệt ở nhóm thế hệ Y (Millennials) và Gen Z. Do đó, tinh thần khỏe là một trong những yếu tố chủ chốt giúp người lao động thuộc thế hệ này cân bằng đời sống cá nhân và môi trường công sở.

Đối với tổ chức, doanh nghiệp

Đối với tổ chức, tác động của rủi ro tâm lý xã hội khởi nguồn từ tình trạng sức khỏe tinh thần yếu kém bao gồm tăng chi phí do nghỉ việc, giảm doanh thu, giảm chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ, tăng chi phí tuyển dụng và đào tạo,… Mặc dù không chỉ có yếu tố môi trường làm việc mới dẫn đến các bệnh về sức khỏe tinh thần của nhân viên trong công ty, lãnh đạo cũng không bắt buộc trở thành nhà trị liệu cho nhân viên nhưng nếu các vấn đề sức khỏe tinh thần nếu không được điều trị có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất của nhân viên trong công việc, và họ có thể bỏ việc để nỗ lực cải thiện tình trạng của mình.

Theo một phát hiện của các nhà kinh tế học tại trường Đại học Warwick, niềm hạnh phúc có thể gia tăng 12% năng suất làm việc trong khi sự buồn bã làm giảm đi 10% năng suất lao động. Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra, sự hạnh phúc có một sự tác động nhân quả vô cùng to lớn và tích cực đến với năng suất.

Những cảm xúc tích cực xuất hiện tiếp thêm năng lượng cho con người để sống và làm việc. Cũng trong một khảo sát của PwC, cứ 1 USD chi tiêu cho tinh thần lao động, tổ chức sẽ nhận lại 10 USD.

Có rất nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, nhưng để tóm gọn thì chỉ có 2 yếu tố:

  • Trải nghiệm sống và những tổn thương

Sự thật mất lòng: Chúng ta đều bị cuộc sống “làm khó”. Một nghiên cứu trong cuốn sách về tâm lý Bouncing Forward: The Art and Science of Cultivating Resilience chỉ ra phần lớn chúng ta đều trải qua ít nhất 4 đến 5 trải nghiệm đau thương có ảnh hưởng lớn, đó có thể là bất cứ vấn đề gì, từ mất việc, mất người thân, nỗi sợ về sức khỏe, mất cân bằng cuộc sống – công việc, làm việc lâu dài trong môi trường độc hại, những bạo hành thể chất và tinh thần,…

  • Di truyền

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng gen di truyền của chúng ta đóng vai trò cốt yếu trong sức khỏe tinh thần. Nếu phụ huynh bạn nóng tính thì rất có thể bạn cũng có xu hướng nóng nảy giống họ, và bạn cũng sẽ có nguy cơ cao đối mặt với các loại bệnh tâm lý nếu bố mẹ hay người thân bạn bị chẩn đoán rối loạn tâm thần. Dù vậy, đừng quên rằng tình trạng này có thể được cải thiện bằng nhiều biện pháp mà TopCV sẽ đề cập ở cuối bài viết này. 

Một số dấu hiệu cảnh báo trạng thái sức khỏe tinh thần của bạn (nhân viên, đồng nghiệp của bạn) đang không ổn

Stress

Ngay cả những người bản lĩnh nhất cũng mắc phải áp lực vô hình chốn công sở và trong cuộc sống. Stress là đáp ứng của con người trước những hoàn cảnh được cho là nguy hiểm, khó khăn, có tính đe dọa, cần tập trung chú ý hoặc hành động. 

Stress không phải là bệnh nhưng nếu diễn ra thường xuyên, kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu, loạn thần và lạm dụng chất. Trong đó trầm cảm và lo âu là 2 bệnh lý phổ biến nhất liên quan đến stress. 

Các biểu hiện của lo âu có thể nhận biết như:

  • Lo lắng quá mức (không hợp lý) về nhiều thứ.
  • Khó hoặc không thể kiểm soát sự lo lắng của mình.
  • Cảm thấy khó chịu, bực bội, bồn chồn không yên.
  • Khó thư giãn.
  • Co rút cơ.
  • Khó tập trung.
  • Khó hoặc mất ngủ.

Bạn cũng có thể kiểm tra thông qua bài test đánh giá Lo âu – Trầm cảm – Stress là DASS 21 hoặc các bài test đánh giá mức độ stress qua hình ảnh.

Burnout

Burnout là trạng thái thể chất và tinh thần kiệt quệ. Các nguyên nhân dẫn đến burnout có thể do bạn ngồi làm việc với máy tính quá lâu khiến não bộ mất sức tập trung, chế độ dinh dưỡng không ổn định, hoặc do thức khuya,… Burnout diễn ra khi bạn cảm thấy vô cảm, mất động lực hay cảm thấy không thể đáp ứng những kỳ vọng. Nếu tình trạng này xảy ra trong thời gian dài, nó sẽ khiến bạn mất hứng thú, chán nản và không muốn tiếp tục với những gì mình đang làm.

