Đi làm đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải đối mặt với muôn vàn nỗi bực dọc, lo âu. Tiền lương có về đúng hạn; liệu đây có phải công việc bạn hằng mơ ước; có tìm được người thương như trong những câu chuyện ngôn tình… Tuy nhiên, có một thực tế là những điều kể trên sẽ chẳng là gì khi bạn nhận ra mục tiêu quan trọng nhất khi đi làm là tồn tại giữa chốn công sở đầy rẫy thị phi. 5 bộ phim dưới đây có thể cho bạn thấy một góc nhìn thật khác chốn văn phòng.
Not Alright But It’s Alright: Tưởng có việc là sẽ ổn, nhưng chẳng hề ổn một chút nào hết!
Là những câu chuyện của những “ma mới”; các bạn trẻ khó có thể làm quen được với tốc độ làm việc cùng deadline “sấp mặt” của sếp. Kim Ji An (So Joo Yun) là hình ảnh quen thuộc của hàng ngàn, hàng vạn những bạn trẻ đang phải nỗ lực tồn tại nơi làm việc hiện nay trong bộ phim Not Alright But It’s Alright (tạm dịch: Không Ổn, Nhưng Rồi Sẽ Ổn).
“Ưu điểm lớn nhất của tôi là có thể sẵn sàng sửa soạn trong vòng chưa đầy năm phút; nhưng nhược điểm của tôi chẳng thể nào dậy sớm để đi làm đúng giờ”. Căn bệnh thế kỉ này chắc chắn là nỗi sợ hãi của không ít bạn trẻ thời nay. Nghe thấy tiếng chuông báo thức nhức óc rồi bất chợt liều mình; “mình có thật sự cần công việc này không nhỉ ?” Và rồi lại nghĩ đời còn dài lắm; trùm chăn ấm tiếp tục say giấc nồng và mặc kệ sự đời…
Rồi cứ như vậy, chẳng biết tới khi nào chúng ta mới sẵn sàng trưởng thành để đối mặt với cuộc sống. Những tưởng cuộc đời nhẹ nhàng và tươi đẹp lắm; cho đến khi nhận ra thực tại khó khăn và vất vả đến nhường nào. Nỗi sợ hãi vì phim kinh dị sẽ chẳng thể nào bằng tiếng chuông báo thức mỗi sáng thứ Hai. Nỗi sợ hãi với bóng tối sẽ chẳng còn hề hấn gì với tiếng giục deadline của sếp.
Nhiều lúc cảm thấy mình thuộc về … sao Hỏa; khi con người ta bắt đầu chẳng thể hiểu nổi đối phương đang muốn điều gì ở bản thân mình. Not Alright But It’s Alright (tạm dịch: Không Ổn, Nhưng Rồi Sẽ Ổn) hội tụ tất tần tật về thực tại chốn công sở; khi một cô gái trẻ buộc phải học cách đối mặt với sự khắc nghiệt của cuộc sống; cuộc sống của một người trưởng thành; không còn là sự chở che, bao bọc của bố mẹ thuở ngày nào nữa.
Miss Independent Ji Eun: Không có kẻ thù thì chẳng thể gọi là chốn công sở!
Phụ nữ chính là “hình thái” khó hiểu nhất trên vũ trụ. Sự đố kị, ganh ghét chính là “gia vị”, là thứ khiến cuộc sống thêm phần mặn mà và “drama” của con gái Miss Independent Ji Eun (tạm dịch: Quý Cô Độc Lập Ji Eun); chính là minh chứng cho nỗi thống khổ của những cô gái mặc kệ sự đời; nhưng vẫn buộc phải đối mặt với những “người con đất mẹ”; luôn tìm cách “đâm chọt” vào cuộc sống vốn dĩ bình yên của những người con gái chẳng mấy quan tâm đến việc ganh đua, “vùi dập” lẫn nhau.
My Ahjusshi: Muốn tồn tại ở nơi công sở dài lâu? Đừng có hiền và lúc nào cũng là người tốt bụng!
Ngồi tại bàn làm việc giữa nơi văn phòng im ắng, chỉ toàn là tiếng lách cách của bàn phím; là tiếng máy photo; là tiếng thở dài trong mỗi “ô tù giam lỏng”; bạn có bao giờ nghĩ tới việc đang có bất cứ ai đó; thậm chí là cả sếp của mình, lên “mưu đồ” đẩy bạn đi khỏi nơi làm việc chán ngắt ấy chưa? My Ahjusshi (tạm dịch: Quý Ông Của Tôi) chính là hồi chuông cảnh tỉnh, báo hiệu bạn buộc phải đề phòng tới những điều diễn ra xung quanh tại nơi mình làm việc.
