Lại một mùa thực tập và tốt nghiệp tới. Thêm một niên khóa sinh viên chuẩn bị ra trường. Có rất nhiều lựa chọn cho các bạn trẻ giai đoạn này: học tiếp lên Thạc sĩ, gap year một thời gian để nghỉ ngơi và tôi dám đặt cược, phần lớn còn lại sẽ đi tìm cho mình một công việc, bắt đầu một giai đoạn mới vô cùng quan trọng của cuộc đời… Ấy thế mà nhiều sinh viên lạ lắm. Đi làm kinh nghiệm không có, kỹ năng mềm yếu kém nhưng bị mắng lại hờn dỗi đòi bỏ việc. Sinh viên ơi, các bạn đang nghĩ gì?
Khi còn ngồi trên giảng đường, chắc hẳn không có bạn sinh viên nào không mơ ước sau này tốt nghiệp sẽ có được một công việc tốt, gặp sếp tâm lý, đồng nghiệp thân thiện, môi trường làm việc chuyên nghiệp, thu nhập từ 8 chữ số,… Tuy nhiên, ước mơ thì nhiều nhưng số người cố gắng trau dồi kỹ năng, phát triển bản thân để phù hợp với môi trường làm việc các bạn mong muốn lại ít một cách kỳ lạ. Hãy thử tưởng tượng, trong một bộ máy làm việc có quy trình trơn tru, các bộ phận liên quan với nhau; và liên quan trực tiếp với hiệu quả kinh doanh của công ty; bỗng dưng có một mắt xích bị hỏng, bị yếu, liệu bộ máy vận hành còn tốt hay không?
Ngày đi học thì ao ước được đi làm cho bớt chán nản. Nhưng mỗi lần thầy cô hỏi bài thì ấp úng: Em không biết. Bạn không có kiến thức thì bạn làm được gì? Đến khi đi làm thực tế, sếp hỏi cũng trả lời như “ngậm hột thị”: Em không biết. Đến cuối cùng, sinh viên đã học được gì? Các bạn có nghĩ mình nên tìm hiểu thêm những thứ bên ngoài; những điều nằm ngoài sách vở; những kinh nghiệm tự bản thân các bạn trải qua; những kỹ năng giúp hoàn thiện bản thân mình hay không?
Sinh viên mới đi làm kinh nghiệm bằng không, kỹ năng mềm còn yếu. Thế nhưng bị sếp mắng thì dỗi đòi bỏ việc. Một thái độ rất tồi. Nhiều lúc nghĩ, nếu tôi còn là một sinh viên, tôi sẽ hành xử thật khác với nhà tuyển dụng. Việc trau dồi kỹ năng mềm đối với sinh viên đã là chuyện xưa như Trái Đất. Nó cũ mèm tới mức truyền thông, sách báo, mạng xã hội nói ra rả suốt ngày.
++ Mẫu CV gây ấn tượng, tăng 80% cơ hội được gọi phỏng vấn
Học cách làm việc có trách nhiệm; học cách xin lỗi khi làm sai; học cách lắng nghe và giao tiếp với đồng nghiệp; học cách chủ động với công việc là điều sinh viên nên hiểu trước khi rời khỏi ghế nhà trường. Nắm vững cách gõ một văn bản đúng chuẩn, làm một hàm Excel chính xác, biết thuyết trình và tự làm slide bằng Powerpoint,… tất cả không khó.
Thử đặt mình là một nhà tuyển dụng, bạn nghĩ sao nếu bạn hỏi nhân viên của mình về công việc mà chỉ nhận lại một câu trả lời: “Em không biết”. Và để ngụy biện cho câu nói này, nhiều sinh viên đã thẳng thừng: “Em có được dạy đâu mà biết.” Tại sao trong trường các bạn không học tử tế; thầy cô không dạy thì tự học. Có vô vàn cách khác nhau để các bạn tìm hiểu và học hỏi.
Trong trường hợp khả năng của bạn có hạn và muốn nhận được sự giúp đỡ của các bậc tiền bối; hãy thay đổi cách truyền đạt sang một kiểu nói chuyện khéo léo và mang tinh thần cầu tiến hơn. “Anh/chị có thể chỉ cho em cách làm được không?” Thay đổi cách giao tiếp có thể sẽ mang lại cho các bạn nhiều giá trị tích cực hơn. Nhất là với nhiều bạn sinh viên khả năng giao tiếp còn khá yếu.