Trong công việc, burnout là hội chứng khi bạn bị kiệt sức nghề nghiệp, khác với căng thẳng. Căng thẳng là khi bạn cảm thấy có quá nhiều áp lực đến từ nhiều phía, những người bị căng thẳng sẽ có suy nghĩ rằng họ có thể đưa mọi thứ vào tầm kiểm soát, từ đó dần cảm thấy tốt hơn. Còn với người bị kiệt sức, họ thường cảm thấy trống rỗng, kiệt quệ về tinh thần và đánh mất sự quan tâm tới một mục tiêu nào đó. Đặc biệt, họ còn không thấy có bất kỳ hy vọng nào để thay đổi tích cực hơn.

Các dấu hiệu cảnh báo bạn có thể đang mắc phải tình trạng burnout:

  • Dễ cáu, mất kiên nhẫn với đồng nghiệp, khách hàng.
  • Bắt ép bản thân vào việc nhưng không thực sự bắt đầu được.
  • Thiếu năng lượng để làm việc hiệu quả trong thời gian cần thiết.
  • Trở nên khắt khe, hoài nghi, tiêu cực trong công việc.
  • Khó tập trung.
  • Ăn, uống rượu, uống thuốc, sử dụng các chất kích thích để cải thiện tình hình hoặc để khỏi phải suy nghĩ.
  • Thay đổi về giấc ngủ.
  • Không hài lòng với thành tựu của mình.

Trầm cảm

Trầm cảm là biểu hiện nặng hơn cho thấy sức khỏe tinh thần đang bị ảnh hưởng ở mức độ nghiêm trọng. Các biểu hiện của trầm cảm như:

  • Luôn cảm thấy buồn rầu hoặc có tâm trạng “trống rỗng”. 
  • Mất quan tâm hay hứng thú đối với các hoạt động thường ngày.
  • Cảm thấy mệt mỏi, chậm chạp hay mất hết sức lực.
  • Rối loạn giấc ngủ.
  • Rối loạn ăn uống.
  • Khó khăn khi tập trung chú ý, khi cần nhớ lại một vấn đề nào đó hoặc ra quyết định
  • Cảm giác tuyệt vọng, bi quan.
  • Cảm giác có tội, vô giá trị hay không ai có thể giúp đỡ.
  • Ý nghĩ về cái chết hoặc tự tử, hành vi tự tử.
  • Dễ bị kích thích.
  • Khóc nhiều.
  • Đau nhức kéo dài ở nhiều nơi trên cơ thể mà không có nguyên nhân rõ ràng.

Nếu có 5 triệu chứng trên liên tục hơn 2 tuần; hoặc các triệu chứng này gây trở ngại trong công việc hay môi trường gia đình thì đối tượng có thể đã bị trầm cảm và cần khám bác sĩ tâm thần. Nếu được khám và điều trị sớm, tỷ lệ thành công lên đến hơn 80%.

Dành cho cá nhân 

Nếu bạn hoặc nhân viên bạn đang gặp khó khăn với những chứng bệnh tâm lý, hãy tìm đến những sự giúp đỡ y tế hợp pháp và chuyên nghiệp hơn như bác sĩ trị liệu, khám tổng quát,… Nếu bạn chỉ mắc phải một vài vấn đề nhỏ và có thể tự mình chữa lành, hoặc đơn giản là mong muốn nâng cao sức khỏe tâm lý của mình tốt hơn thì đây là một số lời khuyên từ TopCV:

Xây dựng những mối quan hệ sâu sắc

Theo tác giả sách nổi tiếng Mark Manson, việc biết rằng có ai đó bên cạnh (dù chỉ một người) để trải lòng trong lúc khó khăn chính là tấm lưới bảo hộ tâm lý – xã hội của bạn. Những mối quan hệ này chính là một trong những điều giúp bạn trở nên hạnh phúc trong cuộc sống.

Đặc biệt, trong môi trường công sở, đồng nghiệp là những người “đồng cam cộng khổ” cùng bạn tới 8 tiếng/ngày, nếu có thể phát triển những mối quan hệ đó trở nên sâu sắc hơn thì sẽ thật ý nghĩa. Một vài gợi ý để bạn có thể dễ dàng xây dựng những mối quan hệ này:

  • Giao tiếp cởi mở và lắng nghe chân thành
  • Tôn trọng và tin tưởng đồng nghiệp 
  • Tôn trọng sự khác biệt và tìm kiếm điểm chung
  • Giúp đỡ đồng nghiệp trong công việc và cuộc sống
  • Cùng nhau thư giãn sau những giờ làm việc

Hãy bắt đầu mở lòng và thật tâm với mọi người, rồi bạn sẽ tìm được những người bạn có cùng tần số!