Ấy vậy mà Park Dong Hoon (Lee Sun Kyun) buộc phải đối mặt với điều đó mỗi ngày. Nghiệt ngã hơn nữa, sếp của Park Dong Hoon lại chính là đàn em khóa dưới Do Joon Young (Kim Young Min); người đàn ông đang ngoại tình với vợ mình. Đó chính là lí do mà Do Joon Young muốn đuổi Park Dong Hoon; một nhân viên tài năng, biến mất khỏi công ty. Còn điều gì “chua chát” hơn cuộc sống của Park Dong Hoon nữa? Chưa kể, có một người phụ nữ lạ mặt lắng nghe mọi bí mật trong cuộc sống của Park Dong Hoon; lấy những điểm yếu của anh làm sự trao đổi. Người phụ nữ ấy nỗ lực thay đổi cuộc sống đau đớn, khổ sở của chính mình bằng nỗi đau của người khác.
Misaeng: Đồng nghiệp sẽ cho bạn biết thế nào là “mùi đời”
Đối với những sinh viên “chân ướt chân ráo” mới rời cổng trường đại học;Misaeng(tạm dịch: Mùi Đời) sẽ cho bạn biết thế nào là thực tế nghiệt ngã của cuộc sống. May mắn có được công việc với mức lương gọi là “tạm ổn”, nhưng dù có cố gắng và chăm chỉ đến thế nào, mọi nỗ lực của một “lính mới” sẽ chẳng dễ dàng được công nhận.
Misaeng chẳng phải đơn giản là một bộ phim khắc họa câu chuyện, tình huống hàng ngày tại nơi công sở. Khán giả sẽ dễ dàng nhìn thấy được bản thân mình ở mỗi nhân vật trong Misaeng. Bên cạnh Jang Geu Rae (Im Si Wan) là trưởng phòng Oh Sang Shik (Lee Sung Min); một người đàn ông khó với tới chức cao vì tư tưởng đối lập với sếp. Quản lý Sun Ji Young (Shin Eun Jung); một người phụ nữ khó có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình.
Và cũng chẳng hề thiếu đi những câu chuyện khiến mọi người gật đầu đồng cảm, sự khó khăn của thực tập sinh “thấp cổ bé họng” tại những doanh nghiệp lớn; nhân viên gạo cội cố cống hiến để rồi chẳng có kết quả gì; sự bấp bênh trong sự nghiệp của bất cứ ai khi bước chân vào chốn công sở… tất cả đều được thể hiện vô cùng rõ nét.
I Hate Going to Work: Đúng vậy. Chính xác là tôi ghét đi làm đến chết đi được!
I Hate Going to Work (tạm dịch: Tôi Ghét Đi Làm) chính là cú “chốt hạ” cho nỗi thống khổ của toàn thể anh em bạn dì đang phải đối mặt với cuộc sống bức bối nơi công sở. Lời tuyên bố thẳng thừng và cực kì dứt khoát “Tôi ghét đi làm!” chính là giọt nước tràn li của một bộ phận không nhỏ nhân viên văn phòng hiện nay. Bộ phim như “đi guốc trong bụng” mọi nỗi khổ, sự lo lắng và cả những suy nghĩ và tâm tình ẩn giấu trong những người đang vật lộn với cuộc sống văn phòng.
Những bữa tiệc công ty không hồi kết, những cuộc gọi “kinh hoàng” giữa đêm khuya về những công việc chưa hoàn thành. Còn đâu là tự do cả những ngày chủ nhật; những ngày nghỉ lễ vốn dĩ được hưởng sự thảnh thơi bỗng chốc tan thành mây khói. Sếp “alo”, nhân viên trả lời; tất cả đều là vòng xoáy không hồi kết; là nỗi ám ảnh của bất cứ nhân viên nào đang làm việc tại chốn công sở ngày nay.
Tạm kết
Dẫu biết bất cứ nghề nghiệp, nơi làm việc nào cũng có nỗi khổ của riêng mình; tuy nhiên; công sở luôn được coi là “chốn cầm tù” của bất cứ ai đã từng bước chân vào đó. Vấn đề này đã được sử dụng triệt để trong bối cảnh phim Hàn, đây là thử thách mà người hiện đại phải cố gắng vượt qua mỗi ngày. Suy cho cùng, tất cả là vì miếng cơm manh áo, cho bản thân và cho gia đình.
Tuy vậy, những điểm sáng về tình đồng nghiệp, tình yêu nảy nở giữa những khó khăn; hay những bài học đầy ý nghĩa đã phần nào giúp khán giả vẫn còn nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm”. Những bộ phim trở thành lời khích lệ, cổ vũ cho sự nỗ lực cống hiến của những nhân viên văn phòng thời đại ngày nay.
(Theo Kenh14)