Luật hiện hành không quy định tháng lương thứ 13, thực chất đây là khoản thưởng cuối năm của doanh nghiệp dành cho người lao động…Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa qua đã có văn bản yêu cầu các địa phương báo cáo về tình hình thưởng Tết năm 2021. Dù đến thời điểm này, báo cáo tổng hợp thưởng Tết của Bộ chưa được công bố, song mức thưởng cụ thể ở từng địa phương đã dần được hé lộ.
Theo nhận định của các chuyên gia, năm nay, kinh tế tăng trưởng khả quan nên nhiều khả năng mức thưởng Tết sẽ không thấp hơn năm ngoái. Thông thường các doanh nghiệp sẽ áp dụng mức thưởng tháng lương thứ 13 và có thể bổ sung khoản thưởng theo hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, thực chất về tháng lương thứ 13 này có phải là thưởng Tết hay không là vấn đề còn khiến người lao động băn khoăn.
Trao đổi với VnEconomy về vấn đề này, ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, thực chất tháng lương thứ 13 là khoản thưởng cuối năm của doanh nghiệp dành cho người lao động.
Theo ông Tiến, trên thực tế luật không quy định tháng lương thứ 13, nên doanh nghiệp có thể coi tháng lương thứ 13 là thưởng Tết. Việc có lương tháng 13 (tiền thưởng) sẽ dựa trên cơ sở thỏa thuận của người sử dụng lao động với người lao động thông qua hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, đặc biệt là còn căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp.
“Đây là vấn đề tự nguyện, câu chuyện này là vấn đề thương lượng dựa trên mặt bằng giá cả trên thị trường để doanh nghiệp chi trả thưởng cuối năm cho người lao động, chứ không có luật nào quy định bắt buộc doanh nghiệp cả”, ông Tiến phân tích.
Tuy nhiên, việc thưởng dù do người sử dụng lao động quyết định song phải được công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
>>> Xem thêm : Công ty không thưởng Tết, vác đơn đi kiện được không?
Dù vậy, ông Tiến cũng cho rằng, nếu doanh nghiệp chi trả lương, thưởng quá thấp thì không thể giữ chân người lao động, ngược lại một doanh nghiệp có chế độ đãi ngộ tốt thì sẽ giúp người lao động có động lực làm việc và gắn bó lâu dài.
Đồng quan điểm, luật sư Đặng Thị Vân Thịnh (Đoàn Luật sư Tp Hà Nội) cũng cho rằng, Bộ luật Lao động động hiện hành không có quy định về trả lương tháng 13, do đó, việc trả lương tháng 13 không phải là quy định bắt buộc.
Theo quy định tại Điều 103 về tiền thưởng tại Bộ luật Lao động 2012, tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.
Trên cơ sở đó, luật sư Đặng Thị Vân Thịnh cho rằng, nếu doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thì không bắt buộc phải thưởng, trừ trường hợp có quy định về việc thưởng Tết và tháng lương thứ 13.
Điều đó được ghi nhận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động cơ sở…
Theo luật sư, nếu muốn biết doanh nghiệp vi phạm trong việc nhập nhèm giữa thưởng Tết và lương tháng thứ 13 hay không thì cần phải xem xét trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế thưởng của người sử dụng lao động có quy định riêng rẽ từng khoản hay không?
Nếu có quy định lương tháng thứ 13 và cả thưởng Tết mà doanh nghiệp chỉ trả 1 trong 2 khoản là đã có sự vi phạm pháp luật.
“Nếu không có quy định gì thì việc người sử dụng lao động quyết định thưởng thế nào là việc họ căn cứ vào mức độ hoàn thành công việc của người lao động và kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, luật sư Đặng Thị Vân Thịnh cho biết.
Theo VnEconomy