Phát triển thói quen sống lành mạnh

Như đã đề cập, sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất có mối liên hệ không thể tách rời. Một vài thói quen lành mạnh cần giúp bạn cải thiện và chăm sóc sức khỏe tinh thần:

Ngủ đủ giấc

Những người thiếu ngủ thường xuyên (ngủ ít hơn 7-8 tiếng mỗi đêm) không chỉ cáu bẳn và dễ mất tập trung hơn mà còn có nhiều biểu hiện tiền đề cho trầm cảm và lo âu. Một vài đêm trằn trọc là điều khó tránh khỏi, nhưng khi không thể ngủ ngon nhiều năm liền thậm chí cả thập kỷ hoặc hơn, lúc đó hậu quả sẽ tác động lên toàn bộ cuộc đời bạn. Hãy xây dựng thói quen ngủ ổn định theo giờ giấc phù hợp, giới hạn hay loại bỏ việc tiêu thụ caffeine, cồn, các chất kích thích,… từ hôm nay nhé!

Tập thể dục

Không cần nghi ngờ gì nữa, tập thể dục thúc đẩy cơ thể và tinh thần bạn đi đúng hướng. Hình thức tập luyện phù hợp nên đảm bảo được cả 2 yếu tố: là bộ môn bạn yêu thích và phù hợp với lịch trình sinh hoạt của bạn. Không nhất thiết phải tới phòng gym hàng giờ, bạn có thể lựa chọn những hình thức như đi bộ hàng ngày, chạy bộ, giãn cơ đơn giản, nhảy dây, leo cầu thang,… là đủ giúp bạn tăng cường sức khỏe tinh thần cũng như sức khỏe thể chất rồi đó!

Ăn uống lành mạnh

“You are what you eat”. Ngủ ngon và tập thể dục thường xuyên giúp cho tâm trí và cơ thể có một điểm khởi đầu tốt hơn, còn thói quen ăn uống lành mạnh sẽ cung cấp thêm nhiều năng lượng cho bạn. Đạm, rau, trái cây nên chiếm phần lớn trong chế độ ăn của bạn. Hạn chế chất béo và giảm tinh bột, bao gồm cả đường.

Một vài thói quen lành mạnh khác trong khi làm việc

  • Đừng chỉ ngồi làm việc một chỗ, thi thoảng hãy đứng lên đi lại và vận động nhẹ nhàng như xoay khớp cổ, vai,…
  • Uống đủ ít nhất 1,5 lít nước tại công ty.
  • Không nghe nhạc liên tục trong thời gian dài với âm lượng lớn.
  • Ngồi làm việc đúng tư thế
  • Lựa chọn đặt trên bàn làm việc một vài cây xanh giúp thanh lọc không khí, thư giãn mắt thay vì chỉ nhìn ánh sáng xanh từ màn hình máy tính

Nghe và theo dõi những kênh podcast tích cực, chữa lành

Bạn cũng có thể nạp năng lượng tích cực thông qua một vài kênh podcast truyền cảm hứng như Minh Niệm (tác giả: thầy Minh Niệm), Have A Sip (tác giả: Vietcetera), The Present Writer (tác giả: Chi Nguyễn), HIEU.TV (tác giả: Hiếu Nguyễn), Amateur Psychology – Tay mơ học đời bằng Tâm lý học (tác giả: Nguyen Doan Minh Thu), Tâm Lý Học Tuổi Trẻ (tác giả: YBOX), Chầm Chậm Mà Sống (tác giả: Nam Phương),… 

Tham khảo một vài ứng dụng chăm sóc sức khỏe tinh thần

Các ứng dụng điện thoại chăm sóc sức khỏe tinh thần ứng dụng các liệu pháp sức khỏe tinh thần phần nào. Đây cũng là một phương pháp bổ trợ nếu bạn chưa có điều kiện tìm tới những chuyên gia trị liệu. 5 ứng dụng uy tín và hiệu quả được One Mind PsyberGuide đánh giá cao đó là: Wysa, Calm, Talkspacce, Happify, SuperBetter.

Dành cho doanh nghiệp

Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên đóng vai trò quan trọng trong việc giữ chân nhân tài & gián tiếp mang lại nhiều lợi ích to lớn cho doanh nghiệp. Dưới đây là một số gợi ý dành cho phía doanh nghiệp:

  • Thường xuyên có những cuộc khảo sát về mức độ hài lòng của nhân viên đối với công việc, quản lý, công ty
  • Cung cấp các chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên bằng cách sử dụng dịch vụ của bên thứ 3 như tư vấn tâm lý, ứng dụng tư vấn tâm lý,…
  • Cân nhắc thêm ngày nghỉ phép cho nhân viên và áp dụng một số hình thức làm việc linh hoạt như hybrid, giờ làm việc không cố định,…
  • Khuyến khích nhân viên sử dụng ứng dụng chăm sóc sức khỏe
  • Thúc đẩy nhân viên xây dựng thói quen cân bằng cuộc sống và công việc lành mạnh
  • Xây dựng văn hóa tích cực trong công ty

Hy vọng rằng những chia sẻ trên của TopCV đã giúp bạn hiểu rõ hơn về sức khỏe tinh thần và tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe tinh thần. Mong rằng ở trong bất kì môi trường làm việc nào, bạn cũng tìm thấy được niềm vui và đam mê, tự tay kiến tạo nên sự nghiệp và cuộc sống hạnh phúc!