>> Xem thêm: Vì sao dù dễ đào tạo nhưng 66% nhà tuyển dụng vẫn từ chối ứng viên mới ra trường?
Một vấn đề tiếp theo mà phần lớn sinh viên mắc phải đó là tin học văn phòng. Không cần quá cao siêu, chỉ cần nắm được những điều căn bản bạn cũng đã đủ để bạn phòng thân nơi công sở. Soạn thảo một văn bản chỉn chu, biết căn lề chuẩn, sử dụng phông chữ thống nhất và đồng đều; lập bảng tính Excel với hàm chính xác,… Những điều cơ bản thế này, các bạn không làm được thì ai tin tưởng giao cho bạn những nhiệm vụ lớn hơn.
Có một thực trạng nữa mà các sinh viên hay mắc phải là căn bệnh “ảo tưởng sức mạnh” cố hữu. Tưởng chừng như đã là một vấn đề quá cũ, nhưng việc tự tin thái quá và không biết lắng nghe làm cản trở sự nghiệp của các bạn rất nhiều. Từ bé tới lớn, chúng ta vẫn thường được dạy là nên khiêm tốn. Với vị trí là một sinh viên mới ra trường; kinh nghiệm gần như bằng không; kỹ năng còn thiếu, điều cần nhất ở các bạn là chịu khó lắng nghe và học hỏi.
Khi đi làm, ai cũng phải làm quen với deadline. Có lẽ deadline cũng không lạ lẫm với sinh viên. Chỉ khác nhau là thời sinh viên, bạn trễ deadline người bị ảnh hưởng nhiều nhất là bạn.
Bạn có thể xin thầy nộp bài chậm, xin cô lùi deadline, thậm chí là thi lại, học lại. Khi đi làm, deadline gắn liền với hai chữ trách nhiệm, trách nhiệm với bản thân và với cả một tập thể. Bạn trễ deadline, bạn không hoàn thành đúng tiến độ công việc; đồng nghĩa với cả bộ máy hoạt động trơn tru của cả công ty sẽ bị ảnh hưởng bởi bạn.
Lại nói về trách nhiệm, cả một số lượng không nhỏ sinh viên thiếu mất cái gọi là chí tiến thủ và trách nhiệm trong công việc. Nếu các bạn có ý thức tự đặt trách nhiệm cho chính bản thân mình, biết nghĩ cho tập thể, dẹp cái tôi cá nhân còn quá hiếu thắng qua một bên; thì sẽ chẳng bao giờ có tư tưởng: Không làm được thì nghỉ, không có công ty này thì có công ty khác.
++ Nhà tuyển dụng và nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn tự tìm đến bạn
Bạn có bao giờ nghĩ nếu bạn thay đổi công việc xoành xoạch; bạn nuông chiều bản thân; hỏi nếu không đạt KPIs thì tính thế nào và câu trả lời tỉnh bơ: Thì em nghỉ việc; bạn có tiến bộ được không? Bạn có tích lũy được gì không khi vừa chưa ấm chỗ ở công ty này đã lại thấy đi xin JD ở công ty khác? Và bạn có chắc là còn ai muốn dạy dỗ, training cho bạn những kinh nghiệm, kiến thức khi bạn thích thì làm, không thích thì nghỉ một cách đầy bản năng và thiếu chuyên nghiệp?
Và cuối cùng, dù bạn thông minh tới đâu nhưng lười biếng và không cố gắng thì chẳng thầy cô nào quý. Đi làm có giỏi đến mấy nhưng bạn cứ khư khư giữ thái độ khó chịu, không tiếp thu, không lắng nghe, vô trách nhiệm thì chẳng ai ưa nổi. Mà một khi trình độ đã chưa cao thì đừng bao giờ nghĩ đến chuyện thái độ với người khác.
Suy cho cùng, đối với sinh viên, nhà tuyển dụng vẫn cần thái độ làm việc tốt trước khi bàn tới trình độ. Bởi trình độ có thể đào tạo và hướng dẫn qua thời gian. Nhưng với thái độ làm việc lồi lõm, vô trách nhiệm, bạn chỉ làm mất thời gian của chính mình và làm ảnh hưởng tới cả một tập thể. 2019 rồi, hãy là những sinh viên lịch sự, có trách nhiệm thay vì mãi là một đứa trẻ con to xác và ích kỷ.